Loạt bài "Kể chuyện viết văn"
xin được là món quà kỷ niệm gửi đến các bạn từng đọc truyện của Nguyễn Thái Hải
từ trước 1975, đồng thời để làm quen với các bạn và các em học sinh đọc tôi
hiện nay.
"Tác phẩm đầu tay"
Thuở bé, tôi có rất nhiều ước mơ tương
lai: trở thành bác sĩ, thầy giáo, thậm chí cả là... danh tướng, vv... Cho đến
khi vào học bậc trung học, được học tiểu sử các nhà văn thì tôi lại có thêm ước
mơ trở thành... nhà văn! (Quá tham lam!). Đặc biệt là được giống như nhà văn
Nhất Linh, được học sinh học tiểu sử ngay khi còn sống! (Tôi học lớp đệ thất
năm 1961 và năm ấy Nhất Linh vẫn còn sống / các nhà văn được học trong chương
trình Kim văn ngày ấy đều là những người đã khuất).
Mùa hè năm ấy, sau khi thi tốt nghiệp
trung học đệ nhất cấp, tôi có những ngày rảnh rỗi. Nhàn cư vi, tôi không bất
thiện mà ngồi tưởng tượng ra được một câu chuyện, rồi bất ngờ viết xong cái
truyện đầu tay nhan đề là "Nắng lên". Bấy giờ ở miền Nam có tờ Tuổi
Xanh chuyên in truyện, thơ dành cho thiếu nhi. Tôi chép sạch truyện vào giấy
thếp rồi đi gửi bưu điện lên tòa báo ở Sài Gòn.
Cứ như một giấc mơ, tuần lễ sau truyện
"Nắng lên" của tôi được in trên Tuổi Xanh mà phần cuối còn ghi thêm
"Xem tiếp kỳ sau", nghĩa là cái truyện được in đến 2 kỳ. Quả tình đến
bây giờ, do thất lạc bản thảo lẫn báo in, tôi chẳng còn nhớ nội dung cái truyện
đầu tay được in báo của mình ra sao. Chỉ nhớ hồi ấy sau khi báo in, tôi đã mua
giấy bóng kiếng màu đỏ (loại làm đèn trung thu) bao lại đàng hoàng rồi... cất
kín vì sợ trong nhà có ai biết thì... mắc cở lắm!
Năm ấy tôi mười lăm tuổi!
Cái truyện "Nắng lên" đã
"sưởi ấm" ước mơ "được học tiểu sử như nhà văn Nhất Linh"
trong tôi, đến nỗi nó "cháy" thành mấy cái truyện khác được viết xong
trong mùa hè ấy! Tiếc rằng sau đó khi tôi gửi đi thì không có cái nào được chọn
đăng nữa!
Ước mơ mau chóng xẹp đi như bong bóng xì
hơi. Tôi "không thèm" viết truyện nữa mà tập trung vào học tập để
quyết trở thành... thầy giáo!
Cho đến mùa hè năm 1967, khi tôi thi đậu
hạng Bình ban Toán kỳ thi Tú tài phần nhất, lại có những ngày "nhàn cư
vi"...
Vừa viết truyện, ta vừa làm thơ!
Tôi lại tưởng tượng và viết truyện,
tiếp tục nuôi ước mơ "được học tiểu sử như Nhất Linh", dù vào năm
1967 thì ông nhà văn này đã mất được mấy năm (Ông tự tử vào năm 1963).
Lúc này tôi đã đọc thêm tờ báo Tuổi Hoa
cũng dành cho thiếu nhi, và theo dõi trang thiếu nhi trên một tờ nhật báo
(dường như là tờ Chính Luận / trang thiếu nhi do Duyên Anh phụ trách). Tôi
"mở rộng" thể loại sáng tác, không chỉ "bịa truyện" mà còn
cả gan... làm thơ. Truyện thì gửi Tuổi Hoa, thơ gửi trang thiếu nhi của nhật
báo. (Sao lúc nào tôi cũng tham lam thế không biết!)
Tới năm này thì "tổ" mới
"đãi" cậu học sinh lớp đệ nhất ở tỉnh Biên Hòa, chuẩn bị vào đại học
là tôi.
Bài thơ đầu tay của tôi được chọn in trên
trang thiếu nhi của tờ nhật báo kia. Đến nay tôi không còn lưu giữ được bài thơ
nên không rõ bài thơ có nhan đề gì và gồm bao nhiêu câu, chỉ chắc chắn là được
viết theo thể thơ 5 chữ và có 4 câu cuối mà tôi còn nhớ là:
Em như con chim non
Không muốn nhốt tâm hồn
Vào lồng son người lớn
Để mãi phải héo hon.
Ôi! Điều ước mơ ấy mới "trẻ con"
làm sao! Dù không muốn thì tôi cũng đã phải vào cái "lồng son người
lớn" mấy chục năm qua, đến nay mới có điều kiện để "như con chim
non"...
Về "con đường sự nghiệp" viết
truyện, tôi cũng đã có truyện đầu tiên được in trên báo Tuổi Hoa, trang Nhi
đồng. Truyện có nhan đề là "Nốt ruồi", đến nay cũng đã thất lạc bản
thảo.
Thi đậu vào trường đại học Dược Khoa Sài
Gòn, tôi từ giã Biên Hòa lên trọ học ở Sài Gòn. Vừa học, tôi vừa tiếp tục viết
truyện. Và đúng là "tổ đãi", tôi được báo Tuổi Hoa in liên tiếp thêm
3 cái truyện nữa (Không còn nhớ nhan đề) và trên một số báo nọ, Bộ biên tập của
Tuổi Hoa đã đăng dòng nhắn tin có nội dung đại ý: "Tòa soạn cần gặp tác
giả Nguyễn Thái Hải".
Phải nói là tôi vừa sung sướng, vừa hồi
hộp... không biết diễn tả ra sao. Tôi chờ đợi, mong ngóng sao sớm đến chiều thứ
bảy để tìm đến trình diện ở tòa soạn Tuổi Hoa, nằm trong khuôn viên nhà thờ
Dòng Chúa Cứu thế (Đường Kỳ Đồng)
KHÔI VŨ (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét