Từ vị trí một trưởng phòng của Công ty Dược tỉnh, tôi bỗng "lên cơn điên" (lời nhiều người bảo thế!) xin về Hội Văn Nghệ Đồng Nai làm... phóng viên báo Văn Nghệ. Đó là năm 1983. Khi ấy, ở văn phòng Hội VNĐN có các nhà văn Lý Văn Sâm (Hội trưởng), Hoàng Văn Bổn và Hoàng Kim Chung (Hội phó). Phòng hành chính có 5 người, tòa soạn báo VNĐN có 6 người (kể cả anh Đàm Chu Văn về trước tôi khoảng 1 tháng).
Tôi làm việc ở Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai (gọi tắt là Văn Nghệ ĐN) lần thứ nhất từ năm 1983 đến 1991 thì nghỉ vì Đồng Nai thực hiện Nghị định 01 của ông phó TT Nguyễn Khánh không cấp biên chế cho các hội văn nghệ địa phương. Dù chỉ có 8 năm, nhưng thời gian ấy thật quý báu vì tôi được làm việc với nhiều người đi trước, trong đó đáng nói nhất là hai nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn (một thời gian sau này có thêm nhà thơ Xuân Sách).
Công việc chính của anh em trẻ chúng tôi ở Hội Văn Nghệ Đồng Nai ngày ấy là làm báo, ngoài ra cũng kiêm luôn làm công tác phong trào (tổ chức hội họp chuyên ngành, lớp bồi dưỡng, trại viết... ở hội trường Văn phòng Hội hoặc các nơi khác trong tỉnh).
Sau vài số đầu xuất bản dưới dạng tạp chí, tờ Văn Nghệ Đồng Nai được chuyển thành báo, 16 trang khổ 28x40cm, phát hành hàng tháng, do nhà văn Hoàng Văn Bổn làm Tổng biên tập. Hồi tôi mới về thì nhà thơ Thanh Dạ (tác giả bài thơ Đồng Nai mùa sầu riêng được Nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc, là 1 trong 10 ca khúc được bình chọn trong đợt kỷ niệm BH-ĐN 310 năm vừa qua) làm Thư ký tòa soan. Nhưng không lâu lắm thì anh Thanh Dạ chuyển công tác về quê ở một tỉnh miền Bắc. Chưa có người thay thế, VNĐN một dạo chỉ có Tổng Biên tập đảm đương tất cả. Nhưng dưới "trướng" của anh Chín Bổn là cả một đội ngũ viết trẻ sung sức, muốn chứng tỏ mình. Anh Chín, với vai trò thủ lĩnh, ngoài những lần hội họp chính thức, thường hay ngồi trò chuyện riêng với từng người hoặc một nhóm vài ba anh em chúng tôi, nói những chuyện "tào lao" mà thực ra là để truyền nghề một cách nhẹ nhàng, thiết thực. Không biết những anh em khác thì sao, chứ tôi thì đã ý thức rất rõ điều này nên không bỏ lỡ cơ hội nào để tiếp nhận những kinh nghiệm viết và làm báo văn nghệ từ anh Chín. Có lẽ nhờ thế (và cũng nhờ kinh nghiệm riêng thời gian trước 1975 đã từng biết đôi chút về công tác tòa soạn tại tạp chí thiếu nhi Tuổi Hoa ở Sài Gòn) nên sau này, tôi được tin tưởng giao cho nhiệm vụ Thư ký Tòa soạn. Phải thú thực rằng tôi không hứng thú lắm với công việc của một người điều hành - ngày ấy như thế và sau này cũng thế - nhưng được giao nhiệm vụ thì phải "thi hành" thôi! Trước sau, việc hứng thú của tôi vẫn là viết! Chính vì thế mà có lần tôi bị một anh trong tòa soạn phê bình là "chăm lo cho việc viết của cá nhân hơn chăm lo việc quản lý anh em trong tòa soạn!". Thế là tôi "chớp ngay cơ hội", đề đạt nguyện vọng xin thôi làm TKTS. Tiếc là cả hai ông nhà văn tiền bối đều lắc đầu, ép tôi phải tiếp tục công việc.
Nhà văn Lý Văn Sâm, chúng tôi quen gọi là "chú Hai" là Hội trưởng nhưng gia đình ở TP Hồ Chí Minh nên thỉnh thoảng có việc quan trọng, Hội mới cho xe lên đón ông về Đồng Nai. Cũng như anh Chín Bổn, chú Hai Lý không ưa hội họp lê thê, hành chính hoặc quan trọng hóa vấn đề. Ông cũng thích kề cà trò chuyện với lớp hậu sinh khi ngồi uống cà phê bên quán vườn nhà anh Tuyến (ở sát văn phòng Hội) hoặc những lần đi ăn mì, hủ tiếu ở miệt cây Chàm, khu nhà của ông Lương Văn Lựu (là tác giả bộ sách Biên Hòa Sử lược và là bạn cũ của chú Hai Lý). Qua chú Hai Lý, tôi cảm nhận và dần dần thích thú cái tính phong lưu, bất cần, kể cả với những sáng tác của mình (Chú Hai Lý ít khi nhớ được chính xác những gì mình viết và in ở đâu), cứ như sáng tác, viết báo là một trong những việc rất bình thường của chú: ăn, uống, hít thở khí trời... và... hút thuốc lá!
Sau này, nhà thơ Xuân Sách từ Hà Nội chuyển vào Đồng Nai, công tác ở Nhà xuất bản một thời gian thì chuyển qua Hội Văn Nghệ Đồng Nai, phụ anh Chín Bổn làm báo, cũng là một người đi trước tận tình với anh em chúng tôi. Có điều, anh nghiêm khắc hơn anh Chín Bổn trong việc đánh giá tác phẩm của chúng tôi qua việc nói thẳng (với chúng tôi, anh thường chê chứ ít nghe khen), chứ không thường nhận xét tế nhị như anh Chín.
Dù tính cách của ba vị "tiền bối" có khác nhau, nhưng tất cả anh em chúng tôi dưới "trướng" đều đã học được không nhiều thì ít, mặt này mặt nọ, những kinh nghiệm sáng tác, kinh nghiệm và "thủ thuật" làm báo văn nghệ. Với riêng tôi, hành trang này đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình làm báo Lao Động Đồng Nai (từ 1993-2001) và làm tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai (2001-2007).
Báo VNĐN ra hàng tháng, hồi ấy còn xếp chữ chì, in typo nên phải có makét (do họa sĩ Sỹ Nguyên phụ trách, anh đã mất), phải có những minh họa bút sắt để đem đi làm cliché, rồi chờ nhà in xếp chữ, sửa morát, điều chỉnh makét... vì thế thời gian in ấn kéo dài hàng chục ngày. Nơi in cũng thay đổi: thời gian đầu in tại Đồng Nai, sau đó do vài sự cố kỹ thuật, báo đã chuyển lên in ở TP HCM tuy vẫn xếp chữ chì nhưng in offset; người sửa morát mỗi số báo phải đi mấy bận lên đó để làm nhiệm vụ. Cánh phóng viên chúng tôi cũng phải hoàn thành bài vở được TBT giao viết càng sớm càng tốt để kịp tiến độ in ấn.
Nội dung của VNĐN cũng giống như các tờ văn nghệ khác, chủ yếu là đăng các sáng tác (văn, thơ, tác phẩm dịch) cùng các bài nghiên cứu, lý luận, phê bình; nhưng vì là "báo" nên VNĐN cũng có những bài ký, ghi chép hoặc các tiểu phẩm châm biếm có tính thời sự, bám vào các vụ việc "nóng" ở Đồng Nai. Đây là một nhiệm vụ mà Tổng biên tập giao cho từng phóng viên cụ thể, phải thực hiện bài viết cho bằng được dù phương tiện đi lại, điều kiện làm việc của thời bao cấp đầy khó khăn. Nhiều bài viết về đất đai, về tiêu cực trong các đơn vị kinh doanh... đăng trên VNĐN "đánh" vào một số đối tượng (theo các thể loại văn nghệ) và dĩ nhiên, họ phản ứng dữ dội, kể cả kéo đến tòa soạn để "làm cho ra lẽ". Bản thân tôi khi đó cũng tham gia viết một tiểu phẩm chống tiêu cực, sau khi báo in, một số cán bộ ở Sở X. đã viết đơn lên án là "nói xấu cán bộ" gửi công an và chi bộ Hội VNĐN, đề nghị kỷ luật! Anh Đàm Chu Văn trong mấy bài viết ký bút danh khác, anh Phạm Minh Hà... cũng bị kiện tới kiện lui.
Nhưng Văn Nghệ Đồng Nai dưới sự tổng chỉ huy của TBT Hoàng Văn Bổn vẫn kiên trì với phương hướng đã đề ra. Ngày ấy, số lượng phát hành của báo có lúc đã đến hơn 3.000 bản/tháng và đến được với độc giả rất nhiều cơ quan, đơn vị hành chính cũng như kinh tế trong tỉnh.
Từ năm 1983 đến 1987, 1988... đội ngũ trẻ về đầu quân Văn Nghệ Đồng Nai ngày càng đông. Sau đợt đầu gồm Đàm Chu Văn và tôi, là một loạt: Nguyễn Đức Thọ, Nguyễn Thanh Văn, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Thị Tư, Phạm Minh Hà... Lực lượng viết không làm việc ở Văn phòng Hội, ngoài những người của thời kỳ đầu mới thành lập Hội phần lớn thuộc ngành giáo dục (Vũ Xuân Hương, Hải Ba, Tiêu Thanh Giang, Bùi Quang Tú...) cũng phát triển không ngừng: Trần Nghi Dũng, Phạm Thanh Quang, Nguyễn Hồ Thu, Lương Định, Lê Tuấn Đạt, Trương Nam Hương... Bên mảng nghệ thuật dịp này phát triển chậm hơn văn học, nhưng cũng có những tên tuổi đáng chú ý như: Nguyễn Phú Yên (Âm nhạc), Duy Hải (Mỹ thuật), Nguyễn Thơi (Nhiếp ảnh)...
Kiêm nhiệm công tác phong trào ở Văn phòng Hội, chúng tôi thường tổ chức những chuyến đi về các huyện xa, giao lưu, nói chuyện văn nghệ tại các trường học, đơn vị... vừa để "tự giới thiệu", vừa là những chuyến đi thực tế bổ ích. Bản thân tôi, chính trong một lần đi về xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (ngày ấy còn thuộc tỉnh Đồng Nai) cùng Nguyễn Đức Thọ, Đàm Chu Văn..., đã tích lũy được khá nhiều vốn sống để sau này viết tiểu thuyết "Lời nguyền hai trăm năm". Những buổi trao đổi tác phẩm cũng thường được tổ chức với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thực chất chứ không hình thức. Hồi ấy, tác giả nào được anh Chín Bổn "duyệt" đưa tác phẩm ra thảo luận thì đều rất phấn khởi nhưng đồng thời cũng rất "lo" vì không biết mình sẽ bị mọi người khen chê thế nào. Có lẽ nhờ vậy mà chúng tôi học được nhiều điều, tự rút kinh nghiệm trong việc sáng tác mà tiến lên. Cũng cần nói thêm là những ý kiến của anh em đóng góp cho ai đó, dù có đúng có sai, có khách quan hay chủ quan, cũng đều vì một mục đích "góp ý" chứ không phải là đố kỵ hoặc yêu, ghét cá nhân.
Có một cái "lệ" đáng yêu ngày ấy là chúng tôi, ai cũng phấn đấu để có sáng tác in trên tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn. Ai có tác phẩm được in lần đầu tiên đều phải chiêu đãi anh em một chầu bằng nhuận bút lĩnh được (thường là cháo lòng, cháo vịt và uống rượu "mía" hoặc bia lên men ở dốc Kỷ Niệm, chợ Phúc Hải...).
Tháng 3 năm 1990, tôi là người đầu tiên trong số anh em viết văn, làm thơ trẻ được kết nạp vào Hội Nhà văn, cả Văn phòng Hội đều vui mừng. Lại thêm tháng 9 năm ấy, tôi được giải thưởng của Hội, nhận được 500.000đ do nhà văn Hữu Mai và nhà thơ Nguyễn Hoa từ Hà Nội đem vào trao; anh Chín Bổn quyết định tổ chức ăn mừng ở nhà hàng Sông Phố (nay đã bị phá bỏ để làm bờ kè) và mời cả gia đình tôi dự. Hôm ấy tiền trả cho nhà hàng hết quá số tiền thưởng, anh Chín phải ký xuất quỹ "bù thêm" cho đủ.
Lần lượt sau đó, chúng tôi có thêm những "chân" trong Hội Nhà văn: Đàm Chu Văn, Cao Xuân Sơn, Lương Định...
- Bay đến những phương trời
Năm 1991, tỉnh Đồng Nai thực hiện việc xóa biên chế các Hội trong đó có Hội Văn học Nghệ thuật. Thế là chúng tôi tan tác, chỉ còn lại một mình Nguyễn Đức Thọ "trụ trì" để chờ thời. Trước thời điểm ấy, Đàm Chu Văn đã chuyển về công tác ở Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy. Còn lại thì Hội phó Hoàng Văn Bổn về làm giám đốc Nhà Xuất bản, tôi ra làm dân ít tháng rồi trở lại nghề Dược, làm thuê cho Chi nhánh một công ty Dược của Thụy Sĩ tại Việt Nam (rồi sau đó làm báo Lao Động Đồng Nai của Liên đoàn Lao động tỉnh từ năm 1993), Cao Xuân Sơn về làm tờ Sống Đẹp của Trung ương Đoàn (sau chuyển qua chi nhánh NXB Kim Đồng ở TP HCM), Nguyễn Thanh Văn về TP HCM dạy Anh văn (cho đến nay), Phạm Minh Hà làm tổng đại lý phân bón (nay không biết ở đâu), Đào Minh mở nhà sách Văn Nghệ ở đường Lý Chính Thắng (nay thành lập Công ty Văn hóa Phước Hải)...
Nhiều năm sau những tháng ngày "tan tác", Hội Văn Nghệ Đồng Nai được phép "tái hoạt động" sau một Đại hội "hoành tráng" với số biên chế của Văn phòng Hội "tiểu tiểu tráng" là 3 người! Giai đoạn này tôi không làm việc ở Văn phòng Hội nên không thể "kể" gì.
Cho đến nay, trong số những người của "một thời như thế", chỉ có hai người có dịp quay trở lại làm việc tại Hội Văn Nghệ Đồng Nai. Một là tôi, Khôi Vũ, về làm tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai từ 2001 đến 2007; hai là nhà thơ Đàm Chu Văn, hiện là Phó Chủ tịch Hội, Tổng biên tập tạp chí VNĐN.
Dĩ nhiên, sau một thời gian dài qua đi, chúng tôi quay về nơi cũ thì nơi đây và chính mình cũng đã khác xưa nhiều lắm. Riêng tôi còn khác chính mình cả việc thích kể chuyện ngày xưa mà chẳng thích kể chuyện gần đây chút nào! Không hiểu vì sao trong tôi cứ lởn vởn mãi câu hỏi: "Bao giờ cho đến ngày xưa?". Cái ngày xưa của đời sống văn chương trong trẻo.
KHÔI VŨ (nguồn: văn nghệ Đồng Nai)
_________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét