Hồi tôi còn là đứa trẻ khóc
nhè, mẹ tôi thường dọa: “Ông bị cọ bắt bỏ bị!”. Nhưng đối với tôi không ăn thua
gì. Lão ăn mày thi thoảng dừng lại trước cửa nhà tôi, khi lon gạo lúc năm hào,
trông ông chẳng có gì đáng sợ cả. Nhưng nếu mẹ tôi khẽ nhìn ra doi cát: “Xì!... Bà ma lai kia! ”, tôi im thin thít ngay.
Doi cát nằm ở cuối làng tôi, do
dòng sông Cù Mông bọc quanh bồi đắp nên. Ở đó lồng lộng gió và cát. Ven mép
nước mọc độc một loại cỏ lá cứng như gai, tua tủa từng chùm. Tháng sáu, vào
những buổi sáng nước cường, sóng liếm vào chân cỏ làm chúng tơi ra trơ cả gốc,
lại gặp ngọn gió nồm vừa chướng nhổ lên thổi lăn lông lốc qua doi cát, đến tận
mép nước bên kia. Tại đây, đến xế chiều trời trở gió, ngọn nam Lào đẩy chúng
ngược hành trình trở lại. Người ta gọi chúng là hoa cát. Bọn trẻ chúng tin chắc
bà Huê thuộc loại hồn ma bóng quế vì thường thấy bà vừa chạy đuổi theo bầy hoa
gió vừa cười khanh khách. Lại nghe những người đánh cá bảo rằng vào những đêm
trăng sáng, họ thấy bóng một người đàn bà đứng im phăng phắc xõa tóc hứng trăng
ngoài doi cát. Một thời gian dài mỗi khi ra bãi sông, tôi phải kệ nệ vác theo
cây cuốc.
Mãi cho tới năm 1975, khi mọi
người tưng bừng chào đón hòa bình thì bà Huê bỗng diện quần là áo lượt, tóc bới
cao, chân đi guốc, gặp ai cũng chào hỏi tươi cười. Bà đi tới đâu bọn trẻ chúng
tôi dạt ra tới đó. Ông ngoại tôi trừng mắt bảo: “Việc
gì mà sợ! Bà ấy là ma thì chúng mày là quỉ hết!”. Mẹ tôi nói : “Con dọa cháu chứ ma cỏ gì bà ấy. Ông Dền sao vẫn chưa
về ?...”. Tôi không rõ ông Dền là ai, chỉ nghe phong
thanh ông là chồng sắp cưới của bà Huê, đi tập kết ra Bắc từ năm 54, đến nay
vẫn bặt cá tăm ngàn. Sau đó bà Huê ra chợ thưa dần, rồi ở luôn ngoài doi cát
với những đêm trăng xõa tóc. Và như thể hằng đêm ánh trăng phớt bạc lên mái tóc
bà. Bà già đi nhanh chóng.
Năm năm sau, ông Dền đột ngột
trở về vừa lúc không còn ai nhắc tới ông nữa. Ông vận bộ đồ ka ki, đeo xắt cốt
đứng tần ngần giữa chợ. Dưới chiếc mũ cối lòa xòa những lọn tóc lóm đóm bạc để
dài phủ xuống tận quai hàm, ở đó bộ râu quai nón nhuộm sương tiếp tục bao quanh
khuôn mặt càng tôn vinh vẻ phong sương, bi tráng của con người ông. Ông Dền hỏi
thăm tìm đến nhà ông bộ Kiểm – cha của bà Huê -, một giờ sau ông trở ra, chiếc
nón cối trễ một bên, xăm xăm đi thẳng ra doi cát. Người ta đồn ông làm tướng tá
gì đó trong quân đội, hết đánh Mỹ lại kéo quân sang biên giới Tây Nam. Sau
không rõ vì lẽ gì ông bị giáng chức rồi cho về hưu. Không ai biết quê ông ở
đâu. Sau cách mạng tháng Tám, ông về dạy bổ túc văn hóa ở quê tôi. Thưở ấy, ông
là một thanh niên tài hoa, hoạt bát nên chẳng bao lâu cô học trò đẹp nhất lớp,
xinh nhất làng, con của ông bộ Kiểm giàu sang, cành vàng lá ngọc đã đem lòng
yêu ông say đắm dù bị gia đình cấm đoán, cho ông là đồ trôi sông lạc chợ, đũa
mốc mà chòi mâm son. Không ai biết sau trên hai mươi năm, gặp nhau trong một
tiếng đống hồ ân ân oán oán tại nhà ông bộ Kiểm, họ đã nói những gì, chỉ thấy
ông trở ra với bộ dạng của một bại tướng.
Ông Dền bắt tay sửa sang lại
căn lều, tóm cổ bọn hoa gió chất đống rồi nổi lửa, đào hố trồng dừa. Bà Huê như
hóa thành trẻ thơ tung tăng quanh những gốc dừa non, cười cười nói nói luôn
miệng. Người ta kể lại rằng bà dở khôn dở dại sau lần một đám tử tế trầu cau
dạm hỏi, ông bộ Kiểm tưởng rằng con mình đã quên người thầy giáo bặt vô âm tín
mấy năm rồi, không ngờ bà Huê gào khóc: “Anh
Dền ơi anh Dền ! Anh lang thang những đâu, đầu gềnh cuối thác; anh trôi
dạt nơi đâu, chết bờ chết bụi gì sao không về giữ lấy em!”. Bà nổi đóa đá đổ cả mâm trầu hủ rượu: “Đừng có hòng ! Đừng có hòng ! Tôi là gái đã
có chồng ! Chồng tôi là anh hùng hảo hán, là thằng lường gạt, là gã Sở
Khanh...”. Ông bộ Kiểm cất một cái chói tranh ngoài doi
cát, đuổi bà ra đó ở.
Vườn dừa ông Dền được chăm bón
chu đáo nên trong ba năm đã cao bằng đầu người và bắt đầu ra những quả chiếng.
Cánh lá xum xuê và rợp bóng là đất lành cho muôn chim về làm tổ. Những chú chào
mào đội trên đầu túm lông đỏ trông như chiếc vương miện đăng quang cho tiếng
hót lảnh lót, vút cao trên những tàu lá non chưa xòe lá trong những sớm tinh
mơ. Buổi trưa, cái nóng oi bức, rã rượi, tất cả dường như lắng lại nhường đường
cho ngọn nồm hây hẩy thổi từ cửa biển vào làm phe phẩy những cọng lá khép, bật
kêu những hồi re re rè rè càng làm cho không gian khu vườn thêm trễ tràng,
biếng nhác. Thảng hoặc đâu đấy, la đà trên tàu lá khô vắt vẻo một chú chim cu
choàng mắt thức giấc thúc lên một vài tiếng gáy cầm canh. Về chiều, gió bắt đầu
đổi hướng và theo đó không gian mở rộng ra theo những chiều kích khác. Bay cao
hơn hết và ồn ào hơn hết là bầy sáo sậu giành chỗ ngủ trong ánh tà huy.
Đam mê của tôi thuở ấy là được
cung phụng những chú chim sắc vừa dập bụng cứt, lún phún trổ bộ lông sặc sỡ màu
ngủ sắc trong những chiếc lồng xinh xắn. Vậy là khu vườn nhà ông Dền bị xáo
động bởi một thằng nhỏ trần trùng trục lăm lăm giàn thun trên tay, ngửa mặt sục
sạo trên những đọt dừa, tàu lá. Vào một buổi
trưa, khi tôi đang ngồi tót trên đọt dừa
ngắm nghía những chú chim non đang vươn cao cổ, chao chao những chiếc mỏ vàng
nở toác nôm như những đóa cúc dại thì bất đồ nghe giọng đằng hắng phía dưới của
ông Dền: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, sao cháu nỡ
phá nó đi ?”. Từ buổi trưa hôm đó, hòa bình được vãn hồi
nơi vườn nhà ông Dền. Đam mê của tôi chuyển qua con đại bàng ăn khế trả vàng,
con cá chép móng nước ngoài biển khơi, con
ngựa xích thố của Quan Vân Trường, con trâu cưởi mây của Tôn Tẩn... Trong tiếng kể chuyện vừa như trẻ học bài, vừa như lời
hát ru, vừa như tụng niệm của ông Dền. Ông ngồi trên bộ ván dừa sầy sướt, vừa
kể chuyện vừa móm mém bập bập điếu thuốc vấn trễ bên mép. Thỉnh thoảng ông dừng
kể, lừa điếu thuốc dính vào đầu lưỡi, há miệng nhả khói. Làn khói vừa ra khỏi
miệng liền bị gió đánh bạt vào bộ râu của ông, và dường như nó nhập vào những
sợi bạc lơ phơ ấy. Tôi nằm dài trên thềm, gối đầu lên ngạch cửa, thiếp dần vào
những giấc mơ bay cao cùng câu chuyện kể. Khi đã chán những Bàng Thống thoát y
tại thị, Tào Tháo tử lộ Hoa Dung, tôi ra thềm ngồi đánh chắc nẻ một cụp ca hai
ca cụp cùng bà Huê, hoặc chơi ô ăn quan mà thường khi bà cứ “Mượn lúa” dù ô
của mình vẫn còn.
Người ta kể nhau rằng hồi ông
Dền về dạy hoc, đã bày những trò chơi như vậy trong những đêm trăng thanh gió
mát. Cả tới cái ngày ông Dền hành trang xuống tàu tập kết, bà Huê trao gối xôi
còn đang nóng hổi: “Anh đi chân cứng đá mềm”, ông lại nhảy lò cò quanh bà hát câu rồng rắn lên
mây: “Thiên đường địa ngục hai bên, ai khôn thì dai
ai dại thì khôn, đêm nằm nhớ chúa nhớ cha...”. Một
hôm tôi đang bồng bềnh thiu thỉu ngủ cùng với sóng nước Triệu Tử Long đoạt ấu
chúa thì giật thót người khi nghe bà Huê kêu lên: “Cháy nhà!”. Bà
ngồi bệt xuống đất bên những ô vuông kẻ bằng than, tay đập đập mảnh sành: “Uổng công tao ! Lầu ba lầu bảy mà mày nhảy vào,
cháy cả!”. Ông Dền ngoái cổ nhìn ra cười bảo: “Lợi bất cập hại, việc gì phải nhà lầu xe hơi?”. Bà Huê đứng dậy, hươ hươ mảnh sành lên cao: “Tôi sẽ cất lại, đụng trời mới thôi. Trời mà làm nhà
tôi cháy, cháy lan cả trời cho xem”. Ông
Dền nghiêng tai bảo: “Bà giống con chim chiền
chiện ngoài kia quá, bà có nghe nó hót không ? Chỉ hoài công thôi”. Tôi dõi mắt lên nền trời xanh pha lê, một cánh chim
đang chấp chới nâng mình lên cao theo chiều thẳng đứng. Càng lên cao tiếng chim
càng ríu rít líu lo cho tới khi chỉ còn một chầm nhỏ nhoi trong bầu trời bao
la, nó bất thần im bặt, đồng thời cụp cánh lại và rơi tự do, gần tới đất nó xòe
cánh liệng một vòng rồi lại chấp chới cánh lên cao cùng với tiếng hót.
Mùa hè năm 1985, tôi lên huyện
học cấp ba. Hàng tuần về nhà tôi thường xuyên băng qua khoảng ruộng hẹp ra doi
cát thăm hai ông bà lão. Bà Huê ngày càng trẻ lại với những trò chơi của mình.
Ông Dền già đi nhanh chóng, bom đạn chiến trường bây giờ mới có thời cơ phát
huy tác dụng của nó. Những câu chuyện kể của
ông đã bị nhầm lẫn, như Điêu Thuyền cưỡi ngựa Xích thố...
Tốt nghiệp trung học, tôi theo
trường vào thành phố vẫn không quên hai ông bà lão trước ngày lên đường. Tôi
bắt gặp họ ở bãi cát, sát mép nước. Ông Dền ngồi xé tập thơ Đường ra và xếp lại
thành những con thuyền giấy cho bà Huê thả xuống sông. Gió nam Lào tháng sáu đi
qua những ngọn núi nóng rẫy, hừng hực đổ ra biển nhanh chóng thổi những chiếc
thuyền giấy mang theo cả Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Lý Bạch... ra khơi. Bà Huê nhón chân, nghiêng người thả tiếp một
chiếc nữa, khẽ ngâm: “Quân tại Tương giang đầu
/ Thiếp tại Tương giang vĩ / Tương tư bất tương kiên / Đồng ẩm Tương giang thủy”. Ông Dền ngừng tay, thẩn thờ nhìn theo những chiếc
thuyền giấy bị sóng đánh ra xa. Sau ông đưa quển sách đã rách gần nửa cho tôi,
nói: “Tặng mày đấy. À, ngày trước bắt gặp mày trên
đọt dừa tao chưa nói hết câu nói của chúa Giê Su: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, song con người không
chỗ gối đầu”. Tôi cầm quyển sách, tự hỏi sau này mình có
thể xé ra làm những con diều lướt gió không ?. Ông Dền bước tới nắm tay bà
Huê, nét mặt trở nên tươi tắn, rạng rỡ cất giọng: “Thiên đường địa ngục hai bên, ai khôn thì dại ai dại
thì khôn, đêm nằm nhớ chúa nhớ cha...”. Và
rồi họ dung dăng dung dẻ đi về phía cuối doi cát. Tôi không ngờ đó là hình ảnh
cuối cùng của hai người bạn già trong suốt thời thơ ấu của mình.
Mãi cho tới khi hoàn tất chương
trình đại học, tôi mới có dịp trở về quê thì được tin họ đã mất. Tôi ra doi cát
vào một chiều chớm đông khi ngọn gió bấc bắt đầu se se lạnh. Thời gian này kế
hoạch nuôi tôm sú đại trà đã phổ biến rộng rãi trên các vùng ven biển. Doi cát
cũng nằm trong kế hoạch. Tôi đi giữa những bờ ngang bờ dọc tiếp nối, đan chéo
nhau chạy quanh bờ mép nước, giữa tiếng cười nói ồn ào của những người nuôi
tôm, tiếng xe ủi gâm rú. Những thân dừa bị đốn ngã, phát quang. Thế giới loài
chim ngày xưa tan tác. Tôi đi về cuối doi cát, nơi hình ảnh cuối cùng còn lại
trong tôi về hai ông bà lão nắm tay nhau dung dăng dung dẻ mà dõi mắt lên bầu
trời hoàng hôn mông muội, cố tìm một bóng chim chiền chiện. Dường như ngoài
kia, trên mặt đầm Cù Mông tím sẫm, có một chiếc thuyền giấy khổng lồ đang dần
hiện rõ. Trên cánh buồm rách tả tơi nổi bật một dòng chữ lấp lánh như ánh lân
tinh, chập chờn như ma trơi: “Vọng mỹ nhân hề, thiên
nhất phương...”.
NGUYỄN HUỲNH (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét