Tản
Đà, tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu (19-5-1889), sinh ra và lớn lên trong một gia
đình thuộc dòng dõi khoa bảng, làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây
(nay là Khê Thượng, huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội). Cha mất sớm, lúc ba tuổi,
ông được một người thân trong họ tộc bảo bọc, nuôi dưỡng nên người.
Ông
hấp thụ Nho giáo từ nhỏ. Vốn có tư chất và thông minh, mười tuổi ông đã biết
làm câu đối; mười một tuổi làm quen với thơ văn; mười bốn tuổi thông thạo từ
chương, thơ phú; mười lăm tuổi được xem là thần đồng thi phú tỉnh Sơn Tây. Tài
năng, sáng tạo của Tản Đà được bộc lộ qua nhiều tác phẩm thơ. Một số bài thơ nổi
tiếng tiêu biểu được đưa vào sách giáo khoa, giảng dạy ở bậc trung học phổ thông,
các lớp cuối cấp, ở miền Nam
, thập niên 60, 70. Các bài thơ tiêu biểu, nhiều thế hệ học sinh yêu thích,
được trích giảng:
“Nước
non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện ước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng trông
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Sương mai một nắm hao gầy
Tóc mai một mái đã đầy tuyết sương.”
(Thề Non Nước)
*
“Trận
gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng!” (Gió thu)
*
Là
đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ duyên thừa, có thế thôi!
Đá mòn rêu nhạt
Nước chảy huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời.
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi. (Tống Biệt)
Giữa
lúc dòng thơ cổ điển Việt Nam- chịu ảnh hưởng, ràng buộc nhiều bởi thơ Trung
Hoa- đang thoái trào, nhường chỗ cho phong trào thơ mới đang manh nha (1932)
thì với văn tài, sáng tạo, cách tân thơ, Tản Đà được giới văn học đánh giá là:
“Gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”. Chính vì, bên cạnh các
thể thơ cổ điển, nhiều thể thơ khác do ông sáng tác đã vượt khỏi khung cửa hẹp,
gò bó của các thể thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn , thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát
cú…Ông còn là thi nhân đầu tiên làm thơ bằng chữ quốc ngữ thay cho chữ Nôm.
Càng
mới mẻ hơn, nội dung thông điệp các bài thơ của ông đã vượt ngoài khuôn khổ các
phương thức, nội dung sáng tác sáo mòn “trăng hoa tuyết nguyệt” của thơ Hán
văn, thơ cổ điển.Thơ ông phản ảnh một triết lý sống phóng khoáng, mơ mộng, hoài
cổ…nhưng đi sâu vào tâm trạng cá nhân: cảm giác chán đời, say sưa, đắm chìm
trong “cõi mộng”, trong những mối tình đã phôi pha, trong niềm tiếc nhớ tri âm,
tri kỷ. Có đôi lúc lại bám rễ vào hiện thực cuộc sống:
“Đêm
thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nữa rồi
Cung quế có ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi. (Muốn Làm Thằng Cuội)
*
Trời
đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự
nghiệp trăm năm nét mực mờ
Mạch nước sông Đà tim róc rách
Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ. (Ngày
Xuân Thơ Rượu)
Người
đời thử ngẫm mà hay
Trăm năm là ngắn một ngày dài ghê!
Còn ai ai tỉnh ai mê
Những ai thiên cổ đi về những đâu?
Đời đáng chán hay không đáng chán!
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm.
(Đời Đáng Chán)
Chính vì vậy, văn nghiệp của ông được
đánh giá cao: “Trong chốn văn đàn, Tản Đà xứng ngôi chủ súy, trong Hội tài
tình, Tản Đà xứng ngôi Hội chủ mà làng văn, làng báo xứ này, ai dám ngồi chung
một chiếu với Tản Đà” (Nguyễn Tuân).
Nhà văn Ngô Tất Tố, bạn thân của Tản Đà cũng dành cho ông những lời ngợi khen
đầy thiện cảm mà cũng không ngại ngần gì: “Trong cái trang thi sĩ của cuốn Việt
Nam Văn học sử sau này, dầu sao mặc lòng, ông Tản Đà là một người đứng đầu của
thời đại này”.
Không những nổi tiếng với nhiều bài thơ
sáng tạo, mới lạ; ông còn là một dịch giả tài hoa trên văn đàn, thơ dịch Đường
thi viết bằng tiếng Hán. Lời đánh giá: “Cái công nghiệp của Tản Đà, Nguyễn Khắc
Hiếu đối với quốc văn không chỉ là thơ văn trước tác thôi mà thơ văn dịch nữa.
Thơ văn dịch của Tản Đà thoát hẳn nguyên văn mà nhiều khi lại bóng bẩy, có âm
điệu hơn nguyên văn nữa (GS Trần Thanh
Đạm).
Phù dung như diện, liễu như mi
Đối thử như hà bất lệ thùy. (Trường Hận Ca - Bạch Cư Dị)
Phù dung đó mặt ai đâu tá
Mày liễu đâu cho lá còn như
Càng
trông hoa liễu năm xưa
Càng sôi nước mắt như mưa ướt dầm (Tản Đà dịch)
Có
đến hơn một trăm bài thơ Đường được dịch. Bài thơ dịch nào cũng thể hiện bút
lực dồi dào, đầy phóng khoáng, sáng tạo, đậm nét Tản Đà.
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu;
Xuân nhật ngưng trang thượng thúy
lâu.
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối phu giao tế mạch phong hầu. (Khuê oán - Vương Xương Linh)
Trẻ
trung nàng biết đâu sầu
Buồng xuân trang điểm, lên lầu ngắm
gương.
Nhác
trông vẻ liễu bên đường,
“Phong hầu” nghĩ dại xui chàng kiếm
chi. (Tản Đà dịch))
Nguyên tác bài thơ Đường quá hàm súc, bay
bổng, đa thanh sắc: nội dung miêu tả cuộc sống thường nhật, tình cảm vợ chồng,
cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của một ngày xuân, sự cám dỗ của công hầu danh
tước, chiến tranh, sự mất mát ly tán, nỗi than oán…nỗi cô đơn, ân hận của người
thiếu phụ vì đã để chồng ra mặt trận!
Phần thơ dịch của Tản Đà cũng muôn phần
trác tuyệt! Từ thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, Đường thi chuyển sang thể thơ truyền
thống lục bát Việt Nam; từ chữ nghĩa trang trọng, hoa mỹ, nghiêm túc của từ
tiếng Hán sang ngôn ngữ nhẹ nhàng, uyển chuyển, giàu cảm xúc của từ tiếng Việt
(buồng xuân, nhác trông, nghĩ dại xui chàng) mà vẫn không kém phần thi vị.
Thi sĩ như đã lấy được cái tinh túy của
hồn thơ để tái tạo lại thành thi phẩm tiếng Việt, hồn Việt mà vẫn giữ được đầy
đủ hồn cốt, ngữ nghĩa, nội dung bài thơ Đường.
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu. (Hoàng Hạc Lâu - Thôi Hiệu)
Hạc
vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây
bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng
hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng
ai! (Tản Đà dịch)
Tản Đà không quá lệ thuộc vào câu chữ, ngữ nghĩa, hình
ảnh đối lập, đối xứng trong thơ Đường; thi sĩ đã dịch thoát, dịch bằng sự rung
động, đồng cảm của một thi thi sĩ đối với một thi sĩ; của một ngôn ngữ với một
ngôn ngữ khác biệt. Bài dịch hay, câu dịch hay, nhẹ nhàng, bay bổng lại rất gần
với tâm hồn người Việt, tâm hồn đa cảm của thi nhân Tản Đà…vượt khỏi sự gò bó,
khô cứng, hàn lâm của nguyên bản! Thi sĩ đã vừa tái tại, vừa tái sinh hồn thơ
từ nguyên tác, thành hồn thơ tiếng Việt, tiếng lòng người Việt.
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
(Phong Kiều dạ bạc, Trương Kế)
Trăng tà, tiếng quạ kêu
sương,
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn
San. (Tản Đà dịch)
Tài hoa là thế! Nhưng Tản Đà đã sống
những năm tháng cuối đời trong bệnh tật, cay đắng và cùng quẫn! Những dòng thơ
dịch tuyệt bút, bằng mồ hôi, bằng máu tim, bằng hồn phách kia không phải là của
công việc học thuật, sáng tạo hay thư nhàn…mà là để kiếm sống, là “cần câu cơm”
của Tản Đà!! Ông xin hợp đồng và dịch thơ Đường cho báo Ngày Nay. Sau đó, tòa
soạn lại giao cho người khác nên việc viết báo của ông bị ngưng trệ. Ông rời nhà ở ngoại ô
vào trọ ở nội thành Hà Nội, khu Ngã Tư Sở. Mở của hàng xem bói tử vi, không có
khách! Mở lớp dạy Hán văn cũng không có học trò! Rốt cục do thiếu tiền nhà, bị
chủ nhà đuổi khỏi nhà trọ và tịch thu đồ
đạt.
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày mất của thi sĩ
Tản Đà (7/6/1939 - 7/6/2014), xin tỏ lòng ngưỡng mộ, tiếc nhớ một thi nhân tài
hoa của đất Việt; người đã đặt một dấu ấn quan trọng, mở lối cho thi ca Việt Nam
bước vào một giai đoạn mới. Chính ông, chứ không phải là ai khác, đã tạo ra
“một sự giao lưu tâm hồn và nghệ thuật giữa các nhà thơ Trung Quốc và nhà thơ
Việt Nam, một cuộc đọ sức kỳ
diệu giữa thi ca Trung Quốc và thi ca Việt Nam, “mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”.
Cuối cùng, xin mượn lời bài thơ sắc sảo,
thương cảm của nhà thơ Xuân Sách, khắc họa sắc nét chân dung Tản Đà, một thi
nhân tài hoa, lận đận giữa chốn cơm áo chợ trời:
“Văn
chương thửa ấy như bèo
Thương cụ gồng gánh trèo leo tận trời
Giấc Mộng Lớn đã bốc hơi
Giấc Mộng Con suốt một đời bơ vơ
Ước chi cụ sống tới giờ,
Chợ trời nhan nhản tha hồ bán văn…”
HỮU DU (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
KỶ NIỆM 75 NĂM MẤT NHÀ THƠ TẢN ĐÀ (7/6/1939 - 7/6/2014)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét