Đường Cổ Ngư
– Tây Hồ, thuở ấy anh cùng em thả dạo thanh thản và vô tư lự. Chút gì ngất ngây
trong gió, gợn chút lành lạnh heo may khi thu về. Nghe trong hương gió và sóng
Tây Hồ phảng phất hương cốm – hương vị dân dã mà thanh khiết, rất mực Hà Nội. Anh nghe trong hương xưa muôn đời mà chợt ngất ngây hương vị tình yêu đôi ta –
hương của đôi lứa mình giữa bao nhiêu lứa đôi tuổi trẻ đang dạo bước bên hồ.
Con đường tình yêu Cổ Ngư lại dẫn ta tới Quảng Bá, Nghi Tàm làng hoa, làng cây
mang sắc tươi xanh thơi thới cho Thăng Long, Hà Nội. Đào Nhật Tân sắc tươi hồng
đậm đà, vương vấn như thứ ngôn ngữ thật sang, thật riêng của Hà thành.
Anh đã lặng
ngắm đến nao lòng sắc mai vàng Sài Gòn và anh chợt nhận ra sắc đào Nhật Tân hay
mai vàng phương Nam
cũng là sắc màu của tình yêu thương đất Việt. Ai đi xa mà chẳng dõi lòng mình
về xứ sở cắt rốn chôn nhau – nhất là mỗi độ xuân về.
Anh cùng em
rẽ vào phủ Tây Hồ hay chùa Trấn Quốc vào ngày rằm hay mồng một. Người người đi
lễ chùa như đi vào cõi thiêng liêng mà thắp lên khát vọng thẳm sâu “mấy trăm
năm thấp thoáng mộng bình yên” (Hoàng Cầm).
Con đường
thảo thơm tinh khiết từ cõi Phật nào có bước ngoài con đường muôn thuở của cõi
nhân thế - con đường của ước vọng tình yêu và hạnh phúc. Em đừng quên, khi đặt
chân vào con đường ấy, không được ồn ã, không nói cười huyên náo. Và, cả em nữa
– dẫu trẻ trung xinh đẹp, cũng không thể mang cái tươi tắn trẻ trung thái quá
trong ăn vận mà tới cửa chùa. Bởi, ta đang đi giữa con đường thanh thản yêu
thương và có cả hương trầm lan tỏa trong không gian bình dị mà linh thiêng đó
em.
Trên con
đường Thanh Niên, có nhiều cô gái bán hoa tươi. Nhiều hoa. Thế mà anh cứ thích
một thứ hoa vương vấn lòng người. Ấy là hoa ngọc lan. Họ bán cả cành hoa tươi,
chừng khoảng mươi mười lăm bông. Hương lan tỏa ra từ nhánh cành – ngỡ như những
cánh hoa xuân tỏa từ năm cửa ô Hà Nội.
Ta đi vào Hà
Nội ba sáu phố phường năm xưa. Từ thẳm sâu yêu thương, ta lại chợt nhận ra
những tên phố tự thuở nào mà chỉ đọc lên cũng nôn nao nỗi nhớ. Chứ đâu phải xa
rồi mới nhớ đất Kinh Kỳ - “Thuở ấy mang gươm đi mở cõi. Nghìn năm thương nhớ
đất Thăng Long”…
Ta dắt nhau
đi giữa muôn nẻo đường xuân giữa phố phường Hà Nội. Rẽ vào đường Văn Miếu hay
tạt qua Hàng Giấy, lại nhớ tới lộ trình của các sĩ tử xưa khi lều chõng tới Thăng
Long, những mong công thành danh toại. Con đường học hành – con đường văn hóa
muôn thuở vẫn nhiều nhọc nhằn gian lao mà cũng nhiều rạng rỡ, hiển vinh cho hôm
nay cùng cả mai sau…
Hàng Mắm,
Hàng Lược, Hàng Ngang, Hàng Đào; rồi Thuốc Bắc, Hàng Gai, Mã Mây, Đồng Xuân…
Những tên phố ta qua, sao quá đỗi thân thương như hơi thở của đời thường Hà Nội
hôm qua, hôm nay.
Từ những phố
cổ Hà thành, anh cùng em đi ra những con đường – những tên phố chưa lâu trong
tâm trí người Hà Nội. Những tên đường, tên phố trẻ trung mang tên những danh
nhân văn hóa – những con người đã vắt cả trí tuệ, tâm huyết một đời cho văn
chương nghệ thuật, cho khoa học: Đường Nguyễn Du, đường Hồ Xuân Hương, đường
Nguyễn Khuyến… đường Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Nam Cao, Đặng Thai Mai rồi
đường Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch. Lại nữa, những con đường mang tên các nhà
cách mạng – đường Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh… Những con
đường nhắc ta nhớ tới những ngày ra trận đánh thực dân, đế quốc để giành lại
non sông ngày nay; non sông đất Việt, như Hà Nội vào xuân.
Vào xuân. Đón
xuân trong cả thời tiếp diễn. Trong cả tương lai gần, tương lai xa. Đón xuân.
Mừng xuân để mà mở mang. Mà hội nhập và giao hòa cùng những thủ đô văn minh,
hiện đại trên cõi thế này. Những con đường Hà Nội sẽ còn, sẽ mãi gieo vào lòng
ta “niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân). Con đường hai ta đi hôm nay, hẳn sẽ không
cũ càng theo thời gian, không gian và suy tưởng. Phải không em!?
Tháp Bút đền
Ngọc Sơn hôm nay đang thả lên trời hồn xuân; thả lên cảm hứng của thơ ca như
lòng người Hà Nội, như bao nhiêu tấm lòng ở muôn nơi hướng về Hà Nội – hướng về
con-đường-mùa-xuân.
TRẦN TRUNG (tác giả giữ bản quyền)
________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét