Cuộc sống quả có nhiều sự tình cờ. Cũng chính sự tình cờ sau câu nói của một cây bút nữ ĐBSCL này, mà tôi trở thành con gái nuôi của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài từ đó. Đầu tháng 7.2009, một đoàn văn nghệ sĩ Trà Vinh đi thực tế tại Cà Mau, trong lúc trà dư tửu hậu với nhau, nhà văn T.N.Y.A quay sang tôi nói (nguyên văn): “Sao tao thấy mũi mày giống hệt mũi ông Trịnh Bửu Hoài hà. Có khi nào mày là con rơi của ổng không?” (Trời ạ! Một sự phát hiện chết người!). Thế là tôi “kết nối” với nhà thơ Trịnh Bửu Hoài qua điện thoại. Cũng từ đó chú cháu trở thành “cha con” một cách “ngon lành” và hết sức tự nhiên như vậy. Tính cách tôi thì bạn bè thân đã rõ, rất ngại chơi với quan chức và người nổi tiếng (biết đâu người ta nói mình “nịnh hót” cũng nên), mà hai đặc điểm ấy ở bố nuôi quả là “hoành tráng”, do đó giữa cha con vẫn có khoảng cách nào đó chưa thật sự gần nhau, dù có nhiều việc rất “gia đình” mà cha con cần chia sẻ.
Cuối tháng 7.2011, khi đi Long Xuyên dự ra mắt tập “Thơ tình ĐBSCL” do công ty Sơn Ca tổ chức, tôi được biết nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đi Hà Nội, vẫn có gắng bay về buổi sáng ngày 23.7 để buổi chiều kịp dự ra mắt sách. Tuy nhiên, lịch bay từ HN về Cần Thơ có sự thay đổi, thay vì ngày 23.7 có 2 chuyến, nhưng chuyến bay buổi sáng bị hủy, cuối cùng, dù cố gắng cách mấy, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài cũng không thể về đến Long Xuyên trước 15 giờ ngày 23.7 được, ông về tới Long Xuyên sau khi buổi lễ đã bắt đầu khoảng hơn nửa tiếng, sau đó cha con có chụp một ít hình ảnh với nhau khi buổi ra mắt sách kết thúc. Dấu ấn về ba nuôi cũng không nhiều lắm trong tôi, có một lần trước đó, khi di dự festival lúa gạo lần đầu tiên được tổ chức ở Hậu Giang, vì đi từ Kiên Giang qua bằng đường Quốc lộ 63, nên ba có ghé Cà Mau, hôm đó Hội VHNT Cà Mau mời cơm nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, tôi có đến dự với tư cách “Hội VHNT tỉnh nhà” chứ không phải con gái đi ăn cơm với ba. Sau khi ăn cơm xong, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài có ít quà tặng mọi người và tôi, đó là đặc sản cá linh sốt cà đóng hộp mà cho đến bây giờ tôi không thể nào quên hương vị.
Tôi có ý định viết một tản văn nhỏ về ba nuôi nhưng chưa phải vào lúc này, vì tôi nghĩ ngay bây giờ mình viết chưa đủ “độ chín”; tuy nhiên, hồi trung tuần tháng 6 vừa rồi tôi có nhận được cuộc gọi của ba, ba hỏi lại địa chỉ cho chính xác để ba gửi tập thơ mới nhất tặng tôi và ba có nói thêm thế này: “Ba có đọc bài viết “Gặp gỡ ở Long Xuyên” trên blog con, nhưng không thấy con nhắc gì tới ba hết”. Tự nhiên tôi nghe lòng mình chùng xuống và có lỗi gì đâu! Vậy mà tôi vẫn còn kịp “dẻo miệng”: “Tại vì con muốn viết riêng về ba thôi, con không muốn viết chung về ba với một ai khác, ba chờ đọc bài viết của con gái nghen ba!”.
Còn một sự tình cờ thú vị nữa, năm ngoái một dịch giả ở Vũng Tàu thường xuyên có bài dịch mới xuất hiện trên Văn chương Việt (vanchuongviet.org ) đã nói với tôi thế này: Ở miền Tây có rất nhiều người làm thơ, nhưng anh phải tìm đọc thật kỹ thơ của hai người, đó là thơ Trịnh Bửu Hoài và thơ em. Tự nhiên lúc đó tôi thấy thật hưng phấn và tôi có “khoe” thêm rằng: nhà thơ Trịnh Bửu Hoài là ba nuôi của em đó (hehe).
Khi tôi chuẩn bị viết bài này, một anh bạn thân ở Cần Thơ (không làm công tác văn chương) có hỏi tôi về nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, tôi nói tôi là con nuôi của chú ấy vì tôi có cái mũi rất giống nhà thơ, anh bạn tôi liền hỏi: "Vậy nếu em có cái miệng giống anh, em sẽ gọi anh bằng gì?". Tôi trả lời không chút đắn đo: "Nếu cái miệng em giống miệng anh, em sẽ gọi anh bằng ông nội". Hình như mất hứng với câu trả lời của tôi hay sao ấy, một lúc thật lâu sau, anh bạn tôi mới nhắn tin tiếp: "Ông nội đi uống càfê đây!"
Một lời hứa sẽ lên Châu Đốc thăm ba và gia đình trên ấy, tôi sẽ cố gắng thực hiện thật sớm.
Chắc chắn những dòng viết này của tôi chỉ là dấu phẩy rất nhỏ trong hành trình đi và viết của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, nhưng tôi viết dưới góc nhìn của một đứa con gái không được sống gần ba nên sẽ rất khiếm khuyết, rất cần được bổ sung dưới nhiều góc nhìn khác nữa. Biết đâu khi đi thăm ba ở Châu Đốc về, tôi sẽ có một bài viết khác sinh động hơn cũng nên!
HÙYNH THÚY KIỀU (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét