NSƯT Trọng Hữu tên thật là Đặng Trọng Hữu, sinh ra và lớn lên tại xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang. Câu hò, điệu lí bên dòng sông Phụng Hiệp đêm ngày sóng vỗ đã in vào tâm trí anh từ thuở thiếu thời. Xuất thân trong gia đình có truyền thống đờn ca tài tử, có tới 4 đời theo nghệ thuật: ông nội - ông 7 Cò Điển là tay chơi đờn cò nổi tiếng khắp miền Tây thời Pháp thuộc, cha là ông Tư Sang - bạn thân của danh cầm Văn Dĩ, là nhạc sĩ ghi-ta phím lõm một thời tại Đoàn nghệ thuật QK 9, có chú ruột là nhạc sĩ Sáu Đạt - đàn Violon cũng từng công tác tại Đoàn nghệ thuật quân đội này; con trai anh - Đặng Trọng Vũ đang là ca sĩ đang ăn khách của miền Tây Nam Bộ.
Ngày ấy…
Theo ông nội hát đám từ 10 tuổi, 16 tuổi theo cha vào Đoàn văn công Tây nam bộ rồi trở thành chiến sĩ thông tin thuộc Trung Đoàn 2-QK9 và trưởng thành từ diễn viên từ Đoàn văn công Tây nam bộ, Đoàn nghệ thuật QK 9. Sau giải phóng 1975, về làm phó rồi trưởng Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang. Ông và vợ - bà Tuyết Mai (nguyên là y tá của Đoàn văn công Tây nam bộ) đều được phong tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất, cả hai đều đang lãnh lương hưu và sinh hoạt Đảng tại Chi bộ khu vực 3 phường Hưng Lợi TP Cần Thơ. Năm 1995, cộng tác với Đoàn Cải lương Tây Đô; tại Hội diễn sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, đoạt Huy chương vàng với vai Phương trong vở Loài hoa không tên. Đến nay, NSƯT Trọng Hữu đã thu thanh, thu hình và phát sóng gần 500 bài ca cổ và trên 100 vở Cải lương. Rất nhiều bài ca cố do anh thể hiện đã in sâu vào công chúng: Thương em nhiều qua lá thư Xuân, Chợ Mới, Tình đồng chí, Dáng đứng Bến Tre… Nhiều vở do anh đóng vai chính làm cho khán thính giả mộ điệu nhớ hoài như: Tô Ánh Nguyệt, Tướng cướp Bạch hải đường, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Chuyện tình Lan và Điệp, Tình xưa nghĩa cũ…Từng là bạn diễn ăn ý với nhiều nghệ sĩ ưu tú như: Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Thanh Thanh Hiền, Cẩm Tiên… và từng được độc giả Báo sân khấu TP. Hồ Chí Minh bình chọn là Danh ca vọng cổ.
Bây giờ….
Tác giả của nhiều bài ca cổ nổi tiếng - anh Diệp Vàm Cỏ ở Long An gần đây có viết bài ca cổ nổi tiếng Con sáo đồng bằng do NSƯT Thanh Thanh Hiền trình bày nói về "…quá trình hoạt động nghệ thuật cải lương bền bỉ của NSƯT Trọng Hữu trưởng thành từ thời kháng chiến chống Mĩ, đến giờ này vẫn còn đứng vững trên sân khấu cải lương giữa Sài Gòn hoa lệ và miền Tây Nam bộ, thật là có một không hai…" - nhà báo Phi Thường - Giám đốc Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ cũng như nhiều người từng nói. Mượn tên bài hát nổi tiếng, anh chọn làm chủ đề và đang trình làng cho các DVD Con sáo đồng bằng 1 - 2 và riêng Con sáo đồng bằng 3 dự kiến phát hành vào dịp Quốc khánh 2/9 năm 2011.
Con sáo đồng bằng 1 anh hát với các nữ nghệ sĩ: Cẩm Tiên, Thoại Mỹ, Thanh Thanh Hiền, Thanh Thúy, Thùy Trang, Vân Khánh…với các bài ca cổ truyền thống như: Gần lắm Trường Sa, Ở hai đầu nổi nhớ, Thương về quê mẹ và trích đoạn Bông mận của Tác giả Trọng Nguyễn. Cuối cùng là phỏng vấn các nghệ sĩ Trọng Phúc, Thanh Thanh Hiền… nhận xét về quá trình hoạt động nghệ thuật cải lương của người nghệ sĩ tài hoa này.
Con sáo đồng bằng 2 là ba trích đoạn cải lương: Một Chuyện tình buồn với Thoại Mỹ, Chuyện tình Hàn Mặc Tử với Cẩm Tiên và đoạn kết trong Tô Ánh Nguyệt với Hoài Linh, Thoại Mỹ, Lê Tứ, Hà Như…
Riêng Con sáo đồng bằng 3 sẽ gồm 8 bài ca cổ với chủ đề truyền thống cách mạng và tình yêu quê hương đất nước.
"… Mấy mươi năm đi hát, phù du để lại phía sau, hạnh phúc gia đình của nghệ sĩ nhiệt tâm với nghề là những món ngon vợ nấu, là những đứa cháu cưng quấn quýt bên mình khi về nhà. Gần nữa thế kỉ gắn bó với cải lương, ở cái tuổi nhiều bạn diễn cùng thời đã chọn cách nghỉ ngơi hoặc rời xa sân khấu nhưng anh vẫn cần cù, nghiêm túc sáng tạo với những vai diễn, vẫn dày kín lịch đi diễn khắp ĐBSCL và TP. HCM, vẫn miệt mài cho sân khấu cải lương như một con tằm rút ruột nhả tơ, bởi với anh, bà con nông dân xứ mình còn mê cải lương lắm…" - NSƯT Trọng Hữu chân thành nói.
Ông bà ta từng dạy "Nhân vô thập toàn", với NSƯT Trọng Hữu thì cũng nằm trong phạm vi kinh điển ấy. Nhưng sự thật bao giờ cũng là sự thật, hiện nay anh vẫn lãnh lương hưu và sinh hoạt Đảng tại địa phương. Những đồng nghiệp nổi tiếng tại Hà Nội và TP. HCM như Nghệ sĩ UT Lệ Thủy cho rằng "…với quá trình truyền thống gia đình và bản thân tham gia cách mạng, trước sau vẫn giữ mãi một tình yêu son sắt với nghệ thuật cải lương, hiện vẫn đứng vững trên sàn diễn cùng các ngôi sao sân khấu cải lương nhiều thế hệ tại TP. HCM và cả nước… đúng ra anh phải xứng đáng là Nghệ sĩ nhân dân…"
NGUYỄN VĂN BỚT (tác giả giữ bản quyền)
______________________________________
HA rất thích giọng ca NSUT Trọng Hữu. Cảm ơn tác giả bài viết.
Trả lờiXóaChúc BCN Bông Tràm luôn khỏe và thành công.
tôi rất thích giọng hát của NSUT Trọng Hữu và luôn tìm cách thể hiện từng lời ca để thể hiện cái hay mà tôi yêu thích...hihihi nhung xin lổi NSUT tôi hát hoài chỉ mong giong dc 1/10 là đạt nhưng tập hoài mà tôi ....nếu nghe tôi hát chắc NSUT thất vọng lắm....
Trả lờiXóacám ơn tác giả Nguyễn Văn Bớt, đọc bài viết tôi mới hiểu hơn về thần tượng của mình
Trả lờiXóaCảm ơn
Trả lờiXóa