Có nhiều khi đọc những bài thơ lẻ của ai đó, thấy hay. Nhưng khi đọc cả một tập thơ của họ thấy lẫn nhiều bài tầm tầm trung bình, thậm chí có cả dưới trung bình. Cảm giác như mình vừa mất mát cái gì đó, buồn buồn.
Làm thơ, nhiều lúc giống với... chơi thể thao. Có ngày chơi hay, thắng giòn giã.
Có ngày thua lãng nhách. Cầu thủ giỏi, không phải lúc nào cũng đạt được phong độ tốt nhất. Nhà thơ cũng vậy, có khi đã là tác giả nổi tiếng rồi nhưng vẫn không tránh khỏi những lỗi thông thường, những câu vụng về, nhạt nhẽo.
Có người cho rằng, thơ của tôi, là suy nghĩ của tôi, không ai có thể sửa thơ tôi. Cũng có lúc bài thơ bị sửa thành ra thơ người khác. Nhưng cũng nhiều lúc, bài thơ chỉ được sửa một chữ, một ý là bài thơ hay hẳn lên. Nhiều lúc, chỉ bỏ bớt một từ, một vài từ, một khổ thơ... bài thơ trở nên nhẹ nhõm, súc tích hơn...
Đọc bài thơ nhạt cũng chán, nhưng không bực mình như khi gặp phải những sạn sỏi trong thơ. Nhiều khi phải bỏ bài thơ đi thật tiếc, nhưng sửa thì không dễ, không tiện. Nói lao động thơ tức là nói đến sự chăm chút cho bài thơ qua nhiều công đoạn sao cho bài thơ đạt được sự tối ưu, sự hài hoà về cả nội dung và hình thức.
Thơ là sự khám phá, sáng tạo, phát hiện. Trong thơ cũng có tả, có kể, có suy nghĩ. Nhưng không phải chỉ có thế. Thơ không phải chỉ là sự diễn đạt ý tưởng thuần tuý, mà nó phải gợi được cho người đọc về một "vấn đề" gì đó. Nó phải truyền được xung động tinh thần từ tác giả tới người đọc.
Có nhiều điều phải bàn kỹ về vần và nhạc trong thơ. Không ai phủ nhận về yếu tố vần và nhạc của thơ. Nhưng nếu coi thơ nhất thiết phải có vần có nhạc thì chưa hẳn. Thơ cũng có sự vận động và phát triển của nó.
Chỗ đến của thơ là Con Người. Thơ phải mang đến được cho Con Người những khoái cảm về Chân - Thiện - Mỹ... Hay nói chính xác hơn, thông điệp mà người làm thơ muốn gửi gắm không phải là cho thiên thần hay ma quỷ, mà thơ viết là để gửi Con Người - cho Con Người và vì Con Người...
Tôi có đọc đâu đó ý kiến của một nhà thơ, rằng, thơ phải "chạm" được "tâm can" chính tri, xã hội, và thời đại mình đang sống. Một nhà thơ chân chính phải "gánh" lên vai sức nặng của toàn bộ lịch sử thời đại mình. Nhà thơ phải thuộc về nhân dân, thuộc về "phe nước mắt". Còn thì có nhiều kiểu làm thơ, có người làm thơ để chơi, có người làm thơ để kiếm tình, kiếm tiền, kiếm danh lợi...
Người làm thơ thường dễ phát hiện ra mình thiếu cái gì đó, trong thơ, nhưng không dễ phát hiên ra mình bị thừa cái gì đó. Nhà thơ Xuân Sách, trong một lần trò chuyện với một nhà thơ trẻ, có nói: "Thấy được cái thiếu của mình đã khó, nhưng khó hơn là thấy được những cái thừa. Nghệ thuật văn chương là biết cắt gọt. Thơ cần ngắn, cần gợi, cần mở. Và khi cắt được những cái thừa thì sẽ thấy mình thiếu cái gì. Thế mới độc!"
Có người làm thơ cụt ngủn. Đọc nghe khô khốc. Có người thì lại làm thơ mượt mà, bóng bảy. Đọc lên nghe cứ vang như hát. Nhưng để nhớ, để thuộc thì có khi thơ "gầy", thơ "khô" lại có lợi thế hơn.
Thầy Lê Trí Viễn, có lần, bảo tôi: "Làm thơ phải đi, đọc, nghĩ, và viết". Chuyện tưởng bình thường, ai cũng biết , vậy mà, phải mất nhiều năm sau, tôi mới thấm được. Trong bốn động từ thầy nêu, tôi suy nghĩ mãi về động từ "đọc". Phải chăng người ta chỉ hơn nhau, phân biệt được nhau là ớ cái sự "đọc"? Phải chăng, ý thầy là, phải biết "học" mỗi khi "đọc"?
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét