GS - TS Trần Văn Khê - một “Cây đại thụ với sức mạnh phi thường, che chắn cho âm nhạc Việt nam không bị gió cuốn, không bị nước biển kéo đi”. G.S sinh năm 1921, mặc dù hiện nay phải ngồi trên xe lăn và mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng ông vẫn lạc quan vui vẻ vừa tiếp chúng tôi tại ngôi nhà của mình, số 32 Huỳnh Đình Hai - Q. Bình Thạnh - TP. HCM. Trước sau như một, ông vẫn cho mình là một người bình thường và giành một tình yêu vô biên với nền âm nhạc nước nhà, sau đây là cuộc trò chuyện thân mật đầy thú vị:
* Là một cây đại thụ về âm nhạc dân tộc của Việt Nam, xin lỗi GS, tại sao ông trước sau như một luôn cho mình chỉ là “một người bình thường”?
GS - TS Trần Văn Khê: Tôi mai mắn sinh ra trong gia đình 4 đời làm nhạc sĩ, ông nội tôi đàn Tì bà rất giỏi, khi mẹ đang mang thai tôi, cậu tôi đã có “thai giáo”, thường thổi sáo cho bào thai nghe mỗi ngày, khi cất tiếng khóc chào đời đã có tiếng sáo réo rắc bên tai;thuở nhỏ sống trong không khí âm nhạc dân tộc, rồi biết âm nhạc, thương âm nhạc rồi sau này nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc. Là một người bình thường, luôn chịu khó học hỏi, nghiên cứu và nghĩ rằng nếu ai cố gắng làm hết mình thì sẽ thành công nên không có gì là phi thường, kì lạ gì cả.
* Được biết, từ những năm đầu thập niên 40 thế kỉ XX, GS từng là sinh viên y khoa -Đại học Đông Dương tại Hà Nội, là hoài bão lớn của bao nam thanh, nữ tú cùng thời, vậy mà GS lại rẽ lối vào vườn hoa nghệ thuật truyền thống, có phải từ lâu GS đã có một tình yêu vô biên với âm nhạc dân tộc nước nhà?
GS - TS Trần Văn Khê: Cái đó đúng, nhưng chỉ một phần. Năm 1941, tôi đang học Đại học Đông Dương - ngành y khoa (hồi đó gọi là trường thuốc), hưởng ứng phong trào Xếp “bút nghiên lên đường tranh đấu”, rồi “phong trào Thanh niên” lúc đó có nạn đói ở Hà Nội nên phải về trong Nam lập gánh hát để mua gạo gởi ra Bắc góp phần cứu đói, phải tạm bỏ trường thuốc. Theo âm nhạc tạm thời vẫn hy vọng khi bình yên sẽ trở lại trường. Rồi phong trào Thanh niên tiền phong, phong trào Kháng chiến, tôi vào căn cứ kháng chiến mấy năm nên đứt đoạn với việc học nghề y. Bị đau (bệnh) quá nặng nên phải qua Pari chữa trị, gia đình vẫn động viên trở lại trường y, cho rằng học trường âm nhạc sau này sẽ khổ, dự định học lại trường thuốc nhưng không có tiền và thời gian vì phải tự đi làm để kiếm sống, rồi làm báo, học trường chính trị và tốt nghiệp hạng ưu ngành giao dịch quốc tế, chuẩn bị làm chuyên viên cho Liên hiệp quốc thì lại bị đau thập tử nhất sinh. Ngày 15/08/1951, bắt đầu nhập viện và phải chịu phẫu thuật 4 lần với bệnh lao, thận, màng ruột… tưởng chết nhiều lần, nhưng mai mắn đến ngày 12/10/1954 thì xuất viện (suốt 3 năm 2 tháng). Trong lúc nằm bệnh, tôi suy nghĩ nhiều và biết mình đã đi sai đường vì không theo âm nhạc dân tộc, lúc học trường thuốc ở Hà Nội lại thường xuyên chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng, nhạc nhẹ, giới thiệu những bài hát phương Tây tiến bộ và những sác tác của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đối với bản thân việc làm này không có chiều sâu mà chỉ mang chiều rộng. Để chuộc lại lỗi lầm là đã quay lưng với truyền thống gia đình 4 đời đã từng gắn bó với âm nhạc cổ truyền, bản thân đã thụ hưởng nhiều ở nó mà lâu nay mình đã phản bội, nên khi xuất viện tôi liền quay lại thực hiện quyết định của mình là tiếp tục học tập, nghiên cứu âm nhạc dân tộc, chứ không phải chỉ say mê âm nhạc một cách đơn thuần.
* Trước tình hình xuống dốc thê thảm của sân khấu Cải lương Việt Nam hiện nay, theo GS, chúng ta phải “làm gấp” những gì để cứu lấy một “báu vật” đang ngày càng bị mai một?
GS - TS Trần Văn Khê: Đây là một vấn đề lớn mà nhiều lần cá nhân tôi đã có ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Muốn cứu lấy nó thì phải biết hai cái hại lớn đã làm cho nó quá xuống dốc:
Trước hết, việc thu âm, hình của vở diễn vào băng, đĩa là kéo dài thời gian, mở rộng không gian thưởng thức. Ví như vở “Đời Cô Lựu” với các nghệ sĩ tài danh thời trước như: cô 7 Phùng Há, anh Ba Vân… ca diễn xuất chúng nếu được băng, đĩa ghi lại thì nhiều thế hệ mai sau cũng có điều kiện thưởng thức, học tập. Một tuồng thu ở Sài Gòn nhưng qua băng, đĩa thì ở xa cũng coi, nghe được. Nhưng vấn đề này hiệu quả đối với những vở đã đi vào công chúng. Nhưng cũng chính nó đã cắt đứt niềm cảm thông, sợi dây liên lạc giữa kịch sĩ và công chúng bởi chỉ ít chục ngàn thì mua được ngay một băng, đĩa có nội dung một vở tuồng hay với ê kiếp nghệ sĩ theo ý muốn về cả xóm coi; đã xem rồi trong băng, đĩa thì đâu cần đến rạp làm gì, thế là nó có tác động nghịch.
Cái hại kế là nhiều vở tuồng theo kiểu “mì ăn liền” không hay về nội dung lẫn hình thức, thậm chí lãng xẹt, không hấp dẫn, tính kịch, tính văn chương thấp. Có vỡ hay, diễn viên giỏi nhưng hạn chế về rạp, lại họ theo phong trào quay băng, đĩa, không thèm học tuồng nên ca diễn mất tính sáng tạo, chủ yếu chỉ phục vụ máy Camera, nếu sai đâu thì sửa đó, người diễn xem ra không có hồn, buộc khán thính giả nhàm chán bởi chỉ được xem hình nghệ sĩ thậm chí hát nhép. Đôi khi tuồng hay mà diễn viên kém, đạo diễn non tay nghề, khi đến rạp coi hát mà không được thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật nên lần sau chỉ cần mua băng hoặc đĩa về xem. Vô tình hai cái hại trên phối hợp nhau làm cho sân khấu cải lương ngày càng kém về sáng tác, tập luyện và biểu diễn.
Vấn đề hiện nay cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi hát cải lương nhằm tìm kiếm hạt nhân cho lĩnh vực sân khấu này như giải Trần Hữu Trang, nhưng khi đạt giải cao rồi thì không có đất dụng võ, rồi khó tồn tại, bởi cải lương ngày càng xuống dốc. Muốn làm gấp rút để cứu vãn, nên tăng cường khâu kiểm soát băng đĩa, chỉ nên cho ra lò những vở tuồng hay về nội dung, hình thức, kiên quyết với loại “mì ăn liền” làm cho người xem, người diễn đều “làm biếng”. Phải mở ra những rạp hát khang trang,tìm những nghệ sĩ hết lòng, hết dạ với sân khấu cải lương, chọn và tập những vở cho hay, biễu diễn cho tốt như các nghệ sĩ Thanh Tòng, Út Bạch Lan… thì khán giả ủng hộ ngay. Nếu coi tuồng thật hay, đào kép giỏi, kịch bản tốt, quảng cáo chu đáo thì thế nào người coi cũng trở lại. Gần đây, Nhà hát Trần Hữu Trang có làm được việc là sân khấu rộng, hoành tráng, tranh cảnh quá đẹp nhưng chỉ thí điểm. Nhưng xem thật ra chỉ là sân khấu tổng hợp: chỉ có 20% cải lương, dàn nhạc cải lương bị đàn áp bởi nào là múa, hát tân nhạc, nhào lộn, ánh đèn rực chớp, nhạc giao hưởng rân trời làm vai trò trung tâm, dàn nhạc sân khấu cải lương bị lép vế như con ghẻ… làm thành sân khấu tổng hợp hoành tráng, người xem chỉ một đêm để thưởng thức tài nghệ toàn các ngôi sao tổng hợp.
Thật ra, tôi chỉ đứng ngoài nhìn thấy tình hình sân khấu cải lương hiện nay mà thấy nóng ruột, người trong cuộc lẽ ra phải biết nhiều hơn tôi, biết làm gì. Như có được rạp hát tốt thì chính quyền phải mạnh dạn đầu tư. Ở bên Tây, có được những vở Ôpêra trường tồn, mặc dù giá vé rất cao mà khán, thính giả vẫn đông, sở dĩ giữ được nghệ thuật tiêu biểu cho đất nước thì chính quyền đã đầu tư thỏa đáng. Ở nước ta, chắc do nhiều lí do, nhà nước chưa quan tâm đúng mức cho âm nhạc dân tộc nói chung, đặc biệt là sân khấu cải lương, hình như chỉ nặng về khẩu hiệu, làm cho người giỏi đôi khi thối chí, còn một số người can đảm đem hết tâm trí mà viết nên những vở tuồng khá hay nhưng khi viết xong không ai dàn dựng. Người nghệ sĩ phải thấy hết sứ mạng của mình chứ đừng vì tiền mà góp phần làm cho sân khấu cải lương thêm tàn lụi.
* Cuối cùng, xin G.S cho biết đôi nét về công việc hàng ngày của mình và kế hoạch thực hiện công việc sắp tới?
GS - TS Trần Văn Khê: Hiện tại, tôi đang tiếp tục công việc đã làm như nghiên cứu, giảng dạy, thuyết trình về âm nhạc dân tộc cho các trường trong lẫn ngoài nước khi được mời làm cố vấn cho việc lập Hồ sơ về đờn ca tài tử bởi dù sao tôi vẫn ít nhiều kinh nghiệm cũng như việc liên hệ với các cơ quan quốc tế. Đã làm cố vấn cho hàng chục Luận án, Luận văn Tiến sĩ, Thạc sĩ về việc sưu tầm tư liệu ở thư viện hoặc cung cấp sách vở mang từ nước ngoài về. Thường xuyên viết bài nghiên cứu, lí luận về âm nhạc dân tộc, những giáo trình giảng dạy bên Tây mà tôi viết bằng tiếng Anh, sau này đã và đang viết lại bằng tiếng Việt. Sức khỏe tôi vốn không được dồi dào, hiện tại thời gian trị bệnh chiếm hơn phân nửa. Mọi người thấy tôi vui vẻ nói chuyện trên truyền hình nhưng đâu biết tôi đến bằng xe lăn, khi nói chuyện về âm nhạc dân tộc thì trong người thật hào hứng, nội tâm phấn chấn, thật ra khi về nằm ở nhà thì mệt lắm, phải mời kĩ thuật viên Vậy lí trị liệu trị nhiều bệnh lắm với đủ thầy thuốc Tây, ta, ngồi nhà ăn uống cẩn thận, từ lâu không bao giờ có thời gian nhậu nhẹt. Hôm trước tôi có nói trong cuốn “Tự truyện Trần Văn Khê - Những câu chuyện từ trái tim” do Đào Trung Uyên chấp bút rằng: “… thiên hạ giật mình không ngờ tôi đau rất nhiều, toàn bạo bệnh mãn tính có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bất cứ lúc nào. Cố gắng tập luyện theo lời bác sĩ, tự săn sóc mình, tập đi, tập thở…”
Công việc quan trọng là tôi tiếp tục bổ sung, chỉnh lí để hoàn tất Hồ sơ đờn ca tài tử để trình với UNESCO, phải coi lại từng tài liệu, phân loại vấn đề nào xác thực và chưa xác thực. Phải làm thế nào, ghi chép ra rao cho phù hợp với UNESCO, phải cẩn thận coi lại từng chi tiết, trước hết phải trình với Bộ VH - TT & DL. Tiếp tục giảng dạy ngoại khóa về âm nhạc dân tộc cho Đại học Bình Dương. Nhiều GS- sinh viên nước ngoài đến trao đổi, tìm hiểu âm nhạc Việt Nam, tôi vừa thuyết trình cho một GS và trên 20 sinh viên đến từ Pa-ri, gần 40 GS là người Mĩ trong vòng 3 giờ đồng hồ, nói chuyện trên 2 giờ đồng hồ cho Tổng lãnh sự Pháp thưởng thức về nghệ thuật truyền thống hát bội với những nét đặc thù, bí hiểm. Thời gian qua, cứ 2 tháng một lần, tôi lại tổ chức diễn thuyết tại nhà về bộ môn nghệ thuật truyền thống cũng quý như “báu vật” này, tính đến nay đã gần trăm buổi.
* Xin trân trọng cám ơn G.S!
NGUYỄN VĂN BỚT thực hiện (tác giả giữ bản quyền)
______________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét