Ngoài lực lượng nghệ sĩ nòng cốt
- hay nói một cách khác là nghệ sĩ chủ lực của đoàn (tức những nghệ sĩ được đoàn mời ký contract -
bây giờ gọi là hợp đồng) Có thể nói, bất
kỳ một đoàn hát cải lương nào được xếp vào diện… tầm cỡ Đại ban của những năm tháng xa xưa (ngoại trừ
các đoàn nhỏ hơn như Trung ban hoặc các đoàn hát Tiểu ban thuộc dạng “gánh hát
bầu Tèo” chuyên hát cúng miễu, cúng đình, xin được phép miễn đề cặp đến) còn có những nghệ sĩ thuộc diện… “hát chầu”.
“Thuật ngữ” này dùng để chỉ những nghệ sĩ hát “thời vụ”, không được đoàn chính thức mời ký Contract.
Trong các vở tuồng, nghệ sĩ nào
được phân vai nấy. Trường hợp như gia đình gặp chuyện hữu sự hoặc là do bị bệnh
bất ngờ buộc phải nghỉ hát. Các ông bà bầu có thể cho hát “đôn” vai - Nghệ sĩ
hát vai kép nhì - thay cho vai kép nhứt. Nghệ sĩ thủ vai kép ba - thay vai kép
nhì và tuần tự như thế. Đây cũng là điều hết sức bình thường. Sự quyền biến bất
đắc dĩ này, giới chuyên môn gọi là hát “chữa cháy!” Đây cũng là quyền linh động
của mỗi đoàn, để tránh tình trạng phải thua lỗ vì trả vé. Từ việc trả vé phát
sinh ra rất nhiều hệ lụy. Vì dù ít, dù nhiều cũng làm ảnh hưởng đến uy tín của
đoàn những lần diễn sau này, nơi mà đoàn tái ngộ khi đến trình diễn trước đây.
Bốn điều “bất di bất dịch” của
đoàn cải lương đại ban ngày xưa:
Như đã trình bày ở trên, trong
đêm diễn nếu gặp phải trường hợp bất trắc, thì đoàn hát có quyền linh động thay
đổi nghệ sĩ trong khả năng cho phép của đoàn mình. Tuy nhiên, có một điều mà
bất kỳ đoàn cải lương đại ban nào cũng phải tuân thủ một cách triệt để - Đó là bốn
yếu tố sau đây không thể thiếu.
Có lẽ quí vị mến mộ cải lương hiện
đang ở vào tuổi sáu mươi, hoặc may mắn hơn, nhờ phúc phận trời cho mà được sống
thọ, hiện đang ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, chắc hẳn sẽ còn nhớ khi đoàn
cải lương đại ban về trình diễn tại địa phương mình. Mỗi lúc chiều buông, xe
của đoàn đi rao bảng (bây giờ gọi là cổ động) Kèm theo đó, đoàn phát tờ
Programe (tờ giới thiệu chương trình của đêm diễn)
Như “luật bất thành văn”, trên tờ
Programe của đoàn đều có những cụm từ được ghi bằng chữ in một cách trang trọng
như: cảnh trí huy hoàng, y trang lộng lẫy,
âm thanh tuyệt kỹ, ánh sáng tân kỳ.
Vậy, thử tìm hiểu ý nghĩa của các
cụm từ trên, để xem các đoàn hát cải lương thuộc tầm cỡ Đại ban ngày xưa, họ
muốn nói lên điều gì?
Cảnh trí huy hoàng: Có nghĩa, vở
tuồng này được thực hiện với phong cảnh mới, sáng đẹp. Khán giả nhìn lên sân
khấu sẽ thấy bắt mắt, mãn nhãn.
Y trang lộng lẫy: Cụm từ này với
hàm ý, quần áo của diễn viên trong tuồng được may sắm mới hoàn toàn, đẹp lộng
lẫy. Điều này cũng nói lên y trang của vở tuồng không hề thuộc diện “Đầu Ngô mình
Sở”.
Âm thanh tuyệt kỹ: Nếu nói theo
cách bây giờ là “âm thanh chất lượng cao”. Âm thanh tuyệt kỹ có nghĩa về kỹ
thuật âm thanh trên cả mức tuyệt vời! Hoàn toàn khác hẳn với các đoàn cải lương
thuộc diện “Trăng ngàn nơi Thủ Đô” của ông bầu Trung trong tuồng cải lương
“Tướng cướp Bạch Hải Đường” của cố soạn giả Nguyễn Huỳnh. Điều này có nghĩa âm
thanh nghe rất rõ, không bị hú tới… hú lui!
Ánh sáng tân kỳ: Có nghĩa với
“xảo thuật” ánh sáng hết sức mới lạ, không chê vào đâu được! Và, chỉ có các đoàn
cải lương Đại ban có đầy đủ thực lực mới dám in trên tờ Programe. Các đoàn cải
lương thuộc diện Trung ban, Tiểu ban - họ vốn biết phận mình nên không bao giờ
dám khoa trương “đụng” đến những cụm từ này!
Lại còn một điều không thể không
nói đến, cũng giống như “luật bất thành văn”. Trước khi đoàn trình diễn, người
phụ trách diễn thuyết (bây giờ gọi là giới thiệu chương trình) đọc lời giới thiệu
sau bức màn nhung, đều sắp xếp theo thứ tự. Nhân đây, tôi xin được phép trích dẫn
lời diễn thuyết của danh hề Phúc Lai người miền Bắc, trên sân khấu Kim Chung
ngày xưa, xin được phép nói rõ, đây chỉ là đại ý chớ không phải nguyên văn. Khi
chuông sân khấu đổ lên ba hồi liên tục, buổi trình diễn chuẩn bị bắt đầu, danh hề
Phúc Lai đọc lời diễn thuyết bằng một giọng hùng hồn:
“Kịch đoàn cải lương Kim Chung - Tiếng chuông vàng Thủ đô kính chào quí
vị. Tối nay, đoàn Kim Chung I chúng tôi xin được trình diễn vở tuồng cải lương có
nhan đề … của soạn giả … được thể hiện như sau:
- Cảnh trí: Họa sĩ LoKa
- Y trang: Tám Trống
- Âm thanh: Hoàng Minh
- Ánh sáng: Trung Thành
Về thành phần âm nhạc in được giới thiệu:
- Tân nhạc gồm các nhạc sĩ … (nói rõ nghệ danh và phụ trách đờn gì)
- Cổ nhạc gồm các nhạc sĩ … (ngày xưa không dùng hai chữ nhạc công)
Với thành phần nghệ sĩ nòng cốt của đoàn như:
Nghệ sĩ Minh Cảnh vai …
(Và cứ thế lần lượt giới thiệu đến nghệ sĩ cuối cùng có mặt trong tuồng)
Bây giờ, xin quí vị nhìn về sân khấu. Vở tuồng … của soan giả … được mở
màn trình diễn”.
Nhạc nền trỗi lên, tất cả đèn ở
khán phòng vụt tắt. Hai bức màn nhung từ từ kéo ra. Và, cảnh trí trên sân khấu hiện
ra, “đập” vào nhãn quan của khán giả. Có lẽ quí vị sẽ không còn thắc mắc, vì
sao cảnh trí được chọn giới thiệu trước tiên? Rồi tiếp sau đó tuần tự giới
thiệu như đã liệt kê ở trên. Sau cùng, mới dến lực lượng nghệ sĩ của đoàn.
Nguyên nhân tại vì sao? Xin thưa
- Người nghệ sĩ cho dù có tài hoa đến đâu, khi ra sân khấu mà không có những: cảnh
trí, y trang, âm thanh, ánh sáng hỗ trợ, thì nghệ sĩ đó không thể nào trình
diễn ra hồn cho được.
Cũng cần nói rõ thêm, sân khấu
cải lương là bộ môn nghệ thuật tổng thể. Có vai chánh, có vai phụ (còn gọi là
vai diễn dàn bao). Duy có điều tâm lý chung của khán giả đi xem cải lương, họ
chỉ… “để ý” đến cặp đào kép chánh. Nhưng họ quên rằng, nếu như không có những
yếu tố kèm theo khác như: cảnh trí, y
trang, âm thanh, ánh sáng và nghệ sĩ dàn bao thì tự thân của cặp đào kép chánh,
họ cũng không thể nào hoàn thành được vai diễn của mình!
Các đoàn hát cải lương thuộc diện…
tầm cỡ đại ban ngày xưa, nghệ sĩ có thể
thay đổi, khi hết Contrat với nghệ sĩ này, đoàn có thể ký Contrat nghệ sĩ khác.
Nhưng, bốn yếu tố không thể thiếu trên sân khấu của một đoàn hát tầm cỡ đại
ban. Đó là: cảnh trí huy hoàng, y trang lộng lẫy, âm thanh tuyệt kỹ, ánh sáng
tân kỳ. Chắc chắn là như thế!
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN
______________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét