Nhân nhận được lá thư thứ tư của bạn đọc Vũ Nguyên về việc phạm quy trong cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL 2008, nhà
văn Khôi Vũ (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang công tác tại Đồng Nai) đã viết vài ý kiến. BÔNG TRÀM giới thiệu những ý kiến nói trên của nhà văn Khôi Vũ, mời bạn đọc tham khảo và tiếp tục theo dõi diễn biến sự việc.
Khi đưa lên blog lá thư thứ nhất của Vũ Nguyên, khoivudongnai đã nghĩ Ban tổ chức cuộc thi sẽ không trả lời vì sự việc diễn ra từ 3 năm trước, Ban tổ chức và ban giám khảo đã giải thể. Nhưng KV sai vì sau đó có thư trả lời của nhà thơ Hữu Nhân, đại diện (?) cho BTC. Nội dung thư vừa đi vào nội dung thư của Vũ Nguyên, gián tiếp trả lời rằng BTC và BGK cuộc thi "có quyền" làm theo ý của mình; lại vừa nêu ra một yêu cầu không được mọi người ủng hộ là đòi Vũ Nguyên phải công khai họ tên thật, với ý nghĩ rằng lá thư thứ nhất ký tên Vũ Nguyên chỉ là thư "nặc danh". Đến đây thì sự việc bắt đầu chuyển qua một tình thế mới. Và, chuyện dẫn dần đến lá thư thứ tư của Vũ Nguyên.
Chuyện sai sót trong các cuộc thi văn nghệ (cả văn chương và nghệ thuật), cũng như chuyện có nhiều ý kiến khác nhau về tác phẩm được giải, không phải là chuyện "xưa nay hiếm" mà còn ngược lại, khi những "chuẩn" để thẩm định, đánh giá thường có độ chênh giữa từng giám khảo. Có người bảo rằng, những cuộc thi văn nghệ là... vô duyên, vì nó giống như cuộc thi tiếng hót giữa các loài chim khác nhau. Nhận xét ấy có phần đúng nhưng các cuộc thi vẫn có nhiều mặt tác dụng mà xã hội nói chung, làng văn nghệ nói riêng, cần có. Đó là việc phát hiện những tài năng mới, là tìm kiếm tác phẩm có giá trị (lâu dài hay nhất thời)... Tuy nhiên, có một "chuẩn" không thể có độ chênh, đó là thể lệ của mỗi cuộc thi.
Từng là người tham gia khi thì tổ chức, khi là giám khảo nhiều cuộc thi văn nghệ tại địa phương, chúng tôi nhận ra một điều là phần đông văn nghệ sĩ (dù có tài năng trong sáng tạo) thường rất "lơ mơ" trong khâu tổ chức. Thường thì cái "tình" lấn át cái "lý" khi họ thẩm định. Khi đã ưng tác phẩm nào rồi là sẵn sàng "cho qua" những "hạt sạn" quanh nó, kể cả việc phạm quy! Vậy mới nên nỗi!
Nhưng cách xử lý của mỗi Ban tổ chức cuộc thi khi có sự cố (được phát hiện từ người trong cuộc hoặc từ dư luận) lại rất khác nhau. Sự khác nhau ấy xuất phát từ tầm vóc cuộc thi, quan điểm của tập thể hoặc cá nhân đại diện Ban tổ chức, trình độ nhận thức của người trong cuộc... Có điều, dù cách xử lý có thế nào, thì sự cố từ chỉ một số ít người biết cũng trở thành được nhiều người biết. Không phải ai cũng đồng tình với ý kiến phản bác phần nào đó cuộc thi, vẫn có những ý kiến bênh vực hoặc ủng hộ. Dù thế nào thì uy tín chung của cuộc thi cùng ban tổ chức và ban giám khảo, không nhiều thì ít vẫn bị suy giảm, hoặc chí ít cũng bị những người quan tâm đặt dấu hỏi. Đó là thiệt hại rõ nhất.
Nhiều sự cố trong các cuộc thi đã được nêu ra trong thời gian qua, kể cả những vụ đạo văn trắng trợn (mới nhất là vụ "tác giả" Lê Thủy ở Đăk Nông liên tục sử dụng truyện ngắn của người khác và đề tên mình), dư luận ồn ào một thời gian rồi cũng chìm vào im lặng. Vì quả thật, dư luận có thế nào thì cũng vẫn chỉ là dư luận, không mang tính pháp lý để có một sự phân xử rõ ràng. Chắc chắn những người trong cuộc rất bức xúc khi nghĩ rằng sự việc cuối cùng chẳng đi đến đâu cả!
Chúng tôi lại nghĩ là có "đến" đấy! Đó là những kinh nghiệm được tích lũy cho các cuộc thi sau.
Chỉ buồn là lòng tự ái quá cao của những người lẽ ra chỉ cần giải trình thực tế và nói một lời nhận lỗi.
KHÔI VŨ
________________________________
ĐỂ TIẾP TỤC THEO DÕI VỤ VIỆC NÀY, MỜI BẠN ĐỌC VÀO LINK SAU
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét