Soạn giả - nhà báo - nhà thơ Diệp Vàm Cỏ tên thật là Bùi Văn Diệp, sinh năm 1958, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hiện công tác tại Phòng Văn Nghệ - Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Đến nay đã viết hơn 100 bài ca vọng cổ và nhiều kịch bản cải lương và đạt không ít giải thưởng cấp tỉnh và khu vực cũng như ở TP.HCM, tác phẩm anh được nhiều cơ quan thông tin đại chúng ở TP.HCM và các tỉnh dàn dựng. Nhân dịp mừng Xuân Nhâm Thìn 2012, anh có chút tâm sự với độc giả:
Mùa xuân ở Đồng bằng Nam Bộ có nét riêng,thường đến sau mùa lũ, năm nay lại là mùa lũ lớn. Thông thường, ở phương Nam, khi xuân về thì nơi nơi mai vàng khoe sắc thắm nhưng năm nay do lũ lên cao, mai bị rụng lá nở sớm, nhà vườn trồng mai đến Tết chắc là không vui. Việc ăn Tết của người dân nơi ảnh hưởng lũ bị thiệt thòi ; nhưng dù có gian nan, vất vả đến mấy thì người ta vẫn có niềm hy vọng cho một năm mới với nhiều điều tốt lành hơn năm cũ. Nhưng an ủi lại phần nào, sau lũ để lại lớp phù sa màu mỡ, bồi bổ cho ruộng đồng ; mùa xuân Đồng Tháp Mười với màu xanh bạt ngàn của những đồng lúa vụ Đông - Xuân căng tràn sức sống sau trận lũ.
Là tác giả viết bài ca cổ, khi mùa xuân về cũng có nhiều xúc cảm, với bao nỗi vui, buồn. Nhớ lại lúc bài ca cổ còn lên ngôi, khi mùa xuân về anh cũng có viết một số bài mang hơi thở của mùa Xuân đồng bằng như: Mùa chim én bay - NS Trọng Hữu và Cao Thị Thắng ca, Chuyến đò cuối năm - NS Thành Tài và Kim Thoa ca,Cô mai - NS Thành Tài và Phượng Hằng ca, Người tình cũ - NS Đức Tài ca… Đặc biệt, nhớ lại cách đây gần 20 mùa xuân, lúc ấy anh còn công tác ở một xã vùng sâu ở Đồng Tháp Mười. Hồi ấy cứ mỗi khi Tết về thì mọi người đến nhà chúc Tết nhau rồi uống rượu. Mà uống rượu đã thành truyền thống ở đồng bằng phương Nam, nhưng uống nhiều quá thì truyền thống này không hay. Trong bài hát mang nỗi niềm của tác giả cũng như của bà con vùng sâu mong muốn có gì mới vui vẽ hơn ngoài việc uống rượu - khi Xuân về thì một xóm bán lúa hùn nhau để mua một đầu Lân về múa cho vui, bởi múa Lân có tiếng trống vui nhộn, đậm nét văn hóa đặc trưng của xóm làng, mang âm hưởng của mùa Xuân. Đó cũng là nội dung bài hát được mang tên: Vui Xuân Đồng Tháp được Đài TNND TP.HCM mời NS Điền Tử Lang ca. Anh thích hát bài ca cổ dí dỏm này vì muốn Mùa Xuân Đồng Tháp Mười ngày càng khởi sắc hơn…
Ở đồng bằng Sông Cửu Long, vào buổi sáng sớm ngày thường và nhất là vào mùa Xuân, khách thương hồ bồng bềnh bên phiên Chợ nổi, du khách được ngắm nhìn một lần thì cả đời làm sao quên được. Trăn trở trước sự đổi thay của cuộc sống, Chợ nổi mai đây biết có còn không và bài hát Thương về Chợ nổi của anh đã ra đời và nhận được giải 3 trong Cuộc thi sáng tác lời mới bài Ca cổ ĐBSCL lần 3 vào tháng 11/2011 vừa qua.
- Ngôi sao sân khấu cải lương: NSƯT Cẩm Tiên: Nhớ mãi một mùa xuân năm ấy.
Duyên may không hẹn trước tôi tình cờ gặp NSƯT Cẩm Tiên tại phòng thu Công Ty TNHH-VHNT Châu Liêm tại 933/2/12A tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, Q.Bình Tân của Nghệ sĩ Châu Liêm vào một ngày chuẩn bị đón Xuân Nhâm Thìn. NS Cẩm Tiên còn nhớ mãi một mùa Xuân năm ấy cách đây tròn 22 năm: Ngày ấy, chỉ còn vài tháng là tốt nghiệp Cao Đẳng SP TP.HCM, năm hết Tết đến, ông Võ Văn Mười, cha ruột NS Cẩm Tiên khăn gói từ Gò Dầu (Tây Ninh) xuống Sài Gòn thăm con, tiện dịp dẫn người con sắp trở thành cô giáo có năng khiếu ca vọng cổ thăm nhà người bạn thân là Nhạc sĩ Minh Hữu (anh nuôi NS Châu Thanh). Hôm ấy có tổ chức đàn ca tài tử và có mặt cả NS Châu Thanh, Cẩm Tiên ca thử 2 câu vọng cổ trong tuồng Người đẹp trong tranh với lối ca trong trẻo, dài hơi, luyến láy âm sắc tuyệt vời. Nhạc sĩ Minh Hữu và NS Châu Thanh khuyến khích cô theo nghề hát. Được NS Châu Thanh giới thiệu, Cẩm Tiên gia nhập Đoàn cải lương Trung Hiếu, lúc này anh hát kép chánh cùng với NS Phượng Hằng. Nhờ năng khiếu bẩm sinh, vóc dáng xinh đẹp, gương mặt khả ái, hiền lành, lại được giúp đỡ của các nghệ sĩ đàn anh, mới về Đoàn Cẩm Tiên được hát đào nhì với vai cô giáo Liên trong Vở Sóng gió cuộc đời diễn ngay trong dịp tết năm ấy được khán giả hết lòng khen ngợi. Được Tổ nghiệp đãi, khiêm tốn kiên nhẫn học nghề, giọng ca thiên phú, được nhiều người giúp đỡ ; chỉ sau 6 tháng, khi đôi NS Phượng Hằng - Châu Thanh rời Đoàn, Cẩm Tiên được hát chánh cùng với NS Đức Tài, được người xem vô cùng mến mộ. Những mốc son tiếp theo trong đời đi hát, Cẩm Tiên và NS Vương Cảnh là đôi Diễn viên được yêu thích nhất từ năm 1992 - 1993. Năm 1995, nữ nghệ sĩ xinh đẹp tài hoa này đạt Huy Chương Vàng giải Trần Hữu Trang ; năm 2005, đạt Huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc… Đến nay đã thu và phát hành hàng trăm tuồng cải lương và rất nhiều trích đoạn nhiều vở cũng như rất nhiều bài ca cổ, đặc biệt có những bài nói về Mùa Xuân. Đặc biệt, gần đây, Cẩm Tiên và Thanh Tuấn có thu và phát hình bài Ca cổ Cung Đàn Mới của Soạn giả Ngô Hồng Khanh gây dấu ấn hết sức dữ dội nói về khí thế Mừng Xuân Đại thắng năm 1975 của cả dân tộc và tấm lòng biết ơn của đồng bào Tây Nguyên đối với anh bộ đội giải phóng quân…
Cùng chồng từng kinh doanh khách sạn ở Bạc Liêu, rồi lập Công ty xử lí môi trường ; công việc nói chung cũng thuận buồm xuôi gió. Vợ chồng NS Cẩm Tiên vừa thành lập công ty cung cấp bóng đèn thắp, chiếu sáng ; sản phẩm nhập từ nước Đức - giúp hạn chế hao tổn điện khoảng 90% ; đã thực hiện được nhiều hợp đồng ở Bạc Liêu, Kiên Giang…
Dù bộn bề công việc, chị cùng chồng hay làm từ thiện. Cẩm Tiên thường xuyên có mặt ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ để hát vận động gây Quỹ vì người nghèo, giúp trẻ mồ côi, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ; ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ; nghệ sĩ già neo đơn… có một mùa Xuân nho nhỏ. Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn, NS Cẩm Tiên thay mặt anh chị em nghệ sĩ muốn gởi lời nhắn chân tình đến các nghệ sĩ mới vào nghề phải có tâm với nghề, kiên nhẫn khiêm tốn học hỏi, phải biết kính trọng và thương yêu những người đi trước ; chân thành cám ơn và chúc khán, thính giả, bạn đọc trong và ngoài nước một mùa xuân mới an khang thịnh vượng.
- Ngôi sao sân khấu cải lương - NS Châu Liêm: Mùa xuân là hy vọng.
Nghệ sĩ Châu Liêm tên thật là Trương Châu Liêm quê gốc ở xã Bình Đông, Gò Công Tây, Tiền Giang. Năm 1990, thi đỗ á khoa sau nữ Danh hài Kiều Oanh hiện nay ở Trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2. Mùa xuân năm 1993 sau khi tốt nghiệp Khoa Diễn viên Cải Lương với tấm bằng hạng xuất sắc, đầu quân về Đoàn Cải lương Trung Hiếu, vì mới ra trường biết mình không thể sánh vai với đàn chị, đàn anh, Châu Liêm xin về Đoàn Cải lương Long an hát kép nhì sau NS Vương Hùng. Năm 24 tuổi, cũng vào những ngày giáp Tết, anh được NS Giang Mạnh Hà mời về hát chánh cho Đoàn Văn Công Đồng Nai suốt 4 năm, đến nay vẫn còn đọng lại trong tâm trí khán, thính giả mà Châu Liêm đóng kép chánh với vai Nguyễn Thành trong Vở Uy quyền và tội lỗi của NS Giang Mạnh Hà hay vai Minh trongBóng ma và tội ác của Hùng Dũng… Qua 6 năm Châu Liêm hát với các Đoàn Cải lương từ Trung Hiếu, Sài Gòn 2, Văn Công Đồng Nai, Long An biễu diễn cho khán giả từ Nam chí Bắc và đã từng thu và phát hành nhiều album ca cổ với những nữ nghệ sĩ tài danh như Phượng Hằng, Lệ Thủy, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Tài Linh, Phương Hồng Thủy….
Cảm nhận tình hình thực tế Sân khấu cải lương đã xuống dốc, và cũng vào một ngày xuân năm ấy với đầy hy vọng, anh khấn với Tổ nghiệp xin cho anh rẽ ngang, làm ăn khấm khá rồi anh nguyện quay về phục vụ cải lương. Năm 2005, Châu Liêm may mắn thành công trong việc kinh doanh địa ốc và cho đến nay công việc kinh doanh của vợ chồng anh khá thành công. Với vóc dáng đẹp trai, hào hoa, chất giọng tựa Nghệ sĩ Châu Thanh, hơi dài nhưng rất truyền cảm lay động lòng người nhưng cũng có nét rất riêng của Châu Liêm. Đến nay anh được nhiều Đài PT-TH các tỉnh và TP.HCM mời thu trên 400 bài ca cổ và hàng chục trích đoạn Vở Cải lương được khán thính giả mộ điệu hết lòng khen ngợi. Gần đây anh được khán thính giả nhiều lần yêu cầu các Đài PT-TH phát lại nhiều bài ca cổ như:Tình Huế tác giả Diệp Vàm Cỏ, ca chung với Ca sĩ Vân Khánh hay Bông Bí Vàngtác giả Hoàng Song Việt, ca chung với NS Lệ Thủy….
Anh từng hợp tác với Cung văn hóa Lao động TP.HCM ký hợp đồng mỗi tháng có một chương trình ca cổ và trích đoạn, vào chủ nhật của tuần thứ hai trong tháng, từng ấp ủ hy vọng cứ 3 - 4 tháng cố gắng dàn dựng một vở dài để khán giả cảm thụ cải lương miễn phí một cách trọn vẹn. Anh hy vọng sẽ dựng lại những vở xưa rất hay như Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu, Tâm sự Ngọc Hân… Hiện tại, chương trình Dạ khúc tri âm do Châu Liêm phụ trách diễn ra hàng tháng tại Nhà hát kịch TP.HCM trực tiếp truyền hình vào ngày 16 hàng tháng, với nhiều Đài PT-TH thực hiện như: Bến Tre, Đồng Nai, Trà Vinh, Long An… quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh Cải lương từ Bắc tới Nam như Thanh Thanh Hiền, Minh Vương, Thanh Tuấn, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Trọng Hữu, Thanh Kim Huệ, Châu Thanh, Vân Khánh, Phượng Hằng, Cẩm Tiên, Thoại Mỹ, Châu Liêm, Trọng Phúc… biễu diễn các bài Tân cổ giao duyên đặc sắc và Trích đoạn một số vở cải lương từng vang bóng một thời để phục vụ miễn phí khán, thính giả mộ điệu và cũng là việc làm thiết thực để tiếp tục thực hiện lời khấn với Tổ nghiệp ngày nào.
Nhân dịp năm mới, canh cánh bên lòng trước sau vẫn giữ mãi một tình yêu son sắt với bộ môn nghệ thuật cải lương, nhằm phục vụ miễn phí khán thính giả mộ điệu, NS Châu Liêm sẽ kí hợp đồng một năm với một Đài Truyền hình mà anh chưa tiết lộ về thực hiện Chương trình Ca cổ và Cải Lương, trong đó có việc thực hiện các công đoạn thu hình, âm thanh, dựng phim … một cách hoàn hảo tại Công Ty TNHH-VHNT Châu Liêm tại 933/2/12A tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, Q.Bình Tân do anh làm Giám đốc. Châu Liêm hy vọng rằng đến một ngày không xa, mùa xuân sẽ trở lại với sân khấu cải lương, chúc hy vọng và kế hoạch của anh của anh nhanh chóng trở thành hiện thực.
NGUYỄN VĂN BỚT (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
KỈ NIỆM 1 NĂM TRANG VHNT BÔNG TRÀM (3/1/2011 - 3/1/2012)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét