1. Bên này sông
là làng tôi, chuyên sống bằng nghề trồng rau. Không chừng cũng đã trăm mùa. Chẳng
biết ai là người đầu tiên trồng, thấy thu hoạch khá, nhà nhà rủ nhau trồng.
Không rõ nguyên cớ nào mà cây cải là số một. Có lẽ cải dễ trồng, dễ sử dụng. Cải
để nguyên lá cuốn thịt cuốn cá chấm muối sống trộn với ớt xanh giã dập. Cải nấu
canh, canh thịt bò, canh tôm đều được cả. Cải thái thành sợi nhỏ ăn với cháo
nóng. Cải để nguyên cây ướp muối cho vào cái hũ sành làm dưa. Mẹ tôi gọi là dưa
cải trường. Dưa cải trường có thể ăn với cơm, có thể kho với cá.
Mùi cải tươi sống hăng hăng, cay cay, nồng nồng. Hương hoa cải
thơm ngai ngái, mùi quê chính hiệu, không lẫn vào đâu được.
Thuở nhỏ, hai anh em tôi rủ nhau dạo quanh những luống hoa vàng,
đuổi bắt những con bướm trắng nhởn nhơ bay lượn. Mẹ tôi nhìn theo mắt cười mãn
nguyện. Mẹ vui lắm. Cha mất sớm, mẹ nuôi anh em tôi bằng những đồng tiền gom nhặt
từ những bó rau cải. Ngày anh vào đại học, cả làng tôi , một cánh đồng hoa cải
đang rạo rực chao lượn dưới vòm nắng tịnh. Màu vàng chẳng kiêu sa diệu vợi, chẳng
khoe đòi sặc sỡ mà sao ngờm ngợp trong mắt mẹ bao nhiêu là hạnh phúc. Mẹ lưu giữ
trong tim hình ảnh lung linh đầy tự hào của anh tôi và của cánh đồng vàng đang
độ mãn khai. Trai gái thành phố rủ nhau về làng tôi ngắm hoa chụp ảnh. Họ chỉ
biết cái đẹp nổi lên trên ngồng cây, làm sao biết được cái đẹp chìm lắng trong
lòng đất được các bà mẹ quê vun xới mỗi ngày. Họ càng không tưởng tượng được anh
em tôi đã lớn lên từ những bữa cơm ăn với dưa cải trường mẹ muối và bước chân
vào giảng đường đại học bằng những hạt mầm mùa nối mùa ẩn giấu trong những nụ
hoa vàng đó.
Thời gian trôi. Mùa hoa cải cứ vàng nối vàng. Mẹ vẫn thầm lặng làm
đất gieo hạt cấy cây con chăm sóc thu hoạch rồi mang ra chợ bán. Khi anh tôi sắp
ra trường, tôi học xong cấp ba, chúng tôi mới nhận ra hình như những ngồng hoa
cải ngày càng khẳng khiu hơn, những cánh hoa đã vương vài sợi tóc bạc của mẹ
đánh rơi.
- Mẹ ơi! Con là con gái, học như thế là nhiều lắm rồi, con ở nhà
giúp mẹ nghe.
Nghe tôi nói vậy, mẹ lặng thinh. Đợi cho mấy con chuồn chuồn bay
xa mẹ mới lên tiếng:
- Mẹ còn sức, còn làm được, con cứ đi học tiếp. Anh con sắp ra trường
rồi, nó sẽ lo cho con.
Sợ mẹ giận, mẹ buồn, tôi lặng lẽ lấy sách vở ra ôn bài. Nghe cay nồng
ở mắt. Không phải hương cải ngoài vườn theo gió vào nhà, có lẽ từ đôi mắt mẹ xa
xăm.
2. Anh tôi về.
Tôi giúp mẹ làm cơm. Cũng chẳng có món gì lạ cả, vẫn là canh cải nấu với tôm và
cá trê đồng nướng chấm mắm gừng. Mẹ hoạt bát hơn ngày thường, cả tôi nữa. Hai mẹ
con vừa làm cơm vừa trò chuyện rôm rả.
- Thằng Mạnh ra trường xin được việc làm, tha hồ con Mân được ăn
no mặc ấm!
Nghe mẹ nói tôi thấy vui. Ước mơ duy nhất và lớn nhất của đời mẹ
là thấy con thành đạt ăn sung mặc sướng.
- Anh Mạnh học giỏi lắm đó, chắc sẽ kiếm được việc làm thôi. Mẹ đừng
thức khuya dậy sớm nữa, đau xuống thì khổ.
- Mẹ thức khuya dậy sớm đâu phải vì các con, vì mấy luống cải
ngoài đồng kia kìa!
Tôi đùa cho mẹ vui:
- Mùa này đừng thu hoạch, cứ để cho nó ra hoa cả, chắc là đẹp lắm!
- Ừ! Đẹp lắm, nhưng bù lại phải nhịn ăn cả tháng đó.
Bữa cơm gia đình ấm cúng. Mẹ cứ luôn miệng giục anh ăn nhiều vào.
Anh cứ ậm ừ, hết nhìn tôi lại nhìn mẹ. Nhận ra mẹ lo lắng:
- Con có chuyện gì muốn nói phải không?
Được mẹ gợi chuyện, anh tôi mạnh dạn hơn:
- Dạ! Con có chuyện quan trọng muốn thưa với mẹ!
Anh tôi tìm được học bổng đi du học ở Nhật. Nửa muốn đi để được học
hành đến nơi đến chốn, nửa muốn kiếm việc làm giúp tôi học hành, phụ thêm đỡ đần
cho mẹ. Bất ngờ quá! Tôi há hốc mồm, tròn xoe mắt. Mẹ yên lặng. Ở làng quê này
có đứa nào đi du học nước ngoài đâu. Tin mừng tin vui lớn như thế sao trong
lòng cứ ngùi ngùi khó tả. Mắt mẹ rưng rưng. Sau thời gian kiềm nén cảm xúc mẹ mới
mở lời:
- Được đi học không tốn tiền sao lại phải đắn đo phân vân hả con!
Ngày xưa mẹ lo được cho hai đứa, bây giờ chỉ lo cho con Mân thôi, chuyện nhỏ
mà, con cứ đi.
Chơi được mấy hôm anh tôi trở lại trường, lo thủ tục hồ sơ gì đó.
Mẹ gom góp vay mượn cho anh một khoản tiền kha khá làm hành trang lên đường.
Ngày anh đi, cả làng đưa tiễn. Mẹ đón nhận những lời chúc mừng của
bà con làng xóm, nước mắt cứ chực trào.
Cũng chỉ hai mẹ con thôi nhưng từ ngày anh đi ngôi nhà vắng lạnh
hơn. Tưởng mẹ sẽ vui hơn, nhàn nhã hơn ai ngờ mẹ lao vào việc đồng án khai phá
thêm đất trồng thêm các loại rau khác. Có phải đó là cách duy nhất để mẹ nguôi
ngoai nỗi nhớ con!
Tôi cũng đã thi đỗ vào trường đại học. Một thân một mình làm sao mẹ
chịu nỗi những ngọn bấc buốt xương, những ngọn tây rát bỏng. Tôi đem lo âu nói
với mẹ. Mẹ cười, cây cải còn chịu được cái đất này thì mẹ cũng chịu được. Nó vẫn
lên xanh vươn ngồng trổ hoa thì niềm vui của mẹ vẫn lấp lánh sắc vàng
3. Anh em chúng
tôi học hành rất chăm chỉ. Anh sắp xong khóa du học, tôi cũng đã năm thứ ba đại
học rồi.
Mẹ của bạn tôi ở phố, trạc tuổi mẹ, xấp xỉ sáu mươi vẫn phấn son lộng
lẫy. Cà phê buổi sáng, nhảy nhót buổi chiều, phim ảnh ca nhạc buổi tối. Còn mẹ
tôi, sống một mình, nỗi cô đơn, nắng sớm mưa chiều bào mòn sức lực của mẹ. Nhiều
lần tôi nghĩ mình sẽ không lấy chồng, cứ ở bên mẹ để mẹ bớt cô đơn. Nhưng rồi
duyên phận đẩy đưa, tôi đã quen một người, còn hẹn nhau sau khi ra trường sẽ
làm đám cưới.
Lo cho những đứa con đang bay nhảy nơi chân trời góc bể, mẹ ngày
ngày vẫn bám đồng rau, tối về thui thủi đọc thư con. Sau này tôi mới biết một
trong những lá thư của anh gởi về khiến mẹ nhiều đêm không ngủ. Anh muốn làm việc
ở xứ người, muốn đưa mẹ sang sống với anh. Chuyện này rất bình thường với những
gia đình khác, nhưng với gia đình tôi, với mẹ tôi, tin vui này như một tiếng
sét đánh vào tim mẹ. Xa quê là nỗi đau lớn nhất của mẹ. Chưa bao giờ mẹ nghĩ
mình sẽ rời xa mảnh đất này. Đã quen chân lấm tay bùn dễ gì hòa nhập chốn phồn
hoa đô thị huống chi ở tận xứ người.
Anh bảo tôi thuyết phục mẹ. Tôi do dự, nhưng rồi nghĩ lại mình đi
lấy chồng tận đẩu tận đâu, mẹ sẽ ra sao. Thế là một lần về nhà tôi đã rủ rỉ rù
rì với mẹ:
- Mẹ ơi! Con đã có bạn trai, quê anh ấy ở tuốt tận thành phố.
Không biết có nên tiếp tục quen anh ấy không?
Đôi mắt mẹ rực sáng. Mẹ vui lắm:
- Con gái lo chuyện chồng con là đúng rồi, sao lại nói vậy hở con!
- Chỉ sợ mẹ sống một mình, tuổi già ai chăm sóc, hay là…
- Hay là cái gì?
- Mẹ sang ở với anh, có mẹ có con, giúp anh thực hiện ước mơ tạo dựng
sự nghiệp vững chắc bù lại những vất vả của mẹ suốt thời gian qua. Mẹ xem cả
làng mình có ai được vinh dự ấy đâu.
Mẹ lặng thinh, được thể tôi yêu sách với mẹ:
- Mẹ không đi thì con cũng không lấy chồng hoặc anh con sẽ về nước.
Chúng con phải có đứa ở bên mẹ.
Mẹ thở dài nghe xót xa lắm. Trong mờ trăng nhờn nhạt tôi thấy
khuôn mặt mẹ như lá cải bị sâu ăn, nhăn nheo, yểu xàu. Tôi giật mình xin lỗi mẹ
và không dám nói thêm gì nữa.
Cả đêm tôi không ngủ, gần sáng mới chợp mắt được một chút. Khi tôi
thức dậy mẹ đã ra đồng. Chắc đêm qua mẹ không ngủ. Tôi vội vàng chạy theo mẹ.
Tay mẹ đang nâng niu chùm hoa cải nhưng đôi mắt dõi tận phương xa.
- Mẹ!
Mẹ giật mình quay lại:
- Cái con làm mẹ hết hồn.
Cánh đồng hoa cải vàng lấm tấm sương đêm. Mẹ đứng giữa dải vàng
nguyên sơ chân chất. Gió nhẹ dải vàng lả lơi mời gọi. Mẹ như một thiên thần ban
sắc vàng cho buổi mai quê bừng lên tình yêu, sự yên bình và tràn đầy sự quyến
rũ của cuộc sống.
- Mẹ đẹp lắm! Con chụp cho mẹ một kiểu nghe.
Mẹ giãy nảy:
- Ngày nào mẹ cũng lẫn trong màu xanh màu vàng nhà quê này rồi, chụp
làm gì. Khi nào mẹ đi xa con chụp cánh đồng hoa vàng này gởi sang cho mẹ xem để
đỡ nhớ quê.
Tôi sửng sốt:
- Mẹ đồng ý ở với anh rồi phải không?
Mẹ thở dài mắng yêu tôi:
- Còn cách nào nữa đâu! Để cho cô còn đi lấy chồng chứ!
Tôi biết đêm qua, tóc mẹ đã có thêm nhiều sợi bạc, trán mẹ thêm
nhiều nếp hằn mới nguyên.
- Con gọi báo cho anh hai biết nghe mẹ!
- Vội vàng gì, mẹ chỉ đi khi nào thằng Mạnh bên đó ổn định công việc,
có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, còn con thì đã về nhà chồng.
Gió hắt hương cải thơm ngai ngái. Những sợi nắng hồng ban mai lẫn
trong màu vàng hoa dát lên mắt mẹ sự huyền nhiệm lung linh. Tôi ôm chầm lấy mẹ.
Bóng hai mẹ con đổ dài vờn lượn trên cánh đồng đằm đẵm hoa vàng.
4. Lại một mùa
hoa cải đến. Tôi có chồng, được chúc phúc sớm hơn dự định. Anh tôi đã thuê được
một nhà trọ cách nơi làm việc không xa lắm. Nghe tin mẹ tôi sắp đi nước ngoài ở
với con trai, bà con bạn bè đến chia vui khen ngợi chúc mừng. Cả làng náo nức với
hạnh phúc của gia đình tôi. Mẹ vẫn bình thản, chỉ cười và cảm ơn.
Sắp xếp đâu vào đấy, vợ chồng tôi, anh tôi về họp mặt để bàn tính
chuyến đi của mẹ. Thấy mẹ vẫn ra đồng
chăm sóc rau, còn gieo hạt cho mùa vụ mới. Anh tôi lo lắng:
- Mẹ làm lụng vất vả cả đời rồi, nghỉ ngơi vài hôm, còn phải sắp xếp
chuyện nhà nữa.
Chúng tôi hoảng hốt khi nghe mẹ nói mẹ đi sướng cho thân mẹ nhưng
bỏ cha lại một mình sao chịu được. Thì ra lâu nay chúng tôi cứ tưởng mẹ sống cô
đơn một mình, nhưng với mẹ, mẹ còn có cha, hình bóng của cha vẫn theo mẹ ra đồng,
vết chân cha vẫn vẹt mòn đà cửa, còn in rõ mồm một trên sàn nhà. Bây giờ mẹ đi
cha ở với ai! Sao chúng tôi nông nỗi quá, nghĩ rằng đưa cha về bên chú là được,
ai ngờ?
Anh tôi lại phải thuyết phục mẹ:
- Đã sắp xếp đâu vào đấy rồi mẹ ơi. Đưa bàn thờ cha về nhà chú, ruộng
đất giao cho các chú các dì canh tác, ngôi nhà này gởi bác Sáu coi ngó khi
chúng ta về có chỗ vào ra.
Hình như mẹ còn sắp xếp chu đáo hơn chúng tôi:
- Mẹ sẽ đi, nhưng chỉ qua thăm chơi non non nửa tháng là mẹ về. Mọi
việc mẹ đã nhờ bác Sáu cả rồi. Các con không dứt mẹ ra khỏi mảnh đất này được
đâu!
Không ai thuyết phục được mẹ. Thôi, làm theo ý mẹ để mẹ vui.
Anh em chúng tôi hãnh diện lắm, ai cũng bảo nhà có phước mới vuông
tròn hanh thông đến vậy. Cả làng biết mẹ chỉ đi du lịch nhưng vẫn đến tiễn đưa
chí tình chí nghĩa. Cái làng quê bé nhỏ này là thế, vui hưởng chung, buồn sẻ
chia mỗi nhà một ít.
Xong việc, vợ chồng tôi về phố. Khi qua gởi chìa khóa nhà và chia
tay bác Sáu tôi thấy lòng trĩu nặng. Cái buồn càng thấm thía hơn khi chúng tôi
rời làng bỏ lại cánh đồng hoa vàng đang vẫy tay chào tạm biệt.
5. Mẹ đi non nửa
tháng rồi. Anh bận công việc không đưa mẹ về được, cứ hẹn lần tới. Mẹ đòi về, mẹ
nhớ nhà không chịu được. Anh tôi gọi về bảo tôi chụp cánh đồng hoa cải nhà mình
gởi sang cho mẹ vui. Tôi đâm lo. Ngày trước mẹ có dặn, khi mẹ đi xa nhớ chụp cánh
đồng hoa cho mẹ xem để đỡ nhớ quê. Sao lần trước ở quê mình quên mất, bây giờ ở
phố tìm đâu ra cánh đồng hoa cải chứ! Tôi bảo anh lục tìm ảnh trên mạng đưa mẹ
xem, khi nào sắp xếp được sẽ về quê chụp cánh đồng hoa nhà mình gởi qua sau. Được
vài hôm anh lại gọi về bảo mẹ cứ thinh thinh chẳng chịu ăn uống gì cả. Còn anh,
áp lực công việc ghê lắm, có bố trí được cũng một tháng nữa mới đưa mẹ về.
Tôi hình dung ra, khi anh đi làm, mẹ ở nhà một mình cô độc, đôi
tay quen làm giờ thừa thải không biết để đâu. Quay quắt nhớ, nhớ quê nhớ cảnh
nhớ người.
Tôi vội vàng về quê, may mắn cánh đồng hoa vẫn còn khoe sắc. Tìm một
góc máy để chụp sao cho mẹ biết đây là cánh đồng hoa cải nhà mình. Đang loay
hoay chụp thì anh gọi về, giọng gấp gáp:
- Không ổn rồi Mân ơi. Mẹ trở bệnh nhanh quá, nặng quá. Đang ở bệnh
viện đây. Khi mẹ khỏe anh sẽ đưa mẹ về ngay, vợ chồng em thu xếp về quê dọn dẹp
nhà cửa nghe.
- Em đang ở quê đây, anh cứ lo cho mẹ, nhớ gọi thường xuyên cho em
nghe.
Cả anh em tôi, cả bà con làng xóm không ngờ ở một đất nước có nền
y học tiên tiến như thế vẫn bó tay trước tâm bệnh của mẹ.
Niềm vui quá ngắn ngủi. Anh sẽ đưa mẹ về nhưng chỉ là thân xác. Linh
hồn mẹ đã về tự bao giờ, lãng đãng chập chờn theo từng chùm hoa cải vàng bên
góc vườn hiu quạnh.
Bà con làng xóm thương khóc mẹ. Anh em tôi khóc mẹ còn vì ân hận
đã áp đặt cuộc sống của chúng tôi lên cuộc sống của mẹ. Sự hy sinh của mẹ cho
chúng con đến tận giây phút cuối đời.
Việc hậu sự ở quê nhà đã được bà con sắp xếp chu đáo. Chỉ chờ mẹ về
thôi. Trên bàn thờ, bên cạnh chân dung mẹ là chân dung cánh đồng hoa cải. Khói
hương bay như mây gió trên đồng.
Nguyễn Bá Hòa
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét