Theo tấm biển ở đầu cầu, chiều dài hơn 200
mét, chiều rộng thì nét chữ mờ câm, song hẹp lắm, chỉ đủ một làn xe bốn bánh
chậm chậm ngang qua, khách bộ hành phải nép mình sát thành cầu. Những thanh gỗ
dầu đều tăm tắp xếp liên tục trên lòng cầu, và lan can sắt uốn cong vút hai
bên. Mố cầu đầy cỏ dại, thoai thoải dẫn xuống hai bên…
Cái
xóm nhỏ xíu xiu của Thành chỉ cách chân cầu chừng 250 mét hay hơn một chút, do
vậy chiếc cầu đương nhiên trở thành chứng nhân của mọi đứa trẻ trong xóm, mà
chẳng riêng gì trẻ nhỏ không thôi, ai nấy đều than thuộc. Đi đến đâu, ai hỏi,
đều trả lời: nhà gần cầu sắt, dễ tìm. Nhóm nhóc tì trong xóm, tất nhiên có
Thành, lớn lên cùng cây cầu và dòng sông ngầu đục phù sa. Bao nhiêu trò vui của
chúng gắn với cây cầu, tương tự vai trò cái công viên với trẻ thành phố thị xã.
Mình trần, quần cộc, đen thui nắng gió, tụi nó mạo hiểm leo tuốt lên lan can
cầu – cũng khá cao- can cường nhảy thẳng xuống dòng nước chảy xiết, bất chấp
cái thót tim của khách bộ hành hay tài xế xe cộ qua lại. Thành cũng từng nếm
trãi trò kinh dị này, na ná cảm giác phi công nhảy khỏi máy bay hay lính dù
(theo tưởng tượng!). Cú nhảy ở độ cao lớn, song sâu, tụi nhóc chìm nghĩm dưới
nước, đến chừng sức đẩy trồi lên thì muốn hụt hơi vì thiếu không khí! Bây giờ
có cho vàng cũng không đứa nào dám lập lại trò ấy, vì nhát hơn, và sông nguy
hiểm hơn do rác rưởi lềnh bềnh dầy cây cối như cái bẫy…
Lội
từ bên này qua bên kia bờ sông lại là một thử thách khác đầy cuốn hút tụi
“người rừng”. Dòng chảy ra biển mạnh không thể tả, tụi nhóc than thể nhẹ tênh,
ôm cái can nhựa, bơi liều ra giữa dòng, nước đạp ra xa có khi mấy đứa còn lại
trên cầu hết hồn vì thấy mất tiêu! Vậy mà cũng qua sông được, ôm can nhựa lên
bờ tập tễnh đi bộ…về cầu!
Những
năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, xe nhà binh (GMC) ầm ì kéo pháo đi về ngang
chiếc cầu, tiếng pháo vọng về xa xa, người lớn thấp thỏm những dự cảm, tụi nhóc
thì biết gì, vẫn nô đùa như thường. Rồi một đêm khuya, đặc công đặt chất nổ
đánh văng một nhịp cầu, kinh động cả thị trấn. Giải phóng.
Mẹ
Thành ngày mấy lượt qua lại chiếc cầu với thau xôi thau bắp đấp đổi cho qua
thời đoạnh khó khăn, mà thời ấy lại quá dài. Mẹ đi qua, đi về, rồi như thế như
thế… Hình ảnh mẹ xui xiu cắm cúi lội bộ qua mấy trăm mét cầu để kiếm cơm cho
đàn con dại hằn sâu trong tâm trí Thành.
Cầu
sắt cú, cũ hơn nữa, bộ đội ngoài Bắc dựng lều trại cực khổ xây một cây cầu bê
tông thay vào đấy, y chang vị trị cũ, nên việc qua lại gián đoạn mấy năm, mẹ
qua sông phải lụy đò.
Cha
Thành có vợ khác, thi thoảng về thăm con, mỗi lần như vậy đều dắt cậu con ruột
thịt qua bên kia cầu mua sắm cái gì đấy: một chiếc đồng hồ, mấy bộ quần áo, hay
đơn giản chỉ để cùng con uống ly đá đậu đỏ. Một lần, dắt Thành đến giữa chiếc
cầu lộng gió, ông nói: con hãy thường xuyên lên đây, nhìn ra thật xa đến chân
trời cho mắt không bị cận vì đọc nhiều. Là thầy thuốc đông y, ông có lời khuyên
dễ hiểu, song Thành thấu nghĩa hàm ẩn trong đấy, “con hãy nhìn xa trông rộng”.
Ông mất không lâu sau đó, ở một nơi xa xôi….
Thanh
có người yêu, một cô gái lá ngọc cành vàng đồng học, họ hẹn nhau trên cầu, chỉ
để nhìn, không hơn. Đứng ở vị trí cha con Thành ngày trước, cô ấy chỉ nói vỏn
vẹn mấy chữ: anh hãy luôn cố gắng, anh nhé!. Và Thành luôn cố gắng, cho đến bây
giờ, khi người con gái ấy đã phiêu bạt rất xa với một cuộc tình khác có đầu có
cuối.
Như
một sự an bài, Thành thành gia thất với em gái của một dồng nghiệp, có một cháu
gái kháu khỉnh tóc vàng hoe, mắt lóng lánh. Rồi cũng như một sự an bài khác, họ
chia tay, bé gái lớn lên, giỏi giang, vượt khó, học giỏi, đi xa khi tóc Thành đã nhuốm bạc ít nhiều.
Ngày con gái cùng bạn cặp sách về thăm cha là một ngày đặc biệt, trời hiu hiu
nắng vàng. Hai ngày sau, tiễn con qua cầu, không hiểu sau, con gái dừng lại gần
đúng vị trí cha con Thành dừng lại ngày xưa, bé nhìn anh, không nói. Thành khẽ
khàng: ông nội con từng đứng ở đây…. Và anh nhắc lại câu nói hiếm hoi của cha
mình ngày trước: con hãy nhìn xa về phía chân trời…. Bé vào đại học.
Người
ta đã làm được điều kỳ diệu khi đưa được lục bình xanh um về dòng sông mặn
chat. Từng dòng từng dòng lục bình trôi qua dưới chân cầu, xuôi về hướng biển,
nơi chắc chắn nó không thể sống được với cái mặn chát khắc nghiệt. Thành thơ
thẩn dưới nắng chiều, chụp không biết chán những bức ảnh một dòng sông xanh từ
trên đô cao hơn hai mươi mét, anh tải nét lạ ấy lên “phây”, gửi cho bạn bè trên
thành phố, “quê tao có lục bình!”.
Mấy
mươi năm đằng đẵng, cầu bê tong giờ cũng đã xuống cấp, cách đấy mấy trăm mét
người ta đã đổ một núi tiền xây cây cầu bê tong mới hoành tráng hơn chục lần,
sững sững một khúc sông. Nghe nói, thị trấn lên thị xã sẽ có cảnh sông Lấp như
trong thơ Tú Xương, cây cầu thân thuộc “của Thành” kết thúc “vai trò lịch sử”,
nhường vinh dự và vị trí cho chiếc cầu đang sắp hoàn thành. Không biết thực hư,
song buồn buồn….
Mẹ
đã già rồi, không tự đi nổi qua chiếc cầu thân thuộc, cha thì đi rất là xa, con
gái trên thành phố lạ, người yêu không biết đã đến đâu…. Duy chỉ có chiếc cầu
vô tri im lặng toát ra một ngôn ngữ vô hình mà chỉ có Thành mới thấu hiểu theo
cách riêng: vô thường.
Hôm
qua gửi e- mail cho con gái, anh gửi kèm một loạt ảnh chụp đủ góc cạnh chiếc
cầu cùng dòng lục bình xanh biếc bên dưới, và “con hãy nhìn thật xa, con nhé!”,
như cha anh đã dặn dò ngày nào, năm xưa…
NGUYỄN THÀNH CÔNG (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét