GIẤC MƠ TÔI LÀ SỢI KHÓI | thơ Hà Nhữ
Uyên
Chợt hãi sợ bước thời gian nghiệt
ngã
vụt qua như ánh chớp rạch ngang trời
thân ngựa chạy bạc bờm khan tiếng hí
đêm mơ thành sợi khói lửng lơ trôi.
Tôi con
nhện đu đời bên vách tối
âm thầm đan chăng nghìn sợi tơ buồn
ngoài vườn cũ con ve sầu hấp hối
một đêm nào rã giọng rũ đau thương.
Ai vắt
kiệt cả chiều rơi lay lắt
đêm cong môi lời muối xát cay gừng
không lể được gai dằm đâm nhọn sắc
thuở yêu người hời hợt lỏng tay buông.
Tôi vớt
được mảnh trăng non chết đuối
tình muộn màng mang đốt lửa hong khô
vớt giấc mơ tôi cũng là sợi khói
bay dập dờn tan lạc giữa hư vô.
Đời có nhiều cơn mơ, những cơn mơ đẹp người ta gọi là mộng,
những cơn mơ xấu người ta gọi là ác mộng. Bài thơ “Giấc mơ tôi là sợi khói” của
Hà Nhữ Uyên không là mộng mà cũng không là ác mộng nhưng có thể làm cho người
đọc uống cái đắng cay có pha lắm hương vị ngọt ngào để cho mình hiểu được cái
gọi là “thú đau thương” nó như thế nào.
Vào khổ đầu của bài thơ ta đã thấy ngay những bức tranh sống
động như nổi trên màn ảnh với dồn đập âm thanh:
"Chợt hãi sợ bước thời gian nghiệt
ngã
vụt qua như ánh chớp rạch ngang trời
thân ngựa chạy bạc bờm khan tiếng hí
đêm mơ thành sợi khói lửng lơ trôi".
Thời
gian của Hà Nhữ Uyên không như ngựa chạy, tên bay hay bóng chiều qua cửa
sổ mà nó nghiệt ngã hơn nhiều, nó như
“ánh chớp rạch ngang trời”. Chính cái ánh chớp đó làm con người hoảng loạn. hét
lên và chạy giữa cuộc đời như con ngựa “bạc bờm khan tiếng hí”. Ba câu thơ trên
Hà Nhữ Uyên đã ví cuộc đời như là một cơn ác mộng, và độc đáo thay giấc mộng về
đêm có thể đó là hiện thực vì nó là thực chất của một đời người chỉ là sợi khói
mong manh. Ba câu thơ đầu là sự biến động, câu thơ sau lắng đọng xuống. Biến
chuyển đó của âm thơ tác động vào lòng người cảm nhận được hết những vô thường,
phù du trong cuộc sống. “Đêm mơ thành sợi khói lửng lờ trôi” không phải là sự
yên nghĩ đâu mà là sự mệt mỏi buông trôi trong kiếp người. “Sợi khói” biểu hiện
suy tư, biểu hiện nỗi buồn, biểu hiện nhớ thương, biểu hiện phân vân. “Mơ thành
sợi khói lửng lờ trôi” là một giấc mơ êm đềm nhưng cũng lột tả hết nối cô đơn
và sự da diết trong hồn.
Với bốn câu thơ đầu Hà Nhữ Uyên đã
cho ta một giấc mơ chạy và ngơi nghĩ, mà dầu chạy hay ngơi nghĩ thì cái hình
ảnh của nó vẫn đẹp nhờ cái tứ thơ mà tác giả kết cấu vào thơ tạo nên sự dồn đập
sống động rồi u buồn êm ái.
Khổ thư hai của bài thơ tác giả thổ
lộ cái tôi của mình, một cái tôi thật là bi đát nhưng cũng là một cái tôi vô
cùng cao thượng:
"Tôi con nhện đu đời bên vách tối
âm thầm đan chăng nghìn sợi tơ buồn
ngoài vườn cũ con ve sầu hấp hối
một đêm nào rã giọng rũ đau thương".
Khác với “con nhện đu đời
bên vách tối / âm thầm đan chen nghìn sợi tơ buồn” để tìm mồi cho mình thì nhà
thơ cũng như nhện nhưng để cống hiến cho đời những sợi tơ thiêng liêng ấy của
mình, những sợi tơ trong trẻo vô biên. Nhà thơ sẽ như “con ve sầu hấp hối”, sẽ
“một đêm nào rã giọng rũ đau thương” nhưng tiếng ve sầu thì tắt ngấm mà tiếng
lòng thi sĩ thì có khi còn vọng đến thiên thu. Nếu đời có quên tiếng của thi
nhân thì tiếng ấy cũng hoà vào trong tiếng thi ca nhân loại để tư duy loài
người phát triển thêm lên.
Bốn câu thơ là một tiếng than van buồn thảm nhưng nó không
tuyệt vọng, ngược lại nó đề cao sự hy sinh của người làm thơ, khiến liên tưởng đến
bao nhiêu sự chết âm thầm nhưng vinh hiển giữa đời của nhưng vĩ nhân không cần
bia đá.
Bốn câu thơ kế tiếp tác giả đưa tình yêu vào thơ. Tình yêu
trong thơ là tình yêu nam nữ hay tình yêu tha nhân ta không biết được, nhưng ta
biết được đó là thứ tình yêu tan vỡ, để lại “vết dằm đâm nhọn sắc” con tim:
"Ai vắt kiệt cả chiều rơi lay lắt
đêm cong môi lời muối xát cay gừng
không lể được gai dằm đâm nhọn sắc
thuở yêu người hời hợt lỏng tay buông".
“Chiều rơi lay lắt, muối
xát cay gừng, dằm đâm nhọn sắc” và cuối cùng “thưở yêu người hời hợt lỏng tay
buông” là những tứ thơ dồn đập thổ lộ hết sự thua lỗ của mình. Người thơ là
người vừa đa tình vừa thâm thuý thì không thể “hời hợt” để “lỏng tay buông”.
Chữ “hời hợt” ở đây phải hiểu là thật thà. Nhà thơ cứ kết tội cho mình hời hợt nhưng
thật ra là vì thật thà nên bị đời cướp mất phải thua thiệt mà thôi. Buổi chiều
cũng bị vắt kiệt, bóng đêm cũng bị xát cay, nhức nhối của chiếc gai dầm đâm
không lể được là nỗi đau xót triền miên trong cuộc đời tác giả, chỉ vì một thuở
yêu người để lỏng tay buông. Bốn câu thơ xác nhận tính thuỷ chung và mối tình
yêu rất lớn, và cũng chính nhờ tình yêu lớn đó mà trong tiếng thơ cho ta cảm
xúc của “đêm cong môi vì lời muối”, của niềm đau “chiếc gai dầm nhọn sắc” và nối ân hận suốt đời vì “hời hợt lỏng tay
buông”.
Khổ chót của bài thơ chứa sự lãng mạn trong trăng, niềm vui
nhỏ nhoi đốt lửa hong khô tình muộn, nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng, ảo vọng đau
thương hơn:
"Tôi vớt
được mảnh trăng non chết đuối
tình muộn màng mang đốt lửa hong khô
vớt giấc mơ tôi cũng là sợi khói
bay dập dờn tan lạc giữa hư vô".
“Mảnh trăng non chết
đuối” chỉ là bóng trăng soi xuống nước không là trăng thật. Tình mà phải “đốt
lửa hong khô” là tình đã nguội lạnh lâu rồi. Tình nguội lạnh là đối với tha
nhân nhưng đối với thi nhân thì tình thành khối bi thương nuôi ảo vọng suốt
đời, như người điên đi vớt bao nhiêu ảo ảnh để thành thơ. Tất cả hình ảnh tươi đẹp kia chỉ là “vớt” lại
trong giấc mơ. Vì ảo vọng nhập tâm nên ảo vọng đi vào trong giấc mơ. Giấc mơ sẽ
nhoè đi và tan ra như “sợi khói”. Sợi khói chớ không phải làn khói, nó “tan lạc
giữa hư vô” rất mau nên rất phủ phàng. Bốn câu thơ bày tỏ một chút hy vọng hảo
huyền, hảo huyền nhưng vẫn cứ nuôi hy vọng vì người thơ đã yêu, đã đau và còn
muốn yêu, muốn đau như thế vì mong có những “giấc mơ như sợi khói/ bay dập dờn
tan lạc giữa hư vô .Vì sao điên như thế? Vì Hàn Mạc Tử có tập “Thơ Điên” thì ai
cấm được Hà Nhữ Uyên cũng có bài thơ điên như Hàn Mạc Tử.
Đọc thơ Hà Nhữ Uyên tôi liên nghĩ đến những bài thơ đau
thương của Hàn Mạc Tử, những bài thơ để lại cho đời thú vị mà khóc, khoái lạc
mà khóc, hít nhiều hương vị trong nỗi đau hằn lên xác thịt, hằn lên linh hồn.
Tất nhiên Hà Nhữ Uyên có phong cách khác, chỉ là tiếng thơ cho tôi liên nghĩ
đến người xưa, một người xưa mà ai cũng vô vàn yêu mến.
CHÂU THẠCH
_______________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét