1. Hắn xoay tít cây bút trên tay, trang giấy trước mặt
vẫn trắng tinh, đầu óc mụ mẫm, tiếng chó sủa đầu xóm nghe rờn rợn.
Một tiếng động có lẽ trên trần nhà, chưa kịp ngước mắt nhìn lên,
những giọt máu đỏ tươi rơi xuống tung tóe trên trang giấy.
Hắn hoảng
hốt, lo lắng, sợ sệt. Máu ở đâu ra vậy? Trần nhà đóng thạch cao còn
mới nguyên kia mà! Hắn đứng bật dậy, mở cửa bước ra ngoài. Trời đêm
trong khu vườn lặng thinh, chỉ có gió. Hắn nghe lạnh ở sống lưng vội
quay vào. Trên chiếc ghế của hắn một người đàn bà đang ngồi, tóc tai
rủ rượi với nhiều sợi trắng. Hắn kinh hoàng định bỏ chạy nhưng không
nhắc chân lên nỗi. Người đàn bà quay lại nhìn hắn:
-Ông
là nhà văn? Ông biết ta là ai không?
Người
đàn bà đứng lên, chiếc áo rách bươm, máu đang rỉ ra từ vết thương
trên ngực. Bà liêu xiêu vịn bàn đi về phía hắn. Hắn sợ hãi lùi dần,
lùi dần, người đàn bà vẫn tiến tới, mờ dần mờ dần, rồi biến mất.
Hắn dụi mắt, chỉ thấy bóng mình in trên vách. Hắn thở hắt ra như
trút đi nỗi sợ hãi rồi lại bàn ngồi. Những vết máu trên trang giấy
biến đâu mất, thay vào đó là những trang viết với tiêu đề thật lớn:
Lời nguyền hai mươi năm. Hắn cắm cúi đọc.
2.Lời nguyền hai mươi năm
-Nội
ơi! Sáu giờ rồi, nội mở đài nghe đi!
-Ừ!
Cái gậy của nội đâu?
-Dạ
đây ạ!
Ông
đưa tay đón chiếc gậy từ đứa cháu nội, rồi dò dẫm đi lại chiếc tủ nhỏ đặt ở góc
phòng. Ông vặn máy dò đài, bản tin buổi sáng bao giờ cũng cho ông những giây
phút dễ chịu nhất. Từ ngày đôi mắt của ông vĩnh viễn mù lòa thì chiếc Philip
bán dẫn sáu pin kia chính là người bạn thân thiết nhất đời ông.
-Nội
ơi! Nội ra ăn cơm với con. Nội suy nghĩ gì mà ngồi thừ người ra thế?
-À,
không! Nội có suy nghĩ gì đâu! Cháu ăn trước rồi đi học kẻo trể.
Thật
ra ông đang giấu nó những hồi tưởng của mình. Cách đây gần hai mươi năm, ngày
giải phóng quê hương... Ông thù ghét đứa con trai duy nhất của ông từ ngày đó.
Gần hai mươi năm qua ông không hề nói một lời nào với nó, ông vĩnh viễn từ bỏ
nó dẫu rằng nó đang đối xử tốt với ông. Ông đã thề nguyền như thế trước hương
hồn vợ ông và ông nghĩ rằng bà ấy cũng đồng ý với ông.
Có
tiếng gõ cửa. Ông đứng dậy
-Thưa
bác, anh Tấn có nhà không bác?
Ông
không thèm trả lời chống gậy quay lưng bỏ vào nhà trong
-Bình
đó hả, có gì vậy?
-A!
Anh Tấn, có điện của cháu Phúc gởi về cơ quan cho anh, ngày mai cháu về phép.
-À
ra vậy! Cảm ơn Bình nhiều! Thằng Phúc con trai mình kể từ ngày đi bộ đội đến
nay là hai năm, bây giờ là đợt phép đầu tiên đó, chắc cả nhà rất vui!
-Anh
Tấn à! Ông cụ khó tính nhỉ? Khi nãy em…
-Vâng,
ông ấy hai mươi năm nay vẫn thế, chỉ nói chuyện với mấy đứa nhỏ thôi, còn vợ
chồng mình ông cụ xem như không có!
-Sao
vậy anh?
-Cũng
tại mình thôi! Hồi năm 1975, mình mới lấy vợ sinh thằng Phúc được hai tháng.
Ngày giải phóng vợ chồng mình thúc ông bà cụ chạy ra thành phố cho bằng được.
Ông bà cụ chỉ có mình là con trai duy nhất, thằng Phúc là cháu đích tôn nên
đành phải theo vợ chồng mình bỏ quê chạy loạn.
-Thế
ông bà cụ giận vợ chồng anh từ đó?
-Không
đơn giản thế đâu Bình ạ! Khi cả nhà mình chạy mới được vài chục cây số,
lính ở đồn kéo xuống, chúng bắn xối xả vào nhau, bắn cả vào đám dân vô tội hai
bên đường. Bà cụ mình bị đạn ở ngực chết ngay lúc đó.
-Thật
bi thảm! Còn bác trai?
-Chôn
cất mẹ mình xong, ông cụ không nói gì với vợ chồng mình. Cứ chiều chiều ra ngồi
bên mộ bà cụ mà khóc. Mình lo quá, mà đúng thật, đôi mắt ông cụ hư luôn từ đó.
Cái tội của mình lớn lắm, mình chấp nhận sự lạnh nhạt ruồng bỏ của ông.
-Tôi
thấy ông cụ hơi quá đáng! Chuyện rủi ro có gì đáng trách đâu! Hơn nữa gần
hai mươi năm nay công việc của anh không làm ông cụ hài lòng sao?
-Thôi
đừng nói chuyện đó nữa!
Làm
việc cùng cơ quan với Tấn, Bình biết rất rõ việc làm của anh. Hơn thế nữa anh
còn phấn đấu để chuộc lại lỗi lầm to lớn
mà anh tự nhận là mình đã gây ra cho ông bà cụ.
Tiếng gậy trúc
gõ trên nền gạch hoa cắt ngang những suy nghĩ của Bình và Tấn. Ông cụ vịn
giường ngồi xuống, đôi mắt dõi xa như đang tìm kiếm một cái gì đã mất.
-Anh
Tấn nè! Cậu An xin làm hợp đồng ở cơ quan mình em đã chuyển hồ sơ qua tổ chức.
Cậu ấy trước kia có đi cải tạo nhưng đợt kỷ niệm mười lăm năm giải phóng quê hương cậu ấy được ân
xá, từ đó đến nay phấn đấu tốt, không có vấn đề gì rắc rối cả. Anh xem xét giải
quyết. Thôi em phải về, xin phép anh!
-Được,
Bình về ngày mai gặp nhau ở cơ quan nhé!
-Con
chào bác!
Ông
cụ không trả lời, miệng lẩm nhẩm điều gì nghe không rõ.
Tấn
muốn báo với ông cụ ngày mai thằng Phúc về phép để ông cụ vui nhưng anh không
nói gì cả. Anh ngồi yên lặng nhìn ông cụ lòng rộn lên bao thương yêu lẫn hối
hận. Hai mươi năm nay chỉ một lần ông cụ nói với anh “Mày vào thắp hương mẹ mày
đi” khi thằng Phúc đi bộ đội. Câu nói duy nhất bởi một lời nguyền. Tấn muốn
khóc thật to để vơi đi bao xót xa dằn trở trong tim anh. Tấn muốn ôm người cha
mù lòa nói những lời yêu thương như hồi còn nhỏ. Ông cụ thật gần nhưng lại quá
xa. Ông đâu biết rằng đã bao nhiêu lần trong một ngày Tấn lặng yên nhìn ông như
thế.
Một tiếng nấc
nghẹn dù rất nhỏ của Tấn cũng làm ông giật mình
-Ai
đó?
-Dạ
con, Tấn đây! Thằng Phúc nhà mình ngày mai về phép con muốn tổ chức một buổi
họp mặt đón cháu, ý ông thế nào?
Không
hề nói một tiếng, ông quay lưng bước vội về phòng. Tấn đưa tay định dìu ông đi
nhưng vội vàng dừng lại hụt hẫng. Tấn òa khóc như một đứa trẻ.
Trong
phòng, em thằng Phúc thủ thỉ bên tai ông
-Nội ơi! Hôm nay
anh Phúc về phép
-Ừ thằng Phúc
của nội về phép, nội rất vui, cháu có vui không?
-Vui
lắm chứ, bố mẹ cháu cũng vậy!
-Bảo
bố mẹ mày mua một con vịt nấu cháo cho nó ăn, hồi nhỏ nó thích ăn cháo vịt lắm.
-Bố
mẹ cháu chuẩn bị rồi, nhưng nội phải ăn chung với cả nhà thì anh Phúc mới vui
được. Thư nào anh ấy cũng dặn bố mẹ cháu chăm sóc nội đấy!
Ông
quay mặt giấu đi những xúc động đang ùa lên gương mặt đầy nếp nhăn, ông cắn
chặt hai hàm răng vào nhau nuốt vội những giọt nước mắt chuẩn bị trào ra. Nhưng
không kịp, hai giọt lệ ngoằn ngoèo lăn trên má, cậu bé bắt gặp vội vàng hỏi:
-Vì
sao ông khóc?
Ông
chưa kịp trả lời, câu bé đã la lớn:
-A!
Anh Phúc đã về rồi nội ơi!
Phúc
ném vội ba lô nhoài vào người ông. Ông dang rộng đôi tay ôm chặt đứa cháu vào
lòng. Ông sờ lên tóc, lên mặt như muốn
truyền sang cho nó tất cả nhớ thương chờ đợi.
Hai ông cháu quên tất cả mọi người đã có mặt đông đủ. Buông vội thằng
Phúc ông quờ quạng đôi tay hỏi:
-Bố
mẹ mày đâu Phúc?
-Dạ
chúng con đây! Tấn vui mừng trả lời
-Mày
dẫn tau lại bàn thờ mẹ mày, thắp hương lên!
Không
chỉ một mình Tấn mà cả nhà cùng dìu ông đi. Tấn run run bật quẹt thắp hương.
Anh dỡ tấm khăn điều phủ tấm ảnh trên bàn thờ, đôi mắt sáng trên tấm ảnh đang
nhìn mọi người chờ đợi. Ông cụ lầm rầm khấn vái. Run run, quờ quạng tự tay ông
cắm nén hương lên bàn thờ
-Tấn
đâu?
-Dạ
con đây!
Ông
dang rộng đôi tay, Tấn sà vào ôm chặt lấy ông khóc nức nở. Trên bàn thờ những
vòng khói hương bay lên nhè nhẹ giải thoát một lời nguyền đã hai mươi năm.
3.Đọc xong, hắn thầm nghĩ: đây là truyện ngắn mình
viết đã hai mươi năm qua rồi, sao bây giờ lại ở đây.
-Nhà
văn ngạc nhiên lắm sao?
Ngước
nhìn lên, hắn vô cùng kinh ngạc và sợ hãi, trước bàn viết của hắn
là những bóng ma. Dễ nhận ra đó là người đàn bà khi nãy và hai
người đàn ông, một già một trẻ.
Người
đàn ông trẻ mặt tái xanh như người thắt cổ:
-Ta
là Tấn, đã tự vẫn chết sau năm năm bị ông già hất hủi với nỗi đau
bị ruồng bỏ.
Người đàn ông
già da bọc lấy xương, chỉ thấy hai hốc mắt và đôi tay quờ quạng:
-Ta là thằng
già mù, bố của thằng Tấn, đã chết tức tưởi ngay sau đó vì đau khổ
mất vợ, mất con.
Cả hai cùng
nói:
-Chính câu
chuyện có hậu của nhà ngươi đã làm cho gia đình chúng ta hơn mấy
chục năm qua dẫu ở dưới nhà mồ vẫn không lúc nào được bình yên cả.
Hắn đã mơ hồ
hiểu ra nên dần bình tỉnh trở lại:
-Vì sao vậy?
-Câu chuyện
láo toét của nhà ngươi đã biến chúng ta thành những thằng đàn ông
hèn, đã chết mà chúng ta vẫn cứ hổ thẹn với chính mình.
-Ta muốn nhà
ngươi phải viết lại sự thật, bài viết phải mang đến đốt trước mộ
của chúng ta trên nghĩa trang Lời Nguyền bên kia quả đồi để chúng ta
được thanh thản, nếu nhà văn viết không trung thực chúng ta sẽ bắt
hồn bắt xác tụi bay.
Ba bóng ma lắc
lư tiến đến. Những chiếc lưỡi thè ra dài ngoẵng, những đôi tay đầy
móng vuốt đưa về phía hắn. Hắn rú lên rồi .... bừng tỉnh. Trước mắt
vẫn là trang giấy trắng, tiếng chó sủa từ xa nghe rờn rợn, nhưng hắn
không còn sợ hãi nữa. Hắn cầm bút viết.
NGUYỄN BÁ HÒA (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________
Truyện ngắn ý nghĩa, rất thích. Cám ơn tác giả NBH. Chúc anh viết khỏe, viết hay. Thân, Bình Giang.
Trả lờiXóa