Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Chị Bình ngồi bệt xuống nền nhà, đôi mắt nhìn ra đầu ngõ như chờ đợi ai đó ra đi chưa trở về. Nét mặt buồn thăm thẳm, cái nôn nóng khiến chị hết ngồi rồi lại đứng. Những tiếng thở dài dồn dập nối liền nhau, hòa tiếng kim đồng hồ tích tắc làm dấu thời gian. Cái câu người ta hay nói "thức đêm mới biết đêm dài" thật đúng chẳng sai một tí nào. Đó không phải là thói quen của một người hay thức khuya, chỉ là chị không tài nào ngủ được. Nỗi chờ ấy khiến đôi mắt thâm quầng, sau nhiều đêm đọ sức với đêm đến tàn canh cuối khuya. Cái căn nhà thật lặng lẽ, người thân đã chìm vào giấc ngủ say sưa từ bao giờ. Tiếng côn trùng kêu nghe sầu thảm, lắng vào đêm như tiếng rên nỉ non. Ánh trăng cũng gầy guộc trên hàng cây cao vút, đứng bơ vơ soi sáng từng con đường. Cũng giống như chị, đôi mắt luôn dõi ra trước ngõ với niềm hy vọng ai đó sẽ sớm quay trở về.
Nghĩ mà buồn thay. Chị có 2 người con gái, một đứa đã bước vào tuổi trưởng thành, đứa còn lại đang trong tuổi đi học. Đứa nhỏ tên Quỳnh vừa được 13 tuổi. Chị hãnh diện nhất là chính là con bé này, không những là một học sinh giỏi mà còn là một đứa con ngoan biết vâng lời cha mẹ. Nhưng chị cũng khổ nhất là đứa con đầu đời, tuy đã đến tuổi trưởng thành nhưng chưa bao giờ chị bớt lo lắng và suy tư về nó. Thậm chí chị bỏ tất cả thời gian ra chỉ để dành cho một việc duy nhất là "âu lo, mất ăn, mất ngủ, chỉ vì nó với thói ăn chơi lêu lổng hết ngày qua tháng".
Từ lúc trưởng thành, cá tính của cô bé hoàn toàn thay đổi, không còn ngoan ngoãn như những tháng ngày tuổi nhỏ mà miệng cứ mẹ ơi, ba ơi, khi gặp bất cứ vấn đề gì không giải quyết được. Có thể nói anh chị chính là một chuyên gia để bé đặt mọi câu hỏi và sẵn sàng giải đáp trước đôi mắt thơ ngây, tâm hồn trong veo như nước có thể nhìn thấy tận đáy. Vậy mà đến khi trưởng thành, cái tâm hồn ấy nó đục ngầu bởi xã hội đã khuấy động lên làm thay đổi mặc tính, không còn hiền hòa như những lúc ấu thơ. Nhiều khi chị Bình úp mặt khóc và tự hỏi "cái nét hiền ngoan mà gia đình đã giáo dục ở những ngày đầu đời, giờ nó bỏ quên đâu rồi".
Chị nhớ có lần nó đi chơi đêm cùng bè bạn đến trời sáng mới trở về. Chị vẫn nhẹ nhàng với câu hỏi, vì sợ đứa con sẽ bị tổn thương ở tuổi mới bắt đầu trưởng thành.
Nó một mạch đi vào phòng không một tiếng trả lời nào. Chị rón rén đem đồ ăn sáng gõ cửa bước vào đưa cho nó.
Nó nhìn với đôi mắt không mấy thiện cảm. Nó vốn dĩ không thích nói chuyện với người thân trong nhà, vì cứ mỗi lần trò chuyện họ luôn dùng những lời lẽ để khuyên răn dạy bảo, nó cho rằng đó là "dạy đời" vì nó đã trưởng thành hiểu thế nào là đời, không cần phải tối ngày cứ xìa vào tai những lời lẽ nhảm nhí cũ rích như trái đất, cứ lặp đi lặp lại, nghe thật khó chịu vô cùng.
Chị đã hết cách, từ cách ứng xử nhẹ nhàng ngọt ngào, rồi đến bực mình la mắng, và có khi là dùng roi đánh nhưng đâu vẫn vào đấy, vẫn không thay đổi và cảm hóa được cái tính ngang ngược, vô lễ, vô phép của nó. Chị chán nản và có nhiều lần chị suy nghĩ sẽ bỏ mặc không nói đến nữa, nhưng sao chị không thể nào làm thế được. Thì cha mẹ nào mà không thương yêu, lo lắng, quan tâm đến con cái. Cha mẹ nào không vui khi thấy con mình trở thành người tốt là đứa con ngoan có ích cho gia đình và xã hội. Cha mẹ nào không buồn đau khi thấy con mình trở thành người không ra gì. Mỗi lần nhìn thấy con nhà người ta, nhìn lại con nhà mình chị thấy hổ thẹn vô cùng. Thì cùng đồng trang lứa con nhà chị, nhưng họ vẫn ăn học đàng hoàng, nếu gia cảnh khó khăn thì nghỉ học để đi làm phụ giúp cha mẹ. Còn con nhà chị lêu lổng nên bỏ ngang việc học, tụ tập với đám bạn xấu ăn chơi trác táng thâu đêm suốt sáng không hề giúp ích hoặc nghĩ ngợi gì đến gia đình.
Phận làm cha mẹ có bao giờ không hướng về tương lai số phận của các con, nhưng đa số người con ít khi nào nghĩ đến nỗi lòng của cha mẹ. Chỉ có con cái bỏ rơi cha mẹ, không khi cha mẹ nào mà lại bỏ rơi con cái, vì đó giọt máu là linh hồn mình tạo nên và cất công nuôi dưỡng giáo dục cho đến ngày trưởng thành. Chị không dám than phiền cùng chồng, vì mỗi lần kể lể chị bị anh mắng cho 1 trận. Những câu nói thật dứt khoát, vốn dĩ là người mạnh mẽ, ít nói lại cọc tính, sau những lần dạy dỗ không nghe anh đã bỏ liều đứa con gái của mình, mặc kệ nó muốn làm gì thì làm. Có lần chị bàn bạc với anh tìm ra mọi giải pháp nhằm khắc phục tình hình của con bé bây giờ. Anh lấy tay đập xuống cái bàn thật mạnh.
Chị chỉ biết im lặng khóc thút thít. Thì cha mẹ nào mà chẳng dạy con điều hay lẽ phải, nhưng tâm tính của mỗi đứa con nó vượt xa lòng nghĩ của cha mẹ, nó xuôi theo chiều hướng tiêu cực của xã hội bên ngoài. Chỉ có người mẹ là chịu trách nhiệm về chuyện đứa con mình. Ai sẽ hiểu cho cảm giác của chị, chị không dạy những thói hư tật xấu, chị vẫn theo nề nếp truyền thống của ông bà tổ tiên. Thế nhưng sao con chị lại đi ngược lại với những điều ấy.
Con bé nhà chị trông xinh xắn vô cùng, với cái mười tám như cánh hoa nở mỗi độ bình minh đến chào ngày, nổi bật khoe sắc rực rỡ trong màn sương ướt mọng. Với độ tuổi ấy chập chững mới bước vào đời, không tránh khỏi những chuyện ve vãn, lời tán tỉnh của vô số người lạ. Cũng như một loài hoa đầy sắc hương sẽ có muôn ong bướm lượn quanh, hết đàn này tới đàn khác tiếp nối. Cái tuổi mới lớn suy nghĩ còn nông cạn, hết nước hoa, phấn son, giày dép, đến quần áo mới. Những khoản tiền mua sắm ấy dư để chị xây một căn nhà lớn. Nhưng biết sao được, vì chị cũng từng là con gái, cũng muốn bản thân mình đẹp như bao nhiêu người khác. Cái thời của chị, mộc mạc giản dị vô cùng, vì thuở ấy kinh tế còn quá khó khăn nên chuyện làm đẹp chỉ dành cho giới con nhà giàu. Chị hiểu, và sợ con mình thua những đứa bạn cùng lứa, đành bóp bụng mà chi tiền để con mình làm những điều mà nó thích, miễn sao nó vui thì chị cũng an lòng.
Chị Bình cứ hỏi trời "tại sao con mình lại trở thành người như vậy" chẳng phải trước kia nó rất ngoan ngoãn đấy sao. Biết vâng lời, lễ nghĩa rất chuẩn mực, đi đâu cũng xin phép "dạ thưa" chẳng thiếu một từ nào. Trước ngoan bao nhiêu thì giờ trái ngược bấy nhiêu.
Có một lần nó đi chơi về, vừa đến nhà lột phăng chiếc áo khoác để lộ ra 2 cánh tay chằng chịt những vết xăm. Anh chị như tối tăm mặt mày, không tin người đang đứng đối diện trước mắt là đứa con của mình. Nó vẫn tỉnh bơ nhìn anh chị thản nhiên hỏi.
- Ba mẹ có thấy hình xăm của tôi đẹp không?
Anh chị đứng ngẩn ngơ nhìn nhau trong sự tức tối vô cùng, anh nắm lấy tay con bé mà nghiêm giọng.
- Con nghĩ gì mà con lại đi xăm mình vậy Như. Tổ tiên mấy đời nhà mình có ai lại xăm mình không? Nói ba nghe, nó đẹp ở chỗ nào.
Chị kéo con bé sát vào người mình, đưa ngón tay sờ lên làn da vốn dĩ trước đây trắng trẻo không có một hình thù vết mực nào.
- Sao con lại làm vậy. Rồi sau này ai dám lấy con làm vợ đây. Rồi con ra xã hội người ta nhìn con bằng đôi mắt gì, người ta sẽ nghĩ con là thành phần gì?
- Ba mẹ quê mùa quá, thời buổi này xăm mình là chuyện bình thường, không phải cứ xăm mình là xấu xa. Còn việc ai nhìn tôi bằng đôi mắt gì thì mặc xác họ, tôi chẳng quan tâm. Miễn sao tôi thấy thích là được. Tôi sống không phải để làm vừa lòng thiên hạ - Nó bào chữa cho việc xăm mình bằng những câu từ trích từ mạng xã hội " Trai xăm trổ chắc gì đã hổ báo, cũng như gái kín đáo chắc gì đã ngoan con nhà giáo vẫn có loại huýt sáo lên giường. Gái đứng đường vẫn có loại đàng hoàng tử tế".
Anh tức giận túm lấy đầu tóc nó, tát liên tục vào mặt như trời giáng, mỗi cái tát kèm với câu nói" mất dạy nè… trả treo nè… mất dạy nè" nó té xuống sàn nhà, giãy đành đạch, chị lao vào ngăn anh lại, với câu "thôi… thôi… thôi…" luôn phát ra từ cửa miệng của chị. Con bé Quỳnh đang học bài trong phòng chạy ra đỡ chị hai nó đứng dậy. Nó hốt hoảng khi hai cánh tay của chị đầy những hình xăm quái dị. Nó thì thầm trong bụng "chị đã trở thành người khác, chị không còn là chị hai của Quỳnh nữa rồi" bỗng nhiên bé Quỳnh thấy có một khoảng cách nào đó rất xa vời mỗi khi đứng gần chị. Nó buông tay ra, lùi về phía ba mẹ. Cũng lần đầu tiên Quỳnh thấy ba giận dữ đến mức độ vậy. Anh chỉ tay tay vào mặt Như.
- Mày đi ra khỏi nhà tao. Tao không muốn thấy cái hình xăm của mày hiện diện trong căn nhà này thêm bất cứ phút giây nào.
Dứt lời. Nó vội vàng nhặt lại chiếc áo khoác một mạch quay lưng chạy đi thật nhanh, trong tiếng gọi của chị "Như… Như… Như" cái dáng của nó đã khuất trước phía hàng rào, chỉ còn lại tiếng gọi theo của chị vang xa… vang xa. Anh ngồi xuống chiếc ghế thì thầm cùng chị "con với chả cái - sống nổi không" anh nắm lấy bàn tay của bé Quỳnh xoa đầu nói khẽ.
- Sau này con lớn lên phải thật ngoan, đừng giống như chị hai nhé. Cố gắng học thật giỏi để làm người con có ích cho đời. Cho dù không học giỏi, cũng đừng làm người xấu. Nhớ nhé con.
Con bé Quỳnh gật đầu dạ dạ. Chị nhìn anh với đôi mắt buồn rầu.
- Con nó lớn rồi có gì mình nói nó nghe, cần gì phải bạo lực, đánh đập không giải quyết được gì mà càng khiến nó cứng đầu và khó dạy hơn.
- Tôi chưa bao giờ gặp cái tình cảnh nào như ngày hôm nay. Tôi không biết nó có còn là con bé Như con của chúng ta trước đây không nữa. Cũng do mình nuông chiều nó quá mức. Cái câu "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" rõ đúng, ông bà ta nói có sai bao giờ.
- Sao mình lại đổ lỗi hết qua cho tôi, mẹ nào mà dạy con hỗn láo, mất dạy đâu, mình chỉ cho tôi xem. Tôi chỉ nói mình không nên dùng bạo lực với con gái mới lớn, thì mình lại cho rằng nó hư hỏng là do tôi. Thế mình không có trách nhiệm gì trong việc giáo dục con cái hay sao.
- Thôi tôi không nói nữa. Từ nay về sau nó muốn làm gì thì làm…
Anh đứng dậy bỏ đi ra sau vườn, riêng chị cầm chiếc nón lá đi theo cái hướng con Như vừa chạy để gọi nó quay về nhà, chị tìm cả buổi chẳng biết nó đi đâu. Tối đó Như không về nhà, cái ngọn đèn trước sân lập lòe treo lơ lửng trên cành cây hoa giấy. Cái cổng hàng rào mở toang, chẳng thấy cái dáng nó trở về. Anh chị thao thức vì một biến cố của gia đình vốn dĩ chưa từng có xảy ra. Chị cứ đi tới đi lui đôi mắt như treo ngoài ngõ, anh nằm đó mắt mở trao tráo đưa tay gác trán suy nghĩ cái chuyện của giới trẻ bây giờ. Có phải giới trẻ trong cuộc sống hiện đại họ sống không có khuôn khổ lẫn quy tắc như giới trẻ ngày ấy. Giờ toàn tiếp xúc với công nghệ nhiều nên từng lời nói, cử chỉ hành động, cũng không có bất cứ một trình tự nào. Đa số xuất phát từ các clip đầu độc giới trẻ được đăng trên các trang mạng xã hội, như: cổ súy đánh nhau, văng tục chửi thề và vô số các vấn đề nhạy cảm khác, làm nhòa đi cái nét văn hóa vốn dĩ tốt đẹp tồn tại từ thời xa xưa cho đến bây giờ.
Thấp thoáng cái dáng của Như đi xiêu vẹo trong cơn say mèm , bước thấp bước cao dưới ánh đèn bên hàng rào trước ngõ. Chị nôn nao chạy ra nói to nhỏ, an ủi về việc anh đã tát mấy cái cho cái chuyện xăm mình. Nó ực ực vài tiếng, huơ tay múa tay.
Chị dìu nó vào trong nhà, với bước chân nặng nề đi không vững vàng. Chị cũng thở phào nhẹ nhõm vì nó đã trở về chị bớt phải lo toan, và nhẹ nhàng hơn nữa giữa đêm khuya thanh vắng láng giềng đã tắt đèn ngủ hết, nếu ai nhìn thấy cảnh này thì chẳng biết mặt mũi phải để đâu bây giờ. Cái xóm đây vốn dĩ từ trước đến giờ chưa có đứa con gái nào mà ngỗ nghịch hư đốn đến như vậy, nếu lỡ họ nhìn thấy cái cảnh này thì chẳng phải nhà chị đem ra làm trò hề cho thiên hạ hay sao. Chị như vừa tháo khối đá xuống khỏi lồng ngực, thở vội vàng thanh thản như những cơn gió thổi xào xạc lung lay những trên những tàng cây xa. Chị đi ra đóng cổng rào, ánh đèn trước sân vừa chợt tắt, nhà chị chìm vào bóng tối và tìm đến một giấc ngủ yên bình.
Từ đó nó luôn có khoảng cách với anh và chị, dù anh chị đã cố gắng lấp đi cái khoảng cách ấy, nhưng càng cố lại càng thấy xa. Đứng sát đây nhưng xa đâu vời vợi, ở giữa là khoảng lặng rộng tới vô thường thênh thang. Mỗi khi anh chị nói chuyện với nó thì nó lảng tránh đi nơi khác, nên việc tiếp xúc nhiều với nó thật khó đến vô cùng. Nó đi chơi thâu đêm suốt sáng, ăn mặc chẳng giống bất cứ đứa con gái nào trong làng, chiếc quần ngắn ngủn chỉ vài centimet, cái áo hở hang để lộ những phần da thịt nhạy cảm ra hết phía bên ngoài. Người ta dị nghị nói ra nói vào, anh chị bất lực thấy mệt mỏi. Ai hiểu được nỗi lòng của người cha mẹ khi có con gái vừa mới độ tuổi trưởng thành có máu ham chơi cặp bè cặp bạn đi thâu đêm suốt sáng.
Nghe mấy đứa trong xóm nói con nhà chị giang hồ lắm. Có một lần chúng nhìn thấy con Như kéo băng kéo phái cầm theo hung khí hẹn nhau lên cầu giải quyết chuyện mâu thuẫn liên quan đến tình cảm trai gái. Băng đảng của con Như mạnh như bão, nghe đâu chơi nổi nhất cái huyện này, ai dám đụng đến thì xác định máu đổ. Bất cứ tên dân chơi nào ra đường gặp con Như cũng phải kiêng nể, vì nó là bồ của thằng cầm đầu chuyên cho vay nặng lãi, bảo kê các tụ điểm ăn chơi. Chị nghe xong xây xẩm mặt mày, dù chị không hiểu rõ từ "bảo kê" nghĩa chính xác là gì, nhưng chị biết từ đó không dành để nói với những người đàng hoàng làm ăn chân chính. Chị không ngờ con của chị lại trở thành một kẻ mà xã hội lên án. Ngay cả công an cũng tìm đến nhà chị khuyên nhủ gia đình hãy quản thúc giáo dục con bé lại chặt chẽ. Nhưng làm sao chị có thể làm điều ấy được khi chị có hàng trăm thứ việc phải làm, cứ loay hoay thì nó đã trốn đi mất. Chị cũng thuộc về cái số khổ về con cái, thậm chí chị không dám kể lể hay chia sẻ cùng ai, người hiểu chuyện và cảm thông thì không nói gì, nhưng người không hiểu họ thêm cười nhạo và cho rằng đó là lỗi của anh chị không biết dạy con. Chỉ có việc đấy thôi cũng đủ làm chị đau đầu, mệt mỏi, mất ăn mất ngủ.
Đêm nay như mọi đêm, ánh đèn trước sân nhà chị còn sáng, cái cổng rào mở toang. Vẫn có một người phụ nữ ngồi đó đếm thời gian mà trông đợi con về. Cái đêm thật não nề, mọi thứ xung quanh im ắng buồn tênh, mỗi khi nghe tiếng chó sủa vọng đâu từ đầu xóm chị vội vàng chạy ra, gương mặt buồn đầy nỗi thất vọng vì đó chẳng phải là con chị trở về. Nghĩ mà thương cho hoàn cảnh anh chị, phận làm cha mẹ, có bao giờ mà yên tâm về con cái, nhất là con gái mới lớn chưa trải qua cái sự đời. Chị là phụ nữ nên tình thương yêu sự quan tâm dành cho con thường biểu cảm lộ ra ngoài.
Chị nhìn cái đồng hồ, đã hơn 1 giờ sáng. Tiếng chó ở đầu đường sủa inh ỏi, những đèn xe máy lập lòe nối nhau soi xuống hướng nhà chị. Chị đoán có tầm 3 xe, nôn nóng chạy ra, đúng vậy là 3 chiếc xe đang rẽ xuống nhà chị. Họ là công an xã đến báo cho chị 1 tin, nghe xong chị như muốn chết lặng. Con Như vừa bị công an huyện bắt về tội danh tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Lúc 0h công an kiểm tra một quán karaoke và phát hiện có nhiều đối tượng nam nữ tuổi từ 18 đến 25 có biểu hiện phê ma túy, tất cả đều bị dẫn về đồn, qua kiểm tra cho thấy, tất cả đều dương tính với ma túy. Riêng phần Như bị khám xét nơi ở cùng với người tình, công an phát hiện nơi này cất giấu nhiều ma túy. Chị nghe xong đôi chân như không đứng vững, 3 chiếc xe máy lần lượt đi khỏi trong đêm khuya, chỉ còn lại mình chị đứng bên hàng rào với câu hỏi vô hồn " sao lại vậy… sao lại như vậy " anh đang nằm nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, anh chạy ra đỡ chị, ôm chặt giữ vững vàng vì chị không còn sức đứng yên được nữa.
- Mình ở nhà, để tôi chạy qua công an huyện, xem tình hình thế nào.
Chị mếu máo nói chẳng nên lời, bàn tay nắm lấy tay anh, tay còn lại vịn cái hàng rào để có thể đứng vững vàng hơn. Chị không biết làm gì giữa muôn vàn hỗn độn, tất cả mọi thứ đều xáo trộn cả lên, như cuộn chỉ rối ren mà đôi mắt lại mờ phải tìm mối để gỡ. Nhưng càng gỡ lại càng thấy rối thêm. Chị mất đi bình tĩnh, không còn tỉnh táo trước sự việc xảy ra quá bất ngờ, mà nếu đủ tâm trí thì anh chị cũng không thể nào dám chuẩn bị tinh thần mà đón nhận và đối diện với sự việc đang diễn ra trước mắt. Chị khóc sướt mướt, những giọt nước mắt ứa ra xối xả, lăn dài trên gương mặt chảy xuống và ướt đẫm vạt áo màu cánh sen. Anh phải trấn an chị bằng những câu nói.
- Mình cứ bình tĩnh lại, nghe vậy chứ chưa chắc là đúng. Cũng có thể là Như nào đó chứ không phải con nhà mình. Chắc trùng tên thôi. Hay là mình ở nhà đi, để tôi lấy xe chạy qua huyện xem thật hư như thế nào. Cũng mong rằng, người tên Như ấy không phải con nhà mình.
- Làm sao tôi có thể ngồi ở nhà mà chờ tin được. Hay là tôi đi cùng mình xuống đó.
- Không được đâu. Lỡ biết đâu đó là sự thật thì…
- Tôi hiểu mình muốn nói gì. Tôi chấp nhận, và sẵn sàng đối diện với bất cứ tình huống nào, dù có tồi tệ đến đâu tôi cũng phải phủ nhận và không trốn tránh cái sự thật ấy.
Anh chạy vào trong dắt chiếc xe ra nổ máy, đưa chị đến nơi con Như vừa bị bắt. Cái nhà giờ đây trống vắng đến vô cùng. Cái bóng sân cũng hiu quạnh, ánh đèn trước ngõ đêm nay sao trông buồn thê thảm, ánh sáng lập lòe theo những cơn gió đưa lá che nghiêng, vùng sáng vùng tối như 2 thế giới khác biệt.
Anh chị đã đến đồn công an, và bắt đầu tin đây là sự thật, đúng như lời các chú công an xã đã nói trước đó. Trước mắt anh chị là con Như, nó không hề nhận ra cha mẹ đang đứng đối diện với những dòng nước mắt rơi xối xả vì nó, nó điên cuồng trong cơn phê pha, la hét nhảy múa trong niềm vui của riêng mình, mà niềm vui ấy đang giết chết tương lai lẫn cuộc đời của nó. Ma túy như một con quỷ dữ, nó là thứ chết tiệt, tàn nhẫn nguy hiểm nhất thế giới này. Nó giết người bằng cảm giác lâng lâng, bằng sự hư ảo, nó đưa con người lên thiên đàng để ném xuống địa ngục.
Anh chị đau buồn ra về, cái dáng đi như hai cái xác không hồn trông mỏi mệt không hề còn sức sống. Chị vẫn chưa hết thẫn thờ, cứ ngó trước nhìn quanh, rồi nhìn con Như qua ô cửa mà thấy lòng mình như tím ruột bầm gan. Thế là từ sau về sau chị không còn thấy con gái mình ở nhà như những ngày tháng ấy.
Sáng ấy, anh chị cùng nhau. Con Như cũng đã tỉnh hẳn trở lại như trạng thái như ban đầu. Nó nhìn ra cửa thấy cha mẹ vẫn đứng đó, thân người ba mẹ gầy còm, và 2 đôi mắt thâm quầng sau những đêm thức trắng để chờ nó đi chơi về. Nó hiểu ra rằng trên đời này không ai tốt như người thân trong nhà, thế mà trong thời gian qua nó không hề biết quý trọng, mải mê tìm thú vui với bạn xấu ngoài đời. Nó rơi nước mắt, giọt nước mắt quá muộn màng, giá như ngày ấy nó biết nghe theo lời cha mẹ dạy bảo thì bây giờ đâu có ra nông nỗi thế này. Nó hiểu ra rằng không có bạn bè nào mà tốt với nó đến trọn đời. Chứng tỏ nó vào đây trong lúc cô đơn và muốn được nhìn thấy bất cứ 1 người bạn nào để nó có động lực mà vững vàng tinh thần. Nhưng không, chẳng có một người bạn nào đến nhìn mặt nó, chỉ có ba mẹ đang rơm rớm nước mắt, tan nát cõi lòng khi nhìn con với bộ dạng tội phạm bên những chú công an. Giá như được trở về như những ngày xưa ấy, nó sẽ là một người con hiếu thảo, không ăn chơi đua đòi, biết nghĩ đến gia đình nhiều hơn. Nó hối hận với những giọt nước mắt lăn ngắn lăn dài trên má, vì nhớ lại đủ thứ chuyện mà nó từng trải qua. Nó vốn dĩ là con nhà đàng hoàng, dù không phải là con nhà giàu nhưng cha mẹ vẫn dành những gì tốt đẹp nhất cho nó. Nó nhớ có lần mẹ bị sốt, nhà chỉ còn lại 1 triệu đồng để mẹ đi khám bệnh và lấy thuốc, vậy mà nó nỡ lòng xin cho bằng được để mua mỹ phẩm mà làm đẹp, vì quá thương con sợ con thua thiệt với người ta, mẹ đành lấy 1 triệu mà đưa cho nó. Mẹ cam tâm chịu những cơn nóng lạnh đau nhức hành hạ, miễn sao con vui bệnh đến mấy mẹ cũng cam lòng. Rồi đến ngày sinh nhật, nó đòi ba mua cho chiếc điện thoại Iphone, ba đành phải đi làm thêm 3 tháng để kiếm tiền mà mua quà tặng con, cứ mỗi đêm gần 1h sáng ba mới lủi thủi trở về. Nghĩ lại nó chỉ muốn khóc và khóc cho thật lớn. Nó thề với lòng sau khi cải tạo trở về chắc chắn nó sẽ làm một đứa con ngoan, không để cho ba mẹ phải đau khổ và buồn lòng như bây giờ nữa. Nó lấy tay lau nước mắt, nhắn lại ba mẹ về nói với em Quỳnh "bảo Quỳnh ngoan ngoãn học giỏi, nghe lời ba mẹ và đừng bao giờ đua đòi ăn chơi lêu lổng như cái gương chị hai".
Từ đó, cứ mỗi đêm cái đèn trước ngõ nhà chị Bình luôn mở sáng, dù biết con Như nó đi lâu lắm mới trở về. Có lẽ chị nhớ con, nên đêm nào cũng ra ngồi đó mà trông ngóng. Cũng có thể chị giữ quan niệm con Như sẽ sớm trở về. Chị ngồi buồn hiu và trách cái sự đời nhiều cạm bẫy và lắm thứ quỷ dữ yêu ma. Con Như nhà chị vốn dĩ không phải kẻ xấu, do làn sóng cuộc đời đã cuốn con chị trôi ra vùng xa xăm và mắc kẹt lại ở vũng bùn đầy sa lầy, nên người đầy những vết nhơ bẩn, xã hội mỉa mai lẫn khinh bỉ cái sự lấm lem của một người xuất phát từ lần nông nỗi suy nghĩ chưa đủ chín chắn. Chị nhìn ra cái hàng rào mà chảy hai hàng nước mắt. Thuở ấy chị đi bán hàng rong, cứ mỗi lần về đã thấy con Như đứng bên rào trước ngõ, trên tay cầm theo chiếc khăn và cốc nước, chị vừa về tới nó sà vào ôm chầm, lấy khăn lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt của chị, đưa nước cho chị uống và thì thầm câu nói "mẹ có mệt không, hôm nay Như ở nhà ngoan lắm". Cứ thế, hết ngày lẫn tháng. Cái hàng rào thuở ấu thơ luôn có đứa con thơ đứng tần ngần trước sân, trông chờ cái dáng của mẹ đi bán về. Chị bước ra trước sân đi về phía hàng rào với hai hàng nước mắt chảy không ngừng. Chị luôn miệng gọi "Như ơi, đứa con ngoan của mẹ, giờ này ở đâu rồi".
Quang Nguyễn
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét