Những ngày nắng Rò Leng hanh hao mé lộ, tất thảy những thửa ruộng
vạm ra những thửa đất cằn khô. Sau một trận mưa đầu mùa, con lộ nhỏ chạy
về Ba Xoài thốc lên từng vạt khói thanh mảnh, không mù mịt cũng không mau bay
lên, cứ vương vít dưới hàng tán bạch đằng hai bên chạm vào nhau bằng những cánh
lá sân si. Rừng cây phía núi cũng sân si như thể sẽ vứt được mãi mãi bụi bặm ra
khỏi thân mình. À Rươl khoái ngắm những cánh lá bằng lăng non tơ tím
mọng, bông cũng tím. Màu tím của bông thì mặn mà, dịu dàng y như Mì Tha
lúc cười với À Rươl vậy. Hai năm
nay rồi, À Rươl mới thấy ở đây đẹp vậy. Ở chỗ làm, À Rươl tất bật hoài. Chôl
Chnăm Thmây, Đôn ta … người ta đều không cho về
Nhà thuốc nam của bà Sáu nổi tiếng
nhất Tịnh Biên, dân tận thành phố, miền Đông đổ xô vô chợ biên giới Tịnh Biên
mua sắm, du lịch sẵn ghé lại hốt thuốc về “hồi bổ” sức khỏe. Ngày nào có mưa hoặc lượng
thuốc kịp đáp ứng cho người bệnh thì À Rươl khỏi phải chịu trận giữa trời phơi thuốc
mà được hiếm hoi về thăm nhà. Qua hết bọng cống, À Rươl dắt xe thẳng vô nhà rồi
trở ra vác mấy bung tưc nop (*) vô rừng.
Lần này về ở luôn, có lâu, sao À Rươl không thấy rừng xa lạ mà rừng cứ thưa
thớt hơn lúc trước, chỉ cao hơn một chút. Dưới chân, suối ranh rách chảy đưa
dòng từ khe rễ trên cao xuống ven lộ. Suối là rừng khóc, nũng nịu với người.
Hết nắng cháy thì mừng, cũng có; có À Rươl lên thăm thì dang tay ôm vào lòng
nức nở, cũng có. Thốt nốt trên rừng ít cây, dưới ruộng nhiều cây mà À Rươl đi
thẳng lên rừng. Thanh niên khmer không ai không biết leo thốt nốt. Thân hình À
Rươl không gọn gàng, bắp thịt bầng bậng, đen đúa vậy mà tay thoăn thoắt, chân
đẩy mạnh và áp chắc nịch vào
thân cây sần sùi, À Rươl leo giỏi như mọi buổi sáng khi sương còn
chưa tan hết những tấm chăn buốt lạnh quái ác trùm thân núi trườn dài giữa dãy
Thất Sơn mầu nhiệm. Lúc bên kia núi nhô lên vành mặt trời tròn tròn đỏ chói, À
Rươl leo chưa hết bảy cây thốt nốt thay bung – tưc – nop cho kịp đem qua lò nấu
đường. Qua nhà đó, À Rươl ở lâu lâu mới chịu về , vì có Mì Tha.
o0o
Mì Tha đi học được hai năm rồi. Học
Đạihọc ở Long Xuyên bốn năm lận.
- Ra trường rồi Tha ở đó luôn hả Tha?
- Người ta đưa mình đi đâu thì mình đi
đó. Mình là người dân tộc, nhà trường không kêu đóng học phí, ở kí túc xá không
tốn tiền gì hết… mình phải ráng học cho giỏi tới khi ra trường thì được về quê
Tri Tôn mình dạy học.
- Ư, học bốn năm ở đó thành người thành
phố luôn. Tha quên sóc Rò Leng luôn.
- Y, sao mà quên. Đất mình ở, nhà mình
ở, âu maie (**) nhớ hoài nữa á!
Mùa hè. Mì Tha về. Au maie nói Mì Tha không phải về thăm nhà, Mì Tha về dạy
học. À Rươl bỏ cặp thồ xuống, dắt xe ra rồi đạp một mạch ra đầu sóc. Thấy có
mấy chú ở Ủy ban xã chạy ngang, mỗi chú chở theo một thanh niên mặc áo xanh,
lưng áo nổi rõ hàng chữ “Anh sáng văn hóa hè”. Đọc được chữ, nhưng à Rươl không
hiểu nghĩa của nó là gì hết. Kệ người ta, Mì Tha không về thì đứng đây chi! À
Rươl quày xe ngược vô sóc. Vòng xe lăn bánh ngốn xuống mặt đường đá sỏi thành
tiếng kêu roàm roạp giữa cái nóng oi bức. Nắng làm rỏ mồ hôi lăn nhễ nhại trên
trán, ướt mem lưng áo, không biết có phải nắng làm chân mày à Rươl nhíu lại?
- Pu (***) nói Mì Tha về, Mì Tha không
về đâu! – À Rươl lấy chân phải gạt mạnh tó xe dựng đại giữa sân. Au maie Mì Tha
hớt hãi chạy ra thì một chiếc honda chở mì Tha xịch hẳn vô sân.
- Au, maie! Người ta ở ủy ban xã đón
con. Con về bằng xe của trường tới ủy ban huyện á! – Mì Tha rôm rả nói, vừa nắm
tay maie lắc lắc vừa nghiêng đầu nhìn người chở mình về. Ông ấy báo cho âu maie
Mì Tha biết:
- Mì Tha được phân công dạy phổ cập ở ấp
mình. Thôi, tôi về. Chiều nay cô giáo tới trường B Châu Lăng sớm để nhận lớp
dạy hen!
À Rươl nhìn theo bóng xe mất hút,
trong bụng thấy vui mà cũng khó hiểu dữ ? Mì Tha nói đi học tới bốn năm mới về
mà. Chắc mì Tha học giỏi, người ta cho mì Tha về làm cô giáo luôn! Mì Tha ăn
cơm của ủy ban đãi rồi, mời À Rươl vô ăn chung âu maie, À Rươl không trả
lời Mì Tha một tiếng nào còn quay mặt giấu cái cười quê độ rồi đạp xe đi.
Chạng vạng. Ráng vàng còn sót lại
đâu đó trên mái chùa phía xa xa. À Rươl bực tức nhưng không được cưỡng lại
chính quyền, không phủ nhận chính sách Nhà nước nên phải đi học. Đường tới ngôi
trường thân quen thời tiểu học trong kí ức bỗng xa quá! À Pâu, à Ngés, cà Xây
cũng đi học. Mấy đứa nó chưa học hết lớp 5 đã nghỉ, chỉ có À Rươl, học chung Mì
Tha được tới lớp 6, chưa thi học kì cũng nghỉ. Maie À Rươl ngày ngày đi lấy cặn
xà-bần cho heo ăn. Bầy heo rã được thì bán đi hết lo chạy bệnh cho maie. Bây
giờ, không còn maie trên cõi đời này nữa, À Rươl là người duy nhất có trách
nhiệm nuôi dạy Mì Ral ăn học tới nơi tới chốn, giống như Mì Tha vậy. Nhà
Mì Tha người ta kêu là hộ dân tộc tiến bộ, âu maie giàu có, anh chị em Mì Tha ăn
học thành đạt được đi làm cán bộ. Mì Tha còn có bà con ở Nam Vang nữa, thanh
minh một năm về một lần cho tiền người nghèo, tranh thủ đi thành phố chơi một
đêm về Nam Vang lo chuyện mua bán . Người ta có dòng họ chôn cất quanh chân núi
Nam Qui ai cũng chỉ biết mướn à Rươl “dẩy” mộ.
Mồ mả người khmer không có ở đây, theo phong tục thì đem tro cốt vô chùa hết.
Suy luận kiểu dễ hiểu một chút, người khmer đầu thai lên đều có nước da đặc
trưng dân tộc… đen nhẹm. Dòng họ Mì Tha là dân hồi hương lai Tàu, nước da hồng
hào đẹp như người Kinh vậy. À Rươl không muốn nghĩ tới chuyện đó, nghĩ tới, À
Rươl lại tự ái, rồi tự mình không được phép qua nhà Mì Tha giao nước thốt nốt,
mua ít thứ lặt vặt cho Mì Ral xài trong nhà… Không có maie, Mì Ral tập nấu cơm,
cho heo ăn để À Rươl đi kiếm tiền cho Mì Ral ăn học. Từ ngày nghỉ làm ở nhà
thuốc nam bà Sáu ngoài chợ Tịnh Biên, À Rươl kiếm tiền khó khăn hơn. À Rươl đi
làm lại chỗ cũ cũng được nhưng để Mì Ral ở nhà một mình, À Rươl rất lo.
Trường tiểu học của À Rươl là điểm
triển khai chiến dịch “Anh sáng văn hóa hè”, À Rươl lại bắt gặp dòng chữ đó
trên băng rôn đỏ treo phất phơ ngoài cổng. Thầy Chau Quách Thi nay đã già, tóc
bắt đầu điểm vài sợi bạc vì bụi phấn và vì cả thời gian. Năm đó thầy dạy À Rươl
lớp 2, hơn mười hai năm rồi còn gì! Thầy phụ trách một lớp mức 5 phổ cập Tiểu
học và một lớp phổ cập Trung học cơ sở. Học viên nhận tập viết và trở về bàn
ngồi chờ cô giáo. Vùng này học sinh chính quy phần lớn là người dân tộc huống
gì học viên phổ cập như hai lớp này. Nghe nói, giáo viên của lớp kia là anh
sinh viên người Kinh nhà ở Tịnh Biên, còn lớp À Rươl là do cô giáo người dân
tộc dạy.
Thầy Chau Quách Thi giới thiệu
xong, cô giáo từ ngoài cửa bước vô. Là Mì Tha. À Rươl ngồi gần cuối lớp, nghinh
cái đầu rồi ngó cô giáo với cách ăn mặc gần gũi, ra dáng đến mức ngạc nhiên mất
vài phút mới nhận ra việc đầu tiên là cô giáo giới thiệu về mình và nêu nhiệm
vụ của học viên trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Trong ấp ai còn lạ gì Mì
Tha, con gái nhà nông người dân tộc tiến bộ. Mấy năm trước, âu Mì Tha đi hết
phum sóc vận động bà con từ chuyện thay đổi tập quán chăn nuôi trong nhà đến
chuyện không nên cho con em mình bỏ học giữa chừng… lúc đầu người dân phản đối,
thành kiến với âu Mì Tha dữ dội nhưng rồi cũng hiểu ra, đồng tình và nể phục
một trưởng ấp mẫu mực như ông. Cái tin Mì Tha về làm cô giáo dạy cho
thanh niên trong ấp cỗ vũ đồng bào gần trường tới coi nườm nượp. Nhiều người
đứng chen lấn ồn ào, Mì Tha khó dạy, À Rươl cũng mắc cỡ qua, muốn nghỉ học.
Chán rồi người đi coi giảm dần chỉ còn hai lơp học kế nhau.
oOo
Mì Tha trở lại trường học, À Rươl
đi phải… vô chùa tu. Tu để trả hiếu chứ không phải quy y. Tu hai ba tháng sẽ về
nhà lo tiếp tục kiếm tiền.
Bà Sáu đích thân hỏi thăm tìm đúng
nhà À Rươl. Mì Ral bắt xe đò dắt bà Sáu vô chùa gặp À Rươl. Thấy À Rươl
vận vải thầy sải, bà Sáu khóc nấc lên. Đến khi Mì Ral giải thích rõ tục tu hành
của thanh niên Khmer thì bà Sáu chuyển sang ý định như mục đích ban đầu. Bà Sáu
hết lời muốn À Rươl qua Tịnh Biên tiếp bà phơi thuốc, giao thuốc như hai năm
nay.
- Nhà có chuyện không hay sao con không
cho bà Sáu hay? Má con mất lâu chưa?
- Maie con mất hơn nửa năm rồi – Mì Ral
nhanh miệng trong khi À Rươl ngồi ngay ngắn như chỉ để tai nghe, để mắt
thấy mà thôi.
À Rươl dắt díu Mì Ral qua Tịnh Biên
ở luôn nhà bà Sáu. Mì Ral đã quen chuyện bếp núc nên có thể làm lặt vặt cho bà
Sáu, Mì Ral thích thú được À Rươl chạy xe honda đưa cho tới trường. Nhưng À
Rươl nói, mình chạy xe honda người ta hoài kì, chạy xe đạp còn coi được.
Ra đây ở, Mì Tha sạch sẽ, trổ chân cao lều nghều lạ hoắc. Lâu lâu ngắm em, À
Rươl giật mình nhớ maie, sao Mì Ral giống maei quá! Nhất là ánh mắt sâu đen
tròn e ấp dưới hàng mi cong huyền. Chỉ khác có mái tóc, tóc Mì Ral ít xoăn
buông dài bồng bềnh sống lưng thiếu nữ dậy thì. À Rươl đưa bàn tay vuốt mái tóc
xoăn giống maei của mình, những sợi tóc thẳng vừa hết giai đoạn lúng phúng kể
từ ngày hoàn tục.
oOo
Hè muộn màng trên phố núi. Mưa cũng
thôi không còn ồ ạt bất chợt kéo tới làm cho À Rươl và anh em phơi thuốc
ráo riết thu dọn đem vô kho cho khỏi ướt. À Rươl thả cho xe bon bon hết con dốc
quen thuộc. Bằng lăng rợp tím cả bầu trời, cả tiếng ve kêu cũng dai dẳng và réo rắt tận đáy con tim
không khác gì mùa hè ở Rò Leng. Tịnh Biên có nhiều dốc núi, Tri Tôn thì hầu như
không. Những con đường bằng phẳng và bình yên. Trong bụng À Rươl nghĩ, đường ở
đây giống như cuộc sống vậy, chạy ngoằn nghoèo, chạy lên tận lưng núi làm thành
mé lộ nghiêng nghiêng, nhìn dưới kia, đồng bằng ngút ngàn lúa, xa xa còn tồn
tại vài ba cây đào lộn hột mọc xen với vú sữa, hồng quân từ lâu rất lâu rồi.
Tinh lắm mới nghe được mùi ngầy ngậy của mủ đào, mùi chua chua mằn mặn của lá
vú sữa và mùi thanh nồng của trái hồng quân chín.
- Rươl, Rươl ơi! Rươl…
À Rươl thọt hai chân cạ dép xuống
mặt đường, xe vẫn bon bon đến cuối chân con dốc. Cô gái quay đầu xe ngừng lại
sát xe À Rươl.
- Mì Tha. Mì Tha đi đâu?
- Tha ra trường rồi! Chỉ tiêu huyện Tri
Tôn có một à! Sinh viên giỏi nhất lớp Tha ưu tiên được chọn trước. Tha dạy
trường đó đó, Rươl thấy không, biết không? – Mì Tha chỉ tay về hướng kinh Vĩnh
Tế. Phía đó có tới ba trường học nằm gần nhau.
- Trường nào? Trường cấp hai phải không?
Ư, mì Ral học ở đó đó. Chừng nào học xong lớp chín, nó về trường Dân tộc nội
trú, về lại Tri Tôn.
- À ha? Cấp ba bây giờ trường nào cũng
đủ giáo viên, Tha phải xuống dạy cấp hai. Trường này Mì Ral học, Tha mừng ghê!
- Sao Tha không kêu âu nhờ người ta xin
về dạy trường cấp ba gần nhà?
- Y, không được đâu. Nhà nước ưu tiên
minh nhiều rồi, mình làm như vậy là lợi dụng đo, Rươl!
- Ưhm, giờ Tha đi đâu? Lại nhà tui… ý
không phải lại chỗ tui làm, ăn cơm luôn hen? Mai mốt dạy ở đây, vui quá mì Tha
hen!
- Tha xa nhà mà vui hả Rươl?
À Rươl và mì Tha đi song song nhau.
Bóng đổ ngược nằm dài lên con dốc núi của ngày thôi mưa.
____________________________________________
* Bung
tưc nop: Ống tre hứng nước thốt nốt trên cây mang xuống, gánh vào nhà.
** Âu, maie: ba, má.
*** Pu: chú.
NGHIÊM QUỐC THANH (tác giả giữ bản quyền)
________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét