Có câu rằng: “Nghề chọn người, chớ người không thể chọn
nghề”, tôi cứ phân vân mãi không biết câu này nói vậy đúng hay sai? Nếu so với
ngành nghề khác, thì vế thứ hai “người không thể chọn nghề là sai” – Vì một khi
đã yêu nghề nào thì người ta mới chọn lấy nghề đó để mà học.
Nhưng với “nghề”
viết thì lại hoàn toàn sai. Bởi vì với “nghề” viết, đó là do thiên tư của mỗi
người, không có trường lớp nào dạy viết cả! Dẫu có muốn “học” cũng không sao “học”
để thành nghề cho được. Vì vậy, câu ở vế thứ nhất: “nghề chọn người” là đúng,
bởi vì… người ta có thể học đủ mọi thứ nghề trong xã hội, nhưng với “nghề” viết
thì không. Như vậy cũng đủ đề thấy “nghề chọn người” cũng đúng, mà “người chọn
nghề” cũng không sai. Cũng có thể do “nghề” viết không thể cầm tay chỉ việc như
bao ngành nghề khác, cho nên mới gọi là “nghiệp” chăng?
Một lẽ thực tiễn, mà có lẽ bất kỳ ai cũng phải công nhận.
Đến với “nghề” viết đã khó, thành công trên lĩnh vực này lại càng khó hơn. Nếu
như không có một chút “duyên”, thêm vào đó một chút may mắn, thì khó có thể
“trụ” nổi với cái “nghề” nhiều vinh quang, cũng lắm đoạn trường này!
Nếu như viết là một “nghề” thì điều cốt lõi phải nuôi nổi
bản thân và gia đình. Nếu như viết mà sống không nổi với cây viết, thì không
thể gọi đó là “nghề”. Bởi vì… không thiếu chi người viết không nuôi được bản
thân, phải làm thêm những công việc khác như: Chạy xe ôm, buôn bán vặt hoặc là
sống nhờ nơi sự đảm đang của người… vợ, thì những người ấy không thể xem viết
là một “nghề”. “Nghiệp” khác với “nghề” là ở chỗ đó!
Bút hiệu – Bút danh và nghề viết: Phàm, với những ai
khi đến với cái “nghề”, hoặc “nghiệp” viết đều lấy làm đắn đo để chọn cho mình
một bút hiệu. Trước 30-4-1975 người ta gọi thế, bây giờ là bút danh – mặc dù có
những cây viết chưa hề nổi danh cũng vẫn được gọi như thế! Theo tôi, hai chữ
bút hiệu thì đúng hơn. Bút hiệu – danh hiệu riêng của người cầm viết. Khi tập
tễnh bước vào “nghề”, việc trước tiên là cố tìm cho mình một bút danh trước đã!
Có người lấy tên thật, có người chỉ cần thêm dấu. Như soạn giả Điêu Huyền – ông
tên thật Phạm Văn Điều. Điêu Huyền = Điều. Nghệ sỹ thời bấy giờ thường gọi ông
thân mật là chú Sáu Điều. Ông là soạn giả của nhiều vở tuồng nổi tiếng
như: Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn Hào Hoa, Ánh lửa rừng
khuya, v.v… Soạn giả Quy Sắc – ông tên là Nguyễn Phú Quí, Quy Sắc = Quí,
ông vốn là nhà giáo đã từng dạy kèm cho cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Và rồi cái
“duyên” sáng tác lại đến với ông, khi ông gặp hai soạn giả Nguyễn Phương và
Kiên Giang (Hà Huy Hà) ông và nhà thơ Kiên Giang hợp soạn vở tuồng “Người
vợ không bao giờ cưới”, ông lấy bút hiệu là Phúc Nguyên – tên đứa con gái đầu
lòng của ông. Những vở tuồng sau này ông lấy bút hiệu là Quy Sắc được nổi tiếng
và bút hiệu Phúc Nguyên ông không dùng nữa. Từ một thầy giáo, sau đó “chuyển
hệ” làm soạn giả cải lương thì rõ ràng rằng đây là “nghề chọn người” rồi! Với
soạn giả Hà Triều, ông tên thật là Đặng Ngươn Chức. Bút hiệu Hà Triều ông lấy
tên hai người em của ông ghép lại mà thành. Nhưng gì thì gì, nếu như bút hiệu
mà không có đi kèm theo một chút “duyên”, thì rất ít khi được nhiều người biết
đến.
Mỗi bút hiệu đều “ẩn chứa” một cái riêng nào đó. Chẳng hạn
như tên của người yêu, đây cũng là trường hợp của nhạc sĩ Y Vân, ông có người
yêu tên Vân. Y Vân. Y có nghĩa là yêu. Y Vân = Yêu Vân, chữ Yêu viết tắt thành
Y.
Và một chút về bản thân tôi: Người có lòng tự trọng thì
ít có ai viết về mình. Gần hai mươi năm trước đây, không ít người hỏi tôi: “Sao
ông lấy bút hiệu là A Lý Phượng Tuyền, ông có thể kể cho tôi nghe với!”. Tôi
cười, nói vui: “Lấy như vậy để khỏi phải đụng hàng”. Và cách nay khoảng chừng
hơn một tháng, tôi về Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Đồng Nai nhận nhuận bút
được đăng trong tập san. Tôi có gặp anh Lê Khắc Sinh – Giám đốc Trung tâm. Khi
cùng uống cà phê với nhau, anh Khắc Sinh hỏi tôi: “Tôi hỏi ông câu này nghe,
ông cho tôi biết là tại vì sao ông lấy bút danh là A Lý Phượng Tuyền”. Tôi cứ
phân vân mãi, không lẽ mình lại trả lời theo cách… không thật của gần hai mươi
năm về trước – “lấy như vậy để khỏi phải đụng hàng” làm như thế là không tôn
trọng người đối diện. Bởi lẽ, người ta nghĩ đến mình mới hỏi bút hiệu của
mình. Tôi đành tỏ thật với anh Lê Khắc Sinh. Anh Sinh là người rất khoái vọng
cổ – cải lương, thành ra vì vậy mà anh muốn tìm hiểu bút hiệu của tôi.
Tôi liền vào chuyện. Nếu như anh Sinh đã nghe qua hai bài
vọng cổ “Tâm tình cô công nhân” và “Hoa cao su” được phát
trên đài Tiếng nói Nhân dân TP. HCM vào đầu thập niên 90, hai bài ca đó cũng là
nỗi niềm của riêng tôi. Bài vọng cổ “Tâm tình cô công nhân” thể hiện
lúc tôi với nàng yêu nhau. Còn bài “Hoa cao su” là sau ngày cô ấy đi
lấy chồng. Anh Khắc Sinh như đã hiểu ra phần nào câu chuyện. Anh hỏi: “Vậy
người yêu của ông tên Tuyền”. Tôi đáp nhanh: “Đúng vậy!”. Anh Khắc Sinh lại
hỏi: “Sao lại có hai từ A Lý?”. Tôi liền bày giải: “Lúc đó tôi đang viết tuồng
cải lương Nước trở về nguồn, lấy bối cảnh tướng Mông Cổ là A Lý Hải Nha
xâm lược nước Tống, người theo cha chinh phạt là quận chúa A Lý Phượng Tuyền (nhân
vật hư cấu). Vào lúc này, chương trình Phụ nữ Đài thành phố do chị Trâm Hoàng
phụ trách khởi xướng chủ đề viết về “Tứ đức” của người phụ nữ. Tôi viết và bài
được chọn phát. Tôi lấy tên nhân vật hư cấu trong tuồng là A Lý Phượng Tuyền ký
làm bút danh. Trong một lần về Đài, cố soạn giả Hải Đăng nói với tôi: “Ông bỏ
bút danh Dạ Ngân Châu đi, nên lấy bút danh A Lý Phượng Tuyền. Bút danh này có
duyên, thư từ thính giả gởi về Đài đều hỏi về bút danh này” (gần nguyên văn).
Và, bút hiệu A Lý Phượng Tuyền “có duyên” với khán, thính
giả xa gần từ đó.
Chỉ vài năm nữa tôi đã bước vào cái tuổi “cổ lai hy” thì còn
chi để mà dấu giếm? Xin quý vị độc giả hãy xem đây như lời tri ân của tôi dành
cho khán, thính giả nghe Đài như: Bạn Thanh Phương ở Mõ Cày – Bến Tre, bạn Nguyễn
Thị Nữ ở Đồng Xoài – Bình Phước đã biên thư hỏi Đài: “Xin cho biết tác giả A Lý
Phượng Tuyền là nam hay nữ?”.
Một kỷ niệm vui khác đó là ngày tôi dự trại sáng tác ở huyện
Tân Châu. Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài điện mời tôi nói: “Anh có đi Tân Châu dự trại
được không?”. Tôi hỏi: “Tân Châu nào vậy anh? Có phải là Tân Châu trong bài
vọng cổ Trên đường lưu diễn của soạn giả Viễn Châu (ngày ấy soạn giả
Viễn Châu chưa được vinh danh) có câu: “Lúc theo đoàn qua bắc đến Tân
Châu” không? Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài trả lời: “Đúng rồi!”. Và rồi, trong
lần đi dự trại ở huyện Tân Châu (nay là thị xã), cô Liên (tạm gọi như thế, vì
cô nhỏ tuổi hơn tôi rất nhiều) đến mời tôi ly rượu và nói: “Nhờ anh về viết địa
phương em, nên em mới biết anh là nam. Chớ trước đây nghe qua Đài em cứ tưởng
anh là nữ” (gần nguyên văn).
Với tôi, đây là những kỷ niệm êm đềm không thể nào phai!
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN
______________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
DẤU ẤN VŨ TRỌNG PHỤNG
>> Vui lòng nhấp chuột vào ảnh để về mục lục chuyên đề đặc biệt <<
Một bài viết hữu ích, đầy thú vị, cám ơn chú ! Chúc chú vui !
Trả lờiXóaChú cảm ơn cháu rất nhiều. Đây là một sự việc rất thật, cũng là một kỷ niệm đẹp trong suốt khoảng thời gian hơn hai mươi năm chú đã trót...nặng nợ với cái "nghiệp" viết vọng cổ, cải lương.
XóaChúc cháu nhiều niềm vui.
Thân mến!
Chú A LÝ PHƯỢNG TUYỀN