- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Ngày còn tuổi thơ tôi rất thích ăn canh rau nhất là về mùa hè nóng bức. Bát canh rau tuy mộc mạc nhưng nó chứa đựng biết bao tình cảm yêu thương gia đình. Tôi rất thích những bữa cơm sum họp đầy đủ các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm đạm bạc, và những món ăn do chính các thành viên trong gia đình cùng chung công sức, để có được những bữa cơm thật ấm áp chan hòa yêu thương, mãi còn lắng đọng.
Thời ấy những năm
70, 80 của thế kỷ trước, ruộng đồng ở quê tôi rất nhiều cá cua, lươn,
ếch, nhái... Cứ đến tháng 5 khi vụ mùa đông xuân vừa thu hoạch xong, ruộng cạn
nên cua cá như cá rô, tràu, cá nhét dồn vào bờ và những nơi trũng có nước để
trú ngụ, là tụ nhỏ bọn tôi lúc đó tranh thủ buổi trưa để đi tát bắt cá rô, cá
tràu, còn cá nhét thì xắn bùn để bắt. Những con cá rô, tràu, nhét vàng ươm bắt
mắt, lũ cua đồng thân mai vàng như nghệ. Sau khi bắt cá bỏ vào chiếc giỏ bầu
tre (giỏ được đan giống quả bầu hồ lô) xinh xắn, miệng giỏ có chiếc hom tre để
bỏ cá cua vào giỏ, nhưng cua cá không thể bò, nhảy ra khỏi giỏ, chiếc giỏ và
hom tre ấy ba tôi rất khéo tay, kỳ công đan bằng cật tre rất đẹp và chắc chắn.
Niềm vui dâng lên trong
lòng, vì thể nào bữa ăn gia đình cũng sẽ được cải thiện bữa cơm tươm tất. Tôi
đem cá về nhà, mẹ tôi đã đợi sẵn ở nhà. Mẹ nhanh chóng đổ giỏ cua cá ra cái
chậu hoặc nồi lớn và cho nước vào rửa sạch sẽ sau đó phân loại riêng cua cá ra
từng loại. Cá thì mẹ tôi làm ruột, đánh vảy sạch sẽ bóp muối hạt, ớt gia vị để
riêng trụi que tre nướng lửa than củi. Chị em tôi cũng góp công bắt cá cua và
tham gia quạt lửa than cho đỏ để nướng và lật cá cho chín đều, không bị cháy
khét. Còn cua mẹ tách mai lấy gạch và càng cẳng chân cua giã nhỏ, lọc vải màn
lấy nước để nấu canh rau tập tàng hái trong vườn nhà trồng được. Sau khi cá
nướng vàng chín khô mẹ tuốt ra khỏi trụi vót bằng nan tre già bỏ cua cá vào cái
nồi đất bắt lên bếp lửa kho rim với gia vị mắm, muối và lá nghệ, gừng rất thơm
ngon. Bữa cơm quê có món cá đồng kho đậm đà và bát canh cua đồng thì còn gì
bằng. Ăn mà cứ thòm thèm muốn được thưởng thức mãi không biết chán.
Tiết tháng mười một,
mười hai thì tụi nhỏ bọn tôi theo trâu bắt cá đường bừa và bắt cá ngủ buổi sáng
tinh mơ. Khi tiếng gà vừa cất tiếng gáy vang là bọn trẻ chúng tôi đã tỉnh ngủ,
bật ra khỏi giường. Chỉ cần dùng một cái rá, rổ nhựa hoặc rổ tre và cái giỏ bầu
là bắt được những con cá rô, tràu cua ở ruộng vừa mới cày. Mặc dù trời mùa đông
se se lạnh với mưa phùn không muốn ra khỏi nhà, nhưng đi bắt cá thì rất thích
thú, quên cả lạnh. Hồi còn học cấp 1, 2 học sinh chỉ học một buổi, còn một buổi
ở nhà phụ cha mẹ, nên có thời gian để theo trâu bừa ruộng để bắt cua, cá đồng
cải thiện bữa cơm nhà nông.
Sau này ruộng đồng quê
tôi ít cá dần vì lý do nhà nông dùng thuốc diệt cỏ để diệt cỏ lúa, nên môi
trường sống của cá cua thu hẹp. Và thêm nạn bắt cá bằng châm điện tận diệt nên
cá cua đồng không còn đất sống, cua cá cứ thế mà xa ruộng đồng bỏ đi... Khi tôi
lên cấp 3 học ở trường huyện phải ở trọ đi học, nên không có thời gian để đi
bắt cá cua đồng nữa. Kỷ niệm về bắt cá cua đồng thời trẻ thơ vẫn còn mãi in
sâu, lắng đọng trong tôi, những hoài niệm, nhớ nhung...
Lũy tre, bến nước, cầu
ao, mảnh vườn, ngôi nhà, cánh đồng làng quê... vẫn mãi thân thương, mến yêu. Vì
là nơi sinh ra "chôn rau, cắt rốn". Ai cũng có một quê hương để nhớ
nhung thao thiết, để tìm về dù là mưu sinh ở phương trời nào đó. Vậy nên có câu
thơ của Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết: "Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ
không lớn nổi thành người"...
Tháng 10.2023
Võ Văn Thọ
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét