Trong mặt bằng chung công bố tác phẩm văn học nghệ thuật,
thì giới văn chương ở địa phương (Các tỉnh) ít có điều kiện thuận lợi hơn các
lĩnh vực nghệ thuật. Nhiều năm nay, một số ngành nghệ thuật như Nhiếp ảnh, Mỹ
thuật... có các cuộc thi ảnh hàng năm tổ chức ở cấp tỉnh
hay cấp khu vực, với sự bảo trợ chuyên môn của Hội trung ương liên quan. Đó là
dịp để các nghệ sĩ nhiếp ảnh, các họa sĩ... công bố tác phẩm một cách chính thức,
trang trọng. Còn các tác phẩm văn học thì sao?
Để xuất bản một cuốn sách
Công bố tác phẩm văn học không có cách nào khác ngoài việc
in sách. Tùy vào từng tác giả mà việc xuất bản có khác nhau:
- Với những tác giả thành danh, bản thảo của họ có thể được
một nhà xuất bản nào đó nhận bỏ vốn (hoặc NXB liên doanh với một đơn vị khác)
in và phát hành (số lượng thường từ 1000-2000 bản). Tác giả được nhận sách biếu
(5-10 cuốn) và nhuận bút (thường là 10% x giá bìa x số lượng bản in). Nếu muốn
có thêm sách để tặng thì đăng ký mua (thường được chiết khấu có khi đến 35%).
Nhóm tác giả này ở các địa phương thường rất ít, có nơi không có ai!
- Một số tác giả có bản thảo với nội dung đúng tiêu chí, có
thể được các Hội VHNT xét tài trợ in sách. Thường thì tác giả được nhận một số
tiền (nhiều hay ít tùy chất lượng tác phẩm), sau đó tự liên hệ với các nhà xuất
bản, bỏ thêm tiền để đủ chi phí in sách, cuối cùng là tự phát hành (thực tế hầu
như chỉ để biếu tặng). Nhóm tác giả này cũng không nhiều vì phải vượt qua cửa
thẩm định của Hội VHNT, sau đó còn phải tính toán tài chính vì tiền tài trợ thường
chỉ đủ in 200-300 cuốn. Muốn in nhiều hơn phải bỏ thêm tiền túi.
- Tại Đồng Nai nhiều năm qua có thêm “Sách đặt hàng” của tỉnh.
Những bản thảo nào lọt vào danh mục sách này sẽ được NXB Đồng Nai in sách cho,
với nguồn kinh phí nhà nước. Sách in ra, tác giả được nhận sách biếu và nhuận
bút, nhưng toàn bộ số bản in được dành biếu tặng hệ thống thư viện địa phương
hoặc tại các hội nghị của tỉnh. Do sách đặt hàng của tỉnh không bán ở các hiệu
sách nên sự phổ biến bị hạn chế.
- Những tác giả không thuộc một trong ba nhóm tác giả nói
trên, muốn có sách thì chỉ còn cách “tự in”. Nghĩa là đem bản thảo đến một nhà
xuất bản nào đó xin họ duyệt và cấp giấy phép (tác giả phải đóng xuất bản phí).
Kế tiếp là liên hệ nhà in, bỏ tiền túi trả tiền in và tự phát hành sách của
mình (Thực tế thường in 300 – 500 bản và chủ yếu đề biếu tặng)
Ít được quan tâm giới thiệu
In được một cuốn sách đã khó, tới khi có sách trong tay rồi,
các tác giả lại phải tiếp tục “tự thân vận động” trong việc quảng bá sách của
mình.
Hình thức quảng bá khá thông dụng là được một (hoặc nhiều
hơn) tờ báo địa phương “giới thiệu sách”: Đơn giản thì là ở các mục “Đọc gì?”,
“Sách mới in”...; khá hơn là một bài “điểm sách” vài trăm chữ!
Có tác giả có điều kiện đã tự tổ chức buổi giới thiệu sách mới
in của mình tại một quán cà phê, một hội quán văn hóa văn nghệ nào đó. Trong buổi
giới thiệu này, có người dẫn chương trình, có người giới thiệu tác giả, nội
dung sách, có ký tặng sách (hoặc bán sách tại chỗ với chữ ký của tác giả)...
Hầu hết các tác giả bỏ vốn tự in sách đã tiếp tục quảng bá
sách của mình bằng cách “biếu, tặng” cho những người thân quen, các bạn viết hoặc
quan chức... Câu nói vui thường được nghe là “sách của tôi biếu chạy lắm”, sao
mà đắng lòng!
Tất nhiên vẫn có một số tác giả may mắn. Đó có thể là một
quan chức viết sách văn học, được một đơn vị nào đó, hoặc chính nhà xuất bản tổ
chức buổi giới thiệu sách long trọng. Đó cũng có thể chỉ là một tác giả mới
nhưng lọt vào “tầm ngắm” của một nhà xuất bản nào đó, nhân một hội sách nào
đó... tổ chức cho giao lưu với bạn đọc... Dù thế nào thì con số tác giả may mắn
như thế cũng rất hiếm gặp!
Có thể thay đổi tích cực hiện trạng?
Hiện trạng thiếu sự giới thiệu sách mới là một thiệt thòi lớn
cho các tác giả sáng tác Văn học. Nhưng vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết nếu
được những đơn vị liên quan quan tâm đúng mức.
- Hội VHNT địa phương là một địa chỉ đáng tin cậy đầu tiên,
nếu việc giới thiệu sách mới của các hội viên ban Văn học được đưa vào chương
trình hoạt động chính thức và thường xuyên của Hội. Các buổi giới thiệu sách mới
có thể được Hội phối hợp với tác giả tổ chức ở một địa điểm công cộng nào đó,
hoặc chỉ cần tổ chức tại hội trường của Văn phòng Hội. Ngoài số hội viên ban
Văn học, có thể mời thêm một số hội viên các ban chuyên môn khác, kể cả khách
là đại diện các ban ngành trong tỉnh hoặc chỉ là độc giả bình thường. Nếu không
có nhà tài trợ (nước uống, bánh ngọt) thì những tách trà chắc cũng không tốn
kém bao nhiêu.
- Với các tác giả có sách mới in nhưng chưa phải là hội viên
Hội VHNT địa phương thì các Trung tâm văn hóa, các đơn vị ban ngành mà tác giả
đang làm việc hoặc cộng tác... nên đứng ra làm việc giới thiệu cho họ. Hoặc
cũng có thể phối hợp với Hội VHNT cùng tổ chức.
- Ngày sách Việt Nam 21 tháng 4 hàng năm vừa được Thủ tướng
Chính phủ ký công bố, là một cơ hội khác cho các tác giả văn học “trình làng”
những đứa con tinh thần của mình đã ra đời trong một năm trước đó! Bộ VHTTDL đã
tổ chức họp lấy ý kiến về mô hình hoạt động cho Ngày sách Việt Nam. Dù thế nào
thì Ngày này vẫn đem lại ít nhiều hy vọng.
KHÔI VŨ (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét