Mấy hôm nay các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long dầm mình trong lũ. Cơn lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng chủ yếu ở các huyện đầu nguồn lũ An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Thành, Long Xuyên. Lũ đã làm 4 người chết, sạt lở 12.907 m2đất bờ sông; 3.471 căn nhà bị ngập; 651 căn xiêu vẹo; 344 ha lúa và hoa màu vụ 3 đang bị ngập và gặt ép; mất trắng 3.535 ha.
Lũ còn làm ngập 120 ao cá và 136 km đường giao thông bị ngập, sạt bờ. Tỉnh kịp thời trích ngân sách 46 tỷ đồng chi phí gia cố đê, nhưng do cường suất lũ mạnh đã làm phát sinh 254 km đê bị vỡ, tập trung nhiều nhất là huyện Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên….
Rất nhiều tuyến đê xung yếu bị vỡ, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Anh bạn tôi thấy người ta đầu tư vụ ba kiếm ăn được, năm nay cũng nhảy vào đồng Ô Long Vĩ thuê sáu công đất đầu tư trồng lúa, tưởng có cái ăn, ai dè vỡ đê đành chịu mất trắng.. Chưa tính hết thiệt hại mấy hôm nay là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, thiếu thốn. Ruộng đồng, vườn cây, ao cá…bổng chốc chìm sâu trong cơn lũ. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi và tiền của đổ ra giờ mất tăm trong làn nước trắng xóa. Bao nhiêu cố gắng để cứu lấy những con đê. Những đơn vị bộ đội, Đoàn thanh niên… không quản ngại gian khó, trực chiến suốt hai tư giờ để đối phó với lũ. Nhưng trước cơn lũ hung hãn và lên nhanh, rất nhiều những con đê bao lần lượt vỡ, bất chấp mọi cố gắng chống chọi của những chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết. Giá như những con đê được gia cố, tôn cao vượt đỉnh lũ thì giờ đâu phải vất vả mà vẫn mất trắng thế kia. Người miền Tây bao đời nay đã quen với cơn lũ hàng năm. Cứ đến hẹn lại lên, năm nào cũng thế, chỉ là lớn nhỏ khác nhau nên chẳng có gì phải bất ngờ. Mức lũ năm nay sẽ cao đã được dự báo từ mấy tháng trước. Nếu chúng ta có chuẩn bị, gia cố chắc chắn những con đê đủ sức chống chọi với mức nước đã được dự báo thì giờ đâu phải nhận những hậu quả nặng nề như thế. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn là phải chửa bệnh.Chuyện đã rồi, cũng chỉ là rút kinh nghiệm. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những mất mát mà bà con nông dân phải gánh chịu.
Lũ lớn về gây nhiều thiệt hại nhưng cũng mang lại cho ruộng đồng một nguồn lợi thủy sản khá lớn. Ông Tư, người làm nghề đan lọp lươn ở Châu Thành cho biết đây là năm ông làm nhiều nhất trong hơn hai mươi năm làm nghề này (TH AG). Cá tôm mùa nước nổi là một tặng vật mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho miền Tây. Những con cá mẹ từ đầu nguồn xuôi dòng Cửu Long, rồi lên đồng đẻ và nuôi con. Nước không lên đồng được, những con cá vừa mới sinh không có chỗ trú thân đành trôi ra biển. Cùng với cá tôm, những nguồn lợi thiên nhiên do mùa lũ mang lại cũng dần dần cạn kiệt. Những thứ tưởng chừng như que thuộc, gần gủi với người nông dân, bỗng chốc trở thành đặc sản , chễm chệ trong các nhà hàng sang trọng. Những thứ hôm qua người nông dân tiện hái về để cải thiện bữa ăn sau giờ làm đồng, giờ lại phải chắc lưỡi thèm thuồng. Ngày tôi còn nhỏ, dịp cá ra ( Cá sau khi sinh trưởng trên đồng trong mùa lũ, tập trung đổ ra sông trong mấy ngày. Nông dân gọi là cá ra), bọn nhóc chúng tôi với những chiếc vợt, chiếc rổ đơn giản cũng có thể kiếm được rất nhiều cá. Nhất là cá Linh. Thật ra những ngày cá ra sông, chủ yếu là cá Linh với những đàn cá khổng lồ.. Gặp những đàn cá lớn chủ vó gạt phải tháo đáy lưới, thả bớt cá lại sông vì không thể kéo gạt được một số lượng cá lớn đến thế. Mắm và nước mắm cá linh từ lâu đã là thứ đặc sản nổi tiếng của miền Tây nước nổi. Cá Linh nướng, cá Linh chiên giòn, cá Linh nấu canh chua, cá Linh kho mắm….Chỉ con cá Linh thôi, đã có biết bao món ăn dân dã hết sức độc đáo.
Lũ ở miền Tây chỉ là nước nổi theo định kỳ. Con nước ngày hai buổi cứ lớn ròng và nước cũng từ từ dâng lên. Nước nổi ở miền Tây chưa bao giờ hung hãn, bất ngờ cuốn trôi mọi thứ như lũ quét ở miền Trung. Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay, ta hoàn toàn có thể dự đoán trước diễn tiến của thời thiết để có những quy hoạch dài hạn vừa đãm bảo vòng quay của đất mà vẫn giữ được nguồn lợi thủy sản và cũng đãm bảo tận dụng được lượng phù sa hàng năm từ thượng nguồn đổ xuống. Nước nổi là một đặc tính đã tự bao đời gắn bó với vùng đất này. Nó đâu phải là một thứ thiên tai gây những hậu quả nghiêm trọng nếu như ta có những quy hoạch, tính toán hợp lý. Đã đến lúc chúng ta nghĩ đến việc sống chung, hòa mình với lũ thay vì phải chống lũ. Có lẽ các nhà khoa học cũng đã sẵn sàng vào cuộc.
PHAN VÕ HOÀNG NAM (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét