Khi Điển khép cửa ra về, còn lại một mình, Thơ mới cảm thấy mình có được những giây phút bình yên đầu tiên. Căn phòng sơn màu tím nhạt, rèm buông che cửa sổ cũng màu tím làm cho chiếc bàn, cái tủ quần áo và tấm dra trải giường màu ánh trăng nổi bật lên. Ở một góc phòng, cô thấy có cái tủ lạnh nhỏ sơn màu trắng, phía trên một bức tường gắn máy điều hòa, cả hai cùng nhả ra tiếng máy nhè nhẹ, đều đều như để ru ngủ.
Lần đầu tiên trong đời, Thơ được ở trong một căn phòng khách sạn như thế này. Với cô, đây là sự hưởng thụ văn minh, hiện đại, sang trọng đầu đời. Nhưng, như lời Điển nói, trưa mai anh sẽ quay lại để trả phòng và cô phải về lại phòng trọ của mình, sau hai ngày “về quê dự đám cưới em trai ruột” – lý do mà cô nêu ra để xin Công ty cho nghỉ đột xuất.
Một buổi chiều thật khủng khiếp đã đến với cô. May mà nó đã qua đi như một cơn ác mộng. Đó là nói về cái việc diễn ra ở nhà của bà bác sĩ có thân hình vạm vỡ như của một người đàn ông làm rừng quê Thơ. Bà còn có cặp mắt nhìn người khác như muốn soi thấu tận tâm can, tận cả nỗi sợ hãi vừa xuất hiện trong đầu cô khi cô ngần ngại bước vào căn phòng phía trong, sát phòng khám bệnh. Khi ấy, Điển phải ở lại bên ngoài. Trong căn phòng sực mùi ête không khác gì ở bệnh viện, một cô y tá cũng lực lưỡng như bà bác sĩ đã đợi sẵn. Họ, hai người phụ nữ ấy, trong một khoảng thời gian không lâu lắm, đã “đục khoét” thân thể Thơ để lấy ra cái mà cả cô và Điển cùng sợ nó lớn lên rồi có mặt trong cõi đời này. Sự đau đớn của thể xác có lúc khiến Thơ tưởng như mình sẽ phải chết đi ngay sau đó vài giây. Chỉ đến khi nghe cô y tá lực điền nói: “Xong rồi đó!”, Thơ mới chắc chắn là mình còn sống.
Sáng sớm, Điển đã nói với Thơ: “Em đừng lo. Mọi chuyện anh đã tính đâu vô đó cả rồi. Em chỉ ráng chịu đau một lúc rồi về khách sạn nghỉ ngơi một đêm lấy lại sức là hôm sau có thể đi làm lại bình thường”. Nghe cứ như Điển đã có nhiều kinh nghiệm về việc này! Thơ tin lời Điển. Cùng lắm thì cô chịu tiếng không chồng mà có con, chứ phần anh ta, nếu mọi người biết sự thật, chắc chắn anh ta sẽ bị kỷ luật ở cơ quan, gia đình cũng không tránh khỏi xào xáo, biết đâu còn dẫn đến chuyện chia tay với vợ. Trước đó, Điển có trách cô sao không báo cho anh ta biết sớm để có thể lo liệu chóng vánh, nhẹ nhàng hơn. Thơ cảm thấy mình có lỗi vì quả thật cô không có chút kinh nghiệm nào. Cả đến khi nhìn kết quả que thử mà Điển mua ở nhà thuốc tây đem đến, cô vẫn chưa thể tin chắc là mình đã có thai, Điển tính ra là hơn hai tháng.
Hãy ngủ một giấc ngon lành! Thơ tự nhủ mình khi nằm trên cái giường rộng mét sáu, nệm êm, dra sạch và thơm, xem ra còn hơn mấy bậc so với cái giường trong phòng ngủ nhà Điển mà mấy lần cô đã từng nằm trên đó cùng anh.
Nhà Điển chỉ là một căn nhà cấp bốn nhưng đầy đủ tiện nghi. Phòng khách rộng cũng là nơi anh dạy hát, có chiếc đàn dương cầm được xem là quý giá nhất. Phòng kế là phòng ngủ của vợ chồng anh và đứa con gái ba tuổi, đã đi nhà trẻ. Cuối cùng là căn bếp dài những sáu mét mà anh nói trong tương lai sẽ ngăn ra làm một phòng ngủ cho con.
Hôm Thơ tìm đến nhà Điển cùng hai cô bạn chung phòng trọ, anh đã tiếp họ ở phòng khách, đầy ngỡ ngàng khi ba cô gái hỏi: “Thầy có phải là thầy Kiển không ạ?”. Anh đính chính: “Không, tôi tên Điển, không phải Kiển”. Thơ nhìn hai cô bạn dò ý. Một cô nhanh nhảu: “Dạ đúng rồi... Bọn em tìm thầy Điển... Xin lỗi thầy vì bọn em đã nhớ sai tên thầy...”.
Điển lấy nước đun sôi trong tủ lạnh ra mời khách. Bọn Thơ thay nhau nói. Nào “Bọn em nghe tiếng thầy từ lâu, bữa nay mới đánh bạo tìm đến gặp”. Nào “Ba đứa em đều là công nhân đi làm xa nhà, đều còn độc thân, rất mong muốn có một tương lai khá hơn cuộc sống hiện tại...”. Rồi “Mấy chị bạn giới thiệu đều khen là thầy rất giỏi, nói gì trúng nấy”. Và cuối cùng là “Xin thầy bớt chút thì giờ coi cho bọn em, xem tương lai hậu vận thế nào...”.
Điển có mái tóc dài phủ gần vai như con gái, gương mặt hơi gầy với nước da trắng làm bật lên đôi môi hồng một cách kỳ lạ. Đôi mắt của anh sáng và đôi lúc lại rực lên như lửa cháy bùng dưới cặp lông mày rậm. Hàm râu quai nón của anh có lẽ được cạo sạch mỗi ngày vẫn khiến gương mặt anh đầy nam tính. Thế mà anh lại được giới thiệu là một thầy tướng số giỏi mới từ Đà Lạt dọn về khu Xóm Tràm này.
- Này, các cô vừa nói gì thế? Xem tương lai hậu vận ư?
Vẫn cô bạn nhanh nhảu lên tiếng:
- Dạ, bọn em biết thầy rất bận, nhưng bọn em tha thiết xin thầy bớt chút thì giờ... Ba đứa chỉ xin thầy mỗi đứa năm phút thôi ạ...
Điển bật cười:
- Tôi hiểu rồi. Có lẽ người mà các cô muốn tìm đúng là tên Kiển. Đó là một ông thày bói, thầy tử vi, tướng số gì đó phải không? Nếu vậy thì các cô đã tìm lầm người rồi. Tôi tên Điển, chỉ biết dạy hát chớ có biết gì đâu về việc đoán tương lai, hậu vận...
Sáu con mắt của bọn Thơ tròn xoe, ngơ ngác rồi ngượng ngùng cúi xuống vì sự lầm lẫn của mình. Cả ba cùng đứng lên và Thơ thay mặt ấp úng nói với chủ nhà:
- Bọn em... dạ... bọn em xin lỗi... Tại người ta chỉ là cứ tới khu Xóm Tràm này tìm nhà nào có tấm bảng đề tên thầy thì gõ cửa vô là đúng...
- Có lẽ ông thầy Kiển nào đó mới dọn tới Xóm Tràm này nên tôi không biết, chứ biết, tôi sẽ chỉ cho các cô ngay. Hay là thế này, để tôi dẫn các cô đi tìm vậy. Xóm này nhiều ngõ ngách, người lạ đi dễ bị lạc lắm...
- Dạ thôi... Bọn em cảm ơn thầy. Bọn em tự đi tìm cũng được... Dạ... Xin phép thầy...
Tiễn khách ra tận cổng, nơi có tấm bảng ghi: “Nhà thầy Điển”, Điển còn nói thêm: “Vụ tương lai hậu vận thì tôi chịu. Nhưng nếu cô nào thích học hát thì cứ tới đây, tôi hứa sẽ dạy tận tình”.
Hôm ấy, bọn Thơ đã quay về phòng trọ mà không đi tìm ông thầy tướng số tên Kiển nữa. Tuần sau, khi hai cô bạn rủ, Thơ đã từ chối không đi để rồi khi nghe họ kể lại là đã tìm được nhà thầy Kiển và khoe “thầy coi rất hay, nói rất trúng”, thì Thơ tiếc. Cô quyết định đi tìm thầy Kiển một mình. Lần đi tìm ấy, Thơ bị lạc và cuối cùng như một định mệnh, cô đã trở lại đúng căn nhà có tấm bảng ghi “Nhà Thầy Điển”. Lúc ấy Điển đang dạy hát, trông thấy Thơ và gọi cô vào nhà, giới thiệu mấy người học trò cả nam lẫn nữ của anh cho cô làm quen. Chính trong lần gặp lại ấy, anh đã bảo cô thử hát một bài xem chất giọng thế nào. Cô từ chối mãi không được đành phải hát một câu trong bài "Tình đất đỏ miền Đông". Nghe xong, Điển vỗ tay thật lớn và nói: “Với giọng ca này mà được tập luyện, vô chung kết cuộc thi Giọng hát hay huyện mình là cái chắc”.
Đó đúng là một ngày định mệnh của Thơ!
***
Thơ thiếp đi được một thời gian thì tỉnh giấc và không sao ngủ tiếp được nữa. Chiếc đồng hồ điện tử đeo tay của cô chỉ đúng chín giờ tối. Cô thấy bụng đói và tự bảo mình đành phải nhịn đến sáng mai, khi Điển trở lại. Nhưng khi ngồi dậy thì Thơ thấy hộp cơm để trên đầu tủ lạnh. Điển đã tới trong lúc cô ngủ và không muốn phá giấc ngủ của cô nên đã để lại hộp cơm.
Không phải hộp cơm mà là hộp mì xào lòng gà, cải đắng, món ăn Thơ ưa thích. Lại có cả lon nước nha đam. Thơ bước vào phòng vệ sinh để rửa mặt mà mỗi bước chân lại thấy ê ẩm cả phần bụng dưới. Không biết trưa mai về phòng trọ, cô có giấu được hai cô bạn chung phòng chuyện đã xảy ra với mình không? Rồi sáng mốt, khi đi làm lại, có ai trong công ty phát hiện ra chuyện gì về cô? Vừa ngồi ăn, Thơ vừa xem ca nhạc trên truyền hình. Bao giờ cũng thế, cô luôn ưu tiên chọn kênh truyền hình phát chương trình ca nhạc, kế đó mới là phim tình cảm Hàn quốc. Điển từng nói với cô: "Em như có nhạc chảy trong máu". Điển nói văn vẻ, tuy Thơ không thể hiểu hết ý nghĩa của câu nói nhưng cũng biết là anh khen cô có khiếu ca hát. Lần ấy, cô đã tự bảo mình sẽ phải tìm cho bằng được ông thầy Kiển để xem một quẻ, coi có đúng là cô sinh ra dưới một ngôi sao ca nhạc hay không?
Dù gì thì Thơ cũng không uổng công đi học hát ở nhà Điển mấy tháng trời. Cuộc thi Giọng hát hay của Huyện năm qua, lần đầu tiên cô đăng ký dự thi đã được chọn vào ngay vòng chung kết và giành được vị trí đầu tiên của mấy giải khuyến khích. Giải thưởng là năm trăm ngàn, không lớn lắm nhưng quả không thể coi là nhỏ với thu nhập của Thơ. Khao bạn bè hết một trăm, còn bốn trăm, cô ra bưu điện gửi cả về cho cha, dặn phải ưu tiên may áo mới cho thằng Ngọ. Sau cuộc thi ấy, Thơ còn được Điển đăng ký cho thi hai cuộc thi khác, một dành cho học sinh - sinh viên mà Điển đăng ký cho Thơ là "sinh viên cao đẳng" còn một là cuộc thi dành cho công nhân thuộc khu công nghiệp Huyện. Hai lần lên sân khấu tranh tài ấy, Thơ đều đoạt giải: một lần là giải khuyến khích và một lần là giải ba. Lần nào có tiền thưởng cô cũng đều mua quà đến biếu Điển nhưng anh luôn từ chối, bắt cô phải đem về. Anh nói: "Chừng nào em đoạt giải nhất thì tôi nhận quà". Ngưng một chút, anh nói tiếp: "Nhưng tôi nói thiệt, em đừng có buồn. Khó đấy! Bởi một lẽ mà tôi chắc rằng em không thể khắc phục được". Thơ tò mò muốn biết cái lẽ gì mà Điển nói là cô không thể vượt qua được? Nhưng anh cứ tìm cách nói tránh qua chuyện khác. Tận đến một lần nọ Thơ làm mặt giận, Điển mới chịu tiết lộ cái bí quyết khó nói kia. Mà quả là nó khó nói ra thật. Điển nói ngắt quãng, đầy vẻ ngại ngùng trong khi Thơ nghe đến đâu, mặt đỏ bừng đến đó! Điển nói: Con gái phải mất trinh, thành đàn bà thì giọng hát mới đạt đến độ chín trăm phần trăm và mới có hy vọng chiếm được giải nhất các cuộc thi ca hát!
Phải thành đàn bà ư? Thơ phân vân mãi với câu hỏi: Điển nói thật hay muốn lừa dối cô?
Ở cuộc thi kế tiếp nhân ngày lễ tình nhân, Điển lại ghi tên cho Thơ dự thi. Xem danh sách không thấy có nhiều “đối thủ” nặng ký mà mình từng gặp, Thơ rất hy vọng sẽ chiếm được một giải chính thức trong số một nhất, hai nhì, ba ba. Quả nhiên cô được vào chung kết cùng mười một thí sinh khác. Cô dành nhiều thì giờ để luyện tập hai bài “tủ”, tự thâm tâm muốn chứng minh cho thầy Điển thấy là cô vẫn có thể giành giải nhất mà không cần thành... đàn bà! Ở vòng thi bài tự chọn, Thơ đã có điểm trung bình cao nhất. Bám sát cô là một cô gái mà lần đầu tiên cô mới gặp trong một cuộc thi, có cái tên rất lạ: Mơ Thu! Thực ra, khi nghe Mơ Thu hát xong, Thơ đã tự đánh giá là còn thua mình khá xa. Nhưng trong số 5 bảng điểm được giơ lên, có một bảng điểm cho vượt hơn tới 1 điểm, nghĩa là điểm trung bình của Mơ Thu tăng lên đến 0,2. Nhiều tiếng ồ vang lên trong số hàng trăm khán giả đến xem, không rõ là bất ngờ vì thán phục hay vì nghi hoặc! Qua vòng thi bài quy định, Mơ Thu vẫn thi sau Thơ. Bài hát của cô gái lạ này là một bài dễ hát, theo thầy Điển thường nói thì chỉ là loại bài để biểu diễn chứ không phải bài để đi thi vì nó không có đoạn nào có độ khó để thí sinh phô diễn tài năng và qua đó giám khảo chấm điểm cao! Đứng dưới sân khấu ở khu vực dành cho các thí sinh, một thí sinh nam đã nói nhỏ với Thơ: “Chúc mừng em. Mơ Thu hát còn thua em xa...”. Lòng Thơ cũng mừng khấp khởi.
18,50 – 18,60 – 18,40 – 18,50 và... 19,50! Năm bảng điểm được MC lần lượt xướng lên. Tiếp theo là những tiếng ồn ào từ bên dưới khán giả. Thơ chết điếng. Anh bạn cùng thi kêu lên: “Sao kỳ vậy?”...
Muốn gì thì kết quả cũng không thay đổi: Mơ Thu đã giành giải nhất vào phút chót từ trong tay của Thơ! Lúc lên nhận giải nhì, nước mắt Thơ chảy dài trên má...
Sau cuộc thi, Thơ không khỏi tò mò muốn biết về Mơ Thu nên đã chủ động làm quen. Thật bất ngờ khi Mơ Thu nói cô là học trò của thầy Điển! Có lẽ do mới học, lại học khác buổi nên Mơ Thu không biết Thơ. Cô khen thầy Điển không hết lời. Cuối cùng còn ra vẻ bí mật tiết lộ với Thơ: “Thầy Điển có bí quyết độc chiêu lắm chị ơi!”. Thơ lờ mờ đoán là Mơ Thu muốn nói gì...
***
Thơ trở lại Công ty làm việc. Rất may là không ai nhận ra sự khác biệt nào nơi cô. Hai cô bạn chung phòng trọ cũng như mọi người. Họ hỏi thăm Thơ về “đám cưới cậu em trai” và Thơ đã trả lời: “Vui lắm, nhưng Thơ phải phụ gia đình lo đám xá nên cũng mệt lắm!”...
“Em khỏe hẳn chưa?”. Một tuần lễ sau Điển mới nhắn tin hỏi Thơ. Thơ trả lời và hỏi lại sáng chủ nhật này cô tới nhà anh được không? Điển nhắn: “Chủ nhật này gấu mẹ của anh ở nhà”.
Tuần lễ sau, sau nữa, và sau nữa... Điển vẫn không cho Thơ đến chơi. Anh nhắn: “Em nên dành thời gian cho việc nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe. Để còn giành giải nhất cuộc thi Giọng hát công nhân xa nhà cuối năm nay chớ!”. Thơ nghĩ rằng Điển có lý. Sức khỏe là yếu tố quan trọng giúp giọng hát được thăng hoa hơn. Nó chính là một phần quan trọng giúp Thơ lần đầu tiên trong đời, giành được giải nhất cuộc thi hát dịp hè vừa qua. Thật hạnh phúc khi đứng giữa sân khấu nhận bó hoa lớn và đẹp nhất, giấy chứng nhận được lồng khung trang trọng mà phía sau có gắn bao thư tiền thưởng lên đến ba triệu đồng trong tiếng vỗ tay của mọi người... Điển đã nói đúng. Từ sau khi Thơ quyết định trở thành đàn bà với chính ông thầy dạy nhạc của mình, giọng hát của cô coq vẻ như đã đổi khác thật...
Chỉ có điều đáng tiếc là Thơ đã để dính bầu. Rồi cô phải nghe lời Điển bỏ đi. Chỉ có hai người biết, thêm hai thầy trò bà bác sĩ là bốn. Rồi bí mật này sẽ được chôn vùi hẳn vào dĩ vãng...
Giữa tháng mười một, Thơ mới được Điển tiếp ở nhà, trong giờ anh dạy một lớp học nhạc buổi sáng. Điển chọn cho cô ba bài cho ba vòng sơ khảo, bán kết và chung kết cuộc thi hát cuối năm, dặn cô tập dần. Khi tiễn cô về, anh ghé tai cô nói nhỏ: “Tối nay gấu mẹ của anh đưa con về nhà ngoại chơi, em tới nha!”. Thơ khẽ gật đầu.
Gần cuối tháng 12 dương lịch, còn cách ngày khai mạc cuộc thi “Giọng hát công nhân xa nhà” nửa tháng, Thơ đã tập xong cả ba bài hát. Điển nhắn: “15g, em tới KS M & N, phòng 101 để mình tập lần cuối”. Thơ nghĩ: “Thế nào ảnh cũng đòi mình chiều cho xem...”
Khi Thơ đi xe ôm đến nơi hẹn, một khách sạn nhỏ ở cách thị trấn ba cây số, cô ngạc nhiên không thấy chiếc tay ga của Điển dựng nơi quầy tiếp tân như mọi khi. Nơi đó có ba chiếc thì đều là xe số.
- Phòng 101 đã có người nhận chưa hả chị? - Thơ hỏi chị chủ khách sạn kiêm tiếp tân.
- Rồi! Ổng mới nhận cách nay vài phút...
Thơ bước lên thang lầu với ý nghĩ rằng Điển cũng tới bằng xe ôm. Cô gõ cửa. Cửa mở. Nhưng người mở cửa không phải là Điển mà là ông thầy có mái tóc húi cua thường chấm các cuộc thi hát ở huyện, nghe nói từ tỉnh bạn qua.
- Thầy Điển mắc công chuyện bất ngờ nên nhờ thầy tới để tập cho em lần cuối... Em ngồi xuống đi, uống miếng nước rồi ta làm việc luôn... Mấy ngày này thầy cũng bận việc lắm, phải tranh thủ để còn làm mấy việc khác...
Ông thầy nói một hơi rồi ngồi xuống một trong hai chiếc ghế của căn phòng, trên mặt bàn ngoài bộ ấm tách đã đặt sẵn ba bản nhạc được in vi tính...
Thơ thoáng chút e ngại nhưng quả tình trong tình huống này, cô không tiện gọi điện cho Điển để xác nhận. Dù sao sự ngại ngùng cũng mau chóng qua đi khi ông thầy bắt đầu hỏi cô hiểu gì về ý nghĩa của từng bài hát. Cô nói xong, thầy bổ sung một vài điều rồi căn dặn: “Khi hát bài nào, em phải nhập vai vào nhân vật của nội dung bài ấy thì mới diễn cảm có hồn được... Nhớ chưa?”. Qua phần hát, thỉnh thoảng ông thầy lại bảo Thơ tạm dừng để chỉnh sửa một đôi nốt nhạc cô hát mà ông nói là chưa đẹp...
Vậy mà cũng hai giờ đồng hồ qua đi. Năm giờ chiều, Thơ liếc nhìn đồng hồ, định mời ông thầy đi ăn cơm. Ông thầy đứng lên khỏi ghế, xoa hai tay: “Vậy là thầy hoàn thành nhiệm vụ của mình rồi. Bây giờ tới lượt em...”
- Sao hả thầy? Thầy mới nói gì?
- Chắc em ghẹo thầy...
Ông thầy tóc húi cua bất ngờ bước tới phía sau lưng Thơ, vòng đôi tay ôm gọn lấy ngực cô.
- Thầy làm gì vậy?
- Còn gì nữa... Thì thầy cũng như thầy Điển thôi mà...
Thơ vùng mạnh, vuột khỏi vòng tay ôm của ông thầy:
- Em la lên bây giờ...
Có vẻ như ông thầy ngạc nhiên lắm. Ông lẩm bẩm: “Cái thằng cha Điển này chơi kiểu gì kỳ vậy ta!”. Rồi ông đập đập bàn tay phải vào khoảng không:
- Em bình tĩnh đi... Mình ngồi xuống rồi nói chuyện vậy...
Thơ đồng ý đề nghị của ông thầy trong tư thế sẵn sàng đối phó. Ông thầy giải thích là Điển “nhờ ông thay anh ta tất cả”. Ông nói: “Thầy cứ tưởng em đâu có lạ gì với chuyện này... Lần trước với Mơ Thu cũng vậy thôi... Các em đều là học trò của thầy Điển cả thì có khác gì nhau...”.
“Nghĩa là sao?”. Thơ hỏi và được nghe trả lời tường tận qua mấy câu nói rời rạc của ông thầy tóc húi cua: “Chớ em tưởng Mơ Thu nó hát hay hơn em hả? Còn khuya! Lần đó lẽ ra người giải nhất là em, còn Mơ Thu chỉ đáng giải ba là cao nhất. Nhưng thầy Điển không nói gì về em với thầy mà ổng đã nhờ thầy dạy Mơ Thu hát lần cuối, rồi nó cũng đã biết điều trả ơn cho thầy...”. “Còn cái lần em giải nhất mới rồi, em thử bỏ cái bảng điểm cao chót vót của thầy ra coi, nhắm em có nhất được không?”. “Thầy nể thầy Điển lắm nên mới đồng ý gom hai lần làm một. Lần trước em đã nhất rồi, lần này em cũng sẽ nhất, nếu...”. “Vậy đó, bây giờ em tính sao thì tùy”.
Thơ đứng dậy, bước nhanh ra mở cửa:
- Em xin lỗi...
Sau những bước chân vội, cô còn nghe tiếng làu bàu bực bội của ông thầy: “Đ. má cái thằng cha Điển này...”
***
Đúng buổi thi đầu tiên của mình, Thơ đi tìm nhà thầy bói Kiển. Cô quyết định bỏ cuộc thi vì biết chắc nếu có tham dự, cô cũng không thể đoạt giải nhất khi đã từ chối phi vụ của Điển với ông thầy tóc húi cua kia.
Hóa ra thầy bói Kiển là một ông già chuyên coi chỉ tay. Cầm bàn tay của Thơ, nhìn như soi vào những đường chỉ tay trong lòng bàn tay nhỏ nhắn của cô một hồi lâu, ông mới nói:
- Qua nói điều này cô em đừng có buồn nha... Đời cô em ít nhất một lần bị đờn ông nó gạt tình... Mà lạ là bị gạt mà cô em còn cảm ơn nó nữa chớ...
KHÔI VŨ
_________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét