Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Bắt con cá quẫy rô vừa lật lên
Vàng ươm, trong nước bùn đen
Đem về làm sạch nướng lên kho gừng
1.Bắt cá, cua đường bừa:
Tiết tháng 12, ruộng đồng quê tôi được người nông dân cày, bừa chuẩn bị xuống giống sạ vụ mùa đông xuân, trước khi tháng chạp và tết đến. Lúc còn nhỏ tôi thường đi theo người bừa ruộng sạ, cấy, để bắt cá rô đồng và các loại cá tràu, cua, cà cuống, tít nước, ốc bươu, để cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Ngày đó, chỉ cần một cái giỏ bầu, giống như cái bình hồ lô, trên có cái hom tre, được ba tôi khéo tay đan bằng tre rất công phu xinh xắn, trông rất đẹp mắt. Là có thể bắt tất cả cá rô, cá tràu, cua, cà cuống, tít nước, ếch... cho vào giỏ đựng.
Việc theo trâu đi bắt cá do người bừa ruộng rất thích chi là thích. Vì khi đường bừa đi qua là tạt nước sang hai bên, cá rô, cá tràu... bị phơi lưng, bụng ra, chỉ cần nhanh tay bắt những con cá rô, cá tràu, cua vàng ươm cho vào giỏ. Cái cảm giác bắt cá bừa rất hấp dẫn đến mẫn mê. Chính vì vậy, mà theo trâu suốt cả buổi sáng, mặc dù trời mưa to và lạnh buốt vẫn không biết mệt là gì. Vì đổi lại là được cả một giỏ cá các loại, khi đem về nhà rửa và trống nước sạch, sau đó phân loại ra từng thứ một, cá rô, cá tràu thì làm sạch sau đó trụi que tre và nướng bằng lửa than hồng, cua bóc tách vỏ, ếch thì lột da làm sạch, chặt thành từng miếng, còn tít nước, cà cuống rửa sạch và khi cá được nướng vàng ươm thơm phức mũi, tất cả ướp gia vị nắm, muối, ớt, hạt tiêu xanh hoặc tiêu bột và kho rim trong cái nồi đất với dầu phụng hoặc mỡ heo bằng lửa nhỏ với lá gừng, nghệ cho cá thấm vào gia vị.
Mùa đông, trời se lạnh, món cá đồng kho rim ăn với cơm thì thật là lý thú. Nhưng rất tốn cơm! Vì cá rô, tràu, ếch... tiết mùa đông thịt cá rất béo, ngọt và dai. Khi kho rim với gia vị và lá gừng, nghệ, tiêu, ớt thì rất thơm, ngon. Mùa đông, chỉ cần ai đó trong xóm kho cá, bốc mùi thơm lừng đến nức mũi, là ruột tôi lại cồn cào, tiếng nước bọt lại tiết ra, cứ như muốn được thưởng thức ngay cho thỏa thích. Có lẽ không đâu bằng quê hương, với những món bình dân, dung dị, nhưng đó cũng là đặc sản quê hương của từng miền vùng trên quê hương Việt Nam mến yêu! Người Việt Nam thường có câu: Món ngon không phải là “món cao lương, mỹ vị”, mà là “món ăn hợp khẩu vị”. Hoặc món ngon thì nhớ lâu.
2. Bắt cá ngủ:
Mùa đông, sau khi ruộng được cày, ngâm nước chuẩn bị bừa để sạ hoặc cấy, thời gian này, cứ sáng sớm lúc 4 đến 5 giờ sáng, tôi lại dậy sớm để đi bắt cá ngủ. Phương tiện bắt rất đơn giản, chỉ cần 1 cái giỏ cá và 1 cái rá tre, hoặc rá nhựa là có thể bắt được cá rô, cá tràu, cua đồng... Vì sau khi cày, các hốc nước của bệ đất có nước là nơi các loại cá cư ngụ, giống như cái hang để ở, chỉ cần nhẹ nhàng đưa cái rá vào sát hốc nước và vớt nhẹ lên là được những con cá rô, cá tràu, cua... sạch đang say giấc. Và chỉ còn việc cho vào giỏ để đem về. Bắt cá ngủ rất thích thú, vì khi đó quan sát bằng mắt thấy từng con cá ngủ trong các hốc nước của đường cày. Nên dù trời mới sáng sớm rất lạnh, vẫn không cảm thấy lạnh. Vì niềm vui bắt được nhiều cá, đã làm con người hưng phấn, phấn chấn trước “chiến lợi phẩm” thu được trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau đó, mới thực hiện các công việc trong ngày của một thời trẻ trâu như cắp sách đến trường, trong niềm vui khó tả. Vì ít nhiều đã góp phần giúp ba mẹ cải thiện được bữa ăn hàng ngày cho gia đình của mình trong một thời khó khăn lúc ấy.
Ngày đó, ruộng đồng rất nhiều cá, có lẽ thời điểm đó người dân ít dùng thuốc và các loại hóa chất độc hại, nên là môi trường cho cá sinh sôi, phát triển nhanh. Nhưng sau này, do việc lạm dụng dùng nhiều loại hóa chất như thuốc diệt cỏ, diệt mầm và phương tiện tận thu như châm điện... Nên cá, cua không còn nhiều như trước đây.
Ngày nay, trẻ em nơi phố thị ít biết về thời trẻ trâu của những đứa trẻ ở quê. Do ở phố thị hầu như không có ruộng đồng. Và việc theo trâu bắt cá đường bừa, hay bắt cá ngủ cũng chỉ còn là những kỷ niệm đáng nhớ, hoài niệm của một thời gian khó của những đứa trẻ trâu ở quê tôi của thập niên trước. Chính vì vậy, một số gia đình ở phố khi có điều kiện dịp nghỉ ngơi lễ, phép hoặc nghỉ hè thường đưa con về quê, về với nội, ngoại để tìm lại những kỉ niệm mà ba, mẹ của trẻ thơ đã có một thời đáng để nhớ. Với mục đích, để những đứa trẻ thơ được trải nghiệm thực tế với đồng quê, với cánh đồng với thửa rộng, đường cày... Đây cũng là cách hay, để trẻ thơ sống với thực tế, mà chúng được học qua sách vở. Có như vậy, trẻ em mới yêu hơn cuộc sống, yêu hơn quê hương, yêu mùi bùn, mùi hương lúa của đồng quê luôn dào dạt tình đời, tình người. Để nuôi dưỡng tình yêu quê hương, xóm làng trong tâm hồn trẻ thơ!
Một mùa đông nữa lại về! xuân Tân Sửu sắp tới. Tôi muốn viết lại những kỷ niệm nhỏ, để lưu nhớ, hoài niệm về một thời đã qua. Nhưng có lẽ không thừa đối với người con của quê hương đã một thời sống ở làng quê, giếng nước, lũy tre xanh, hàng dừa sây trái, chiều về ngắm những cánh cò chao nghiêng, thật êm ả. Nay mưu sinh nơi phố thị, vẫn luôn nặng lòng với những kỷ niệm ấu thơ!...
Tháng 11.2020
Võ Văn Thọ
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét