Sang năm hát được đi xe bò
-Bầu Trình hát dở đừng cười
Sang năm hát khá được ngồi xe trâu. (hết trích dẫn)
Có một giai thoại văn chương mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ bập bõm. Số
là… bậc cao niên thâm nho của làng tôi thời bấy giờ là ông sáu Hoài. Quê tôi,
tên hành chánh là xã An Thuận, còn có tên gọi khác là Giồng Ớt –Dù dân làng quê
tôi không hề có ai sanh sống bằng nghề trồng ớt. Thế mới lạ! Có lẽ… vì cám cảnh
trước vấn đề này, nên ông sáu Hoài có làm một bài thơ mở đầu bằng những câu:
-Xứ Giồng Ớt, không cay như ớt
Nhơn lý rằng… An Thuận đặng An
Có sáu Hoài danh ở trong làng
……………………………….
Rất tiếc, tôi chỉ thuộc có bấy nhiêu…
Và, dưới đây cũng là câu chuyện từ ông sáu Hoài.
Bữa nọ, ông sáu Hoài đi trên con đường làng gặp ông Từ Trung đang loay
hoay vun liếp vô phân cho đám thuốc lá – còn gọi là thuốc Giồng. (Xin đừng nhầm
tưởng thuốc Giồng là thuốc rê. Bởi vai thứ hoàn toàn khác nhau về hình dạng
cũng như cách làm.NV) Hồi ấy, việc bón phân cho cây thuốc là bằng thứ cá bổi –một
loại cá tạp bỏ đi, chỉ để dùng nấu thức ăn cho heo. Nhà nào có điều kiện chăn
nuôi thì bón thuốc lá phân chuồng. Phân hóa học lúc này chưa xuất hiện trên thị
trường. Hút xong điếu thuốc Giồng của ông Từ Trung. Ngày hôm sau, ông sáu Hoài
nhờ người đưa cho ông Từ Trung bài thơ:
-Từ Trung trồng thuốc chẳng biết lo.
Vô chỉ phân trâu với… cức bò
Cơn ghiền, ghé lại xin một điếu
Hút chẳng ra gì… lại thêm ho!
Và, ông Từ Trung cũng chẳng phải là tay vừa, ông lại làm bài thơ gởi
cho ông sáu Hoài:
-Không tiền mà bảo lấy gì lo
Vô tạm phân trâu với… cức bò
Cơn ghiền thấy tội cho… một điếu
Chẳng cám ơn mà lại… chê ho! (hết trích dẫn)
Trở lại phạm trù bài viết. Năm 60 Đồng Khởi, do ảnh hưởng của thời cuộc
các gánh hát đành phải tự giải tán. Năm 1961, để tránh cảnh đạn bom, tôi theo
gia đình về sanh sống ở xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, Tỉnh Đồng Nai. Và cũng từ
đó… âm vang của tiếng trống trường của những năm tháng xa xưa giờ không còn
nữa!
Nếu như thời thơ ấu, nỗi nhớ hằn sâu trong tâm khảm tôi là tiếng trống
trường. Kế đó, là âm vang của tiếng trống chầu mỗi khi có gánh hát về ở quê
làng đi rao bảng ở các nẻo đường quê (bây giờ gọi là quảng cáo, cổ động.NV)
Tiếng trống, như có điều gì đó cuốn hút vào tâm trí tôi. Nó vừa là niềm vui,
vừa là kỷ niệm êm đềm của tuổi ấu thơ!
Mỗi chiều… hai tấm bảng được cột ở hai bên thành xe của chiếc xe ngựa,
với những hàng chữ giới thiệu tên tuồng cũng như tên của cặp đào kép chánh (hồi
ấy chưa dùng từ diển viên và nghệ sĩ như bây giờ) với hàng chữ đơn sơ mộc mạc: “Đêm nay, có mặt của cặp đào kép
chánh…. trong tuồng “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê”.
Hồi ấy, từ nghệ sĩ với diễn viên hầu như xa lạ, người dân quê tôi chỉ
gọi một cách giản đơn là… đào chánh và kép chánh. Nếu như gánh hát nào khá giả,
trang bị cho đoàn một chiếc máy đèn (máy phát điện. NV) khi diễn tuồng với
những chiếc micro to tổ chảng được kéo dây qua lại thì đoàn hát đó được xem như
một “hiện tượng!” Bởi vì, với ánh điện vào thời bấy giờ, như hoàn toàn xa lạ
với người dân quê tôi. Nhà nào khá giả, sắm được cây đèn “Măng – xông”
(Manchon) dùng để đốt trong ba ngày tết cho sáng nhà, sáng cửa kể như là “oai”
lắm rồi! Còn nếu như sắm được chiếc máy hát hiệu Columpia quay bằng dây thiều
(người Bắc gọi là dây cót.NV) hát bằng thứ dĩa đá 78 “tua” (tour) quay vù vù,
nặng chình chịch thì không còn gì “oách” hơn!
Thời ấy, có một loại giấy số tên gọi là Tombola, giải thưởng không bằng
tiền mặt như vé số bây giờ, mà trúng bằng hiện vật. Giải độc đắc là chiếc xe
Mobylette đời đầu, sườn xe có hai chiếc “đũa” tương tự như chiếc xe đạp “đầm” bây
giờ (tức xe đạp nữ.NV). Xe đạp nam gọi là xe đạp “đòn dông” (người miền Băc gọi
là xe đạp sườn ngang.NV)
Trong ba ngày tết, có gánh hát về nhà lồng chợ thì bầu không khí quê
làng dường như huyên náo cả lên! Tuổi thiếu niên là tuổi hiếu động, cứ mỗi chiều
khi nghe tiếng trống rao bảng, thì chúng tôi và các bạn đồng trang lứa lại rủ
nhau cùng chạy lúp xúp theo xe. Bởi vì, khi đi rao bảng cho gánh hát, chủ xe
cho ngựa đi từ từ để bà con hai bên đường kịp đọc tên của vở tuồng. Có tiếng người
buộc miệng nói: “Tối nay, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê tuồng này coi được à!”
Và rồi… tết nào cũng thế, gánh hát về ở nhà lồng chợ tuồng tích cũng chỉ quanh
đi, quẩn lại có bấy nhiêu. Hết “Tiết Đinh San” tới “Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.” Thế
nhưng, người xem vẫn chật kín nhà lồng chợ!
Sau năm 60 Đồng Khởi, chinh chiến tràn lan. Ngày tết đến, tiếng trống
chầu rao bảng của gánh hát, được thay vào đó là tiếng đạn “moóc-chê”, tiếng nổ
vang rền của những trái đạn “cà - nông” từ trên quận bắn xuống. Và sau này, mỗi
lần tết đến, miền quê tôi không còn tiếng trống rôm rả của gánh hát, cũng bởi
vì không khí ảm đạm của chiến tranh!
Nay đất nước thanh bình, nhà nhà yên vui no ấm. Mỗi độ xuân về, tết đến
khi nghe tiếng trống múa lân đó đây rộn rã, lòng tôi nao nao nhớ lại tiếng
trống trường và tiếng trống của gánh hát nghèo của những năm tháng xa xưa!
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN (tác giả giữ bản quyền)
________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét