Sẽ còn lại những gì trong đầu,
khi tôi đã lên tuổi ngũ tuần. Có lẽ là sẽ trống rỗng khi đi ngang một đám cưới
người ta làm cổng lễ vu quy hay tân hôn bằng chất liệu bông hoa cao su rực rỡ,
mất đi cảnh chặt hai cây chuối trồng lên làm hai trụ cổng, lá dừa lá đủng đỉnh
cắm vào cột xanh tươi, thắt treo lủng lẳng chùm trái đủng đỉnh đong đưa theo
gió...
Một cổng làng, mái đình, bến nước,
cây đa hay cái giếng ở xứ Bắc? Một dồ đá, chái miễu, ngôi chùa, hay những ngọn
tháp, cổ thụ lâm dồ nằm khuất trong các cổng chùa uy nghi tượng Phật ở phum sóc
người Khmer Nam bộ. Đó có phải là hồn quê làng ! Và còn nữa những nét riêng biệt,
có khi chẳng quê làng nào giống quê làng nào, phải chăng đó chính là hồn quê
làng ngày xưa.
Có không sự khác biệt giữa hồn
quê là phong tục lễ hội. Làng tôi ăn, ở, sống chung chạ với phum sóc người dân
tộc Khmer nên dần dà người Việt, Khmer đều tham gia chung các lễ hội. Khi đầu
làng cúng đình Thần, hay chùa trong phum sóc có lễ hội He, Tết... thì cả trai
gái Việt, Khmer ăn mặc rực rỡ, rần rần kéo tới chùa cùng lễ Phật, lễ Thần rồi
vui múa, ca hát, chọc ghẹo nhau...
Mấy đời ông cố, ông nội, rồi ba
tôi và cả người dân làng xứ núi, liền đồng miệt tứ giác Long Xuyên quanh năm vật
lộn với mảnh đất phèn chua đỏ loét để làm ra hạt lúa, phá núi, chặt cây rừng để
tìm được củ khoai. Tưởng chừng người ta chỉ cặm cụi hôm sớm nơi ruộng rẫy đồng
áng, tối về quây quần bên ngọn đèn dầu chong leo lét, nhưng hễ nghe nhà ai có
đám thì tụ đến tiếp sức, đám cưới thì trai tráng dựng cổng, chặt tầm vông xỏ
bàn ghế cả xóm chụm về đãi bà con hai họ, các má các chị vào bếp nấu nướng thức
ăn, khi có đám ma người đem gạo, người đem cá tới nấu nướng đãi khách, trai trẻ
lên mé núi đào huyệt không phải lấy tiền công, rồi cùng hè nhau khiêng quan tài
đến nơi an nghỉ cuối cùng, khi tươm tất xong việc còn đem mồi, rượu tới nhậu
lai rai cho ấm lòng nhà cửa... Khi có người lạ mặt vào làng tìm kiếm, nếu hỏi
thăm đến nhà ai, chủ nhà tên gì, đang ở đâu, làm gì ngoài đồng, trên núi, người
trong xóm đều biết hết! Ngày xưa còn nghèo đói, nhưng không ai bỏ xóm làng đi cả, cũng
có không ít bà lão rồi nhưng quanh năm không ra khỏi đầu làng.
Nhớ những năm bảy lăm, bảy sáu mới
giải phóng tôi còn trai trẻ theo ba, các chú bác vào đồng tràm tát đìa hội -
đìa hội là đìa cả dòng họ anh em xúm lại đào, rồi khi đi tát bắt cá cùng rủ
nhau đi, có lần chục, mười mấy người. Gánh quảy võ, gàu sòng đôi, rựa quéo, gạo
muối me khô, bột ngọt, nồi xoong chảo lỉnh kỉnh. Sau khi dọn sòng, dở chà xong,
trai tráng sức lực thay phiên từng cặp tát nước, đến khi khô bắt cá đủ loại như
lóc trê, rô sặt, thác lác, lươn rắn... tôi nhớ nhất là món nướng trui cá dầy -
loại cá này như cá lóc, nhưng đầu nhọn, lớn bằng bắp tay, chỉ món nướng trui là
ngon nhất, hay cá rô mề nấu canh chua me chấm muối ớt. Chọn xong cá lớn gánh về
bán hoặc ăn liền, các chú bác tôi cho cá lóc, trê, rô vào giỏ, xỏ giày lính của
chế độ ngụy để lại đạp cho tróc hết vẫy gánh về cả xóm xúm lại chia để làm mắm
dự trữ ăn cả năm trời. Cũng những năm đó, lúa Thần Nông mới bắt đầu xạ theo ruộng
giáp bưng vào tháng mưa xuống, có năm nước lụt sớm cả nhà cha con cùng chống xuồng
ra mò cắt trong nước, bó lại từng bó vừa kẹp đập tay, rồi bè xuồng vào kiếm chỗ
doi đất cao chất đóng đập thủ công lên miếng ván ngang năm, sáu tấc, dài hơn
thước, thật rất cực nhọc, chưa tính công chở về phơi hai bai nắng nữa. Vì doi đất
cao nên rắn, chuột, kiến lửa... đủ thứ loài lên trú nấp, ngày làm kiến lửa cắn,
nước ăn đến trầy cả tay chân từng người. Lúa mùa hè thu theo nước ấy, tôi không
thể nào quên được đến hôm nay.
Lại nhớ hồi tôi mới bốn, năm tuổi,
trên đầu xóm Bến cây Dầu có một lão ông mồ côi cha mẹ sớm, không vợ con, chuyên
đi làm mướn, từ việc chặt ranh bờ cuốc góc ruộng, đào hồ ao, đến rào cái hàng
rào tầm vông làm ranh đất đều nhận làm hết. Khi ông không có việc làm lại uống
rượu suốt ngày, xỉn vô hay chửi thề " Đụ con đĩ ây " không hiểu
" con đĩ ây " là ai, nhưng riết cũng ghiền nghe ông ta chửi đổng như
thế. Lão, từ đó có biệt danh ông Ba "con đĩ ây". Tết
tới, từ ngày hai mươi lăm là ông xách cà ròn, lọ mực tàu, cây viết chữ Nho đi hết
nhà này tới nhà khác viết liễn tết cho cả làng, ngơi việc lúc nào là lại hớp một
ngụm rượu, như là uống nước. Vì thế, hễ ai có việc mướn lão làm, trước
tiên, là phải đưa lão ông một xị rượu bỏ vào túi cà ròn cái đã . Một việc nghĩa
của lão ông ai ai cũng nhớ là viết liễn tết, nhà nào có tiền thì lì xì, không
tiền thì cho xị rượu. Việc này cả làng đều biết, thành câu chuyện truyền đời.
Thời đó, đi xa nhớ về làng, tôi lại nhớ tới lão ông. Người như thế
không phải làng nào cũng có !
Thông điệp hồn quê làng người xưa
truyền lại đời sau là như thế !
Ngày nay hễ tất tất có việc thì
ra chợ mướn từ A tới Z. Tình chòm xóm, làng quê trở nên nhạt nhẽo làm sao...
Và nữa, quê làng bây giờ nhiều
nơi lên phố chợ. Nhưng đình miếu thờ thành hoàng bổn cảnh, thần xây dựng khai
phá của làng, thì vẫn được tôn kính nguyên trạng, cúng bái từng mùa. Những huyền
thoại, sự vật ở trong làng vẫn còn đó, những câu chuyện truyền miệng về những
con người không giống ai vẫn còn đó... Có chăng vì lẽ tự nhiên ấy mà tạo
thành sự cân bằng của nhu cầu ký ức của cuộc sống cứ văng vẳng trong mỗi chúng
ta.
TRẦN THẾ VINH (tác giả giữ bản quyền)
______________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét