Hình thức và nội dung thật độc đáo của tạp chí
Khai Phá và lối viết của các cây bút Khai Phá làm những người trẻ làm
văn nghệ chúng tôi đặc biệt chú ý.
Thời
đó, thời cuối thập niên sáu mươi và đầu thập niên bảy mươi, các tỉnh
Miền tây nam phần, cùng với thủ đô Sài gòn và các tỉnh trên toàn quốc đã
có những sinh hoạt văn nghệ thật rầm rộ. Theo sự ghi nhận của cây bút
Lê Cần Thơ thì: “Nhiều nhóm văn nghệ hoạt động sôi nổi, tiếng tăm nhờ có
phương tiện truyền thông như các báo, đặc san, đài phát thanh; chẳng
hạn , một nhóm văn nghệ ở Đại học Sư phạm Sài gòn với tờ Chỗ Đứng (Trần
văn Chi, Nguyễn Cát Đông ...); Tạp chí Tham Dự ở Vĩnh Long (Việt Chung
Tử, Nguyễn Sinh Từ, Nguyễn Bạch Dương); nhóm Sóng Việt ở Cần Thơ (Chu
Tấn, Trần Kiên Thảo ...); Văn đoàn Về Nguồn ỏ Cần Thơ (Lê Trúc Khanh,
Huyền Vân Thanh, Kiều Diễm Phượng, Lê Hà Uyên,Hà Huy Thanh, Nguyễn Hoài
Vọng ...) với tạp chí Khơi Dòng và chương trình phát thanh Cần Thơ; nhóm
Khai Phá ở Châu Đốc (Ngô Nguyên Nghiễm, Trịnh Bửu Hoài, Lưu Nhữ Thụy,
Nguyễn Thành Xuân...) với tạp chí và NXB Khai Phá ....” (Trích Lê Cần
Thơ, tác phẩm chưa xuất bản)
Thật
sự tôi còn gặp vài nhà thơ khác nữa của vùng năm non bảy núi địa linh
nhơn kiệt này. Thi sĩ Thần Liên Lê Văn Tất cùng với thi sĩ Liêm Châu,
thi sĩ Duy Phương ...đã làm phong phú thêm cho văn hóa Châu Đốc, nói
riêng, qua những áng thơ, đặc biệt là thơ Đường và các biên khảo về Châu
Đốc. Các anh em Khai Phá thì trẻ hơn so với các thi sĩ thành danh trên
đây. Khoảng đầu năm 1970, Ngô Nguyên Nghiễm đang học trường Dược, Lưu
Nhữ Thụy, còn là một họa sĩ, đang học QGHC, Trịnh Bửu Hoài vừa rời ghế
nhà trường, làm công chức tại tỉnh nhà. Trước 1975 Nxb Khai Phá in Thơ
Kinh Tự (1971), biên khảo, Thiên Thu Ca (1972), Người Hành Giả Và Khúc
Trường Ca Sinh Tử của Ngô Nguyên Nghiễm (1974); Thơ Tình (1974) và Người
Hành Hương và Tình Yêu (1974) của Trịnh Bửu Hoài; Nam Hoa (1971) và Lên
Đồi Hứng Bát Trăng Vàng (1974) của Nguyễn Thành Xuân. Gần đây tôi được
biết Trịnh Bửu Hoài, cây bút ăn khách của giới trẻ VN bây giờ, đã in mấy
mươi tập thơ và truyện, đa số là về tình yêu. Ngô Nguyên Nghiễm thì 13
năm sau ngày tháng Tư 1975, anh mới xuất hiện trở lại, không phải trên
báo chí mà bằng những tập thơ, như: Tổ Ấm (1988), Hiến Dâng Cát Bụi
(1989), Hương Lửa (1990), Chớp Bể Mưa Nguồn (1992). Như từ bao giờ, thơ
Ngô Nguyên Nghiễm luôn là những vần thơ khai phá. Thơ Ngô Nguyên Nghiễm
có cái phong vị của những bài cổ thi, cái hương vị của núi non, sông
nước ẩn tàng trong những câu thơ đột phá như trong Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai
Mươi ...thời đó, như:
Chất ngất trên mi một tấm lòng
Mang ngày tháng trồng đầy sân nhỏ
Có mái tranh và người tựa cửa
Chập chờn gậy trúc gác canh khuya
(Tổ Ấm)
Hay:
Nửa đêm rượu rót chưa đầy
Bóng trăng rớt xuống ngang mày khách xưa
Có trăng , trời vẫn đổ mưa
Có mây, đất vẫn đong đưa nỗi buồn
(Bài thơ rượu vàng)
Những
tháng ngày ở Châu Đốc tôi không làm sao quên được. Bên tách trà bốc
khói, những chiều mưa nhẹ nhàng miền núi tôi được đối ẩm với người thi
sĩ tàn phế Lê văn Tất để nghe Lý Bạch, Đổ Phủ ... và nghe thơ Thần Liên.
Còn từ thi sĩ Liêm Châu, vốn là một nhà giáo đạo mạo, tôi học được rất
nhiều điều về Thất sơn huyền bí và về những năm tháng kháng chiến của
ông. Gần gũi với chúng tôi nhứt là nhà văn Huỳnh Phan . Chúng tôi ra
trường cùng khóa ở ĐHSP-SG; về Châu Đốc ngụ cùng nhà trọ. Huỳnh Phan
được biết tới qua loạt bài Câu Chuyện Thầy Trò đăng thường kỳ trên Bách
Khoa, sau được nhà Trí Đăng in thành sách. Đầu năm 1972 chúng tôi in tập
thơ chung Áo Mây Bay; nghe nói anh Huỳnh Phan mất trước năm 1990 tại
Long Xuyên.Thêm một người khá gần gũi với chúng tôi la nhà thơ Duy
Phương. Nói là gần gũi vì anh Duy Phương không lớn hơn chúng tôi và nhóm
Ngô Nguyên Nghiễm là bao nhiêu, thơ anh là thơ tình, thơ viết về quê
hương dân tộc đủ thể loại, và .... nhà anh ở Cồn Tiên, bên kia sông Châu
Đốc, là nơi tụ họp vui chơi của chúng tôi những khi Ngô Nguyên Nghiễm
và Lưu Nhữ Thụy nghỉ lễ về nhà. Những buổi như vậy, anh Duy Phương thật
là sảng khóai, anh ngâm thơ không biết mệt, càng say càng hay. Phụ họa
có Lưu Nhữ Thụy, lúc nào cũng sôi nổi. Còn Ngô Nguyên Nghiễm, thật sự là
con nhàgiàu- đẹp trai- học giỏi, tuy là lớn người, lớn vóc, nhưng lúc
nào cũng nói năng nhỏ nhẹ, ít khi nào cười lớn tiếng. Trịnh Bửu Hoài còn
hiền hơn con gái với nét mặt đẹp và nụ cười thư sinh. Bây giờ tôi không
thể hình dung lại gương mặt của Nguyễn Thành Xuân, không nhớ là lúc đó
tôi có từng gặp anh hay không; hay lúc đó anh mãi đi hứng bát trăng vàng
trên đồi, trên núi. Dĩ nhiên những quán cà phê tại chợ Châu Đốc cũng là
nơi gặp gỡ thường xuyên của chúng tôi và nhóm Ngô Nguyên Nghiễm. Chuyện
văn nghệ văn gừng nói hoài không hết.
Cũng như nói về thơ Ngô Nguyên Nghiễm trên vài trang giấy thì không thấm vào đâu.
NGUYỄN CÁT ĐÔNG (tác giả giữ bản quyền)
________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét