Không biết có phải
vì mưa hắt qua cửa kính xe hay không mà lúc qua khúc cua rồi đổ đèo bỏ lại ngôi
nhà và thị xã trầm lắng sau lưng, lúc ngoảnh lại bất chợt tôi thấy mắt cha nhòe
nước.
Thành phố mà chúng
tôi chuyển đến khá phát triển. Những tòa nhà cao tầng làm Huy thích thú, nó
nhảy nhoi nhoi trên suốt đường đi và liên tục chơi trò đếm từng ô cửa. Cho đến
khi choáng ngợp và đã thấm mệt, nó ngồi bệt xuống ghế rồi lay người ông bảo:
-Cháu chịu thua thôi
ông ơi! Thế vừa nãy ông có đếm không, ông đếm được tất cả bao nhiêu ô cửa ạ?
Ông xoa đầu đứa cháu
nhỏ rồi lại lặng lẽ thu mình chìm đắm trong dòng kí ức chập chờn về V. Nơi ấy
đã tồn tại quá nhiều kỉ niệm về những tháng năm quây quần hạnh phúc. Khi đó mẹ
tôi còn sống, cha còn trẻ và mấy anh em tôi chưa tan tác mỗi đứa một nơi. Chúng
tôi lớn lên từ trong trẻo ấu thơ, tràn ngập thương yêu trong một ngôi nhà có
rất nhiều ô cửa. Những ô cửa màu xanh...
Tôi biết cha yêu V.
Yêu đến mức khi chúng tôi quyết định chuyển đi để bắt đầu một cuộc sống mới sau
nhiều rạn vỡ và mất mát thì trái tim ông đã hoàn toàn tan vỡ. Thật tiếc thay,
khi tôi nhận ra điều này thì dường như mười ba năm là một quãng thời gian dài
khủng khiếp đầy ám ảnh đối với cha. Tôi cũng chẳng sung sướng gì hơn vì có một
quãng thời gian khá dài tôi luôn bị
giằng kéo, dày vò giữa hai nhịp sống. Ở V tôi sống quãng đời tuổi trẻ lương
thiện hơn nhưng nhận về toàn mất mát. Còn ở thành phố nhộn nhịp này đôi khi tôi
trở thành người đàn bà nguy hiểm hơn bao giờ hết. Tôi sẵn sàng giương bộ lông
nhím cảnh giác để tự bảo vệ mình. Còn cha tôi chọn cách sống lặng lẽ thu mình
trong một thế giới riêng nhưng không ngớt những đợt sóng ngầm.
Chồng tôi là người
thích ứng khá nhanh với vùng đất mới. Vì dẫu sao công việc của anh vẫn là những
chuyến đi, ngôi nhà chỉ là bến đỗ cho vài ba ngày nghỉ hiếm hoi, ngắn ngủi. Vào
những ngày đông đủ cả gia đình, chúng tôi thường ngồi bên nhau nhìn bé Huy vừa
chơi trò xếp hình vừa quay sang hỏi “vì sao lại thế?” với bất cứ thứ gì đập vào
mắt nó. Ở đây, mọi sự gắn kết đều có vẻ rời rạc và mệt mỏi, không như khi ở V,
dưới thềm gạch xanh rêu những phút giây bên nhau sao mà mọng căng hạnh phúc.
* * *
Căn nhà ở V ngay khi
mới rao bán đã có nhiều người đến hỏi mua. Trong số họ có người gật đầu đồng ý
không cò kè thêm bớt một đồng nào chỉ chê sao nhà lại có nhiều cửa sổ. Cuối
cùng bố tôi lại quyết định bán hạ giá cho đôi vợ chồng trẻ bế theo một đứa con
thơ, chỉ vì họ tỏ ra thích thú khu vườn sau nhà và những ô cửa màu xanh. Chồng
tôi sau những mệt mỏi đã mặc kệ mọi chuyện, miễn sao có thể rời V trong thời
gian sớm nhất. Trước khi đi, tôi bảo anh:
-Xe thì nhỏ, chắc
mình không thể chở tất cả đồ đạc đi được mà em thì không muốn bỏ lại bất cứ thứ
gì. Dẫu sao cũng đã mấy chục năm sống tại ngôi nhà này, từng mảng rêu, từng bức
tường và cả những cái nắm đấm cửa phòng
đều in dấu tay của mẹ.
Anh mở toang cửa sổ,
nhìn ra con đường chạy qua thị xã, khẽ thở dài:
-Không phải chúng ta
rời khỏi đây vì đã có quá nhiều nỗi buồn sao? Quên đi được cái gì thì nên quên
em ạ.
Tôi khác anh ở chỗ,
tôi biết phân biệt rạch ròi đâu là niềm vui đâu là nỗi buồn, cái gì cần quên
còn cái gì thì nên nhớ. Tôi với anh cùng sống trong một ngôi nhà từ những năm
ấu thơ, làm bạn với nhau rồi lớn lên lại thương yêu nhau nên nghĩa vợ chồng.
Anh vốn là đứa trẻ mồ côi, mẹ tôi nhận về nuôi trong đợt đói kéo dài đầu những
năm 80, khi đoàn người vùng xuôi tìm lên xin ăn chật chợ. Trong đó có một người
đàn bà mang theo con nhỏ nhưng không may bệnh nặng lại đói rét, nằm chết bên
góc chợ. Đứa con nhỏ được quấn quần áo ấm, khóc lịm người vì đói. Dù hoàn cảnh
không khá khẩm gì nhưng mẹ đã đón đứa trẻ ấy về nuôi. Tôi không nhớ nhiều về
những năm đói kém, chỉ nhớ những buổi ba mẹ hớt cơm trắng nhường mấy anh em tôi
còn mình thì nhận về phần ngô bung trộn sắn. Dĩ nhiên lúc ấy làm gì đã có ngôi
nhà với nhiều ô cửa này, chúng tôi ở trong một ngôi nhà lợp lá, vách đất và
không có cửa. Anh cùng chúng tôi lớn lên, tình yêu thương cha mẹ san đều, sau
này hai đứa lấy nhau bố mẹ làm mâm cơm cúng tổ tiên khóc trong hạnh phúc. Mẹ
bảo:
-Chắc hai đứa bay có
duyên với nhau từ mấy kiếp trước nên mới được cái kết có hậu đến thế này.
Cha xây thêm một tầng
nhà, vẫn trổ nhiều cửa sổ. Ngoài ban công cha mang về nhiều chậu hoa, còn trong
phòng cha treo nhiều tranh phong cảnh. Phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị
một căn phòng ấm cũng cho hai chúng tôi. Cha vẫn cười bảo:
-Nhà người ta chỉ
chuẩn bị đám cưới cho một đứa con đã phải cầu kì, huống chi bố mẹ đây lo một
lúc cho hai đứa. Thế là con rể cũng như con trai, con dâu lại chính là con gái.
Nhà mình đúng là có phúc mẹ nó nhỉ?
-Đợi chúng nó sinh
cho tôi và ông đứa nhóc nữa là vui cửa vui nhà lắm!
Khi ấy từng đàn chim
bay về khu vườn sau nhà ríu rít. Cha đã rắc sẵn ít gạo tấm và vun lại ít lá khô
cuối vườn để “biết đâu chúng cặp về xây tổ”. Khu vườn ấy từng là một thế giới
chất chứa nhiều bí mật mà những tháng năm tuổi thơ anh cả và út từng say mê tìm
kiếm. Quãng thời gian thơ nhỏ sống ở V tuy đạm bạc nhưng lại là khoảng thời
gian viên mãn nhất. Lúc ấy cha còn làm thầy giáo, ngày hai lượt đạp xe lên lớp,
tối về quây quần chơi với các con, uống chè, ngâm thơ với các cụ cùng ngõ nhỏ. Mẹ
làm y tá trong bệnh viện thị xã, công việc không mấy bận bịu nhưng chiếm khá
nhiều thời gian của mẹ.
Những ngày viên mãn
không kéo dài thêm được bao lâu khi mẹ tôi bỗng chốc mắc bệnh hiểm nghèo rồi ra
đi vào một buổi sáng mùa đông. Hôm ấy tiết trời ảm đạm, những ô cửa màu xanh
đóng kín, cha ngã khụy dưới đám rêu trước nhà khi tiễn mẹ đi. Tôi không muốn
lưu giữ nhiều niềm đau ấy, chỉ muốn nhớ lại những tháng ngày cuối đời cha đã ở
bên mẹ bằng tất cả ân tình mà những đứa con như tôi không bao giờ quên được. Mẹ
vẫn cố gắng cười mỗi buổi sớm mai, khi ba pha bình trà thì mẹ bao giờ cũng là
người mở đầu câu chuyện. Mẹ bảo:
-Mai này khi thằng
Huy lớn lên chắc hẳn nó sẽ rất thích khu vườn này. Khi đó chúng ta phải luôn để
mắt đến nó vì thằng bé chắc là hiếu động giống bố nó.
-Tôi sẽ dạy nó chơi
cờ vua từ nhỏ. Rồi bà xem sau này lớn lên nó nhất định sẽ là một đối thủ đáng
gờm. Lúc đó bà phải đứng bên mách nước cho tôi đấy.
Mẹ gật đầu, nhấp hụm
trà mà mắt rưng rưng lệ.
Khi đó anh cả đang
công tác trong đội trật tự trị an của thị xã. Công việc hay phải trực đêm, mẹ
thường nấu nồi chè đỗ đen vào mùa hè hay cháo hạt sen vào mùa đông rồi thức đợi
anh về. Thằng út thì đang tuổi mộng mơ thời sinh viên, thầm yêu trộm nhớ một ai
đó nên đêm nào cùng cầm cây đàn ghi ta gảy những tiếng lòng sôi nổi mà đắm
đuối. Cây ngọc lan bên hiên nhà dâng hương đêm lặng lẽ, qua những cánh cửa màu
xanh rộng mở, giấc mơ êm đềm ngấm vào từng hơi thở mỗi chúng tôi. Khoảng thời
gian đó tất cả chúng tôi đều cố gắng sống vì nhau, bằng tất cả những yêu thương,
mong nhận được nụ cười trên đôi môi mẹ. Tôi biết mẹ đã thức trắng biết bao đêm
để hít thật sâu mùi hương đó, nghe thật đậm tiếng nói ấy và ghi khắc trong tim
những hình ảnh cuối cùng của gia đình. Sau đó không lâu thì mẹ ra đi...
* * *
Thành phố mang lại
một cuộc sống hiện đại cho mái ấm bé nhỏ của tôi. Nó cũng mang đến nhiều cơ hội
nghề nghiệp cho chuyên ngành du lịch mà tôi từng theo học. Trái hẳn với khi ở V
tôi chỉ biết quanh quẩn làm chân cán bộ, ăn lương nhà nước trong nhà văn hóa
thị xã, ngày đến cơ quan đếm cho hết tám tiếng thì về. Ở thành phố này công
việc tổ chức các sự kiện du lịch khiến tôi bận rộn hơn. Chồng tôi tạo điều kiện
cho vợ toại nguyện ước mơ học cao học, thế nên hết giờ làm tôi lại lao đến
trường nên chẳng còn mấy thời gian ở trong ngôi nhà nhỏ. Có phải vậy mà lâu rồi
tôi không còn nghĩ về những ô cửa màu xanh nữa, cuộc sống cứ cuốn tôi đi bằng
ma lực của danh vọng, tiền tài khó lòng cưỡng lại.
Tôi thuê người giúp
việc nhà, là một bác gái người từ quê lên chân chất, thật thà. Mọi công việc
lớn nhỏ ở nhà tôi giao cho bác hết, từ việc làm cỗ cúng giỗ đến việc chăm lo
bữa ăn, giấc ngủ cho ba và bé Huy. Tôi chẳng còn thời gian bận tâm những chuyện
ấy nữa, chồng tôi thì càng không, anh quán xuyến mọi chuyện ở nhà qua những
cuộc điện thoại ngắn ngủi. Sáng tỉnh dậy tôi chỉ kịp hôn con vội vàng, ghé qua
phòng cha nhẹ nhàng, dặn bác giúp việc vài ba câu rồi lao ra đường, hòa lẫn vào
dòng người đông đúc. Đêm về, phòng cha đã tắt đèn, Huy nằm dạng chân ngủ ngon
giấc, chỉ còn bác giúp việc vẫn cặm cụi dưới bếp tranh thủ giặt giũ hay dưa
muối. Tôi ngả mình xuống giường, mệt nhừ người sau một ngày dài nên dễ dàng
chìm vào giấc ngủ sâu không mộng mị.
Một hôm đang ở cơ
quan tôi nhận được cuộc điện thoại của bác giúp việc, nói phải về ngay ba tôi lên
cơn tăng huyết áp đang nằm cấp cứu trong bệnh viện. Tôi lao đi trong sự hoang
mang, sợ hãi giống như ngày tim mẹ ngừng đập trong bệnh viện. Những phút giây
ngắn ngủi ấy tôi đã kịp nhận ra mình là một đứa con tồi, đã rất lâu rồi tôi
không ngồi lại bên cha để lắng nghe ông nói. Tôi không biết cha nghĩ gì, muốn
gì và cảm thấy thế nào với từng ngày qua khi không có mẹ và các con thì mỗi đứa
một nơi. Từ lâu tôi không biết cha mình làm gì trong một ngày dài đằng đẵng,
thậm chí khi trở về nhà tôi chỉ kịp hỏi bác giúp việc xem cha có khỏe không, có
ăn được cơm không? Tôi lao đi, đau đớn và hụt hẫng như thể biết mình đang sắp
mất đi một điều thiêng liêng nhất...
Ơn trời cha đã không
sao. Nhưng đêm đó, khi tỉnh dậy nhìn thấy tôi đang ngồi bên cạnh, cha đã khóc.
Giọt nước mắt của cha cứa vào tâm can tôi nỗi day dứt vô bờ. Những ngày sau đó
tôi xin nghỉ việc cơ quan một tuần ở nhà cơm nước chăm cha. Đến lúc đó tôi mới
biết ngày nào cha cũng ra ngồi sau cánh cửa nhà nhìn mọi người qua lại trong
ngõ phố. Chưa bao giờ tôi lại thấy cha trở nên cô độc đến vậy, dường như nỗi cô
độc đang dày xéo khiến cha già hơn, mỏi mệt hơn. Cái nhìn qua từng song cửa sắt
như vừa khắc khoải vừa mờ đục. Hình ảnh ấy đập vào mắt tôi giống như sự kết tội,
tôi chỉ còn biết ngồi lặng câm bên cha trong đắng đót. Đến bữa cha cũng không
chịu vào ăn, cho đến khi bác giúp việc dỗ dành:
-Ông vào ăn rồi em kể
mấy chuyện hôm nay nghe thấy ở chợ. Toàn chuyện hay lắm, mà ông ăn nhanh để em
còn dọn dẹp. Em còn bao nhiêu việc kia kìa.
Cha lặng lẽ đứng dậy,
chậm chạp xúc từng thìa cơm ăn, thi thoảng lại dừng lại lắng nghe câu chuyện
chợ búa của bác giúp việc. Tôi cũng góp vài ba câu chuyện nhưng nó trở nên lạc
lõng vì tôi không còn bắt nhịp được cảm xúc của cha. Cho đến khi tôi bảo:
-Bố ạ, sắp tới vợ
chồng con sẽ nhận thưởng đầu năm, chắc cũng được kha khá. Con sẽ sửa sang ngôi
nhà mình và mua thêm vài vật dụng. Con sẽ sắm riêng cái ti vi thật to để trên
phòng để hàng ngày bố xem cho đỡ buồn.
-Bố không cần gì, chỉ
muốn có một ô cửa sổ để thoáng đãng và để treo vài chậu hoa thôi.
Tôi chợt giật mình nhớ ra phòng cha
không hề có cửa sổ, chỉ có cửa lớn mở thông ra cầu thang. Nhẽ ra tôi là người
phải để ý điều này, tôi đã quên mất cha đã từng rất yêu những ô cửa màu xanh.
Nhưng tôi biết kể cả khi mời thợ về trổ thêm cửa sổ tình hình cũng chẳng khá
khẩm hơn vì ngay sát nhà tôi là tường
của những ngôi nhà khác vượt lên, bưng bít. Có lẽ cha đã không biết điều ấy.
Nước mắt tôi tự nhiên cứ ứa ra.
Tôi mua về rất nhiều
chậu cây đặt trên sân thượng và chuyển ba sang phòng hai vợ chồng tôi, vì cũng
không thể đổi phòng với Huy được, con trẻ rất cần có không gian. Ở hướng này ít
ra còn có thể mở cửa sổ dù tầm nhìn cũng không thoáng hơn là mấy. Nhưng cha
không chịu vì nghĩ thương con, phải nằn nì mãi ông mới chuyển mà mắt cứ rưng rưng
lệ, nghĩ thấy tội cha. Sân thượng tận tầng năm, thay vì ngồi sau cánh cửa như
trước, ngày nào cha cũng lập cập leo lên tưới cây, nhặt lá. Tôi hỏi cha:
-Bố leo lên như thế
này có mệt lắm không ạ? Để con bảo cháu Huy hàng ngay dìu bố lên cho đỡ mỏi.
Bố xua tay:
-Không cần đâu con,
bố leo được mà.
-Thế bố có muốn nuôi
một vài con chim không, để mai con ra phố tìm chim cảnh mua về.
Cha nhìn ra mông lung
đất trời, khẽ thở dài bảo:
-Thôi con ạ! Là loài
chim thì phải để cho chúng bay trên bầu trời rộng lớn. Nhốt chúng vào cái lồng
chật hẹp chỉ vì mua vui cho bố thì thật là tội nghiệp. Mà công việc của con dạo
này thế nào? Cũng phải để ý chăm sóc gia đình, thằng Huy nó đang tuổi lớn nếu
không để ý sau này khó uốn nắn lại. Cả chồng con nữa, nó cứ đi biền biệt thế
con cũng phải gắng vun đắp, giữ gìn. Là phụ nữ lỡ sơ sảy thì khổ nhiều con ạ.
Hai cha con tôi lại
ngồi bên nhau như thuở nào, chỉ khác chăng là thiếu vắng những người thân cũ,
cây ngọc lan, tiếng đàn ghi ta, hương trà của mẹ và những ô cửa màu xanh. V lại
tràn về lòng tôi bằng dòng hồi ức vẫn đượm màu...
Hồi ấy... Mẹ ra đi
không lâu thì anh cả mất trong một đêm đi tuần quanh thị xã, khi dồn đuổi một
toán trộm cướp có máu mặt. Ngày tiễn anh đi theo mẹ, cha không đứng vững nổi
trước nỗi đau quá lớn, bởi anh cả từng là niềm tự hào, là kỳ vọng của cha. V
lúc đó giống như một thảm mây mù u ám. Thế nhưng chúng tôi chưa nghĩ đến việc rời
bỏ V nếu như không có một ngày cậu út sau những vấp ngã trong tình yêu đã bồng
bột theo bạn ra nước ngoài lao động. Tôi đã chẳng còn tiếc nuối nhiều khi quyết
định rời V, có chăng chỉ là tiếc những hình bóng cũ…
Đã mười ba năm kể từ
khi xa V, mọi thứ tự bản thân chúng đều đã vận động và đổi thay nhiều. Huy giờ
cũng đã thành chàng trai 18 tuổi, cao lớn và đầy hoài bão. Đã quá quen với cuộc
sống thành phố không còn bỡ ngỡ như cái ngày đầu tiên khi nhìn những tòa nhà
cao tầng và luôn mồm hỏi “vì sao lại thế?”. Tôi bây giờ thành người phụ nữ đã
có tuổi, nếp nghĩ và nếp sống cũng chậm hơn. Chồng tôi sau những chuyến đi dài
ngấm dần từ đời vẻ phong trần và cả nhiều toan tính. Tôi biết, nhưng vì sự bình
yên của gia đình tôi đã buông tay anh ra. Thực tế thì đó là một sự lựa chọn
đúng, thà tự động buông tay một người đang muốn bay nhảy còn hơn để người ta phải
vùng vẫy đến kiệt cùng. Buông tay để thi thoảng anh trở về thăm cha cho đúng đạo
làm con, quan tâm đến Huy cho ra dáng người cha một chút.
Tôi vờ như không có
chuyện gì xảy ra, vẫn sống tốt và cười nói bên cha mỗi ngày. Tôi nghĩ cha đã
già, không còn minh mẫn và cũng chẳng còn tâm trạng để nghĩ về những chuyện
đang âm thầm diễn ra trong gia đình. Nhưng một hôm, khi ngồi trên sân thượng
uống trà cùng cha, giữa khoảng không gian tĩnh lặng hiếm hoi của thành phố, cha
bảo:
-Nếu không vui thì đừng cố giữ trong lòng, phải nghĩ
cho mình một chút. Con cứ hãy sống và làm những gì mà con muốn.
Tôi gục vào vai cha
òa khóc. Chưa bao giờ tôi lại thấy thương mình và thương cha đến vậy. Để rồi
tôi cứ tự hỏi mình liệu có thật tôi đã thích nghi với cuộc sống ở thành phố
này? Liệu tôi đã hài lòng với những gì mình đang có như những nụ cười vẫn
thường trực trên môi? Bỗng chốc tôi nhớ V. Nhớ lắm...
Từ bao giờ không rõ,
tôi đã có mong ước được trở lại sống ở V. Một hôm, đang giữa đêm khuya vắng tôi
tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng bước chân nặng nhọc của cha đang leo lên sân
thượng. Tôi rất nhớ khoảnh khắc khi tôi mở cửa sân thượng, dáng cha ngồi hướng
vào đêm vừa khắc khoải vừa mong manh đến nhạt nhòa. Cha hỏi tôi:
-Ở đây, hướng nào
nhìn về phía V được hả con?
Tôi nhìn xung quanh,
chỉ thấy nhà cửa san sát nhau xen kẽ những khoảng trống nhấp nhô không có gì để
phân biệt cả. Tôi định chỉ bừa một phía để dỗ cha nhưng nhìn ánh mắt chờ đợi
của ông mà tôi không lỡ.
-Hướng này phải không
con? Cha nghĩ nó ở hướng này. – Cha chỉ tay về phía nam, nơi ấy một vài tòa nhà
vẫn còn sáng điện.
Khi thấy tôi khẽ gật
đầu, cha vịn vào thành lan can nhìn thăm thẳm về phía đó. Rưng rưng!
Vài ngày sau đó, tình
cờ tôi biết được tin căn nhà cũ của chúng tôi ở V lại đang đăng tin tìm chủ
mới. Tôi dừng mọi công việc lao về V như sợ nếu chậm chỉ một phút thôi tôi sẽ
lại đánh mất một thứ gì quý giá.
* * *
Hành trình quay trở
về V chỉ có hai cha con tôi. Huy đã làm xong thủ tục du học tại Hàn Quốc và bay
trong tuần trước. Con không phản đối chuyện chuyển nhà về V, chỉ bảo:
-Mẹ và ông thấy thích
là tốt rồi. Ở đó chắc cũng sẽ tốt hơn là thành phố này, con cũng sẽ muốn trở về
hơn khi con thấy mệt. Cả bố cũng vậy, con nghĩ thế.
Chồng tôi không nói
gì, anh trở về hoàn thành thủ tục bán nhà trên thành phố, chuẩn bị mọi thứ cho
hai cha con tôi rồi lại đi. Tôi nhận ra anh có vẻ mệt mỏi hơn, cứ định nói với
tôi một điều gì đó rồi lại ngập ngừng. Trước lúc đi chỉ bảo:
-Em và bố về V trước,
anh sẽ về sau.
Tôi định hỏi anh sau
là bao lâu? Nhưng sợ hỏi lại thừa nên tôi im lặng. Đường về V như dài miên man,
cha hỏi:
-Mùa này ngọc lan nở
phải không con?
-Vâng! Thưa bố. Chắc
là nồng nàn khắp cả khu vườn rồi, hôm nọ con về hoa mới đơm nụ nhỏ.
-Vậy còn những ô cửa
màu xanh?
-Nó đã cũ rồi, màu
rêu cha ạ. Nhưng con sẽ sơn lại cho cha.
-Khu vườn của chúng
ta...
Tôi nắm chặt bàn tay
nói nhỏ:
-Chim vẫn về làm tổ,
vẫn ríu rít sớm chiều cha ạ.
Cha khẽ gật đầu.
Về đến V lúc trời đã
nhá nhem. Cánh cửa sắt kêu lên từng tiếng hoen rỉ của thời gian. Ập vào tôi một
khoảng không gian ăm ắp kỉ niệm, cha bước tới bậc thềm, miết bàn tay già nua
lên những viên gạch xanh rêu. Tôi biết nơi ấy ngày xưa mẹ vẫn ngồi khâu áo cho
chồng con hay những trưa mùa thu mẹ ngồi hong tóc. Nơi ấy thằng út những ngày
cao hứng vẫn ngồi gảy đàn ghi ta, còn anh cả ngồi ngâm nga vài ba câu hát. Nơi
ấy ngày xưa Huy mới tập bò đã bao lần ngã, ông vội vàng đỡ dậy. Nơi ấy, những e
ấp tình đầu của tôi như vẫn còn vẹn nguyên lấp lánh. Cha mở toang tất cả những
ô cửa sổ, hương ngọc lan lại ùa vào thơm ngát.
Hàng xóm vui mừng khi
chúng tôi trở lại, bạn bè cha giờ đều lưng còng, tóc bạc, gặp lại mừng tủi ôm
chặt nhau rưng rưng không nói lên lời. Cha không còn đủ minh mẫn cho các nước
cờ nhưng vẫn tiếp bạn bè bằng ấm chè ướp hương nhài, hái ngoài vườn đêm trước.
Tôi thay cha vun lá khô cuối vườn, rắc gạo tấm đón chim chiều về nhặt. Không ai
nói với ai nhưng tôi biết cả hai cha con đều đang chờ đợi...
Một sáng mùa thu, bác
bưu tá ghé qua đưa cho chúng tôi một bức thư. Nhìn mấy dòng chữ ở ngoài tôi đã
òa khóc vì nhận ra những nét chữ loằng ngoằng của chú út, bao năm vẫn vậy. Út
nói sẽ đưa vợ con hồi hương khi hoàn thành xong mọi thủ tục. Cha đã không còn
nước mắt để khóc, chỉ nói tôi dọn phòng tươm tất nhớ mang ít hoa ngọc lan vào ủ
phòng khỏi hôi hám con dâu lại sợ. Khi tôi gọi điện báo cho chồng tin vui ấy
thì anh bảo:
-Anh đang trên đường
về V. Về hẳn.
Tôi nhìn ra khoảng
trời lấp ló ánh bình minh qua ô cửa màu xanh thấy đằm thắm tin yêu qua những
cánh chim trời. Chúng bay đi khắp nơi trong suốt một ngày dài nhưng rồi cũng sẽ
biết đường tìm về tổ.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG (tác giả giữ bản quyền)
________________________________________
1 truyện ngắn cảm động và mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc, cám ơn tác giả
Trả lờiXóa