Từ khi tỉnh An Giang hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, lực lượng văn nghệ sĩ trong chiến khu kết hợp với lực lượng sáng tác trong vùng tạm chiếm được giác ngộ lý tưởng cách mạng đã tích cực hoạt động góp phần rất lớn cho công tác tư tưởng của Đảng... Mạnh mẽ nhất ở những năm đầu mới giải phóng, biểu hiện sinh động nhất ở các đoàn văn công, các nhạc sĩ, soạn giả tích cực sáng tác đáp ứng nhu cầu biểu diễn của các đoàn, tích cực tuyên truyền lý tưởng cách mạng, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tiếp đến, Hội VHNT An Giang được thành lập (1980) tập hợp lực lượng đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ của tỉnh. Từ đó, nhận thức của nhân dân về Đảng, chủ nghĩa xã hội ngày được nâng cao và tích cực hưởng ứng mọi phong trào lao động sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa bỏ mọi tàn dư tiêu cực chế độ cũ để lại. Quần chúng nhân dân nhận thức được xã hội mới, tiếp cận được những giá trị chuẩn mực về đạo đức, lối sống, tạo nên phong trào rộng khắp... Tác phẩm của các loại hình văn học nghệ thuật phản ánh cuộc sống sinh động của xã hội. Nhà nhà thi đua, người người thi đua góp công, góp sức xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. Hầu hết văn nghệ sĩ hăng hái lăn lộn trong các phong trào, cảm nhận thực sự những bước đổi thay của xã hội nên tác phẩm luôn mang hơi thở cuộc sống, đưa đến người nghe, người xem những rung cảm chân thành; kích thích mọi người làm theo cái mới, cái đẹp, cái hay, ra sức cống hiến sức mình cho làng xóm, cho quê hương và đấu tranh tránh xa cái xấu xa, nhỏ nhen, ích kỷ...
Từ khi thành lập đến nay, lực lượng văn nghệ sĩ An Giang ngày càng thêm đông và rất đam mê nghề nghiệp, biết tự học tập, tự rèn luyện để phấn đấu đạt được những kết quả đáng kể. Ngoài những tên tuổi đã nổi tiếng, tại địa phương, lực lượng hoạt động văn học nghệ thuật cũng đã nhanh chóng trưởng thành, hết lòng đam mê nghề nghiệp và là một Hội VHNT mạnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều hội viên được kết nạp vào các Hội chuyên ngành Trung ương (86 người). Các văn nghệ sĩ được nhiều người biết đến có thể kể: Các nhà văn, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, Hồ Thanh Điền, Ngô Khắc Tài, Vũ Đức Nghĩa, Nguyễn Lập Em... ; các họa sĩ Thái Đắc Phong, Thiện Chiến, Trần Thanh Phong, Trần Minh Cao, Trương Nam... ; các nhạc sĩ Mặc Tuân, Lâm Thanh Bình, Phan Thành Phước, Võ Thắng... ; các soạn giả Phong Quang, Trần Dương, Châu Bích Thủy, Hà Nam Quang... ; các nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Ngọc Minh, Trung Kiên, Châu Thành Thơ, Năm Châu, Lê Bưu, Phạm Trác, Nguyễn Long... Lực lượng sáng tác trẻ cũng đã xuất hiện nhiều gương mặt triển vọng như: Lê Thanh My, Trương Thị Thanh Hiền, Trần Mỹ Hiền, Võ Diệu Thanh, Trương Chí Hùng, Trần Sang, Nguyễn Đức Phú Thọ... Nhiều tác phẩm của văn nghệ sĩ An Giang cũng đã đạt được giải thưởng quốc tế, toàn quốc, khu vực; được dàn dựng, biểu diễn, in ấn phát hành phục vụ công chúng rộng rãi. Chỉ riêng ở bộ môn nhiếp ảnh, An Giang bốn năm liền đoạt giải nhất đồng đội trong liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL là điều đáng tự hào.
Những thành quả hoạt động của lực lượng văn nghệ sĩ ở An Giang đạt được trên 30 năm qua rất đáng kể nhưng chưa tương xứng với yêu cầu của tình hình phát triển của xã hội. Tác động của nền kinh tế thị trường, của thời hội nhập, hoạt động văn hóa văn nghệ ở An Giang cũng có chung cảnh ngộ với cả nước, phải đứng trước những thách thức nghiệt ngã và đã hiện rõ ra một số mặt hạn chế. Các soạn giả cải lương khó tìm nơi dàn dựng cho những tác phẩm của mình; các nhạc sĩ có tâm huyết không thể sống được với nghề ở địa bàn tỉnh lẻ, có sáng tác cũng khó dàn dựng, thu âm, thu hình, phát hành; các họa sĩ không thể sống bằng tiền bán tranh nghệ thuật nên phải kiếm sống bằng việc tham gia trình bày bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm khác; các nhà thơ, nhà văn khó tìm được nhà xuất bản nhận in tác phẩm của mình; nếu được in, cũng chỉ với số lượng ít ỏi, nhuận bút chẳng đáng kể ...
Trong tình hình hiện nay, Đảng và Nhà nước ta cần phải quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực văn học nghệ thuật không phải chỉ đề ra Nghị quyết mà cần phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống bằng việc thay đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách ưu đãi đối với văn nghệ sĩ. Phải thấy rõ đây là một mặt trận đấu tranh tư tưởng giữa ta và các thế lực thù địch. Đấu tranh để bảo vệ những giá trị chuẩn mực của truyền thống dân tộc, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Đấu tranh bảo vệ những thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, kiên quyết không để xuất hiện tư tưởng hoài nghi, phủ nhận quá khứ hay chạy theo xu hướng lai căng, phản động. Thông qua các loại hình văn học nghệ thuật, qua các tác phẩm, văn nghệ sĩ đưa đến công chúng những nội dung nhằm bồi dưỡng tâm hồn con người hướng đến những giá trị chân thiện mỹ, đề cao tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phê phán những thói hư, tật xấu, cái độc ác, thấp hèn.
Hội VHNT An Giang đã tập hợp được lực lượng văn nghệ sĩ, đoàn kết giúp đỡ nhau tiến bộ, thường xuyên tổ chức các Trại sáng tác có chủ đề, những chuyến đi thực tế sáng tác đến các địa chỉ đỏ như các di tích lịch sử cách mạng, những tấm gương anh hùng, liệt sĩ, các cán bộ cách mạng lão thành, những gương người tốt việc tốt trong thời kỳ đổi mới và những công trình đã và đang thực hiện phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Từ những tác phẩm đó, văn nghệ sĩ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng; cổ vũ những tấm gương điển hình để người đọc, người xem, người nghe noi theo.
Hiện nay, Tỉnh An Giang đã có các Chi hội VHNT cấp huyện thị như : Châu Đốc, Châu Phú, Thoại Sơn, Tân Châu hoạt động có hiệu quả, tập hợp được lực lượng sáng tác ở cơ sở, tạo sân chơi cho người yêu thích hoạt động VHNT, sáng tạo nên những tác phẩm phục vụ nhu cầu hưởng thụ của đời sống tinh thần nhân dân trong vùng.
Hoạt động Văn học nghệ thuật có vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong đời sống tinh thần của xã hội mà còn là một trận địa đấu tranh trong công tác tư tưởng. Lực lượng văn nghệ sĩ An Giang đã đang và sẽ nỗ lực phấn đấu xứng đáng là một binh chủng quan trọng trong lực lượng Công tác tư tưởng của Đảng...
MAI BỬU MINH (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét