Cách nay ít lâu, chắc khoảng chừng hơn một
tháng. Trong lần về thị trấn Trảng Bom nhận nhuận bút được đăng trong tập san.
Tình cờ, tôi gặp lại ông Trần Nghi Dũng - nguyên Bí thư Huyện ủy Trảng Bom.
Trong lúc uống cà phê sáng, ông Dũng hỏi tôi: “Ông là soạn giả vọng cổ, cải
lương, vậy ông có biết bài Dạ Cổ Hoài Lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu không?”.
Tôi đáp: “Biết chớ anh. Chỉ tiếc là tôi không thuộc hết bài”. Ông Dũng tiếp:
“Vậy ông có thể ca lại mấy câu đầu của bài Dạ Cổ Hoài Lang”. Trước khi ca, tôi
có lời giải thích cùng anh: “Đây là bài vọng cổ nhịp hai. “Từ là từ phu tướng”
là câu số một, chữ cuối của câu đờn dứt bằng chữ cống”. Tôi ca tiếp: “Bảo kiếm
sắc phán lên đàng”.
Vừa nghe
xong, anh Dũng nói với bác sĩ Nguyễn Đức Phước - Giám đốc Bệnh viện Trảng Bom
và bác sĩ Nguyễn Trọng Lịch - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (xin được phép mở ngoặc,
tất cả ba người đều là nhà thơ):
- Ông Tuyền ca rất đúng, sắc phán chớ không phải
sắc phong”
Ông Dũng lại hỏi tôi giống như là một cuộc phỏng
vấn:
- Bài vọng cổ “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà” do nghệ
sĩ Minh Cảnh ca, có câu nhạc “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi” có phải là tân cổ
giao duyên không?”
Tôi đáp:
- Không, đó chỉ là một bài nhạc “gối đầu” của
bài vọng cổ, chớ không phải là tân cổ giao duyên. Tôi nói tiếp với ông Dũng -soạn
giả Viễn Châu viết hai bài vọng cổ, một là “Võ Đông Sơ” do nam nghệ sĩ Minh
Cảnh ca, hai là “Bạch Thu Hà” do nữ nghệ sĩ Lệ Thủy ca. Tương tự như thế, thời
gian sau soạn giả Viễn Châu cho “trình làng” tiếp hai bài vọng cổ, một là
“Lương Sơn Bá” do nam nghệ sĩ Minh Cảnh ca, hai là “Chúc Anh Đài” cũng do nữ
nghệ sĩ Lệ Thủy ca (vào thời điểm này tất cả đều chưa được vinh danh).
Nếu như giới thiệu bài ca vọng cổ “Võ Đông Sơ”
do nam nghệ sĩ Minh Cảnh ca là “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà” là sai. Vì “Võ Đông
Sơ” và “Bạch Thu Hà” là hai bài ca khác nhau. Vì lẽ ấy, không thể nhẫm lẫn bài
vọng cổ “Võ Đông Sơ” thành “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà”. Và, cái sai mà lẽ ra
không đáng có này, lại xuất hiện trong Liveshow “Tri ân cuộc đời” của nữ nghệ
sĩ Lý Bạch Huệ được tổ chức tại rạp Bến Thành tối 08.05.2015 vừa qua. Khi tới
tiết mục của nam nghệ sĩ Tuấn Anh ca bài vọng cổ “Võ Đông Sơ”, thì cô MC Quỳnh
Giang lại giới thiệu thành bài “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà”. Điều này hoàn toàn
không đúng.
Xin được phép nói thêm, cả hai bài này soạn giả
Viễn Châu đều viết “gối đầu” bằng bài nhạc do chính ông sáng tác. Và hai bài ca
này không phải là tân cổ giao duyên. Xin được phép trích dẫn:
NHẠC
“GỐI ĐẦU”
I
“Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi
Đường dài mịt mùng em không đến nơi
Mây nước buồn cơn lửa binh
Hết kể chuyện chung tình
Khóc than riêng em một mình”
II
“Cây tuôn lá xanh xây mồ cho anh
Tình đầu bẽ bàng trong cơn chiến chinh
Đưa tiễn nào hay rẻ chia
Cách trở hận muôn đời
Nói nữa chi thêm… nghẹn lời”
Bài vọng cổ “Bạch Thu Hà” do nữ nghệ Lệ Thủy ca,
cũng “gối đầu” bằng một bài nhạc tương tự như thế. Xin được phép trích dẫn:
NHẠC
“GỐI ĐẦU”
I.
“Trong khói hương mơ màng tung bay
Đêm tóc tang u buồn nhớ ai
Nửa chừng duyên kiếp chia phôi
Ai đi cách mấy phương trời
Duyên trúc mai vĩnh viễn xa rồi”
II
“Ai biết đâu một lần chia tay
Riêng thiếp cam chịu nhiều đắng cay
Mối sầu bao thuở cho nguôi
Ly tan nhớ ghi muôn đời
Bao đắng cay than chẳng… nên lời”
Xin được phép nhắc lại, đây chỉ là bài nhạc “gối
đầu” dành cho bài vọng cổ mà thôi. Trong bài vọng cổ “Chúc Anh Đài” do nữ nghệ
sĩ Lệ Thủy ca, soạn giả Viễn Châu không “gối đầu” bài nhạc do ông sáng tác, mà
thay vào đó bằng một bài bản cải lương, điệu Lưu Thủy Hành Vân. Xin được phép
trích dẫn:
LƯU THỦY
HÀNH VÂN
I.
“Sương trắng nhuộm rừng thông vấn vương
Đưa tiễn em lên đường
Nam Sơn, đây chốn chia tay phản hồi gia trung
Hoa lá bay rơi rụng theo dòng”
II
“Oanh, Yến vang lời ca tiễn đưa
Đôi mắt hoen lệ mờ
Bao phen, toan nói với ai những điều mai sau
Nhưng bỗng dưng em lại nghẹn ngào”
Nhưng với bài Vọng Cổ “Lương Sơn Bá” do nam nghệ
sĩ Minh Cảnh ca, thì soạn giả Viễn Châu lại cho “gối đầu” bằng bài nhạc Hồ
Quảng, điệu Hoàng Mai. Xin được phép trích dẫn:
NHẠC
HOÀNG MAI
“Trên nẻo về Nam Sơn
Nhớ ai lòng nát tan
Hoa lơ lửng dưới cầu
Ôi, muôn mối tơ vương
Em ơi, còn gì mộng với đời
Hết rồi, muôn đời khó thấy nhau
Kéo khăn lau lệ sầu
Em qua bước sang ngang, mộng tình đã tan
Duyên số dở dang
Thôi vĩnh viễn đôi ngã
Anh về với… gió mây”
Như vậy cũng đủ để thấy, vị trí của một bài nhạc
“gối đầu” cũng tương tự như là nói lối, ngâm thơ hoặc là những điệu lý, hay
những bài bản vắn như: Lưu Thủy Hành Vân, Trăng Thu Dạ Khúc, Sơn Đông Hướng Mã,
Thủ Phong Nguyệt…
Nhưng với sự tài hoa của soạn giả Viễn Châu, ông
đã tìm ra giai điệu thích hợp của một bài nhạc do ông tự sáng tác để “gối đầu”
cho bài vọng cổ. Cũng chính vì điều này, đã chắp cánh cho bài vọng cổ “Võ Đông
Sơ” do nam nghệ sĩ Minh Cảnh ca thêm phần sinh động. Giả như, bài vọng cổ “Võ
Đông Sơ” mà không “gối đầu” bằng lời nhạc “Biên cương là rơi Thu Hà em ơi!”,
thì chắc chắn rằng, tự thân của bài vọng cổ này sẽ không được nhiều người thuộc
lòng đến như vậy. Thậm chí… những người không hề biết ca vọng cổ như ông Trần
Nghi Dũng, cũng vẫn thuộc nằm lòng câu: “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi!”. Vì
vậy cho nên ông mới hỏi tôi, bài ca “Võ Đông Sơ” do nam nghệ sĩ Minh Cảnh ca,
có phải là tân cổ giao duyên hay không?
Có thể nói, đây cũng là một sáng tạo độc đáo của
soạn giả Viễn Châu. Nếu như… có ai đó cắc cớ hỏi: “Vì sao soạn giả Viễn Châu đã
làm được điều này?”, tôi sẽ mạnh dạn xin thưa mà không cần phải nghĩ ngợi - bởi
vì tự thân của soạn giả Viễn Châu ông là một danh cầm đờn tranh với nghệ danh
Bảy Bá. Và, “bộ ba” nhạc sĩ gồm: Năm Cơ, Bảy Bá, Văn Vĩ là bộ “tam sên” rất
quen thuộc với khán giả sân khấu cải lương thời hoàng kim.
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN
_______________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét