Chú mèo nho nhỏ xinh xinh tưởng là yếu ớt ấy vậy mà được tôn vinh là "cụ tổ" của một tộc họ lớn trong tự nhiên. Họ mèo - gồm sư tử, hổ, báo, linh miêu... Tổ tiên xa xưa của chúng là loài răng kiếm - những cỗ máy ăn thịt hãi hùng đã một thời thống trị thế giới sau khi loài khủng long tuyệt diệt. Các cô chú mèo đủ giống đủ loại ta thường thấy bây giờ là hậu duệ xa xưa của linh miêu (mèo rừng). Chúng được loài người thuần dưỡng cùng với sự thay đổi của quan hệ sản xuất từ săn bắt, hái lượm (bầy người nguyên thủy) chuyển sang chăn nuôi trồng trọt (công xã nguyên thủy). Cơ cấu kinh tế mới này làm cho đời sống con người không những no đủ hàng ngày mà còn dư thừa lương thực dự trữ, và mèo đã trở thành "thần giữ của" cho người bởi vì loài chuột là kẻ thù số một của cư dân nông nghiệp. Nếu có một vài chú mèo trong nhà thì lũ chuột đáng ghét phải biến ra đồng làm mồi cho loài cú và rắn. Vậy nên cùng sống với người nhưng so với chó, mèo được yêu chiều hơn: chó phải ăn dưới đất, có lúc chỉ có cơm, trong khi mèo được ăn trong đĩa bát, thức ăn còn được dầm thêm thịt cá. Khi ăn chúng thường gằm ghè thậm chí cắn cào nhau, bởi vậy mà dân gian có câu "Ghét nhau như chó với mèo".
Cũng như hổ là loài săn đêm, giờ Mão sau giờ Dần khoảng từ 5h đến 7h cũng là lúc chú mèo sau một đêm rình rập săn bắt chuột ung dung nằm cạnh bếp lửa, ỉ eo cọ mình vào chủ đòi ve vuốt. Căn bếp cũng là nơi lũ chuột thường hoành hành phá phách nên mèo thích vào bếp là có lí lắm. Vậy ông bà ta mới nói: "Mèo khôn hay ở trong bếp, gái lẳng hay ở hàng cơm". Mèo quanh quẩn ở bếp cũng là một hình ảnh các cụ xưa lấy đó để phê phán những chàng trai ươn hèn, yếu ớt: "Chồng người đi ngược về xuôi/ Chồng em ngồi bếp vuốt đuôi con mèo". Hay: "Người ta lên núi xuống thung/ Chồng tôi vào bếp giương cung bắn mèo".
Mèo và hổ chung tông, giống nên hầu hết các đặc điểm sinh học là giống nhau, cả về hình thức lẫn đặc tính săn mồi và ăn thịt sống. Chúng có móng vuốt cứng và sắc dùng giữ chặt mồi, có răng nanh và đôi hàm cực khoẻ để nghiền nát con mồi cả xương lẫn thịt. Đặc biệt đôi mắt có cấu tạo rất hiện đại như hai ống kính hồng ngoại giúp chúng nhìn thấu màn đêm; gầm bàn chân lại có đệm thịt dày, các khớp xương linh hoạt nên chúng chuyển động rất êm, nhảy cao, tốc độ lớn, tiếp đất nhẹ nhàng mà không gây tiếng động. Nhìn chú mèo ngồi rình mồi hoặc rón rén ép mình bất thình lình quật đuôi lao vào mồi nhanh như chớp thật đúng là "tiểu hổ".
Những năm gần đây cái thú ăn thịt mèo đã trở thành mốt ẩm thực của những kẻ được coi là sành điệu. Quả là thịt mèo rất ngon, Đông y gọi là "miêu nhục", tính ôn, vị ngọt, không độc, đi trực tiếp vào tam kinh (tâm, tỳ, vị); đặc biệt xương mèo nhất là mèo đen (cốt hắc miêu) là một vị thuốc quý. Dân nhậu thật chẳng dại mồm, vậy nên cùng các quán thịt rắn - một đồng minh diệt chuột của mèo - các quán "tiểu hổ" mọc lên nhan nhản, sinh ra những đội quân săn bắt trộm mèo với những thủ đoạn tinh vi khiến cho loài mèo suy giảm đáng kể.
Được thuần dưỡng sớm, rất gắn bó với người, từ lúc nhỏ là "con mèo của bé" cho đến khi về già là "con miu của bà", nhưng so với các con vật nuôi khác mèo bị nhiều tiếng xấu, có lẽ do ý thức tâm linh của con người chăng? Mèo luôn bị gán cho sự rủi ro và muôn vàn tật xấu hàng ngày. Cũng có thể dựa trên tâm tính rất trái ngược của chúng, ấy là sự dung hoà giữa vẻ đẹp kiêu sa hay làm dáng với sự hung dữ lá mặt lá trái, giữa cái đường bệ vương giả và sự tham lam ti tiện, mà người ta bắt mèo phải chịu tiếng "Mèo đến thì khó, chó đến thì giầu". Cũng phải thừa nhận một thực tế là tuy được đối xử không tệ nhưng mèo có tính tự do tùy tiện, hay bỏ nhà đi lang thang kiếm mồi có khi đến hàng tuần. Nhất là mùa giao phối, chúng đi tìm bạn tình với tiếng gọi da diết như tiếng kêu khóc trong đêm khuya thanh vắng nghe ghê rợn não nùng.
Trong văn học dân gian loài mèo luôn chịu nhiều nỗi oan trái khó mà thanh minh. Hãy nghe bà mẹ của Thiện Sĩ xỉ vả con dâu khi nghi oan Thị Kính dùng con dao may giết chồng: "Này con kia bà bảo cho mà biết, nhà bà là giống phượng giống công, nhà mày là mèo mả gà đồng nghe chưa!". Cùng nghĩa ấy còn có câu "Mèo đàng, chó điếm" dùng để chỉ hạng người lưu manh, thường lang thang trộm cắp rồi về điếm canh ngủ vùi. Còn những kẻ khua môi múa mép, nói năng như giáo huấn người ta nhưng thấy việc thì biếng nhác như "đĩ thấy cha", lại tham lam chẳng từ "bát canh người già, miếng quà con trẻ", dân gian có câu "Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa". Trong câu ca dao "Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo" thì dân gian đứng hẳn về phía lũ chuột, cho chuột là lương dân bị bọn cường hào (mèo) áp bức đến đường cùng. Ông mèo đến hỏi thăm (thực ra là vòi vĩnh), mới hay lũ chuột bận đi "mua mắm mua muối về làm giỗ cho thằng bố nhà mày" - câu chửi bóng gió này nghe ra thật là đau cho mèo.
Vậy là, văn học dân gian rất thiếu thiện cảm với mèo. May chăng chỉ có câu "Mèo nhỏ bắt chuột con" còn khả dĩ đưa ra một lời khuyên hay cho những người ít tài ít sức, rằng hãy làm việc vừa phải, hợp với khả năng của mình.
Trong văn học hiện đại thì cách nhìn khác hẳn, các tác giả đã khai thác những tính cách tốt đẹp của loài mèo để xây dựng nên những nhân vật đại diện cho lòng trung thành, dũng cảm, đôn hậu đầy tính nhân văn. Ở ta có truyện Con mèo lười của Tô Hoài, Cái tết của Mèo con của Nguyễn Đình Thi hay phim hoạt hình Mèo con của Ngô Mạnh Lân... đã làm say mê bao thế hệ người đọc, người xem. Nhà văn Pháp Pêrôn có truyện Chú mèo đi hia kể về một chú mèo dũng cảm đầy mưu mẹo đã mang lại hạnh phúc và sự giàu có cho cậu chủ vốn là người xay bột nghèo khó hẩm hiu. Tác phẩm này được các nhà điện ảnh Đức chuyển thể thành phim cùng tên được khán giả khắp thế giới đón nhận và yêu mến. Nhìn nhận về loài mèo với cái nhìn khách quan và thiện cảm như văn học hiện đại thì quả thực là rất công bằng.
Hình tượng mèo trong văn học đã ít, trong nghệ thuật tạo hình còn ít hơn nhưng cũng có những nét đặc sắc. Có thể kể đến các bộ tranh dân gian của Nga, Nhật, Trung Quốc. Ở Việt Nam, bức tranh Đám cưới chuột thật độc đáo, trong tranh ngoại hình của mèo "bị" cách điệu méo mó để toát lên sự hung hãn tượng trưng cho kẻ cường hào lí dịch mặc sức quấy nhiễu, ăn hối lộ của dân lành. Đàn chuột khúm núm dâng lễ bằng tôm, cá - món đặc sản mà ông mèo rất ưa dùng ngoài chuột; cống nạp xong lũ chuột vừa rước dâu vừa mắt la mày lém đề phòng, biết đâu ông mèo chả tráo trở ăn gỏi cả đám!
Trong điêu khắc cổ có bức chạm gỗ Mèo ngậm cá (đình Bình Lục, Đông Triều, Quảng Ninh thế kỉ XVIII) với những nét đục bạt tuy thô vụng nhưng cũng đủ toát lên một ý tứ vừa hay vừa hóm: tuy đã bắt được và ngậm gọn con cá ngang lưng nhưng cái dáng của chú mèo lại cứ như là đang an ủi, cưng nựng con mồi. Ở tấm bia chùa Linh Quang (Hải Phòng, cũng vào thế kỉ XVIII) có bức chạm đá Mẹ con mèo và tôm cá với bố cục chặt chẽ rất đẹp về hình khối, tính hiện thực đạt đến độ chuẩn bằng thủ pháp đăng đối giả, tạo được mĩ cảm tốt về quan hệ "hữu hảo" giữa kẻ ăn thịt và kẻ bị ăn thịt. Ở đây mèo được nhìn nhận như một người bạn lớn khoan dung độ lượng, phải chăng đó là tình cảm của những người nông dân cũng là những nghệ sĩ với loài mèo đáng yêu chứ không phải là đáng ghét.
Giờ khắc chú mèo xinh xắn nhận bàn giao từ "ông ba mươi" sắp điểm. Năm con mèo nhiều người cho là khó khăn trắc trở trong đời sống vật chất và con đường thăng tiến cá nhân - cứ cho là như vậy đi, nhưng đường đời từ Tý đến Hợi, từ Canh đến Kỷ chẳng năm nào là bằng phẳng. "Thiên hạ nhất chi nhi bách lộ", trăm con đường mà ta đi bằng trái tim nồng ấm chỉ dẫn đến một con đường. Vinh hay nhục đều tại ngã. Chàng Nhuận Thổ trong truyện Cố hương của Lỗ Tấn tay cầm đinh ba nhìn trời sao mà nói: "Thế gian này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi".
Mấy nhời tản mạn về loài mèo tuy dông dài nhưng mặn mòi thật thà, viết ra đây cùng quý vị và các bạn mua vui chờ đón xuân mới - xuân Tân Mão.
QUÁCH ĐẠI HẢI (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp vào hình ảnh phía dưới để về trang chuyên đề <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét