Tân trở lại Đà Lạt vào một ngày cuối thu để thăm đứa em gái út có chồng ở
thành phố này. Và, cũng để tìm Thủy, dù rất mong manh, bởi cũng đã gần bốn mươi
năm đi qua.
Đêm. Lạnh – cái lạnh của một vùng đất được mệnh danh là xứ sở tình yêu,
với sương mù lãng đãng cả một khoảng trời, cả mọi thời khắc.
Thật là thi vị mỗi
khi đêm về những mảng trắng mềm như lụa ấy luôn quấn quyện những đôi tình nhân
âu yếm bên nhau trên những đường phố, đồi dốc, dưới những cây thông, bãi cỏ của
thành phố mộng mơ này… Tân mặc thêm áo khoác ngoài, rảo bộ, và bước vào một
quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Trổi, con đường của một vùng đất mà
ngày ấy - Tân, chàng trai trẻ miền quê nghèo khó ven biển miền Trung đã có một
cuộc tình đẹp, đọng mãi trong ký ức…
Năm một ngàn chín trăm bảy mươi tư, Tân là một chàng trai hai mươi tuổi
từ Bình Định mang xách lên Đà Lạt học ban Việt văn của Đại học Văn khoa thuộc
Viện Đại học Đà Lạt. Câu chuyện bắt đầu từ một buổi chiều sương mù giăng thấp
dưới những thung sâu của Đồi Cù, Tân đã làm quen Thủy trên đường Thủy đi học
về.
- Xe Xanh ơi, chờ người ta đi với!
- Cái anh này vô duyên. Ai quen biết
mà chờ cùng đi? Lại kêu đích tên Xe Xanh nữa chứ! Không lẽ…
- Anh là người đầu tiên tặng hoa khi
em đóng vai Xe Xanh chạy băng xuống biên trái cùng với tiếng loa phong thanh
“chiếu tướng” kết thúc ván cờ người trước trường Nữ trung học Bùi Thị Xuân cách
đây vài bữa.
Tân vừa nói vừa bước tới đi song song cùng với Thủy.
Tuy hơi lúng túng và có chút ngượng ngùng, nhưng Thủy cũng trấn tỉnh kịp
thời.
- Em nhớ ra anh rồi. Mà sao anh lại
đứng ngay chỗ gần em chạy xuống để vung gươm chiếu tướng kết thúc ván cờ vậy?
- Anh yêu cái đẹp.
Thủy trố mắt:
- Anh nói gì em không hiểu?
- Ván cờ người hôm ấy, bốn cô gái đóng
vai bốn con xe đều đẹp. Nhưng đẹp và dễ thương nhất là con Xe Xanh chiếu tướng
kết thúc ván cờ.
- Anh lại chọc quê em rồi. Em xấu nhất
thì có. – Thủy vừa nói vừa chạy tới trước, mái tóc dài chấm ngang lưng bay bay
trong gió như một bức tranh mềm mại càng tôn thêm vẻ kiều diễm vốn có của người
con gái vùng đất cao nguyên.
- Chậm lại Xe Xanh ơi, mà cho anh hỏi, Xe
Xanh tên gì vậy?
Thủy quay người lại, đôi má ửng hồng, ánh mắt như cười, rất xinh dưới ánh
nắng chiều.
- Ở dưới quê của anh có dòng sông
không?
Mặc dù hơi ngạc nhiên vì câu hỏi của Thủy, nhưng Tân vẫn vui vẻ trả lời:
- Có, có chứ! Anh và lũ bạn thường hay
tắm sông, với làn nước trong xanh vừa mát vừa thỏa sức vẫy vùng, nhất là những
buổi trưa hè.
Tân định nói tiếp thì Thủy đã chen ngang:
- Anh đang nói đến tên em đấy.
Tân bật cười:
- Chẳng lẽ em tên Thủy sao?
- Còn chẵn với lẻ nữa, tên em đấy! –
Thủy cười, và Tân cũng cười. Nắng chiều mát dịu một góc đồi.
Từ buổi chiều hôm ấy, Tân hay đón Thủy mỗi chiều khi Thủy đi học về. Thế
rồi tình yêu như là sợi dây định mệnh buộc chặt hai trái tim tự nguyện dâng
hiến cho nhau. Thủy ở với mẹ. Đó là một người phụ nữ trạc tuổi gần bốn mươi.
Tầm thước và sang trọng. Năm đó, Thủy học lớp mười một trường Nữ trung học Bùi
Thị Xuân, là đứa con duy nhất của một gia đình giàu có ở trên Đồi Cù. Tân chỉ
biết vậy. Anh hạnh phúc được cận kề bên Thủy, nắm tay nhau tung tăng dưới những
thung sâu của Đồi Cù, dìu nhau từng bước lên những chóp núi cao của Thung Lũng
Tình Yêu, tựa vào nhau dưới cội thông già trao nhau những nụ hôn say đắm, nồng
nàn… Và mãi mãi không bao giờ Tân quên buổi chiều mưa giăng kín cả bầu trời Đà
Lạt. Tân và Thủy phải trú mưa vào một cái hang nhỏ trên Thung Lũng Tình Yêu.
Trong hoang sơ của đất trời, Tân kể cho Thủy nghe một câu chuyện về một loài
chim rất lạ. Chúng sống ở núi rừng nhưng luôn sát cánh bên nhau, cùng bay lượn
bên nhau, nhưng chỉ ở núi rừng chứ không vào thành phố. Có lẽ chúng nó sợ nơi
con người đông đúc sẽ nguy hiểm khó lường. Cuộc sống của chúng đang bình yên,
thì một ngày kia con chim mái bị trúng đạn của người đi săn, con chim cồ thét
vang thảm thiết cả núi rừng, nó lao xuống gắp bạn tình bay mất. Mấy ngày sau,
người ta phát hiện xác hai con chim ấy ở trong cái hang nhỏ này.
- Em thấy lạnh quá. Nghe chuyện anh
kể, em lại liên tưởng…
Thủy nép sát vào người Tân như để tìm hơi ấm và sự che chở từ nơi anh.
Trong hoang vắng của núi rừng cùng với cơn mưa dai dẳng bên ngoài, Tân ghì chặt
Thủy với một nụ hôn nóng bỏng không thể nào cưỡng nổi. Hơi thở của Tân và Thủy
mỗi lúc càng gấp gáp hơn. Và, những giây phút hồng hoang đã được thăng hoa đến
tuyệt đỉnh của tình yêu… Cánh hoa trinh nguyên yếu đuối, mỏng manh đã không thể
chống đỡ cơn lốc của dục vọng mang tính bản ngã của hai sinh linh bé bỏng với
sự đồng lõa vô tình của không gian vốn dành riêng cho những đôi tình nhân.
Đất trời yên tĩnh. Mưa tạnh. Gió ngừng. Tựa vào vai Tân, Thủy khóc, những
giọt nước mắt của người con gái lần đầu tiên làm chuyện vợ chồng. Tân im lặng,
ôm lấy Thủy. Anh xấu hổ với tình yêu của Thủy, đã giẫm đạp lên sự trong trắng
của người con gái anh yêu.
Tiếng Thủy nói nhỏ bên tai:
- Anh hãy hứa với em, chúng ta sẽ
giống đôi chim lạ như anh vừa kể cho em nghe, luôn yêu thương em dù mai này đời
có ra sao, nghen anh.
Tâm trạng của Tân bây giờ như một kẻ tội đồ. Anh đưa tay gỡ những cộng
tóc rối của Thủy:
- Anh sẽ mãi yêu thương em. Khi ra
trường, anh sẽ xin “đưa nàng về dinh”, em nhé.
Thủy cười, một nụ cười hồn nhiên, trong suốt, nắm chặt tay Tân với niềm
tin được anh chăm sóc, cận kề đến cuối cuộc đời này.
Và đó là những ngày tháng Tân và Thủy thấy mình thật hạnh phúc. Hai người
như sờ nắm được tình yêu đang đến với mình, hay đến với những giấc mơ đẹp… Đất
trời như nồng ấm hơn, cỏ cây hoa lá như lung linh rực rỡ hơn.
Thế nhưng, cuộc sống luôn biến đổi mà con người không thể tính hết được.
Một buổi sáng, Tân vừa bước ra khỏi phòng trọ để đi học thì thấy một phong thư
rớt trước cửa. Những con chữ như nhảy múa trước mắt Tân. Anh không tin vì
quá bất ngờ.
Anh yêu,
Cảm ơn anh đã đến với em, đã cho em những ngày tháng thật đẹp. Em vẫn
mong Đồi Cù cứ mãi là những chiều sương mù lãng đãng dưới thung sâu có một anh
chàng níu bước chân em, và đi vào giấc ngủ của em như một chàng hoàng tử hào
hoa. Và, em vẫn mong, cành hoa anh tặng em khi con Xe Xanh chạy xuống chiếu
tướng kết thúc ván cờ, mãi mãi xanh tươi như tình anh dành cho em. Rồi một ngày
có thể anh sẽ quên em chạy theo một bóng hình nào đó, nhưng với em, cái buổi
chiều trên Thung Lũng Tình Yêu, là kỷ vật vô giá mà Tạo hóa đã ban tặng cho em.
Em sẽ mãi trân quý và gìn giữ vì với em đó là báu vật làm sính lễ của tình yêu…
Cái anh chàng đáng ghét ơi, có một chuyện rất quan trọng lẽ ra em phải
nói với anh. Nhưng, em suy nghĩ mãi, cuối cùng em muốn dành cho anh sự bất ngờ,
và em cũng muốn anh đón nhận nó trong sự hoàn hảo của một ngày thật đẹp, anh
nhé. Tạm biệt anh!
Hôn anh trong dịu ngọt, nồng nàn!
Em Xe Xanh.
Không một lời giải thích. Tân cũng không biết Thủy đi đâu, làm gì? Anh
vội chạy lên nhà Thủy trên Đồi Cù. Cổng khóa, nhà đóng kín, không một bóng
người. Con chó berger thường hay quẩy đuôi mừng mỗi khi Tân đến chơi cũng chẳng
thấy tăm hơi đâu hết. Trạng thái con người Tân như rơi vào khoảng không. Anh
như con chim lẻ loi tội nghiệp với vết thương quá nặng, đau đớn, rên rỉ giữa
những hàng thông…
Miên man về dĩ vãng của một thời, Tân lại rời quán cà phê, lững thững
bước ra đường. Cái lạnh của Đà Lạt về khuya không dễ chịu như hồi Tân còn trẻ.
Hồi đó, cứ đến năm giờ sáng, khi chuông đồng hồ đổ báo thức, Tân và bè bạn ở
cùng phòng trọ chạy ra Đồi Cù chia phe đá bóng, mặc dù phải nói là sương mù còn
dày đặc. Sau đó lại còn tắm rồi mới ăn sáng và đi học.
Chiếc xe taxi rà lại và mời gọi, Tân bước lên. Thành phố với lối kiến
trúc cổ kính và quý phái, nên có thời người ta vẫn gọi Đà Lạt như là một Paris nhỏ - đang đi vào khúc cuối của đêm
với giấc ngủ bình an.
Nhớ lại cách đây mấy ngày, Tân chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết để đi Đà
Lạt thăm đứa em gái út. Tình cờ trong quyển sách cũ rớt ra tấm thẻ sinh viên
của Tân hồi học ở Đà Lạt, và một lá thư của Thủy viết cho Tân nhân ngày
cô về quê ngoại ăn giỗ. Chữ của Thủy chân phương, đẹp tuy có một số chỗ bị mờ
đi theo thời gian.
Thị trấn Liên Nghĩa, ngày… tháng… năm
Anh yêu,
Đang ngồi tại nhà ngoại viết thư này cho anh. Đang nghĩ gì đó, cho anh
một nháy mắt tuyệt vời! Em mãi nhớ một buổi chiều mưa, anh cho em làm người
lớn! Nhớ không anh? Chịu nghe! Ghét anh số một!…
Đây là lá thư mà Tân đã nhiều lần tìm kiếm vì anh nhớ có ghi địa chỉ của
Thủy, để qua đó có thể lần tìm được nơi ở của Thủy. Người ta bảo, phàm việc gì
cũng có duyên của nó. Ôi, đớn đau thay, chỉ tìm một cái tên trong một lá thư mà
cũng mất đến ba mươi bảy năm mới đủ duyên sao? Hai chữ Liên Nghĩa như cái tát mạnh giáng vào mặt Tân. Anh lảo đảo,
không tin vào mắt mình. Trời ơi, vô hình trung, anh lại trở thành người vô tình
đến gần bốn mươi năm như vậy? Thủy ơi, anh sẽ tìm em. Nhất định thế, Xe Xanh
của anh ơi!
Trở lại Đà Lạt sau gần bốn mươi năm, những ký ức về tình yêu một thời với
Thủy tràn về thật mãnh liệt. Người ta có thể vứt đi những kỷ vật tình yêu của
một thời tuổi trẻ để tạo sự an toàn cho cuộc sống hôn nhân mực thước. Nhưng mấy
ai lại có thể quên được những ký ức đẹp, lãng mạn duy nhất của đời mình với bao
dấu yêu, tiếc nuối, xót xa…
Ngày ấy, khi Tân chưa thoát ra được nỗi buồn vì sự biến mất của Thủy,
chưa có một hướng nào để tìm được Thủy, nghe một lời giải thích – thì chỉ một
tuần sau, vào những ngày đầu tháng ba năm một ngàn chín trăm bảy lăm, thành phố
Buôn Ma Thuột được giải phóng. Viện Đại học Đà Lạt thông báo cho sinh viên nghỉ
học vì chiến sự đang xảy ra rất gần với Đà Lạt, hơn nữa cũng không ai tính được
sự lan rộng của chiến tranh đến mức nào. Thế là Tân lại cùng bè bạn hối hả về
quê.
Chiến tranh kết thúc. Tân tham gia công tác địa phương, rồi cưới vợ, sinh
con, bận rộn chuyện cơm áo gạo tiền. Thoáng chốc mái đầu sợi đen đã dần ít hơn
sợi trắng. Thời gian như lưỡi dao nghiệt ngã cắt nát những ngày tháng cũ, đẩy
con người đi về phía trước với những tính toán của tiền bạc, công danh, địa vị,
sự nghiệp. Tân đã lao vào vòng xoáy ấy cho đến khi anh nghỉ hưu sớm theo chế độ
mất sức trước hai năm. Có thể đối với người khác, nghỉ hưu sẽ làm hụt hẫng về
tâm lý, không còn quyền lực không còn người cung phụng mời bia, rót nước bưng
trà tới tận tay… nhưng với Tân thì thoải mái hơn vì anh chỉ là một phóng viên
của đài truyền thanh huyện không hơn không kém. Và, điều quan trọng, Tân được
sống trọn vẹn với gia đình, đặc biệt là có thời gian rỗi rãi nhiều hơn để chơi
cờ, một hoạt động mà anh rất thích từ thời trai trẻ. Những người trong huyện
thường gọi anh là Tân cờ xanh, bởi lúc nào, chơi với ai, dù lớn hay nhỏ, anh
vẫn chọn quân xanh. Mọi người hỏi vì sao, anh chỉ cười, không nói gì. Có điều so
với pháo mã thì anh sử dụng nước đi của con xe điêu luyện hơn, và thường nó là
con chủ bài để kết thúc ván cờ đem phần thắng về cho anh. Người chơi biết thế
mạnh của anh như vậy nên thường tìm cách thí xe để triệt hạ nanh vuốt của anh,
nhưng anh luôn một mực tránh né. Đến nỗi có người nói vui, con xe xanh giống
như người yêu của anh nên anh mới tưng tiu như thế. Một câu nói vui rất vô
tình, nhưng với Tân là cả một khoảng trời yêu không thể nào quên, nhất là buổi
đánh cờ người ngày nào đã đưa anh đến với Thủy, con Xe Xanh định mệnh. Gần bốn
mươi năm trôi qua, Tân chưa thấy ở đâu tổ chức được những lần đánh cờ người như
trước sân trường Nữ trung học Bùi Thị Xuân Đà Lạt năm ấy. Hai kỳ thủ ngồi trên
chòi cao. Người đọc trên loa phóng thanh vang dội hùng hồn. Đội hình được trang
bị quần áo, giày, mũ nón, gươm giáo đẹp, bài bản như trên sân khấu hát bộ Khu
Năm. Tướng ngồi Long Ngai có lọng che nhung gấm; sĩ tượng áo mão cân đai đề
huề, tay cầm sách tay cầm binh thư; xe pháo mã tư thế sẵn sàng ra trận mạc tay
côn tay kiếm oai hùng; trấn ải biên cương là giàn chốt trung thành chỉ có tiến
bước chứ không lùi… Đặc biệt lôi cuốn và hấp dẫn là người điều khiển trống
trận. Mỗi cách đi của mỗi con cờ đều có lối đánh nhịp trống khác nhau. Và đẹp
nhất là những con xe. Ôi cái con Xe Xanh như là định mệnh!
Sáng sớm hôm sau, Tân leo lên chiếc xe đò tuyến Đà Lạt – Đức Trọng về thị
trấn Liên Nghĩa để tìm Thủy. Bao nhiêu năm vật đổi sao dời, biết Thủy có còn
hay đã mất? Dù việc gặp Thủy, hy vọng chỉ là đóm lửa nhỏ thôi, nhưng Tân thấy
bồi hồi khác thường. Tạo hóa khéo bày trò tan hợp, hợp tan. Mọi việc trên đời
đều có chữ duyên của nó. Chẳng phải người xưa đã nói đấy sao!
Ở thị trấn Liên Nghĩa này, hầu như ai cũng biết Thủy, bởi cô thừa
hưởng một gia tài kếch xù từ người mẹ để lại sau khi bà qua đời cách đây ba
năm. Tuy nhiên, cô sống khép kín, ít ra ngoài. Hàng xóm chỉ biết Thủy về sống ở
đây khoảng hai tháng trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm một ngàn chín
trăm bảy lăm. Ba Thủy mất vì tai nạn giao thông khi Thủy chưa đầy tháng, để lại
mẹ con cô một sở laghim phía tây huyện Đức Trọng có trên hằng trăm công nhân
lao động chăm sóc thường xuyên mỗi ngày. Được sinh ra trong một gia đình chịu
ảnh hưởng sâu sắc triết lý Khổng Mạnh, mẹ của Thủy không đi bước nữa mặc dù lúc
ấy bà còn rất trẻ và không ít đàn ông ngưỡng mộ sắc đẹp của bà cũng như dòm ngó
cái tài sản mà bà đang thụ hưởng. Là phụ nữ, bà cũng thấm thía với cái lạnh của
phố núi cao nguyên lúc đêm về, đông tới, một mình một bóng với nỗi khắc khoải
cô đơn. Bà cũng rất cần một bàn tay đủ ấm để tựa vào cùng năm tháng đi qua. Thế
nhưng bà đã vượt qua được, bởi bà đã có Thủy, cái cục cưng quý nhất của cuộc
đời bà. Khi phát hiện Thủy có thai, bà bàng hoàng, chết lặng. Bà không đủ can
đảm để nhìn thẳng vào mặt Thủy. Tâm trạng bà bấn loạn. Căn bệnh mất ngủ lại tái
phát. Biết không thể để tình trạng này kéo dài, bà quyết định là cần nói chuyện
với Thủy, đứa con gái duy nhất và yêu quý của bà. Đó là vào một buổi tối sau
khi cơm nước xong, bà bảo:
- Thủy à, mẹ có chuyện cần nói với con.
- Dạ, thưa mẹ.
Mẹ Thủy đi thẳng vào vấn đề:
- Con có thai được mấy tháng rồi?
- Dạ… sao… mẹ… biết…? – Thủy cúi mặt,
ấp úng, lo sợ.
- Mẹ là phụ nữ mà. Hơn nữa, sao mẹ lại
không quan tâm chăm sóc con gái của mẹ.
Thủy bật khóc và ôm chầm lấy mẹ.
- Xin mẹ tha thứ cho con. Con đã làm
mẹ xấu hổ. Nhưng, mẹ ơi, con yêu anh ấy…
Dù nát cả ruột gan, nhưng mẹ Thủy hiểu rằng sẽ rất là nguy hiểm nếu bà
không có cách xử lý đúng mực.
- Con không phải lo cho mẹ. Chuyện đã
xảy ra rồi. Vấn đề bây giờ là phải lo chuyện đứa bé trong bụng con để ngày sinh
nở được xuôi thuyền mát mái.
Một mình nuôi Thủy từ đỏ hoi hói đến giờ này, bà hiểu Thủy còn quá trẻ,
chưa đủ các yếu tố cần thiết để làm mẹ. Nhưng, là phụ nữ, sao bà lại không thấy
được tình cảm thiêng liêng của người mẹ dành cho đứa con yêu quý của mình như
thế nào! Hơn ai hết, bà phải ở bên cạnh, trực tiếp chăm sóc Thủy, và bà quyết
định đưa Thủy về Liên Nghĩa – nơi Thủy cất tiếng khóc chào đời mười tám năm về
trước, với cầu mong con gái bà được mẹ tròn con vuông. Đêm ấy, trăng giữa tháng,
tròn đẹp, lung linh tỏa sáng trên các cành thông và cả những thung sâu của Đồi
Cù.
Thằng bé Kỳ được sinh ra và lớn lên trong sự bảo bọc, nâng niu của mẹ và
bà ngoại nhưng lại giống Tân như cắt để, nhất là đôi mắt. Nó nói đâu thì con
mắt theo đó, rất quyến rũ, nhất là khi nó bước vào tuổi mười chín, hai mươi.
Tính tình hoạt bát, đàn hát lại rất hay.
- Trời ơi, giống sao mà giống
quá chừng! – Thủy nói, cười mà mắt cô đỏ hoe mỗi khi nhìn Kỳ.
- Má nhớ ba rồi đó nghen!- Kỳ trêu mẹ.
- Nhớ cái thằng cha mầy. Chỉ giỏi chọc
mẹ! - Những lần như vậy thì hai mẹ con cùng cười. Rồi lần nào cũng như lần nào,
sau đó ít phút, Thủy bước sang bàn thờ đốt nhang khấn vái hay thầm thì một điều
gì đó…
Năm nay Kỳ đã ba mươi tám tuổi, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị
kinh doanh, lập công ty kinh doanh rau và các loại hoa quả đặc sản của Lâm
Đồng, đưa về tiêu thụ các chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh. Vợ Kỳ cũng là
dân Quản trị kinh doanh sau anh hai khóa. Vợ chồng Kỳ chỉ có một đứa con gái
hiện đang học lớp chín.
Sau khi người giúp việc mở cổng cho Tân vào, Thủy mời khách sang phòng
bên. Tim Tân như loạn nhịp. Thủy không khác nhiều so với ngày xưa. Tóc vẫn chấm
ngang lưng. Sang trọng. Chỉ có điều bước chân của Thủy đã chậm. Ánh mắt cũng
không còn long lanh như ngày nào. Với Tân, đây không phải là mơ, mà đây là hình
hài bằng xương bằng thịt cụ thể của Thủy đang hiện hữu trước mắt anh. Tân cố
giữ thăng bằng của đôi chân. Ôi, cái thằng Tân ngày nào chở Thủy bằng chiếc xe
đạp mini từ ngã tư Phù Đỗng Thiên Vương lên tới cổng Viện Đại học Đà Lạt cao
chót vót không biết mệt, giờ lại yếu thế sao? Tân tự trấn tỉnh mình phải thật
bình tĩnh, không được xúc động mạnh.
- Mời ông ngồi. – Thủy nói chậm rãi.
- Cảm… ơn…- Tân lúng túng và bập bẹ
như trẻ con.
Khi Tân ngồi xuống và lấy kính ra, Thủy tái mặt, run người vì đã kịp nhận
ra anh.
- Trời, anh Tân! Anh còn sống sao?
Thủy nhào tới ôm lấy Tân, hai bàn tay run lẩy bẩy đập đập vào lưng Tân,
nói trong nước mắt nghẹn ngào:
- Sao đến bây giờ anh mới tìm em? Anh
không nhớ em sao?
Ba mươi bảy năm mới gặp lại, Tân và Thủy như chết lịm trong vòng tay của
nhau. Thời gian như ngừng lại, không gian cũng tĩnh lặng thật diệu kỳ, như trân
trọng, tôn vinh những giây phút tuyệt đẹp của tình yêu và hạnh phúc con người.
Ba mươi bảy năm mới gặp lại, Tân không chỉ nghe Thủy kể chuyện mà Tân còn nghe
Thủy trâm trết những buồn vui như đứa trẻ lên ba với chừng ấy năm dài đằng
đẵng. Và, giờ phút ấy Tân mới biết “cái buổi chiều mưa anh cho em làm người
lớn”, anh có được một cậu con trai thật đáng yêu. Lại có dâu, và cháu nội cũng
đã học đến lớp chín rồi. Thủy cho biết, vợ chồng Kỳ cùng đứa con gái đang thăm
chơi nhà người anh họ tại Sài Gòn, tối nay sẽ về đến.
- Thủy à, để anh lên nhà trên thắp cho
mẹ nén nhang.
Thủy cười, một nụ cười rất hạnh phúc, cầm tay Tân dắt qua phòng bên. Thủy
đốt nhang đưa cho Tân và đứng bên cạnh, khẽ nói:
- Nếu mẹ còn sống vài năm nữa được gặp
anh thì mẹ vui biết chừng nào. Mẹ thường hay nhắc đến anh và bảo rằng, nó đẹp
hơn con gái của mẹ đấy.
- Ờ mà em, cái bàn thờ ở gần bên mẹ là
của ai vậy?
- Anh lại giở ra xem thử. – Thủy cười
ra vẻ bí mật.
- Ủa, hình của anh tặng em đây mà!
- Chứ còn ai nữa!
- Em nghĩ anh đã chết rồi sao?
Thủy cười:
- Chuyện là thế này, khi Viện Đại học
Đà Lạt cho nghỉ học, sinh viên lục đục kéo nhau về quê, nhưng xe khách phải
dừng tại Đại Lãnh vì hai bên đang đánh nhau trên đèo Cả. Trong số các ghe máy
đưa sinh viên qua Tuy Hòa bằng đường biển có một chiếc bị sóng thần gần cửa Đà
Rằng nhận chìm không một người sống sót, trong đó có tên anh. Mẹ được tin đó
nhưng giấu không cho em hay vì sợ em xúc động mạnh sẽ nguy hiểm đến bào thai
chỉ mới gần ba tháng. Đến hôm tổ chức thôi nôi cho thằng Kỳ, mẹ mới nói cho em
biết. Em ngất luôn trong tay mẹ. Sau khi ở bệnh viện về, em xin phép mẹ cho em
lập bàn thờ anh. Em nói với mẹ, anh đã là chồng em. Mẹ khóc, em cũng khóc. Số
phận nghiệt ngã đã đến với hai người phụ nữ trong một mái nhà.
- Đúng là anh có lỗi với mẹ con em quá
nhiều.
- Anh không nên tự dằn vặt mình. –
Thủy vừa nói vừa dẫn Tân dạo quanh khu vườn phía sau nhà. Những con chim nhỏ
trong các cái lồng mà thằng Kỳ mua tận trên Đà Lạt, treo dọc theo mái hiên đua
nhau cất tiếng hót rộn ràng - Tối nay tụi nó về, anh sẽ gặp “bản sao” của anh,
con dâu và cháu nội, mặc sức mà cha cha con con, ông ông cháu cháu nhé… Riêng
từ giờ đến lúc ấy, anh phải ở bên em, nghe em kể chuyện, nhổ tóc bạc cho em,
và… hôn em như ngày xưa vậy. Anh biết không, em luôn mơ ước cùng anh bước vào
thềm nhà cưới, được cùng anh động phòng hoa chúc đêm tân hôn, hưởng tuần trăng
mật bên nhau ngọt ngào… Những điều rất đỗi bình thường ấy đến với bao người,
nhưng em lại không có…
Giọng nói của Thủy như nhòe đi. Tân ôm sát cô vào lòng. Ngực anh thấm đẫm
những giọt nước mắt của Thủy. Ngôn ngữ của Tân như bất lực trước độ rung không
dứt với bao cung bậc của một trái tim khát khao được yêu sau gần bốn mươi năm -
dữ dội, nồng cháy, thiết tha...
Thủy lại thủ thỉ:
- Đêm nay anh hãy thức cùng em, lấy
tay làm gối cho em nằm, như chồng yêu vợ, anh nhé!
- Ừ, anh cũng thèm được như vậy. – Tân
cười.
- Và, có một điều này em phải nói với
anh. Có thể anh đã có một gia đình đầm ấm, nhưng em chỉ có một người chồng là
anh, ba của thằng Kỳ. Anh hãy điện về ngoài đó trao đổi, và sắp xếp để con,
dâu, cháu cùng đi với anh về thăm và biết mặt ông bà, dòng họ. Phần em thì chờ
ý kiến “bí thư” của anh vậy. Em là phụ nữ nên em hiểu, phụ nữ phức tạp lắm! Hơn
nữa một mình em nuôi con cũng quen rồi. Riêng ngày giỗ ngoại thằng Kỳ, anh cố
gắng tìm mọi cách sắp xếp lên cho con nó thấy ấm lòng. Mà em cũng đỡ nhớ…
Nghe những lời như cắt ruột để ra của Thủy, trái tim Tân như đau thắt
từng cơn. Bởi Tân hiểu, đó là thực tế của cuộc sống không thể phủ nhận. Thủy
luôn chịu và nhận thiệt thòi về mình. Dù cô không giành giựt của ai cả, nhưng
định mệnh khắc nghiệt lại cướp đi của cô ước mơ bình thường của người con gái
như cô vừa nói với anh - là được bước vào thềm nhà cưới, được động phòng hoa
chúc đêm tân hôn, được hưởng tuần trăng mật, được vun bén, chăm sóc tình yêu
đầu đời đơm hoa kết trái… Tân nghĩ, nếu người phụ nữ chung sống với anh hơn ba
mươi năm qua thực sự yêu thương anh, thấu hiểu mối tình thời trai trẻ của
anh trên đất cao nguyên này, đó là sự cảm thông từ một tấm lòng nhân hậu, thì
phần nào cũng làm vết thương của Thủy bớt đau nhức hơn. Và phần còn lại của
cuộc đời này, cuộc sống của anh sẽ thanh thản và nhẹ nhàng.
Mặt trời đã đứng bóng. Tân biết, anh không được như vậy. Bởi anh đang ở
bên kia sườn dốc của cuộc đời. Có lẽ anh không còn đủ sức với một việc
được bắt đầu quá muộn này. Nhưng trong trái tim anh vẫn tin vào vòng tay của sự
bao dung và rộng lượng không chỉ cho riêng Thủy, mà còn cho anh, và để cho cả
những đứa con của anh do hai người phụ nữ sinh ra được bên nhau trong
tình thương mến thương, tình ruột thịt. Người đời sẽ chê trách, thậm chí nguyền
rủa anh vì sự vô tình, nhưng các con của anh không có lỗi. Rồi đây anh phải đối
diện với thực tế, nhưng trong anh cứ dâng lên một nỗi khát khao cháy bỏng, bởi
anh nghĩ sự yêu thương luôn làm cho con người hạnh phúc!
NGUYỄN HỮU DUYÊN
_______________________
HHT đọc say mê không dừng lại được ,như là chuyện cổ tích có hậu . Cám ơn Anh Hữu Duyên đã cho đọc một truyện ngắn đặc sắc.Hoàihuyềnthanh.
Trả lờiXóaChào chị Thanh,
XóaTôi rất vui vì được chào sân Bông Tràm, được Bông Tràm ưu ái giới thiệu, bởi dù sao tôi cũng chỉ là người mới tập viết. Cảm ơn chị đã động viên. Chúc chị vui, khỏe!
Anh Hữu Duyên thân mến.
Trả lờiXóaBông Tràm là một sân chơi của tất cả mọi người nhằm để giới thiệu và giao lưu văn học nghệ thuật. Chúng tôi cũng rất vui khi có thêm những cộng tác viên mới. Chúc anh có nhiều sáng tác mới mang đến cho bạn đọc Bông Tràm. Trân trọng.