Thực trạng viết bài của học sinh cho thấy: hiện nay, khâu chấm
chữa bài làm văn của học sinh khiến cho giáo viên bỏ nhiều công sức nhưng thu lại
kết quả không nhiều. Do từ khâu nhận định đề, định hướng đề và khâu sắp xếp ý,
diễn đạt ý cũng như việc bố cục, kết cấu bài làm còn nhiều bất cập.
Nguyên nhân chính là do học sinh chưa chú trọng khâu nhận định,
định hướng đề nên dễ đi lạc đề, xa đề, không đi vào trọng tâm vấn đề theo yêu cầu
đề bài. Bên cạnh đó, học sinh chưa chú trọng cách sắp xếp ý nên trình bày tản mạn,
không có hệ thống. Tình trạng bài làm diễn đạt chưa thoát ý, nghèo nàn trong việc
mở rộng ý là phổ biến. Hầu như các em chỉ lặp lại các ý của giáo viên giảng,
chưa diễn đạt theo cách hiểu, cách cảm nhận của mình. Điều này dẫn đến việc diễn
đạt lẩn quẩn, không làm rõ được ý. Diễn đạt đúng đã khó, diễn đạt hay, trôi chảy
lại càng khó hơn.
Bên cạnh đó, học sinh không “quan tâm” đến
việc bố cục bài làm. Theo yêu cầu của bài “làm văn”, phải có 3 phần (mở bài,
thân bài và kết bài). Ba phần này phải cân đối với nhau, hài hoà trong toàn
bài. Do chưa chú trọng nên dễ xảy ra tình trạng bố cục “đầu voi, đuôi chuột”,
thiếu cân đối (rất nhiều trường hợp, phần “kết bài” chỉ gói gọn trong một
dòng). Việc kết cấu bài “làm văn” cũng chưa được đầu tư đúng mức. Kết cấu là
“chất keo” kết dính bài “làm văn” thành một khối. Nhưng thực trạng cho thấy,
bài làm của học sinh nhiều khi rời rạc, thiếu liên kết giữa các đoạn, các phần…
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên và sau đây là một
số nguyên nhân chính:
Do tác động của xã hội, của nền kinh tế thị trường, việc học
các bộ môn khoa học xã hội, trong đó có bộ môn Ngữ văn, bị học sinh coi nhẹ vì
“đầu ra” khá hẹp so với các bộ môn khoa học tự nhiên.
Song song đó, khâu chấm, chữa bài giáo viên bộ môn Ngữ văn
chưa thật sự toàn tâm, toàn ý. Chủ yếu giáo viên chấm bài còn mang tính chất “đếm
ý cho điểm”, chưa chú trọng đến các kỹ năng khác của học sinh thể hiện qua bài
làm (bố cục, kết cấu, diễn đạt, dựng đoạn, chuyển ý, dùng từ, đặt câu, kỹ năng
khái quát, nâng cao vấn đề; cách mở bài, cách kết bài, chữ viết, lỗi chính tả…).
Bản thân học sinh còn nặng tính ỷ lại, không động não tìm
tòi, suy nghỉ; chỉ lệ thuộc nhiều vào sách bài văn mẫu, sách tham khảo tràn lan
trên thị trường. Chính các loại sách tham khảo này đã triệt tiêu khả năng tự học,
tự rèn của học sinh. Điều đó dễ hiểu vì sao ngày càng có nhiều bài văn thi tốt
nghiệp có cách viết cười ra nước mắt; ngô nghê, rập khuôn, “đầu Ngô, mình Sở”…
Ngoài ra còn kể đến chương trình bộ môn Ngữ văn còn ôm đồm,
dàn trải, mang tính hàn lâm, ít thực tiễn. Do đó, nhiều kiểu bài thiết thực, gần
gũi với đời sống thì chưa được chú trọng (văn bản nhật dụng, đề bài mở…). Cách
ra đề thi các cấp (tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng) chưa có tính đột
phá; vẫn đi theo lối cũ, lối mòn nên chưa thể phát huy trí lực học sinh…
Có nhiều phương pháp rèn luyện năng lực tư duy cho học sinh,
sau đây là cách làm thiết thực thông qua các “Bút nhóm, Câu lạc bộ sáng tác”
trong nhà trường:
“Câu lạc bộ sáng tác” hoặc “Bút nhóm sáng tác” được thành lập
theo khối lớp. Nếu không có đủ điều kiện, thành lập theo đơn vị toàn trường.
Qua giảng dạy bộ môn Ngữ văn, bằng việc tìm hiểu, trao đổi,
tâm sự - giáo viên phát hiện và khơi dậy trong tâm hồn học sinh niềm say mê, hứng
thú với bộ môn Ngữ văn. Trong thực tế, có nhiều học sinh rất thích học văn,
thích sáng tác nhưng chưa có “Bút nhóm” nên nhiều khi “viết cho ai, ai biết mà
đưa”!. Vì vậy, người dạy Văn phải biết quan sát tinh tế, tìm hiểu để phát hiện
ra những “đốm lửa nhỏ” này và thổi bùng lên thành “ngọn lửa” say mê của học
sinh.
Nguyên nhân vì các em còn tự ti, mắc cỡ khi thể hiện mình
trên từng bài văn ngắn, từng bài thơ chập chững bước ban đầu. Vấn đề đặt ra là
cần phải tôn trọng những sáng tác (dù còn non nớt, phôi thai…) để kịp thời khuyến
khích, động viên sự cố gắng của các em.
Các “Câu lạc bộ sáng tác” hoặc “Bút nhóm sáng tác” có thể đặt
tên cho mình, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm nổi bật của quê hương và
cử Nhóm trưởng để thuận tiện trong liên lạc. Ví dụ: Ở Hưng Yên có “Bút nhóm
Hương Nhãn”, ở Ninh Thuận có “Bút nhóm Hạt Cát”, ở Khánh Hoà có “Bút nhóm Biển
Xanh”; tập san Áo Trắng có “Gia đình Áo Trắng”…
Khi đã có bút nhóm, cần có định kỳ sinh hoạt, quy định gửi
bài, sửa bài để mọi thành viên có định hướng sáng tác. Do thời gian eo hẹp, có
thể sinh hoạt “Bút Nhóm” mỗi tháng một lần vào ngày chủ nhật cuối tháng.
Các nội dung trong các buổi sinh hoạt là cùng nhau trao đổi
kinh nghiệm sáng tác, nâng cao chất lượng bài viết; giải đáp những thắc mắc về
công việc sáng tác…
Nêu chủ đề sáng tác của các tập san, tạp chí trong tháng tới.
Ví dụ: Tập san “Áo Trắng” cho biết chủ đề trước 1 tháng và quy định gửi bài trước
1 tháng. Tạp chí “Văn học và tuổi trẻ” có chủ đề phong phú, có thể viết theo
nhiều thể loại, miễn là bài hay, có chất lượng… hoặc mang những bài viết còn ở
dạng bản thảo để sửa chữa tại chỗ những lỗi về dùng từ, đặt câu và khuyến khích
những tìm tòi, sáng tạo…
Tiếp theo là quy định gửi bài và sửa bài cho các em. Đây là
khâu quan trọng vì công việc sáng tác đòi hỏi phải đầu tư công sức, thời gian
trong khi nhiệm vụ chính là học tập. Tuy nhiên, với học sinh có năng khiếu, có
lòng say mê thì có thể viết bất cứ lúc nào khi có cảm hứng sáng tác. Quy định gửi
bài về nhóm trưởng (đánh máy, viết tay, gửi qua hộp thư điện tử… ) vào ngày 20
hàng tháng. Vì bài viết thông thường gởi trước một tháng để Ban Biên tập có thời
gian xem bài, chọn lọc bài…
Nhóm trưởng có nhiệm vụ chuyển bài về cho giáo viên phụ
trách để sửa chữa bài. Khi sửa bài xong, in một bản và kèm theo bản gốc để trả
lại cho học sinh đối chiếu, so sánh. Từ đó, các em biết được điểm mạnh của mình
để phát huy và điểm yếu để khắc phục hạn chế.
Cũng cần nhắc lại rằng: công việc sửa chữa bài đòi hỏi sự
đam mê, không vụ lợi của giáo viên. Phải có một tâm hồn, một sự bao dung để đồng
cảm; trân trọng, nâng niu từng thành quả sáng tác để chăm chút, vun bồi. Bên cạnh
đó cũng cần có một sự am hiểu sâu sắc về sáng tác để định hướng đúng, tạo niềm
tin nơi các em…
Thông qua việc sửa bài, giáo viên nắm được những mặt tốt
cũng như hạn chế của bài viết để có sự uốn nắn, động viên các em. Đồng thời qua
bài sửa của giáo viên, học sinh sẽ có phương pháp diễn đạt, tìm ý diễn đạt ý
sao cho sinh động, hình ảnh.
Từ đó tạo cho học sinh ham thích viết, có hứng thú viết. Đây
là những công việc “tập thể dục” cho bộ não, cho tư duy. Vì vậy, nó tránh được
sự chai lỳ cảm xúc, tránh được sức ỳ trong suy nghĩ mà phải luôn động não tìm
cái mới, cái lạ trong diễn đạt, trình bày.
Bài viết của học sinh sau khi đã sửa chữa xong sẽ gửi tới
các báo địa phương, khu vực để “thử sức”. Đây là khoảng thời gian hồi hợp, mong
chờ… Tuy vậy, bài viết vẫn tiếp tục gửi đến, không đợi có bài đăng báo, tập san
mới gửi đi. Trong lĩnh vực sáng tác, bên cạnh sự sáng tạo, năng khiếu, phải có
đức tính cần cù, siêng năng, cần mẫn và biết chờ đợi, không nôn nóng, không nản
chí mà phải theo tinh thần “thua keo này ta bày keo khác”…
Khi có bài đăng báo, tập san khu vực thì cần có sự động
viên, khích lệ các em viết tiếp, không nên bằng lòng với những gì đã đạt được.
Bởi sự rèn luyện tư duy là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ. Hơn nữa, sự sáng tạo
trong sáng tác văn học là cả một chân trời vô cùng đa dạng, phong phú và hấp dẫn…
Sáng tạo nên một tác phẩm (bài thơ, đoạn văn ngắn) là kết quả
của một quá trình suy nghỉ, tìm tòi, quan sát, nghiền ngẫm vấn đề.
Ở đây, óc quan sát giúp học sinh mau chóng tìm ra ý thơ, ý
văn. Tiếp đó, trong quá trình nghiền ngẫm, suy luận sẽ rèn luyện và phát huy
năng lực tưởng tượng, liên tưởng của người viết. Biết quan sát những gì xảy ra
xung quanh, xảy ra hàng ngày và khi cảm xúc đã chín thì nhu cầu bộc lộ thôi
thúc bên trong và các em cầm bút viết ra. Ví dụ: Quan sát vạt cỏ bên đường, có
con chuồn chuồn, có chùm hoa mắc cỡ. Vạt cỏ là nơi dừng chân, nơi nghỉ ngơi của
người dân quê sau buổi làm đồng vất vả. Gặp nhau và họ trò chuyện, tâm tình… Có
ngọn cỏ lắng nghe. Có ngọn gió lắng nghe… Vạt cỏ là mảnh hồn quê bên đường quê
một thuở…
Trong quá trình luyện viết, các em sẽ có một bố cục cho bài
làm một cách cân đối, hài hoà; có một kết cấu chặt chẽ; sự liên tưởng, tưởng tượng
phong phú, độc đáo. Đặc biệt, cách kết bài luôn có dư ba, mở ra những suy nghĩ
để người đọc đồng cảm, sẻ chia những băn khoăn, trăn trở mà bài viết muốn nói
cùng người đọc…
Trong một bài thơ suy nghĩ về công việc sáng tác, nhà thơ Tế
Hanh có viết:
“Muốn có thơ trong những ngày kỷ niệm
Phải làm thơ trong những ngày thường
Muốn có hoa mùa xuân
Phải chăm bón từ mùa hạ trước”.
Đúng vậy, muốn có một thành quả, phải trải qua những tháng
ngày khổ công rèn luyện. Tiếp cận với một đề văn, học sinh chúng ta thường tỏ
ra lúng túng khi xác định nội dung của yêu cầu đề. Nhưng nếu đã xác định được
hướng đi của bài thì các thao tác khác, kỹ năng khác lại là “chướng ngại vật”
trên con đường chinh phục đề văn.
Để khắc phục, “hoá giải” những trở ngại này, chúng ta cần
rèn luyện cho học sinh cách viết, cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề thông
qua những bài văn, bài thơ do các em sáng tác nên.
Từ đó, khi gặp bất cứ dạng đề nào, từ trong tiềm thức, năng
lực tư duy sẽ được kích hoạt, bộc lộ và phát huy hiệu quả. Đó là cách nghĩ,
cách giải quyết vấn đề như thế nào để đảm bảo các yếu tố: đúng, hay và thật
sinh động.
Quá trình lập dàn ý sẽ có cách tìm chọn ý, sắp xếp ý. Tiếp
đó là quá trình lấp đầy văn bản, một khi đã viết quen tay thì đây là công đoạn
đầy hứng khởi của học sinh. Mạch cảm xúc sẽ được duy trì từ đầu đến cuối bài và
duy trì ngữ điệu cảm xúc của toàn bài, tạo cho bài văn có bản sắc riêng, có dấu
ấn riêng khi diễn đạt, giải quyết vấn đề.
Tóm lại, cần củng cố, duy trì hoạt động sáng tác văn học
trong nhà trường. Bởi vì công việc này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong
việc rèn luyện năng lực tư duy cho học sinh, góp phần “giảm tải” chương trình
và tạo niềm vui trong học tập bộ môn Ngữ văn.
LÊ ĐỨC ĐỒNG (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét