- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Rét cuối đông, bầu trời đùng đục lúc sáng lúc tối. Cái khô hanh của thời tiết chuyển mùa như nhắc nhở mọi người năm cũ dần trôi qua năm mới sắp đến. Tết đến xuân về, những kỉ niệm tết tuổi thơ trong mỗi người lại ùa về như một thước phim với miên man nỗi nhớ. Những cái tết không thể nào quên một thời thơ ấu. Tôi lên chuyến tàu không khứ hồi đến với thế giới người lớn đầy chật chội và vội vã. Để rồi khi mùa xuân ghé qua, bất chợt quay đầu nhìn lại những năm về trước thấy dòng chảy thời gian đang lặng lẽ cuốn trôi nhiều thứ. Tết trong mắt những đứa trẻ thuở ấu thơ ấy ngỡ vừa mới hôm qua hóa ra đã xa vắng mất rồi
Cuộc
đời của chúng ta sẽ lên rất nhiều chuyến xe. Chuyến xe của sự trưởng thành.
Chuyến xe đi đến một thành phố khác cùng với bao hoài bão và ước mơ. Hay có cả
những chuyến đi để trở về quê cũ sau nhiều năm xa cách. Nhưng chỉ có một chuyến
xe mà mãi mãi chúng ta không bao giờ đi được, đó là hành trình trở về tuổi thơ,
trở về những năm tháng với những kí ức trong trẻo và ngô nghê.
Tuổi
thơ của mỗi người là những khoảng trời khác nhau. Đó có thể là là những miền kí
ức trong trẻo như những giọt sương sớm mai hay có những người sống trong một tuổi
thơ không được như ý muốn. Nhưng tất cả suy cho cùng dù có đi đâu hay về đâu, mỗi
người trong chúng ta vẫn nhớ về những năm tháng kí ức ấy, những năm tháng đã dạy
chúng ta rất nhiều điều quý báu.
Chúng
ta đều luôn muốn trưởng thành thật nhanh, bởi chúng ta chưa biết cái giá phải
trả cho sự trưởng thành. Bước vào thế giới người lớn rồi
mới hiểu, có những điều tưởng chừng dung dị bình thường lại quý giá đến như vậy.
Tháng Chạp gọi những cơn gió xuân hây hẩy trở về, mang theo bao ước vọng của một
mùa đầu năm mới, của cái Tết cổ truyền đang cận kề. Những người con xa quê
hương chưa bao giờ như ngay lúc này lòng cứ chộn rộn, xao xuyến, bồi hồi một cảm
xúc khó tả. Lòng lúc nào cũng hướng về Tết.
Ngày
còn bé, Tết đơn giản chỉ là dịp được mặc những bộ quần áo mới, phẳng phiu và đẹp
đẽ; Tết được nhận những phong bao lì xì đỏ thắm; Tết được đi chơi mà không phải
học bài… Những cái Tết quê có thể gọi là xưa ấy, tuy còn túng thiếu nhiều về vật
chất, song về mặt tinh thần thì rất vui vẻ, ấm cúng, hạnh phúc. Thích nhất là
đêm giao thừa được xem đốt pháo. Những tiếng nổ to, nhỏ đì đùng trong đêm giao
thừa tiễn năm cũ đi, chào đón năm mới đến với bao mong ước, khát vọng trong
lòng vẫn còn như mới tinh.
Còn
khi lớn lên, dường như sắc màu của Tết cũng trở nên phức tạp và ồn ào hơn. Có
bao giờ bạn ngồi thừ hàng giờ đồng hồ mà không biết rằng, rốt cuộc một năm qua
mình đã trở thành ai trong cuộc đời này? Rốt cuộc thì đến cuối cùng bản thân mong
muốn điều gì? Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy nhưng không phải ai cũng
tìm được đáp án trọn vẹn.
Về với Tết là về với những gì thân thuộc bao năm
ta lớn lên từ thuở bé thơ cho đến khi trưởng thành xách va li rời quê lên tàu.
Xuân quê nhà đang đón ta bằng tiếng chim hót chào bình minh réo rắt, tiếng chó
sủa inh làng inh xóm, tiếng gà trưa tao tác nao nao… Về với Tết để được sống lại
khoảnh khắc không khí Tết quê xưa ta quây quần, dẫu giàu hay nghèo nhưng hạnh
phúc đầm ấm vô cùng. Về với Tết, về với phiên chợ quê mẹ dắt ta đi giữa không
biết bao nhiêu người xa lạ. Ôi nhớ làm sao, chiếc bóng bay tai thỏ màu đỏ là
món quà Tết tuổi thơ của ta luôn háo hức. Bát bánh đúc nóng hôi hổi cuối chợ
làm lòng ta rạo rực, thèm thuồng. Những con tò he xanh xanh đỏ đỏ - món quà Tết
tuổi thơ mà bất kể đứa trẻ nào cũng thích.
Chúng
ta mong mình lớn thật nhanh để vẫy vùng ngoài biển lớn cuộc đời, đi qua những
dãi dầu mới thấu: Hóa ra, ngày bé vô tư, thoải mái vui cười vì đã có người gánh
vác hết phần nặng nhọc và sầu thương; hóa ra những bình yên thuở ấy được đánh đổi
bằng mồ hôi, nước mắt của bố mẹ.
Hình
như năm nào, khi mùa xuân bắt đầu gõ cửa bằng sắc hoa đào phớt hồng, bằng chút
mưa bụi không đủ ướt áo, tôi cũng đau đáu nhớ về những vị Tết thơ ấu. Mà chắc
có lẽ, ai trong chúng ta, khi đã trưởng thành rồi đều “chỉ mong bé lại”. Nếu có
chuyến tàu không vé khứ hồi quay lại năm tháng cũ, bạn liệu có đặt chân phiêu
du?
Tôi
nhớ nhiều về những phiên chợ xưa, khi cuộc sống không vội vã và phồn tạp như
bây giờ. Thuở ấy, mẹ dắt tay đi chợ trên con đường ngoằn ngoèo sỏi đá, cổng chợ
đơn sơ với những mái lá lợp tạm bợ. Nhưng không vì thế mà niềm vui Tết nhạt
màu. Chợ vẫn đông đúc, tiếng người cười nói rôm rả, tiếng lạch cạch vận chuyển
hàng hóa…
Quay
vào gian bếp ngày xưa bám đầy bồ hóng, vẫn như bóng dáng mẹ già lui hui bên bếp
củi ấm nóng tro than. Những nồi, niêu, xoong, chảo sắp xếp gọn gàng bên giàn;
những chiếc kiềng, chiếc gióng treo được cất đặt tinh tươm. Trên gác là những
nong, nia, thúng, mủng, dần, sàng nằm nghỉ ngơi sau khi cùng cha mẹ hoàn thành
mùa vụ. Là chiếc cặp lồng cha mang về từ thuở chiến trường thường được mẹ đựng
thức ăn đem lên đồng trong ngày mùa. Quá khứ òa về trong niềm thương nỗi nhớ
khiến ai xem cũng không khỏi mủi lòng.
Dường
như những sắc màu hòa lẫn cùng thanh âm tạo nên một bức tranh rất riêng, mà mãi
sau này, dù đến nhiều nơi, tôi vẫn chẳng thể tìm thấy dáng hình thân thương như
ngày xưa cũ.
Tết
ấu thơ còn là dư vị bánh chưng xanh, thơm nồng và ấm áp. Cha luôn gói cẩn thận
thêm một chiếc bánh nhỏ để cho chị em tôi được thưởng thức trước. Với tôi, chiếc
bánh chưng nhỏ nhắn ấy là món quà yêu thương mà cha tôi đã làm bằng tất thảy sự
chân thành, bởi bao giờ nó cũng vuông vức và đẹp đẽ.
Nhắc
về những mảng màu từ phía xa vãng ấy, có lẽ dù có bao nhiêu ngôn từ ký tự cũng
chẳng thể diễn tả trọn vẹn. Xin lưu lại những ký ức ấy vào một góc sâu trong
trái tim, để nhớ, để thương…
Nhưng
lạ thay, suốt những năm tháng về sau, dù đã quen với máy móc của văn minh, với
những chuyến xe khách tiện nghi ngược xuôi, vậy mà lòng tôi vẫn đau đáu với ký ức
chuyến tàu Tết về quê đầu tiên trong đời mình. Thế giới chòng chành lắc lư
trong những toa tàu bụi bặm, mùi gỉ sét của gờ sắt cũ trên cửa sổ lưới, ghế gỗ
sơn phết mộc mạc… cứ khắc sâu trong tâm trí. Tất cả mãi không thể tan đi.
Tôi
vẫn lên tàu trong một buổi đêm lạnh giá. Cái thế giới làng quê quen thuộc lướt
đi bên ngoài. Những rẫy mía, vườn chuối, nhà tranh vách đất sát đường tàu… dần
nhỏ lại rồi bị đoàn tàu bỏ lại phía sau. Tôi nghe tim mình nhảy nhót theo nhịp
xình xịch của bánh sắt. Tôi cảm nhận sự lắc lư và sức néo giữ thăng bằng của những
khớp toa kết nối. Tôi nghe tiếng xé gió phàng phàng trong đêm đông se sắt. Tôi
nghe mùi làng quê váng vất trên những mái tranh quê theo gió lồng lộng phả vào
toa tàu.
Lớn
lên rồi, tôi có thể mường tượng ra Tết không chỉ có niềm vui, nó còn là nỗi lo
toan, trăn trở cơm áo gạo tiền cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tết là nỗi
bận rộn, áp lực của người lớn, nỗi nhớ nhà day dứt của những người sống xa quê
hương và thèm lắm một cái Tết tuổi thơ mà không biết bao giờ mới có lại được. Dẫu
cho Tết tuổi thơ bây giờ với tôi đã xa xôi diệu vợi lắm rồi, nhưng tôi vẫn mong
ngóng đến Tết. Tôi sẽ có dịp leo lên chuyến tàu ký ức quay về với tuổi thơ, nơi
có khoảng trời trong trẻo với những mảnh ký ức hồn nhiên mà tôi đã trân quý góp
nhặt. Cứ rẽ vào ngõ, bước vào nhà gọi mẹ, tôi như bỏ lại hết những năm tháng chật
vật kiếm sống ở sau lưng. Khi đó mới thấy, chỉ có quê hương, chúng ta mới có những
ngày Tết nồng nàn đến thế.
Phạm Thị Mỹ Liên
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét