Chị ở cùng chúng tôi. Mọi người thường
gọi chị là Út Huệ. Vì chị tên Huệ và là con út trong gia đình. Đó là cách gọi rất
phổ biến ở Nam Bộ, tên thường đi kèm với thứ bậc. Đôi khi, cũng do một thói
quen khác, mà trong nhiều trường hợp, người ta không cần gọi tên nữa, chỉ gọi
theo thứ bậc, ví như anh Hai, chị Ba, cô Bảy, má Tám… Trường hợp chị Út Huệ
cũng vậy. Vì sống cùng… một nhà, lại thấy chị là bề trên, nên chúng tôi vẫn gọi
chị là chị Út.
Nói là bề trên, chứ Út Huệ không hơn
tôi mấy tuổi. Con gái Nam Bộ ở tuổi chị, hăm lăm, hăm sáu, được coi như là… ế!
Ai cũng bảo thế. Tôi không tin chị Huệ lại có thể ế chồng được. Bởi trong mắt
tôi, chị vẫn là một thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp. Không những đẹp, mà chị còn
là người con gái dịu dàng, hiền thục. Chị thường mặc quần lụa đen với áo bà ba.
Đó là thứ trang phục quen thuộc không chỉ riêng chị, mà còn đối với bất cứ người
phụ nữ Nam Bộ nào. Áo bà ba cổ tròn, hai bên thân áo thường chít theo đường
vòng cung. Chị Út mặc áo bà ba rất đẹp, rất hợp với dáng người mảnh mai của chị.
Cái cổ cao, với làn da trắng ngần bao giờ cũng lộ ra sau lần vải. Và nhờ vào đường
chít hai bên mà thân hình chị trở nên eo thắt, trông rất duyên dáng. Chị có một
mái tóc rất dài, dài đến quá lưng. Mỗi lần chị gội đầu là suối tóc ấy xổ bung
ra, ôm gần kín cả tấm thân tròn trịa. Tôi đã mấy lần bất ngờ bắt gặp chị gội đầu
trên sông Hậu. Có một chi tiết làm tôi nhớ mãi. Ấy là mỗi khi gội xong, chị hơi
thẳng người lên, cho đuôi tóc không còn chạm trên mặt nước. Rồi bất thình lình,
chị nghiêng người, hất ngược về đằng sau một cái. Cả mái tóc dày chỉ trong một
tích tắc đã nằm gọn sau lưng. Cái động tác uyển chuyển mà đẹp như tranh ấy tôi
chỉ có thể nhìn thấy trong ráng chiều vàng rực, mỗi khi hoàng hôn về bên bờ
sông Hậu. Sau này, vì thường phải đi cùng bộ đội, chui bờ lủi bụi, thấy không
tiện, chị Út đã phải cắt bỏ đi một phần mái tóc ấy. Mỗi lần thấy chị trong bộ
bà ba lụa là đi ngang qua bãi tập, mấy anh người địa phương thường ghé tai tụi
lính trẻ chúng tôi, chỉ chỉ về phía chị: “Kìa, xem kìa, con gái miền Nam cái
đít có gân…”. Rồi cười ầm cả lên. Chẳng biết mỗi lần như thế, chị Út có để ý
nghe không, chỉ thấy chị hay đỏ mặt và nhìn đi hướng khác.
Chúng tôi đóng quân trong nhà chị. Đó
là nói cho oai thế thôi. Chứ chị Út đâu còn nhà, đâu còn ai ở lại với chị mà gọi
là nhà. Nhà chị và hơn hai trăm nóc nhà khác trong ấp đã bị bọn lính Pônpốt
thiêu rụi từ cách đây cả năm rồi. Thấy cái vì nhà bằng gỗ đã cháy đen thui
thui, nhưng vẫn trơ trơ ra giữa trời, chúng tôi mới chặt tre làm đòn tay, rồi
kiếm lá lợp lên để ở. Mấy trăm hộ gia đình trong ấp đều đã tản cư vô sâu trong
nội địa. Ở đây giờ chỉ còn lại bộ đội và du kích. Chị Út là người nằm trong số
đó.
Đã bắt đầu mùa nước nổi. Mùa nước nổi
cũng là mùa cá linh. Và mùa nước nổi cũng là mùa để bông điên điển nở vàng cả
hai bên bờ sông Hậu. Mới hôm nào, nước chỉ xâm xấp gốc cây. Thế mà chỉ qua vài
ba đêm, nước đã dâng lên chảy tràn khắp nơi. Nước lênh láng trên đường đi. Nước
bò trên sân nhà. Nước mon men vào tận những trụ xi măng, chân cầu thang của những
ngôi nhà sàn đã cháy. Nước liếm dần lên thân cây, giá để súng, và cả sạp nằm ngủ
của bộ đội. Mặt nước lềnh bềnh một màu xin xỉn của tro than và tất cả những gì
còn sót lại. Những cây điên điển mọc hoang từng dãy dài hai bên bờ sông, trên bờ
các kênh rạch, chẳng mấy chốc đã dầm mình trong nước. Ban đầu nước chỉ lưng lửng
ngang thân, sau nước cứ càng lúc càng cao, những dãy điên điển mọc dưới thấp chỉ
còn trơ phần ngọn ve vẩy trên mặt nước. Đó cũng là lúc điên điển nở bông, báo
hiệu một mùa nước nổi. Khắp bờ sông, điên điển chen chúc bên nhau, như cố vươn
lên, chống chọi với nước lũ. Ngọn cây nào cũng rực rỡ một màu vàng tươi. Cả một
vùng sông nước mênh mông, thỉnh thoảng lại thấy điểm xuyết một vệt dài màu bông
điên điển, tựa như dải lụa ai thả trôi trên mặt nước, trông đẹp đến ngơ ngẩn.
Chị Út vẫn thường một mình chèo xuồng
ba lá dọc theo mép sông để hái bông điên điển. Bông nhiều vô kể. Chị chỉ việc
cho xuồng cặp sát vào ngọn cây, rồi rung khẽ một cái là bông điên điển rào rào
rụng xuống. Hôm nào chị cũng mang về cả một khoang xuồng đầy bông điên điển. Chị
nhặt nhạnh kỹ càng, dành phần lớn cho vào một cái chum, muối làm dưa chua cho bộ
đội ăn dần. Còn một phần chị chọn những bông điên điển non tơ nhất, được hái
trên chót vót ngọn cây, trộn với các loại rau thơm để ăn sống. Bông điên điển
ăn sống chấm với nước lèo, mắm cá linh, hay chỉ đơn thuần là ăn với canh chua
cá lóc nấu với thân bạc hà, đều rất dễ ăn. Còn dưa được làm từ bông điên điển,
chấm với nước cá kho, thịt kho, thì quả là một món ăn dân dã, đạm bạc, nhưng
ngon, ăn rất được cơm, nên cứ muốn ăn mãi. Chị thường nói với tôi:
- Tư à, khi nào yên yên, chị sẽ làm
bánh xèo ăn với bông điên điển để… đãi anh em một bữa cho biết mùi vị. - Rồi chị
tả cách chế biến món ăn này ra sao, ăn với những gì, ngon như thế nào. Chỉ mới
nghe chị nói thôi mà tôi đã thấy thèm tứa nước miếng ra rồi.
Mùa nước nổi, bọn lính Pônpốt không thể
vượt biên giới xâm lấn vào đất ta, nhưng chúng vẫn thường nã pháo qua. Những quả
đạn pháo của chúng nổ vung vãi trên mặt nước, khiến cây cối đổ gãy ngổn ngang.
Những bông hoa điên điển tả tơi, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Trung đội tôi án
ngữ ở đây ngay từ đầu mùa nước. Chị Út cũng có mặt ngay từ dạo ấy. Ban đêm
chúng tôi chèo xuồng len lỏi qua các lùm cây ngập trong nước, tiến ra sát biên
giới nắm tình hình địch. Mãi gần sáng mới cho xuồng quay trở lại vị trí cũ.
Chị Út thỉnh thoảng vẫn cùng đi với
chúng tôi. Có chị đi cùng, thì người… cầm lái bao giờ cũng là chị. Chị chèo xuồng
rất giỏi. Bất cứ ai là người vùng sông nước này cũng có thể chèo được xuồng. Kể
cả những đứa bé chín, mười tuổi đều tỏ ra rất thành thạo. Ban đêm, trời tối đen
như mực, không một ánh sao, không một cọc tiêu dẫn đường, chị vẫn điều khiển
chiếc xuồng đi đúng hướng. Lại ít gây ra tiếng động, tránh được sự phát hiện của
địch có thể ở đâu đó rất gần. Đến nơi, chúng tôi ém xuồng vào một lùm cây. Các
khẩu súng đều lên đạn sẵn. Tất cả trong tư thế chuẩn bị chiến đấu. Rồi im lặng
bên nhau, căng mắt về phía trước. Không một tiếng động nhỏ. Không một cử chỉ
khi thấy không cần thiết. Cứ thế, hàng giờ trôi qua. Rồi rút thật lẹ làng trước
khi mặt trời mọc. Mùa nước nổi thường kéo dài khoảng ba tháng. Ba tháng với những
chuyến tuần tra biên giới như thế.
Trong trung đội, hai mấy con người, tôi
để ý thấy Út Huệ quý tôi hơn cả. Chị gọi tôi là Tư như cách gọi ở quê chị. Tôi
nhớ lần đầu gặp chị khi tôi từ một đồn biên phòng được bổ sung về trung đội mũi
nhọn này. Nói là “mũi nhọn”, vì đây là trung đội mà cán bộ, chiến sỹ được chọn
lựa kỹ càng từ các đơn vị, người nào cũng ít nhiều phải trải qua chiến đấu.
Trung đội có nhiệm vụ đi bất cứ nơi đâu, có mặt bất cứ nơi nào khi cần thiết.
Hôm đó, tôi một mình mang ba lô đi bộ
lên biên giới, nơi trung đội đang đồn trú. Đây là một trong những điểm chốt ác
liệt nhất kể từ đầu chiến tranh đến nay. Bọn Pônpốt đã hàng chục lần tấn công
qua, hòng chiếm lấy vị trí then chốt này, nhưng đều bị ta bẻ gãy. Vì xa, lại trắc
trở dọc đường, nên khi tôi lên được đến nơi thì trời đã quá chiều. Đang le te
bước thì có cô du kích, mang AK báng gập, xuất hiện trước mặt. Cô chặn tôi lại
hỏi giấy tờ. Tôi móc túi đưa cho cô. Đọc xong, cô đưa trả lại cho tôi, không
nói gì, chỉ thốt lên:
- Ủa, em mới có hai mươi thôi à, ít hơn
chị những năm tuổi đó. - Rồi cô hỏi - Em thứ mấy? Thứ Tư à? Tư Tiến! Tên hay
quá! Còn chị là Huệ, Út Huệ! Chị cũng ở đây với trung đội mũi nhọn. Chị làm… anh
nuôi. Em cứ thẳng con hào này mà đi, độ ba trăm mét nữa là tới. Đừng có đi lung
tung, mìn gài đầy à nghen!
Tôi mới đáp “dạ”, thì bỗng… xoẹt… xoẹt…
như có ai xé vải trên đầu. Tôi chỉ kịp lao nhanh về phía Út Huệ, đẩy chị xuống
hào. Ầm…ầm! Hai quả đạn cối nổ cách chỗ chúng tôi đứng chỉ chưa đầy ba mét. Tiếng
nổ chát chúa như muốn hất tung chúng tôi lên khỏi lòng hào. Lửa lóe lên, mảnh đạn
bay vèo vèo. Và sau đó là khói bụi mù mịt. Đất đá bốc lên cao, rồi rơi xuống
rào rào, phủ gần như kín người tôi và Út Huệ. Tôi thấy má mình âm ấm và phía dưới
người tôi có một cái gì đó rất êm, rất lạ. Tôi gạt đi những khói bụi trên mặt,
rồi từ từ mở mắt ra. Chết cha, người tôi đang nằm đè lên người chị Út. Và mặt
tôi thì đang áp sát vào ngực chị, đúng vào khoảng giữa hai bầu vú. Tôi giật
thót người, nhưng vẫn nằm yên bất động, tựa như toàn thân đã tê cứng, không sao
nhúc nhích được. Không phải tôi cố ý, nhưng không hiểu sao lúc đó tôi lại hành
động như vậy. Người cứ tê dại cả đi, không sao hiểu nổi. Cả sau này tôi vẫn
không sao hiểu nổi. Tôi chỉ biết lúc đó giữa tôi và chị cứ dính chặt vào nhau
như có lực hút của hai cực nam châm vậy. Rồi cũng rất nhanh, tôi hiểu điều trớ
trêu xẩy ra giữa hai người. Tôi vội luống cuống nắm lấy tay chị, đỡ chị cùng ngồi
dậy. Nhìn vào mặt Út Huệ, tôi thấy hai má chị đỏ bừng. Và đôi mắt chị thì nhìn
tôi rất lạ. Một đôi mắt thật đen, thật to. Và đẹp. Lần đầu tiên tôi bắt gặp một
đôi mắt đẹp như thế đang nhìn tôi. Lại sát sạt ngay trước mặt tôi. Sát đến nỗi,
cái ánh mắt sắc như dao ấy, cái ánh mắt không hề chớp ấy cứ ám ảnh tôi, cuốn
hút tôi đến mãi sau này. Có lẽ là do chị cảm thấy mắc cỡ sau tình huống bất ngờ
vừa rồi. Còn tôi thì lại có cảm giác cái ánh mắt ấy của chị, nửa như thầm cảm
ơn tôi, nửa như thầm trách móc tôi. Cả sau này cũng vậy, mỗi lần gặp nhau, tôi
thường thấy chị khẽ nhìn đi hướng khác như cố giấu một nụ cười. Còn hai má thì
bỗng đỏ hồng lên như xoa kem vậy.
Chị Huệ vẫn ngày ngày chèo xuồng đi hái
bông điên điển. Thực phẩm tươi sống ở vùng biên vào mùa nước nổi rất khan hiếm.
Nước thì mênh mông, bể sở, không một nơi nào không ngập trong nước. Đến cả đu đủ,
chuối, thậm chí một số loài cây lưu niên còn chả sống nổi, huống gì các loại
rau bò dưới đất, các loại cây chỉ quen sống nơi khô ráo. Thức ăn không có gì
khác ngoài đồ hộp. Ăn mãi cũng chán. Con người thiếu rau xanh cũng dễ sinh ra
chứng này tật nọ. May mà có loài cây điên điển sống được trong nước. Lại trỗ
hoa vào đúng mùa nước nổi. Bông điên điển cùng với những giàn rau thơm ít ỏi,
được đồng bào trồng sẵn trên giàn cao trước khi đi tản cư, quả đúng là nguồn thực
phẩm tươi sống vô cùng hữu ích cho bộ đội trong suốt cả mấy tháng mùa nước.
Chị Út cứ ước ao được tự tay làm bánh
xèo cho anh em ăn một bữa đến chán thì thôi. Chị bảo gạo có sẵn, cối có sẵn, chỉ
việc ngâm gạo rồi xay thành bột nước là coi như xong việc. Khâu còn lại cho lên
bếp thì chỉ chừng trên dưới tiếng đồng hồ là xong. Nước mắm, đường, dầu mỡ, đậu
phộng, các loại gia vị… đều đã có sẵn. Việc cuối cùng là phải có bông điên điển
thật non, thật tươi. Ui dào, chỉ chèo xuồng ra ven bờ sông Hậu một lát là có mà
tha hồ ăn… Chị nói vậy, tính toán vậy, nhưng nào có dễ thực hiện. Thời gian
này, càng về cuối mùa nước nhiệm vụ càng nặng nề. Ai cũng chúi mũi vào công việc,
còn thời gian đâu mà đi lo mấy chuyện ăn uống. Chị nói với tôi như an ủi:
- Tư à, mai kia yên lành rồi, chị không
chỉ đãi Tư món bánh xèo ăn với bông điên điển không đâu, mà chị còn làm cả lẫu
cá linh, nhúng bông điển điển cho Tư thưởng thức. Ẩm thực quê hương chị, Tư chỉ
ăn một lần là muốn ăn mãi, ăn và nhớ, có khi làm Tư nhớ quá quên luôn cả… đường
về đó nghen…
Rồi chị nhìn qua tôi một cái, cười rất
tươi. Những lúc đó tôi thấy Út Huệ thật đẹp. Chao, nụ cười của chị mới gần gũi
và thân thiết làm sao! Nụ cười tươi như nắng, long lanh, tràn trề trên gương mặt.
Nụ cười như hút hồn người đối diện, khiến cho ai cũng phải lấy làm say đắm, ngất
ngây.
Tôi lại nhớ đến chuyện xảy ra hôm lần đầu
gặp chị. Lại nhớ đến cái ánh mắt kỳ lạ của chị hôm ấy. Nhưng cũng chỉ là như
gió thoảng qua thôi. Rồi tất cả lại dần trôi qua. Tôi chẳng còn đâu thì giờ để
mà để ý những chuyện nhỏ nhặt ấy nữa. Cuộc chiến tranh biên giới ngày càng thêm
ác liệt. Như bao đồng đội khác, tôi thường xuyên bận rộn với những chuyến tuần
tra, và cả những lo toan, vất vả của người lính trong mùa nước nổi. Vả lại, tôi
rất chóng quên. Tính tôi thường thế. Không có chuyện gì để lâu trong bụng được.
Huống hồ chỉ là cái chuyện cỏn con, bất khả kháng ấy. Tuy nhiên không phải là
tôi quên hẳn. Bởi, tôi vẫn gặp Út Huệ hàng ngày. Và mỗi lần chạm mặt chị là tôi
lại nhớ đến chuyện ấy. Tôi nhớ nhất là ánh mắt chị, cái ánh mắt lạ lùng đã nhìn
tôi hôm nào. Còn chị, không biết chị nghĩ gì, tình cảm chị dành cho tôi ra sao.
Nhưng kể từ lần gặp đầu tiên ấy, cho đến mãi sau này, tôi thấy chị rất quan tâm
đến tôi. Tất nhiên đó chỉ là sự quan tâm trên tình đồng chí đồng đội. Xa hơn một
chút là tình chị em. Chị Huệ hơn tôi năm tuổi. Đó là khoảng cách để chúng tôi
biết mà dừng lại. Không ai được phép bước qua cái khoảng cách ấy. Nhưng thấy chị
quan tâm đến tôi hơn những người khác, cho dù trong bụng rất vui, tôi vẫn thấy
ngài ngại sao ấy. Đi tuần tra về, thấy cái áo của tôi bị gai cào rách, chị cũng
bảo tôi thay ra để khâu lại cho bằng được. Chị giặt cả áo quần cho tôi và anh
em. Nhưng lúc khô, thì chỉ áo quần của tôi được chị gấp đâu ra đấy, đem đến tận
nơi. Những lần tôi đi tuần tra, thì bao giờ chị cũng đi cùng. Đến cả ăn cơm, chị
cũng giục tôi ăn cho thật nhiều, ăn cho thật no. Hôm nào thấy tôi ăn in ít một
chút là chị lại hỏi tôi, “em bịnh à, có ăn cháo không, chị nấu?”. Trong trung đội
không ai lại không biết những chuyện đó. Có người, mỗi lần thấy chị Huệ, là cứ
nhìn tôi nháy nháy mắt. Cứ làm như giữa tôi và chị đã có gì với nhau không bằng.
Lại có người, chẳng ý tứ giữ mồm giữ miệng cho, cứ tếu tếu cốt để trêu chọc,
gán ghép tôi với chị. Nhất là anh Bảy Cao, trung đội phó, người cùng quê với chị:
- E hèm, nhứt gái hơn hai, nhì trai hơn
một, có cộng thêm mấy tuổi nữa cũng chẳng ăn nhằm gì, vẫn cứ… ngon. Làm liền đi
Tư, tụi tao nhất trí cả hai chân hai tay…
Rồi anh và mọi người cười rung cả xuồng.
Những lúc như thế, tôi thấy chị Út thường đỏ mặt. Chị phải len lén nghiêng vành
mũ tai bèo về phía mọi người. Còn tôi thì vô tư. Mặc! Ai muốn nói gì thì nói,
muốn trêu gì thì trêu. Tôi chẳng sợ.
Nhưng có một chuyện xảy ra sau đây, thì
buộc tôi không thể không suy nghĩ về chị. Đó là có một lần tôi bị cảm lạnh, thấy
uống thuốc không đỡ, chị cứ một hai bảo tôi cởi áo ra để chị cạo gió cho. Lần ấy,
trên cái sạp gỗ, chị ngồi sát bên tôi, vừa cạo gió, vừa khe khẽ hát một làn điệu
giao duyên. “Thương bông mà điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê…”. Giọng chị buồn buồn mà ngọt ngào, sâu lắng.
Rồi tiếng hát chị bỗng nghẹn lại giữa chừng. Tôi thấy hình như chị đang khóc.
Nhưng tay chị thì vẫn cạo đều đều trên lưng tôi. Tôi không dám hỏi vì sao chị
khóc. Cũng không tỏ ra một biểu hiện nào cho thấy tôi biết chị khóc. Làm như vô
tình, tôi cứ lặng yên cho đến khi chị làm xong việc. Tôi thấy mình nhẹ hẳn người
sau khi được chị cạo gió cho. Bài thuốc dân gian này có tác dụng rất nhanh với
những căn bệnh thông thường. Nhất là bệnh cảm cúm, nhức đầu sổ mũi hay đau bụng
gió. Chỉ với đồng xu (loại tiền xu bằng đồng hồi xưa), thoa dầu hỏa lên da, cạo
đều một lúc là mọi thứ bệnh tật sẽ bay hết. Trong khi tôi ngồi dậy mặc lại áo,
thì chị vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, mặt buồn rười rượi. Tôi hoàn toàn không hiểu tại
sao hôm nay chị lại như vậy. Mọi ngày chị có bao giờ thế đâu. Trái lại, lúc nào
chị cũng vui vẻ, cười cười nói nói. Hình như đọc được điều băn khoăn đó ở tôi,
chị khẽ quay mặt đi, nói với tôi:
- Tư à, tại khi hát bài hát ấy cho Tư nghe,
bỗng nhiên chị thấy nhớ nhà quá! Không biết lúc này ba má chị đang làm gì. Hồi
chiến tranh nhà chị nghèo lắm! Mùa nước nổi gạo không có mà ăn, ba má chị phải
ngày ngày chèo xuồng đi hái bông điên điển về luộc lên cho cả nhà chấm với muối
ăn cho đỡ đói lòng.
Nói
đến đây, chị òa khóc. Có lẽ chị đang rất xúc động. Tôi biết vậy nhưng chẳng thể
làm gì hơn, ngoài đôi ba câu động viên chị. Tôi đưa chiếc khăn của tôi cho chị
lau nước mắt. Chị cầm lấy, nhưng hai tay chị lại nắm chặt lấy tay tôi. Chị mở
to đôi mắt nhìn tôi, với ánh mắt lạ lùng hôm nào. Tôi cũng nhìn chị, nhìn thật
sâu, thật cảm thương vào ánh mắt ấy. Chị bỗng hổn hển nói với tôi:
-
Tư ơi, sao em vô tình quá vậy? Chị thương em nhiều lắm! Em có biết không? Chị
thương em ngay từ lần đầu chị gặp em. Chị muốn sau này em đừng đi đâu. Chị muốn
em ở đây sống cả đời cùng chị.
Rồi
bỗng nhiên chị ôm chặt lấy tôi. Hai tay chị kéo thật sát người tôi vào người chị.
Hơi ngạc nhiên và bối rối trước hành động của chị, nhưng tôi vẫn đứng yên trong
lòng chị. Tôi không biết phải nói gì với chị trong lúc này. Người tôi cũng đang
nóng ran lên. Vâng, hai mươi tuổi đời, chưa một lần yêu ai, chưa một lần nắm
tay người con gái nào. Đây là lần đầu đời, không, phải nói là lần thứ hai, tôi
được một người con gái, một người đồng đội, cho tôi cái cảm giác ấy. Cho tôi sự
rạo rực mà chưa một lần tôi được nếm trải. Người con gái ấy bây giờ vẫn đang ôm
chặt lấy tôi. Đôi môi mộng đỏ đang ở rất gần tôi. Mái tóc dày, đen, ngọt ngào
hương thơm đang buông lòa xòa vương trên mặt tôi. Hai bầu vú căng tròn, nóng
hôi hổi đang ép sát trên ngực tôi. Tất cả thật hấp dẫn, thật cuốn hút. Tất cả
như đang mời gọi tôi, như đang đốt lên ngọn lửa khát khao trong lòng tôi. Và chỉ
một chút nữa thôi, ngọn lửa ấy sẽ bùng lên dữ dội. Tôi gần mê muội đi. Không
còn nhớ gì nữa. Không còn biết chuyện gì đang xảy ra nữa… Nhưng tôi đã không đủ
can đản, hay nói đúng hơn, tôi đã cố gắng hết sức để kìm lòng mình lại. Cố nén
chặt mọi cảm xúc đang chờ được vẫy vùng, quẫy đạp. Nhưng tôi đã không nỡ đẩy chị
ra, mà vẫn đứng yên trong lòng chị. Tay chị vẫn ôm chặt lấy tôi. Và tay tôi vẫn
ôm chặt lấy chị. Mặc cho đầu chị gục trên ngực tôi. Và mặc cho những giọt nước
mắt nóng hổi của chị đầm đìa trên vai tôi.
Sau
lần ấy, chị Út thường tránh mặt tôi. Tôi để ý thấy chị có vẻ hơi buồn. Tôi
không hiểu vì sao chị tránh mặt tôi và lại buồn. Hay chị ngại vì đã vội vàng thổ
lộ tình cảm với tôi. Mà tôi thì im lặng, không một lời đáp đền tấm lòng của chị.
Rồi có tin chị vừa xin phép về thăm nhà ít bữa. Chị ra đi không hề gặp tôi,
không hề nhắn lại tôi một câu. Tôi cảm thấy buồn. Rất buồn. Và cứ suốt ngày
mong ngóng chị sớm trở lại. Thâm tâm tôi cũng rung động lắm trước tình cảm của
chị dành cho tôi. Từ hôm đó đến nay tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi nhớ lại những
gì chị đã nói cùng tôi. Nhớ cả những giọt nước mắt. Nhớ cả cái vòng tay của chị
khi ôm chặt tôi vào lòng. Không lúc nào là tôi không nghĩ đến chị. Hình bóng chị
suốt ngày cứ trở đi trở lại, choán hết tâm trí tôi. Chị đến với tôi trong giấc
ngủ. Trong bữa ăn. Cả trên đường tôi đi tuần tra. Lúc nào chị cũng hiển hiện
trong tôi. Lúc đậm lúc mờ, khi hư khi thực. Ngọt ngào và tràn ngập yêu thương.
Tôi biết tôi cũng đã thầm yêu chị. Trái tim tôi đã thực sự biết nhớ, biết
thương chị. Nó chỉ còn chờ cái giây phút cuối cùng là được cho đi và nhận về nữa
mà thôi. Tôi nhớ chị đến mức, trong mắt tôi, giờ đây, không có người con gái
nào xinh đẹp bằng chị. Không có ai đánh đổi được chị. Sự mặc cảm về chênh lệch
tuổi tác đối với tôi giờ đây cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa hết. Tôi chỉ biết tôi
cần có chị, cũng như chị cần có tôi. Tôi chỉ biết tôi thầm yêu chị, cũng như chị
thầm yêu tôi vậy. Tôi định hôm nào khi chị trở về, tôi sẽ gặp chị, nói với chị
tất cả nỗi lòng mình. Và tôi chờ cái giây phút ấy đến với tôi từng ngày một.
Chưa bao giờ tôi ngóng trông, mong mỏi ai, như ngóng trông, mong mỏi chị lần
này. Tôi tính từng ngày chị ra đi và mong từng ngày chị trở về. Thời gian đối với
tôi lúc này sao chậm chạp quá chừng. Ngày ngày tôi cứ ra bờ sông, ngóng về một
phía, lòng hồi hộp chờ tiếng xuồng máy vang lên. Nhưng tất cả vẫn chìm trong im
lặng.
Ngay tối ấy, trung đội tôi có lệnh hành quân đến một nơi khác. Lệnh đến
là đi ngay. Tôi bần thần mất một lúc vì không gặp được chị. Ở nơi xa, tôi nhớ
Út Huệ diết da. Nhớ đến mất ăn mất ngủ. Và tôi thầm mong được trở lại nơi ấy, để
gặp cho bằng được người con gái ấy. Nhưng chiến tranh biên giới đang ở vào giai
đoạn cuối. Ta đang tập trung lực lượng, đánh đòn quyết định vào tận hang ổ của
chúng ngay trong đầu mùa khô tới. Tôi bị cuốn vào chiến dịch. Rồi đi mãi, đi
mãi, lên tận Phnôngpênh, Battambong, Xiêmriệp… Một tháng, sau ngày chiến tranh
biên giới Tây – Nam kết thúc, tôi mới có dịp trở lại. Vừa về nước ngày hôm trước
thì ngay ngày hôm sau tôi đã đi tìm Huệ. Tôi lên lại vùng biên nơi một thời
chúng tôi ở bên nhau. Vẫn ngôi nhà sàn bị cháy dở dang ấy, nhưng đã được sửa
sang lại. Tôi bước vào nhà và chết lặng người khi chính giữa bàn thờ có đặt di ảnh
của một người con gái. Bên dưới là hàng chữ: Liệt sỹ Nguyễn Thị Huệ, hy sinh ngày 20 tháng 10 năm 1978. Tôi bàng
hoàng không tin vào mắt mình nữa. Nước mắt tôi bỗng nhòa đi. Tôi đã khóc vì ân
hận. Tôi đã khóc vì nỗi xót thương dâng lên quặn thắt trong lòng. Trái tim tôi
như có một bàn tay vô hình đang bóp chặt. Cảm thấy đau đớn đến vô cùng. Tôi muốn
nói với Út Huệ một điều gì đó. Nhưng tôi biết, dù tôi có nói trời nói đất gì đi
nữa, thì tất cả giờ đây cũng chỉ là vô nghĩa.
Nhìn di ảnh của Út Huệ, rồi nhìn ra bên
ngoài, chỗ gốc xoài ngày trước chị và tôi thường ngồi bên nhau, tôi lại nhớ tới
câu nói của Út Huệ, “Tư à, mai kia yên lành rồi, chị không chỉ đãi Tư món bánh
xèo ăn với bông điên điển không đâu, mà chị còn làm cả lẫu cá linh, nhúng bông
điển điển cho Tư nữa nhé!”.
NGUYỄN NGỌC CHIẾN
______________________
Bông điên điển một thời ngậm ngùi nuối tiếc. cảm ơn tác giả cho lại cảm xúc nầy.
Trả lờiXóa