Tôi thường tìm đến thiên nhiên những khi tâm hồn bồng
bềnh không biết nên trộn vào đám đông hay đóng cửa ngồi một mình!
Đứng trên đỉnh núi Ba Thê, ước mơ giản dị đã trở thành
hiện thực. Một niềm tự hào nhỏ nhoi tôi tự ban tặng cho mình: nhìn xuống chân
núi, tôi tưởng như mình làm chủ cả không gian! Bầu trời như thấp lại, và mây
gần hơn. Tôi nheo mắt cười với nắng, và lắng nhìn gió lắt lay lá núi, kể lại
kho huyền thoại về núi Ba Thê…
Có người truyền
rằng Ba Thê do tiếng Khmer là “Bát Xăm-xe” nói trại ra. Cũng có người
cho rằng “Thê” là cái
thang, vì ngày trước nơi đây có bắc thang cao để trông hành động của phe Thổ… Qua Đại Nam nhất thống chí, núi Ba Thê có
tên là Hoa Thê Sơn. Đời vua Minh Mạng
vì kỵ húy tên hoàng hậu Hồ Thị Hoa, phải đổi tên núi. Diện mạo núi có 3
chóp đứng vươn xanh trập trùng cổ thụ tươi mát, nên đặt tên là núi Ba Thê…
Tương truyền, ở ngọn núi Nhỏ cạnh bên, có
một hòn đá đứng chơ vơ, trên đầu có một phiến đá tròn giống cái nón. Truyền
thuyết và huyền thoại ở vùng nầy kể rằng: xưa
kia, có một người lên núi tu hành, xa lánh cõi trần gian tục lụy. Nhưng vị tu
sĩ này lòng trần chưa rủ sạch, chiều chiều cứ ngóng vọng về phương xa nhớ nhà,
nhớ người vợ thân yêu. Sau đó, ông chết đi... Người ta cho rằng vị sư kia đã
hóa đá. Và từ đó, núi Ba Thê còn được gọi là núi Vọng Thê.
Không biết tự bao giờ, ở
Lạng Sơn, Dăk Lăk, Bình Định, Thanh Hóa có những Hòn Vọng Phu? Và cũng không
biết tự bao giờ ở Thoại Sơn - An Giang này có núi Vọng Thê? Chỉ biết rằng “Khi
ta lớn lên Đất Nước đã có rồi – Đất Nước có tự cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ
thường hay kể”… (Nguyễn Khoa Điềm).
Đứng trên đỉnh núi Vọng Thê, tôi khoan khoái thưởng
ngoạn một thắng cảnh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho. Dưới chân núi là những
cánh đồng trãi rộng. Tháng chín âm lịch này, vùng Tứ giác Long Xuyên đang mùa
nước nổi, những vuông ruộng được những bờ đê to rộng chắc chắn bảo vệ để làm
lúa vụ ba vẫn xanh rì. Nhưng xa xa về hướng tây là cánh đồng tiếp giáp Kiên
Giang, nước trắng trời trắng đất nối liền vùng biển Rạch Giá. Chếch về hướng tây
nam là dãy Thất Sơn hùng vĩ nhấp nhô trùng điệp tận chân trời…
Chợt thấy mình càng bé nhỏ trước thiên nhiên!
Trên đỉnh Vọng Thê này có
ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự được dựng vào năm 1933. Vừa đặt chân lên sân chùa,
chúng tôi hồ hởi trèo lên hòn đá hoa cương cao chừng 3m, to cỡ gốc cổ thụ bốn
năm người ôm, nằm bên hông chánh điện của chùa. Trên mặt viên đá khổng lồ ấy có
dấu bàn chân người to hơn bình thường, rất rõ. Người ta cho đó là “bàn chân tiên”. Các sư trên núi kể lại: xưa
kia lúc mới tạo sơn, đá núi còn mềm như đất sét, có một vị tiên đã ấn bàn chân
mình lên đá để làm dấu…
Nước mưa vẫn còn đọng lại trong dấu năm ngón chân tiên, các bạn đồng hành xúi
nhau ướm thử. Bất chợt tôi nhớ lại câu chuyện cổ tích Sọ Dừa, bật cười một
mình, bâng quơ!
Dạo bước quanh sân chùa, tôi dừng chân
trước tượng Phật Quan Thế Âm bồ tát cao chừng 8m, đứng trên tòa sen uy nghi, sừng
sững trên đỉnh núi như nhìn bao quát khắp thế gian. Chắp tay thành kính, tâm
hồn tôi phút chốc lắng đọng khiêm cung. Tôi thầm thỉ lời nguyện cầu Đức Quán
Thế Âm bồ tát vĩnh hằng gieo trồng nhân ái muôn phương, giúp chúng con bảo vệ
sự bình yên của núi sông này, bảo tồn những giá trị quí báu, những tinh hoa
ngàn đời của quê hương xứ sở, của dân tộc, giống nòi! Dường như có tiếng nói
của cha ông âm vang nơi hải đảo Trường Sa, giữa biển Đông đang gió dập sóng dồi
vọng về, ngân vút, bàng bạc khắp núi rừng khiến cho lòng tôi xao xuyến, lay lắt,
bâng khuâng…
Cẩn thận trèo lên mấy phiến đá to bên
phải, cạnh ngôi tháp xá lợi cổ nghiêng nghiêng, có tấm bia kỷ niệm ghi lại
chiến công oanh liệt của quân giải phóng Ba Thê - Thoại Sơn đã tiêu diệt gọn cứ
điểm của địch trên đỉnh Hoa Thê Sơn vào ngày 06 tháng 5 năm 1968, trong lòng
chợt ngùi ngùi tưởng niệm những con người đã dành cho chúng tôi những phút giây
bình yên của hôm nay.
Theo chân các bạn đồng hành, đi xuống phía
triền núi cách chùa Sơn Tiên chừng 10m, tôi tò mò nhìn xuống những địa đạo ăn
sâu vào lòng núi với những bậc thang bằng đá được đục rất khéo léo, nơi che chắn
cho những người con anh dũng bảo vệ ngọn núi, cánh đồng quê hương này. Con
đường nhỏ dẫn chúng tôi đến thăm nhà trưng bày những cổ vật, hiện vật có liên
quan đến lịch sử cũng như văn hóa của Ba Thê - Óc Eo. Công trình này có kiến
trúc mái vòm, dấu ấn của Hindu giáo. Phía trước sân có rất nhiều loại cây hoang
dại của núi rừng. Anh bạn người địa phương cho biết một cái tên rất lạ: cây “xe sầm púi”. Mọi người cùng nhau làm
thơ “con cóc” xoay quanh loại trái này. Đó là trái có màu đen và cứng, to hơn
hạt mồng tơi, trẻ con vùng này dùng làm “đạn” để chơi trò bắn ná.
Mặt trời đã xế, chúng tôi trở lại con đường nhỏ lát
nhựa uốn lượn quanh co theo sườn núi, với những “cua cùi chỏ” ngoạn mục hú tim;
chúng tôi quay xuống chân núi, đến thăm Linh Sơn Cổ Tự và khu di tích Gò Cây
Thị.
Chùa Linh Sơn thuộc khu di tích Nam Linh Sơn, nằm trên nền một gò đất cao, sân chùa có những cây đại thụ râm mát. Chùa được xây dựng để thờ pho tượng Phật bốn tay và hai
bia đá cổ vô tình tìm được. Nghe sư cô trong chùa nói pho tượng Phật bốn tay được
tìm thấy ở cách đó không xa. Nơi xây chùa là nơi người dân phát hiện hai bia đá
cổ, tượng Phật được thỉnh về đặt vào giữa hai bia đá. Linh Sơn Cổ Tự được xây dựng vào năm 1913 và được trùng tu mấy năm gần
đây. Năm 1988, tượng Phật bốn tay được Bộ Văn hóa quyết định công nhận di tích kiến
trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Tiến về phía nam chùa Linh Sơn, chúng tôi tìm đến khu
di tích gò Cây Thị. Đây là khối kiến trúc cung đình mang tính tôn giáo, có quan hệ mật thiết
với khối kiến trúc và bao phế tích khác, hiện còn nằm sâu trong gò đất dưới nền
chùa Linh Sơn, đã được khai quật và cũng đã
được Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định công nhận là di
tích cấp quốc gia. Chỉ là một du khách tìm đến với thiên nhiên, tôi không hiểu nhiều về
cổ vật, di tích; nhưng đứng ngắm những viên gạch hơn 1.800 tuổi, lòng tôi không
khỏi bồi hồi, và cứ mải để trí tưởng tượng của mình bay bổng về những cư dân
của vương quốc Phù Nam, trên tay là chiếc rìu đá thần kì làm nên cuộc sống văn
hóa cung đình vẫn còn nhiều bí ẩn!
Rời khỏi núi Ba Thê đầy huyền thoại, nắm níu một ít
nắng cuối ngày còn sót lại, tôi ghé thăm núi Sập, đỉnh
núi nguy nga, cây cao bóng cả, đẹp đẽ trang nghiêm tựa như chiếc lọng huy hoàng giữa chốn hoàng cung non nước
này! Thích thú làm sao trước những kiểu
cách và tên gọi rất trang nhã của những chiếc cầu bắc ngang Lòng Hồ: cầu Vọng Nguyệt, cầu Đăng Khoa…Giữa không gian trầm lắng của buổi chiều tà, tôi kính cẩn
nghiêng mình trước bức tượng Thoại Ngọc Hầu, người con của quê hương
Quảng Nam đã có công chiêu mộ những người dân Ngũ Quảng (bao gồm Quảng Bình,
Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi
và Quảng Đức tức Thừa Thiên - Huế ngày nay) cùng vào Nam để khẩn hoang, đào kênh, lập làng, định an biên giới.
Hoàng hôn buông nhẹ, non nước càng thêm hữu tình, thi
vị. Tôi dừng bước trước tấm bia lớn ngay dưới chân núi, chắt chiu những tia
sáng cuối ngày, chăm chú đọc những dòng chữ được khắc cẩn thận vào đá. Nhờ công đào con kênh nối liền Long Xuyên – Rạch Giá dài hơn 30 km vào năm
1818, vua Gia Long
đã cho phép lấy tên vị Thống chế Thoại
Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại để đặt cho tên núi là Thoại Sơn và tên kênh là Thoại
Hà. Để đánh dấu công trình đào kênh Thoại Hà này, Thoại Ngọc Hầu cho soạn một bài văn khắc vào bia đá.
Năm Minh Mạng
thứ ba (1822), ông long trọng làm lễ dựng bia và khánh thành miếu thờ Sơn thần (nay là ngôi đình thờ ông) bên triền núi Sập.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng sang sảng ngợi ca Đất
Nước với những “Ông Đốc, ông Trang, bà
Đen, bà Điểm – Những cuộc đời hóa núi sông ta”. Hôm nay, giữa chốn núi non,
lòng hồ, đồng lúa xanh thẳm này, tôi xúc động và tự hào nghĩ về bao lớp cha
ông, những con người đã cống hiến biết bao tài năng, tâm huyết cho quê hương xứ
sở. Ngước mắt nhìn, bầu trời như cao như rộng hơn, có một đàn chim muộn đang
hối hả bay về núi, tôi như nghe rõ tiếng đập cánh mạnh mẽ, dứt khoát của con
chim đầu đàn vọng vào tâm linh!
Xin gửi lại đây ánh nắng ấm áp, hương gió tinh khôi,
sân chùa tịch mịch, tiếng chim trong trẻo.. cho những ai của sáng mai, ngày
kia… đến với núi rừng hoang sơ, đến với những công tích vẻ vang, những giá trị
văn hóa ngàn đời của xứ sở Phù Nam,
của quê hương An Giang này.
Còn tôi, mang về những gì cho mình? Một tâm hồn giàu
có hơn ngày hôm qua!
LÂM TRÚC (tác giả giữ bản quyền)
______________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét