Ru dõi theo mấy tán bần, định dừng lại một gốc nào đó tìm bẻ hay nhặt một trái bần chín cho Can nếm thử. Nghĩ tới vị chua của nó nước miếng cô chảy ào ra và mắc cười muốn sặc. Ru từng nói với Can "bần ngọt lắm", Can gật gù thích thú. Trên tán bần, ở những nhánh thật cao, ve ra kênh, đong đưa mấy cái tổ chim dồng dộc nho nhỏ màu cau khô giống những chiếc giỏ cua đan bằng những sợi tre thật mảnh.
Sinh ra ở xứ lắm bần, Ru có nhiều sở thích gắn đến chúng. Cô thích nhìn bông bần rắc mấy cánh hoa như những sợi chỉ hồng trôi theo kênh, khoái ngồi nhâm nhi bần chua với muối hạt hoặc với mắm rô đồng, nhìn nước kênh đưa lục bình ra sông cái lớn, thích hơn cả là những tổ chim dồng dộc treo tuốt ngọn bần. Thấy chúng nó thân quen mà bản lĩnh đến lạ lùng.
Can không biết đang nghĩ gì cũng nhìn bần, một tay cầm máy, một tay ngắt mấy lá bần non vò nhừ nát :
-Con gái miền Tây đẹp quá, gặp rồi là không muốn về!
Đó là câu đầu tiên Ru nghe Can nhận định về miền Tây. Cô nghĩ ‘'trật lất!''. Miền Tây hay miền Đông cũng đều có đủ loại người. Đương nhiên miền Tây cũng có con gái đẹp. Chắc anh chàng Can này đã bị người đẹp miền Tây nào đó chinh phục rồi.
Mảnh đất này không rộng nhưng bát ngát đồng bằng. Con gái của miền Tây nhan nhản trên đường. Họ đài các cưỡi xe máy, khoẻ khoắn lướt xe đạp, dịu dàng tản bộ với đủ sắc áo đỏ tím hồng lam ... có cả những cô gái mặt áo bà ba chèo xuồng, lái vỏ... dân dã, mộc mạc đến đáng yêu. Cảnh này người miền Tây nhìn thấy mỗi ngày còn xuýt xoa huống hồ là Can, một người khách lạ hâm mộ cái đẹp và săn lùng cái đẹp ( không loại trừ người đẹp ).
Ru cũng gái miền Tây, cũng có mặc qua áo bà ba, biết chèo xuồng, biết hát đôi ba điệu lý. Nhưng, Ru không bao giờ nghĩ mình là nguyên nhân để Can nấn ná chẳng muốn về. Hồi nhỏ, nhìn vóc dáng nụ cười, làn môi, khoé mắt của những người bạn đồng trang lứa, thấy ai cũng đẹp, cũng duyên dáng dể thương, kể cả nhỏ bạn thân mắt hí hị hay híp mắt mỗi lúc cười. Cô hâm mộ họ, ganh tị với họ vì cô thấy mình xấu . Thật xấu. Nghe nói‘'Người xấu duyên ẩn vào trong''. Ru nhìn đến mờ một tấm gương, một chục tấm gương cũng chẳng tìm nổi trong Ru một chút duyên gì đang ẩn dật .
Lớn một chút, cũng trổ mã như thiên hạ nhưng Ru thấy mình thường, bình thường và tầm thường. Nếu có đặt mắt mũi miệng vào ba- rem điểm chấm chọn sắc đẹp chắc tròm trèm cũng được điểm năm. Đủ điểm năm là đã có cộng vào đó một chút tự tin, chút nhân hậu, chút vô tư. Còn chuyện đẹp là một từ lạ hoắt. Mỗi lần ai nhắc tới việc có người yêu, Ru lắc đầu nhìn lên mấy tổ chim dồng dôc treo lủng lẳng trên cao.Chúng gắn bó với những nhánh bần bên bờ kênh bằng những cái cuống nhỏ xíu. Lúc Can mới tới Ru hay nói đùa, đó là trái bần. Can nói sẽ viết về cây bần có những trái hình giỏ cua treo tuốt trên cao! Lũ dồng dôc ra vào mấy cái nhà hình giỏ cua ấy bằng những cái cửa chọc từ dưới ngược lên trên hoặc đâm ngang hông. Chúng là loại chim kĩ tính và khéo léo, làm tổ để dùng qua nhiều mùa, qua nhiều lứa con, bên cạnh lũ ong và lũ trái bần. Bần tới mùa chín cứ rụng còn nó cứ treo. Những sáng trong lành, bên cạnh lũ chích choè chí choé bên hàng dâm bụt, chúng nhóng cái cổ nhỏ bé vô tư nhìn thiên hạ phía dưới thấy sao thấp ơi là thấp.
Ru vậy đó, là một chú chim dồng dộc nhỏ nhoi coi trời bằng vung nên ‘'đội trời đạp đất mặc dầu''. Khi còn ở trường sư phạm, cả đến lúc về dạy học Ru vẫn cứ trùi trũi đầu trần bất kể nắng mưa. Mấy đứa bạn miết tay vào làn da sạm nắng của Ru "Mi còn già hơn người mẹ một nắng hai sương của mi!" Chắc vậy. Ru là vậy đó? Từ hồi nào đã vậy, lúc gặp Can cũng y thinh. Ru thấy yên ổn. Cả cô và lũ dồng dộc. Có ai nhọc công săn lùng loài chim ở tuốt trên cao chỉ để sở hữu một mẩu thịt bé tẹo, không thể thu được tiếng hót, mà dạy nó nói theo ý mình thì ... vô phương.
Dồng dộc chắc cũng có ao ước. Ước nếu có bộ lông rực rỡ của hoàng anh, có tiếng hót véo von của loài hoạ mi đỏng đảnh, chắc sướng lắm, được nhiều người quan tâm, được nhiều người săn lùng tìm kiếm. Nhưng Ru biết dồng dôc mãi là dồng dộc, cho dù có ai đó thương hại vẽ cho nó từng sợi lông là mỗi mặt trời đang toả bảy sắc tươi hồng thì dồng dộc vẫn là ...dồng dôc. Ru cũng ao ước mình đẹp vậy.
Can mở túi lấy miếng bông lau ống kính, nghiêng đầu nhìn theo cái nhìn của Ru:
-Em nhìn gì mà đăm chiêu thế, nàng công chúa xinh đẹp?
Ru rời mắt khỏi lũ dồng dộc, trợn mắt nhìn Can y như cô vừa nghe nói "con chim dồng dộc hót hay quá". Cô cười khùng khục trong cổ họng đến rung người, ngoảnh cái nhìn xuống bến. Giữa kênh, một cô gái, dáng người gòn gọn dể thương, xinh tươi như một nàng Bạch Tuyết lại vận trên người bộ bà ba mềm rủ, thả nhịp mái chèo đưa chiếc xuồng con nhẹ lướt theo kênh. Gió của trời hay gió ve vãn của dòng nước ban chiều thổi tung những sợi tóc dài óng ả của cô thôn nữ. Ru nhìn mãi. Con người vốn dĩ ai cũng thích nhìn người đẹp. Trực nhớ, Ru chỉ Can về hướng đó.
- Chụp đi anh Can! Đẹp quá !
-Không, Ru đẹp hơn?
Can quay máy ảnh về phía Ru, nheo mắt cười. Ru không tránh, nhìn Can bằng kiểu nhìn như cô vừa nghe câu "Con chim dồng dôc múa đẹp hơn con công trống".Ru ghét kiểu nói chuyện đó. Dù Ru thích nghe giọng của Can. Giọng nói lạ êm êm dìu dịu như có ướp một chút hương quê, chút mát dịu gió đồng, chút ấm áp nắng Tây Nam. Mà không hẳn vậy, đó như giọng một phát thanh viên chuyên nghiệp phụ trách chương trình tư vấn hôn nhân, tình yêu có thể làm dịu lòng những cô gái bất hạnh, đang thất tình, đang lỡ vỡ hôn nhân muốn lao đầu xuống sông và ngừng thở. Hấp dẫn hơn kia chứ, mỗi lời nói như một tác phẩm nghệ thuật của một nghệ nhân lành nghề lại cố tình để thiếu thiếu một thứ gì đó không thể thiếu, ai nhìn cũng là thấy vô lý, nhưng thích. Ru cũng thích . Bữa nào Can rời nhà đi đâu đó săn ảnh, cô nghe bên tai mình vắng kì cục, rửa chén xong bưng đi úp cho ráo lại bưng hẳn vào buồng. Má nói "con nhỏ này bị mắt đằng dưới!". Nhiều khi Ru thấy mình như một fan hâm mộ loại ca sĩ hát toàn những bài hát sở trường lại cố tình quên cái điệp khúc mình yêu thích.
Cái điệp khúc đó là những câu nói bình thường, khác kiểu "Em đẹp lắm!" "Giọng nói em ngọt ngào lắm, anh có thể nghe cả đời". Ru cho mấy lời đó như một kiểu giễu cợt châm biếm. Làm sao biểu Ru đừng trợn mắt trước trước mấy câu đầy hàm ý " em xoè bàn tay mình ra đếm xem có bốn ngón vẫn đẹp, sáu ngón vẫn xinh, thậm chí em không có hình hài vẫn làm say đắm lòng người". Can giàu có những lời tán gái cực hay, cực khéo, nghe qua tưởng như là công nhận, không thể làm cách nào khác được. Từ hồi mới gặp Can đã vậy.
Hôm ấy giữa mùa hè, đài báo cơn bão số hai vừa dịu ở biển Đông, đẩy về miền Tây những đám mây nặng hơi nước và nặng mùi mưa biển. Can được một cán bộ xã giới thiệu đến nhà Ru: "Cô giáo cho anh nhà văn xứ lạ này trọ mươi ngày để thực tế sáng tác vùng sông nước". Đi sáng tác lại chọn nhầm mấy hôm trời lúc nào cũng chuyển màu sâm sẩm tối. Can cười, có sao đâu như vậy không khí sẽ mát lành. Suốt bốn ngày đầu Can chẳng được đi đâu, mưa miền Tây dai nhách đủ giữ chân khách ngày này qua ngày khác. Can cười "Mưa biết chìu lòng người , ở nhà vui hơn!" (?).
Bão tan, mưa cũng nhẹ hạt dần rồi hửng nắng. Can ôm máy ảnh trước ngực nhìn chăm chăm vào mắt Ru. " Thực tế đâu cho xa? Chụp được ánh mắt này là đủ dự mấy kì thi ảnh đẹp đồng bằng sắp tới, ăn đứt tác phẩm mấy tay săn ảnh chuyên nghiệp". Nghe tới đâu lòng dạ dậy sóng ngầm tới đó, hồn lửng lơ như đang bay trên tầng mây cao nhất, xung quanh nhẹ hều những đám mây trắng như bông và thấy cả cảnh lúc mình rơi xuống thật nhanh.
Ru bịt tai lại vẫn nghe gịong Can ngòn ngọt êm đềm. Ru làm bộ giận, rồi giận thật dù cô không muốn. Con gái hễ giận là nước mắt lưng tròng. Cô ghét khóc vì nước mắt nào cũng mặn, kể cả nước mắt dỗi hờn , kể cả nước mắt chảy vì bệnh lý. Nước mắt của Ru không hẳn chảy từ khoé mà chảy từ nơi nào đó trong lồng ngực, co thắt thật mau dồn máu ra từng đầu ngón tay rồi đẩy ra tròng mắt, trào tuôn thành dòng. Tại sao phải khóc. Ru ghét khóc như người mất mùa ghét ăn độn sắn khoai. Phải ăn!
Can ngớ ngẩn trước mấy giọt nước mắt, bối rối đến không biết nói gì, chỉ ngồi cười rồi biến thành một danh hài với vô vàn những câu nghịch ngượm... Ru không hiểu sao người ta lại vui trên nỗi buồn của mình. Cô cũng nhe răng cười. Ru thích cười, lúc này càng thích đùa kì cục. Những bữa ăn không có gì vui Ru vẫn cười giòn khấu. Nước mắt mọng ở mi Ru vẫn toét miệng cười. Có cảm gíac trời sập xuống cô vẫn bày đủ trò để ha ha hi hi hà hà, một ngàn lẽ một kiểu cười. Cô lặn ngụp trong nỗi buồn cười giòn giã, lặn ngụp trong những tràng cười để trốn nỗi trống vắng hụt hẩng trong lòng. Đến lúc Can nghe giọng cười chói lói của Ru thấy vô duyên không chịu nỗi cũng mỉm miệng cười. Kiểu cười thiệt hiền, thiệt lịch sự. Can vốn vậy, như hôm ăn cơm khách nhà người dân trong xóm, Can vốn đã no vẫn lịch thiệp ngồi vào mâm thưởng thức từ tốn tấm lòng hiếu khách của chủ nhà. Dù không ăn được món mắm kho cũng gật gù khen " Rau cù nèo miền Tây ngon tuyệt". Nhìn cái mặt Can nhăn nhăn miếng rau trong miệng, nhấm nháp từng chút từng chút vị chan chát nhân nhẫn của cọng rau, Ru lại cười khùng khục trong cổ họng. Tội nghiệp con người giả tạo! Ru cố tình gắp bỏ vào chén anh ta thật nhiều rau cù nèo... Khi thấy mắt Ru có vẻ khô ráo một chút, nụ cười bớt lạt lẽo một chút, Can ôm máy ảnh đến bên:
-Mình đi theo hướng con rạch nhỏ tìm chụp mấy con còng đang đu bên bẹ dừa nước Ru hé!
Ru lắc đầu:
-Hôm nay em mắc đến trường sinh hoạt hè cho tụi học trò.
Ru te tái thay quần áo thật nhanh. Cô vận lên người bộ đồ còn chưa kịp ủi, nhờ má đưa qua bên kia đường. Má cầm dầm bơi lái nhìn Ru bơi mũi, bỏ dầm chủm chủm xuống nước một cách thờ ơ. Nhà Ru bên này kênh chằng chịt bờ mương. Mỗi Ngày đi học phải nhờ má đưa qua bên kia kênh mới có đường đạp xe tới lớp. Từ hồi còn là một cô học trò tiểu học, mỗi buổi đi học về má chưa kịp đem xuồng qua rước Ru đã nhảy ào xuống kênh bơi về, có bữa ướt mèm tập vở. Má thấy hôm nay có cái gì đó bất bình thường trong chuyện đến trường của cô con gái:
-Sao nghe nói còn hơn mười bữa nữa mới tựu trường mà?
- Dạ, thì con đi gom mấy đứa học yếu phụ đạo cho tụi nó thi lại trong hè.
Ru trả lời má mà bụng ngại. Trường học mấy ngày hè vắng như chùa bà đanh. Chắc cô phải chịu khó đi đến nhà mấy đứa học trò vận động chúng nó, năn nỉ chúng cùng cô làm mấy buổi học ngoài dự kiến. Hổng biết hôm nay chúng có đi mót lúa hay đi thụt cá bống trong bập bè không nữa... Cô gom mãi được vài đứa. Đang dạy, má nhắn giật một giật hai qua điện thoại"Con về mau coi chừng nhà má đưa thằng Can đi bệnh viện?"- Sao mà phải nằm viện? Đau làm sao? Đau ở đâu? - "Khắp người nó sưng vù nhìn không ra nó"
-Dạ con về liền.
Trưa một chút, má về, đứng bên kia đường thấy Ru ngồi thảnh thơi bên cửa, mắt dõi lên mấy tổ dồng dộc tòn teng. Má cất giọng gọi thật to mà gọi đến chục lần Ru mới bơi xuồng qua rước :
-Con không đi thăm nó à?
-Đi chi má?
-Con nhỏ này. Bạn bè trông cậy có mấy lúc hoạn nạn. Nó ở đây lạ nước lạ cái.
-Chắc đi ra ngang đình miễu nào đó nói năng bậy bạ, bị thần thánh quở cho bỏ tật vậy mà. Nhằm nhò gì anh ta!
-Suýt chết chớ không nhằm. Ong bần mà chích một lần hơn chục vết, chịu nỗi không?
Ru buộc dây xuồng vào cọc quay lại nhìn má:
-Leo bần? Trơì đất !Bộ nghe nói bần ngọt tưởng thiệt hả? Ru rủa thầm "Đáng đời đồ hảo ngọt". Cô chợt nghe ớn lạnh tới trong xương khi nhớ tới mấy con ong bần. Bị đốt đến chục vết thì nhức đến chết đi sống lại chớ không vừa.
Má không hiểu Ru lẩm nhẩm điều gì vừa đi vào nhà vừa cho tay vào túi xách lấy ra một xấp ảnh.
-Cái thằng, mê hình hơn mạng sống. Bị ong chích bấy bá mà cũng cứ ôm kè kè máy chụp hình, nằm viện mà còn nhờ má rửa gấp mấy tấm hình này. Nó gởi cho con. Nó nhắn "Con sẽ chụp những tấm ảnh này bất cứ giá nào, ong chích cũng được, té cây cũng được, miễn Ru biết những gì con nói không phải chỉ để nói". Ảnh chụp cận cảnh tổ chim dồng dộc trước nhà, có một con đang tha cọng cỏ khô về xây tổ...
Ru lia cái nhìn lên tán bần, hình dung coi Can ngồi ở tư thế nào và bao lâu trên mấy cái cháng ba kia để phục kích lũ chim và bị lũ ong phục kích. Công trình tuyệt mỹ của một loài chim nhỏ được Can biến thành công trình tuyệt mỹ của mình. Chỉ có mấy con chim dồng dộc vẫn cứ vô tư. Mãi tới bây giờ chúng cũng không ngờ mình cũng có thể là nhân vật chính và nhìn ở góc độ này mình cũng đẹp đẽ như thiên hạ...
Má để cái nón lên kệ định hỏi Ru ở nhà ăn cơm với gì , nhìn lại đã thấy cô nàng lom khom dưới bến, nhổ sào đẩy xuồng ra, trực nhớ gì đó cô nhóng người đứng lên hỏi lớn:
- Mà ảnh nằm phòng nào hả má?
VÕ DIỆU THANH (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________
Có một chi tiết chưa sát với đặc tính của loài chim dồng dộc: Tổ chim dồng dộc làm rất công phu rất đẹp nhưng không phải là để dùng lâu, dùng cho nhiều lứa con mà đó chỉ là đặc tính của loài chim nầy mà thôi. Khi chim non lớn là chúng bỏ tổ luôn, mùa sau là làm tổ mới để sinh sản.
Trả lờiXóa