Tôi
không thể nào diễn tả đúng cảm xúc của mình khi ngồi trong một chiếc tàu du
lịch đang vượt biển đến đảo Bình Ba trong một chuyến đi “phượt” cùng với gia
đình cuối tháng 4 - 2014.
Nằm về phía nam của tỉnh Khánh Hòa, Bình Ba thuộc xã
đảo Cam Bình, thành phố Cam Ranh. Hai năm nay Bình Ba nổi lên như một địa điểm
du lịch mới khai phá của thành phố biển. Từ cảng Đá Bạc, muốn đến Bình Ba chúng
ta có thể chọn tàu chợ với giá vé một người là bốn chục ngàn đồng hay mua tua du lịch trọn gói với giá bốn trăm
ngàn đồng một ngày. Hôm ấy tàu tôi đi là một tàu du lịch, trên tàu chừng hơn
mười người ra đảo. Biển một màu xanh. Biển xanh, màu xanh của vịnh Cam Ranh
dường như gợi ra trong tôi một điều gì đó rất quen và rất lạ? Quen vì cũng biển
cũng trời, cũng một màu của thiên nhiên tươi roi rói, còn lạ là một câu hỏi bí
hiểm mà tôi phải tìm ra lời giải!
Tôi từng đi nhiều vùng biển, từng được ngắm thỏa thuê
sự bao la bát ngát của biển Việt Nam. Biển nước ta có chiều dài hơn
3200 cây số, trong từng cây số ấy biển như chất chứa những nỗi niềm. Ở Quảng
Ninh tôi được ngắm biển Bãi Cháy, được nghe kể về lịch sử bãi biển này. Tôi đã
lang thang trên con tàu du lịch ngắm sự hùng vĩ đến kinh ngạc của thiên nhiên
tạo nên một thắng cảnh đẹp đến sững sờ của báu vật Việt Nam: vịnh Hạ Long. Màu xanh của
vịnh Hạ Long dường như nhuốm màu sương khói? Bởi lúc tôi thăm Hạ Long là tháng
10 năm 2012, mùa thu đất Bắc với một chút gió heo may cũng làm nên sự khác biệt
của biển của trời. Biển mùa thu Hạ Long tình tứ và lãng mạn làm sao!
Màu xanh của biển Quảng Nam trên hải trình từ bến Sông
Hội ra Cù lao Chàm trong chuyến đi chơi biển tháng 5 năm 2013 của tôi mang một
sắc thái khác. Cũng màu xanh ấy, cũng những con sóng lô xô bạc đầu của biển nhưng
biển Quảng Nam
dường như pha chút phù sa nên đi cả nửa giờ tôi vẫn nhận ra sắc vàng của đất.
Đó chính là yếu tố để biển Cù lao Chàm sản sinh ra hơn 50% sinh vật biển, trong
đó có rạn san hô đang được khoanh vùng để phục hồi sau một thời gian bị con người
tàn phá. Điều lý thú khi tôi bắt đầu lên Cù lao Chàm là được yêu cầu không mang
túi ny lông lên đảo, Cù lao Chàm nói “không” với túi ny lông được mấy năm rồi,
cái màu xanh của biển của rừng của trời dường như trong hơn vì quyết định sáng
suốt đó? Trở lại với biển, biển Cù lao Chàm xanh thăm thẳm, Cù lao Chàm ngó ra
đại dương bao la, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là 2 núm ruột của
đất mẹ Việt Nam. Khi lên thăm chùa Hải Tạng, một ngôi chùa cổ có tới mấy trăm
năm tuổi, tôi bắt gặp một đôi mắt mang biểu tượng âm dương bằng gỗ, đôi mắt ở
trên cửa ra vào chánh điện. Rất may cho tôi, người hướng dẫn du lịch Cù lao
Chàm là một người rất am hiểu văn hóa Quảng Nam, ông tên là Thanh, đã 66 tuổi,
là một người khuyết tật nhưng với vốn kiến thức uyên sâu và khoa ăn nói đã “hút
hồn” du khách bốn phương trời. Ông Thanh cho biết rằng, những ngôi nhà xưa của
người Quảng, trước cửa ra vào ở phía trên bao giờ cũng có biểu tượng một đôi
mắt, ông gọi là đôi mắt nhà. Khi ta có việc đi ra khỏi nhà, lúc về trước khi cúi
xuống xem chừng cái ngạch, bao giờ người ta cũng ngước lên để nhìn vào đôi mắt
nhà, đôi mắt sẽ dò xét ta có làm điều gì sai trái ở bên ngoài để khỏi hỗ thẹn
với lương tâm, với các bậc tiền hiền, với cửu huyền thất tổ? Ở Cù lao Chàm cũng
vậy, Chùa Hải Tạng cũng có đôi mắt, đôi mắt ấy chứa âm dương ngũ hành soi thấu
mạng căn của từng người đến viếng chùa lễ Phật, có phải ai cũng đến chùa với
một chữ “tâm” đâu? Tôi không rành lắm với thứ triết lý của ông Thanh, trong
thâm tâm tôi tán thành với những gì ông nói. Đôi mắt ở Chùa Hải Tạng khiến tôi
chú ý không phải với cái ý của ông Thanh mà chính là đôi mắt Chùa Hải Tạng nhìn
ra biển, đôi mắt âm dương soi rọi khắp bốn biển bất kể ngày đêm để canh chừng
cho sự bình yên của Cù lao Chàm, của Quảng Nam, của giải đất miền Trung và cho
Tổ Quốc! Ông Thanh nói thêm gọi là Cù lao bởi nơi đây là nơi hứng con nước từ
sông ra biển giống y như cái cù lao trong chai nơi đó là nơi nước dội vào khi
ta rót nước vào chai. Cù lao xưa kia thuộc vương quốc Chăm pa nên chi gọi là Cù
lao Chàm, Cù lao Chàm nơi hứng con nước từ con sông Thu Bồn chảy ra mang biết
bao phù sa nên Cù lao Chàm có đến trên 50% loài hải sản có trên thế giới. Một
con số biết nói!
Tôi từng được đi Côn đảo vào tháng 9 – 2009, màu xanh
biển Côn đảo rất khác lạ, xanh một màu xanh cô
ban ở bến tàu, xanh nhiều tầng lớp khi ta nhìn từ gần ra xa, sự khác biệt
của màu xanh dường như do cấu tạo địa lý, do những loài rong biển phản ánh lên
mặt nước nên có sự khác nhau? Nhưng phảng phất trong cái màu xanh ấy tôi cảm
nhận được chút màu đỏ mơ hồ - đó chính là màu máu của những người tù dường như
ngày nào cũng đổ trong suốt hơn một trăm năm lịch sử tù đày của đảo. Cái cảm
xúc ấy ngày càng đậm đặc khi tôi đi tham quan những nhà tù Phú Bình, Phú Hải…,
nghĩa trang Hàng Dương, những chuồng cọp kiểu Pháp, kiểu Mỹ mới thấy máu của
những người tù chính trị đã đổ ra không bao giờ phai trong màu xanh ngăn ngắt của biển trời Côn
đảo và trong tâm tưởng của mỗi người Việt Nam đang sống.
Ra Phú Quốc biển Việt Nam đẹp đến nao lòng! Những bãi
Dài, bãi Sao với bãi cát vàng dài đến mấy chục cây số đang vẫy tay mời gọi các
nhà đầu tư trong nước và thế giới đến đây xây dựng rì sọt, khách sạn 4,5 sao, các khu nghĩ dưỡng…biến Phú Quốc thành
một thiên đường du lịch. Chuyến đi chơi Phú Quốc cuối tháng 2 – 2014 vừa qua ấn
tượng khó phai trong tôi lại không phải những bãi biển đẹp như nàng công chúa
ngủ trong rừng vừa thức giấc mà chính là một đôi mắt, đôi mắt sáng quắt nhìn ra
biển của tượng anh hùng Nguyễn Trung Trực! Tôi được chiêm bái tượng anh hùng ở
đền thờ ngài và cả đền thờ Bà Lớn Tướng Lê Kim Định vợ chính thất của ngài. Đôi
mắt cương nghị đó toát ra khí phách của một đấng anh hùng và còn có cả sự cảnh
giác cao độ khi nhìn ra biển. Tôi không biết tâm tư của cụ Nguyễn ra sao trong
hoàn cảnh đất nước ta còn trong tay giặc Pháp, nhưng với tôi ngày nay biển mang
cho con người Việt Nam
không gian sống và trong cái bao la của đại dương kẻ thù cũng rình rập nước ta
từ ngoài biển! Chắc cụ Nguyễn cũng có cái tâm ý ấy nên tôi đọc thấy trong đôi
mắt của di ảnh cụ cái nhìn không khoan nhượng với kẻ thù.
Lần này tôi được đi tàu trên vịnh Cam Ranh. Màu của
nước biển Cam Ranh rất đa sắc: lúc thì biển xanh ngời ngợi, lúc dường như màu
xanh của biển ngả qua đen, có lúc nước biển trở nên tím hoặc ta nhìn xa một
chút sẽ thấy màu xanh cô ban đẹp
tuyệt trần. Anh Hà hướng dẫn viên có trang web daobinhba.com.vn chỉ cho tôi những phao trắng đang nổi trên mặt
biển và cho biết đó là phao để bắt tôm hùm giống. Bên dưới phao vài sải tay
người dân làng chài cột một hòn đá có một cái lỗ, con tôm hùm con cứ thấy hang
là chui vào nấp giơ hai cái râu dài ra ngoài để tìm thức ăn. Người săn tôm hùm
giống chỉ cần lặn xuống bắt bỏ vào cái xô để nổi trên mặt nước là có ngay chừng
hai ba trăm ngàn tùy từng loại tôm. Nói thì vậy nhưng cái nghề “nhì đâm hà bá” cũng vô chừng, có ngày
không được một xu, có ngày cầm chắc vài ba triệu bạc! Anh Hà còn nói thêm nếu
ngày nào trời tốt du khách còn có thể thấy hai cái “hố đen đại dương” mà nhà nước vừa nhận. Hôm tôi đi ra đảo là một
ngày trời đẹp, tôi đã nhìn thấy cái vòm màu đen to bè của con tàu ngầm không
biết là Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh đang nằm lum lum trên mặt nước. Tất
nhiên chúng tôi chỉ thấy từ xa hai con tàu của quân chủng Hải quân cũng như
thấy cái cần cẩu đang giơ lên trời cách đó không xa nơi mà quân đội đang xây
căn cứ tàu ngầm. Chỉ chừng đó thôi nhưng cũng đủ gợi lên trong lòng tôi niềm tự
hào và tự tin mãnh liệt.
Sau gần một giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, đảo Bình
Ba hiện ra với một cầu cảng dài chừng vài chục mét. Quả đúng như tên gọi, Bình
Ba sóng vỗ rất êm! Trên bến là những
hàng quán giải khát cơm phở, một khách sạn mang tên Hạnh Phúc với 3 tầng có lẽ
là khách sạn lớn nhất ở đây. Dưới thuyền
những con thuyền neo đậu với màu xanh đặc trưng của thuyền đánh cá miền Trung.
Chúng tôi ngồi uống nước ở trung tâm đảo chờ ca nô đến đón đi tắm và lặn ngắm
san hô ở bãi Nhà Cũ. Phải nói là bãi Nhà Cũ nước trong xanh vời vợi, tôi được
ngắm thỏa thuê san hô sống với thiên hình vạn trạng trong sinh cảnh với những
con nhum đen, những con tôm, con cá đủ màu. Bãi Nhà Cũ đẹp tuyệt vời! Rời bãi
Nhà Cũ chúng tôi ăn trưa trên nhà bè nuôi cá với những món ăn của biển Cam
Ranh: gỏi cá mai, cá hồng nhúng dấm, tôm đỏ nướng…ngon đến nỗi tê cả chân răng!
Buổi chiều chúng tôi ngồi chơi đón từng cơn gió mát rượi ở bãi Nồm. Từ cầu cảng
để đến được bãi này, dân phượt phải đi xuyên qua một con đường làng. Hai bên
đường là nhà ở, hàng quán…với cảnh sinh hoạt của người dân đảo. Bãi Nồm là một
bãi tắm đẹp, là nơi người Bình Ba và du khách tắm buổi chiều. Khi ngồi uống
nước mía ở bãi tôi nghe nghe Hải, một sinh viên vừa tốt nghiệp khoa du lịch và
là một công dân đảo Bình Ba kể về những lần lên núi hái trái dung dăng dung dẻ, trái sim rừng hoặc những chuyến tàu đêm đánh
bắt cá nục và cá cơm để sáng sáng bạn hàng ở Nha Trang ra mua….Tất cả những
điều ấy tạo nên một khung cảnh rất nên thơ và thanh bình đến nỗi có người ước
gì mình được ở đây để thưởng thức cuộc sống chậm và chất lượng!
Bình Ba còn nhiều nơi đến để khám phá nhưng với tua một ngày như vậy cũng đủ chiếm hết
thời gian. Khi trở về cảng Đá Bạc trên con tàu chợ, tôi lại được ngắm những nhà
bè nuôi tôm hùm, những ngọn núi đá chen cây cỏ đẹp lạ, những con tàu đi lại
trong vịnh…tất cả những điều ấy dường như là một khoảng lặng trong ngày. Trong
cái khoảng lặng ấy, trong tôi bật nên lời giải đáp cho sự xao xuyến từ sáng đến
giờ: dưới vài chục sải tay trong vịnh Cam Ranh, những con tàu ngầm sẽ cùng chín
chục triệu người dân Việt sẽ bảo vệ biên cương biển đảo, đánh thắng bất cứ kẻ
thù nào xâm lược!
VÕ ANH CƯƠNG (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________
Bài ký rất sâu sắc, nhiều thông tin hay, cám ơn tác giả
Trả lờiXóa