Trong mỗi truyện ngắn của Võ Diệu Thanh, chất triết lý được khẳng định qua nhiều đề tài giá trị. Triết lý thể hiện trong khách quan ngôn từ của tác giả, trong lời thoại và tồn tại ở chính từng cốt truyện.
Là tác giả đang khẳng định qua nhiều tác phẩm được nhiều độc giả quan tâm nhưng ngay cả những trăn trở của mình, Võ Diệu Thanh không hoàn toàn thoát li được chất trẻ.
“Con chim dồng dộc” thể hiện quan niệm về cái đẹp của thiên nhiên, của nghệ thuật và của cả tâm hồn người nghệ sĩ như Can. Còn Ru, dù tự thấy mình xấu, nhưng “người xấu duyên ẩn vào trong” thì những rung động đầu đời của cô giáo trẻ miền quê thật nhạy cảm nên đã chớm nở trước nét lãng tử của một tay ảnh “chuyên săn lùng cái đẹp”. Hình mẫu chuẩn mực lý tưởng không phải tất yếu đưa vào là chỉ để tôn thêm cái đẹp.
Cũng với đề tài lứa đôi trai gái, “Trên dòng kênh Tắt” rộng hơn với những tính cách của con người miền sông nước. Ở đó, Nhàn và Út Đào là đại diện những thanh niên vượt khó, chí thú làm ăn. Nhàn “có mỗi nỗi ganh tị hắn đã ganh tị với ánh đèn đô thị rực rỡ sắc màu, có duy nhất nỗi đam mê hắn đã dành để nghe tiếng cá quẫy đuôi”. Nghề nuôi cá vốn lắm gian nan, và thử thách đó kéo họ gần nhau trong cách nghĩ, cách gây dựng lại sự nghiệp như biết bao người nông dân khác. Võ Diệu Thanh không quá chú trọng tình huống để áp đặt nhân vật mà tự nhiên người đọc nhìn ra họ đã ngộ nhận tình cảm hay dối lòng nhau mất rồi! Để khi ngồi cạnh Nhàn trước khi sắp về nhà chồng, Út Đào mới nhận ra rằng: “Nghĩ cũng lạ, đang ở quê mà càng nghĩ càng nhớ quê đến phát khóc”. “Cô quệt nước mắt đứng lên còn tự cười mình. Về nhà người ta công việc đăng đăng đê đê, rồi con rồi cái rồi ruộng rồi vườn, có ở không đâu mà buồn mà nhớ?”. “Nhớ mấy ngày giữa mùa mưa cùng Nhàn vắt những nắm cám ném chủm chủm xuống bè”… Lời thoại nhân vật chân chất, ngọt như ca dao lịm vào đời sống người miền Tây. Mới thấy, đề tài tình duyên trắc trở trong trang viết của Võ Diệu Thanh trải ra như cứ ríu lấy mỗi trái tim yêu của người đọc. Yêu mà không đến được với nhau đã là một nghịch cảnh, chứng kiến cảnh người mình yêu không được hạnh phúc thì càng đau khổ hơn.
Song, “Cầu Ô thước”, “Giải nguyền”, “Bùa ngải quê nhà”,… lại được viết theo một hướng khác. Vân (Cầu Ô thước) và Thi (Giải nguyền) có chung mẫu nhân vật luôn đứng bên lề hạnh phúc.
Cái lẳng lặng u uất dưới sức nặng của nghịch cảnh mà họ đang gánh chịu khiến cho người chung chăn gối phải thốt lên “nếu em là tôi em có nổi khùng không khi vợ mình thường xuyên nhận được những dòng tin thương nhớ của thằng đàn ông nào đó” (Cầu Ô thước). Dẫu có thế nào chăng nữa, giữa bức tường vô hình của những cặp vợ chồng hờ hững ấy làm sao tồn tại mãi được. Nó sẽ nổ tung ra sau một trận cuồng phong của một trong hai người. Thật vậy, “người chồng không bao giờ đủ nhẫn tâm đánh vợ đến chết, họ chỉ trút vào vợ nỗi bực tức, nỗi chán chường do nhân thế mang lại, trút hết rồi thôi…” (Cầu Ô thước). Võ Diệu Thanh viết không bi lụy cũng không thể bàng quan với phụ nữ trong tình yêu. Sự xô lệch do vậy mà nhân vật có nhiệm vụ tự tìm ra lối thoát.
Lối thoát sự đời trớ trêu được hư cấu trong “Giải nguyền” mở đầu câu chuyện như một cánh cửa lạ: “Nhà Thi đâu lưng nhà tía”. Truyện còn lạ cách lồng thêm một mạch kể nữa vào cốt truyện. Tuy nhiên, không vì thế mà truyện trở nên rườm rà, phá vỡ mạch lạc tự sự mà ngược lại còn có một thế mạnh gọn gẽ ở lối phân vai giàn đều (dùng đại từ chàng, cô, hắn) để phân biệt với mạch chính của truyện. Ai nào ngờ giữa một người con gái với một ông già từng có một lời nguyền mà chỉ có trong mơ mới vén tấm màn cho họ tiếp tục cùng nhau tìm cách giải lời nguyền của tiền kiếp như phải tồn tại song song giữa thực và mộng. Và, “chỉ có tình yêu đó mới có thể giúp Thi chỉ nhìn thấy mặt tốt của người yêu dù người đó rất bình thường”. Tình cảm của Thi và tía xa vời thật nhưng đẹp vĩnh hằng. Để khi gặp lại, Thi nhận ra ngay chàng của lời nguyền bằng một chứng cứ xác thực nhất của tình yêu: “Ánh mắt tía quen thuộc. Thi uống ánh mắt đó và cơn khát triền miên của Thi từ bấy lâu nay tan ra, nhẹ như đám sương mát”. Cao thượng hơn, tình yêu trong truyện ngắn Võ Diệu Thanh còn có sự sáng suốt nhận ra chính mình, khi đã “làm xong điều tốt nhất” cho tình yêu, người ta sẽ “không bị ai nguyền rủa vì len vào hạnh phúc của người khác”, sẽ “tự hào vì mình là người phụ nữ son sắt với chồng”. Cầu cho họ “kiếp sau không so le nữa”.
Đọc “Giải nguyền”, ta lạc vào thế giới hoang đường nhưng thực chất vẫn có thể đường hoàng nhận ra chân lí đẹp của tình yêu. Đáng được ngợi ca nhưng sao tình yêu cứ sâu kín, không tình yêu nào hoàn toàn bị trùng lắp cả. Chắc vì, “thế giới của họ, chỉ có họ nhìn thấy”. “Giống mùa nghịch”cũng được đào sâu bằng tình huống như thế!
Không chỉ “sớm đọc được ngôn ngữ tình yêu thầm kín trong lòng họ”, Võ Diệu Thanh còn điển hình hóa những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, mà đường nhân duyên thì quá đỗi bẽ bàng không khác gì “đường về, gánh vẫn còn oằn oại trên vai” chị Tịm trong “Bùa ngải quê nhà”. Nhân vật anh Hai mờ nhạt, ít nhiều cũng lại là một hính ảnh để chị có dịp thể hiện khao khát hạnh phúc mãi không bao giờ với tới trong khao khát giản đơn về một mái ấm gia đình. Muốn có con với người đã có vơ, chị chợt giật mình sợ con mình rồi sống ra sao khi nó không cha. “Bùa ngải quê nhà” còn đi sâu đồng cảm với số phận của người nông thôn.
Nếu không có một ánh nhìn cảm kích hoặc chưa từng gắn bó với một miền quê, tình cảm của tác giả sẽ chẳng bao giờ thăng hoa như thế! Với những thứ đó, cái giản dị của nó đã khiến “tình yêu sao mà nhẹ xìu” (Bùa ngải quê nhà). Nhưng không phải ai từng sống chung dưới một miền quê cũng đều hiểu nhau, một lòng với nơi chôn nhau cắt rốn, vẫn còn có những người như chị Tịm, như “ba tôi” thì “họ giống như đang thụt lùi cả thế kỷ tại cái miền quê tĩnh lặng”; “Họ không thể rứt mình ra khỏi miếng đất máu thịt”; “Nhưng họ lại muốn những người họ yêu thương được tung cánh bốn phương trời” (Bùa ngải quê nhà).
Tình quê còn rất rõ trong nhân vật Bác Đen (Giọt máu đào cho con) đến con dốc sau cùng của cuộc đời tâm trí cũng hồi hương, ba Căn (Đứa trôi sông) bám quê bám đất rồi sau nhiều năm đi lính gửi lại chiến trường Tây Nam một phần thân thể cũng trở về, hai Cụt (Tiếng thét của cặp song sinh) vì một món nợ đời mà không thể bỏ đi xứ khác dù đang sống đời ẩn dật như một hồn ma…
Với “Đường về Cheo Reo”, tưởng chỉ là chuỗi kí ức tuổi thơ tuyệt đẹp, mà cái đích đến của truyện lại là ở tâm hồn đang hướng về quê hương của một kẻ hơn nửa đời lìa bỏ xứ sở mình chỉ vì “một cái thắng”. “Ông đẩy xứ sở lùi dần về quá khứ. Nếu biên giới xa hơn có lẽ ông còn đi nữa”. Vì sao vậy? vì với ông, “ở đời đừng có ai hơn ai cái gì, cũng đừng nhịn ai hết. Nhịn là dồn ép mọi tức tối. Cứ bụm đầy tay rồi thả cho nó bay về trời”. Tác giả sợ thù hận rồi không bay về trời được, bọn “ỷ có tiền, ỷ cha chú là cường hào của làng cứ nhè ngay đầu ông” như Tây Nguyên những ngày cách đây nửa thế kỉ nên chỉ có thể lấy nỗi nhớ quê dằn vặt ông mãi, và sức mạnh của một giấc mơ “dựng ông đứng thẳng trân giữa thực tại trơ trọi”. Ông muốn về lại mà cứ nói ngược để giấu xúc cảm vào trong: “quê ở ngay dưới chưn mình”.
* Nợ đời và phẩm chất tốt đẹp của con người nông thôn:
Nợ đời ở đâu cũng có. Chính những mối nợ ấy làm toát lên những phẩm chất tốt đẹp của con người. Họ không là gì trong xã hội cả. Chứ không phải là số người “học cho cao… mất hết nhân tình, coi người ta như cỏ rác” (Đường về Cheo Reo). Ông hai với vẻ ngoài “không có chút gì uy nghiêm đáng có của một người nhiều tuổi”, nhưng trước những bất công mà ông nếm phải, gương mặt ông “là bản vẽ của thời gian”, “tất cả nỗi thống khổ của dương gian dường như đang hiện nguyên trên đó”. Cuối cùng, khi di nguyện của ông được vợ con mình thực hiện thì lúc đó hương hồn ông đã bay về miền Cheo Reo trước rồi. Sống nhẫn nhục để “nếu là yêu thương thì đón yêu thương, nếu lạ lẫm thì làm quen lại mấy hồi”.
Cuộc sống quý thay có những người chỉ biết sống cho người thân! Bác Đen (Giọt máu đào cho con) vốn là một “con người dày dạn nắng gió mà giờ phải nằm một chỗ, thà không biết gì hết còn đỡ”, “cảm nhận được xung quanh, nghe được tiếng những người thân yêu mà không nói được điều mình nghĩ…”, “cuộc sống còn tồi tệ hơn cái chết”. Ngay cả một người con gái chỉ có thể “kiếm tiền bằng kiểu nằm dưới”, “hình như loại người này đã đứt dây thần kinh mắc cỡ” nhưng còn giữ được phẩm giá đáng quý nhất của bậc làm cha mẹ. Đó là trọn nghĩa hy sinh vì con. Dẫu cái cách hy sinh ấy đã bị buộc chặt từ khi cô mười lăm tuổi ở xứ người, có đáng trách không khi “cuộc sống này quá nhiều điều ngoài sức tưởng tượng”, và thấy mình với thằng chồng ma cô “hai đứa như hai giề lục bình trôi xơ cờ”. Đời cô “còn gì nữa mà ghen”, nhiều gã đàn ông đến rồi đi, có người còn muốn chuộc cô về chung sống. Vậy mà cô vẫn không rứt ra được người chồng hung dữ, bởi một lẽ: “Thà một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Cô không thể nào để con mình mồ côi khi cha nó vẫn còn sống.
Võ Diệu Thanh thể hiện chất “bạo” trong sáng tác của mình thành công hơn cả. “Ngọn rau mùa nước và cây cổ thụ” được xây dựng từ những tuyến nhân vật cạnh nhau nhưng không có chung quan điểm. Truyện “là một hồi chuông dài đánh thức lương tâm của những người làm giáo dục”. Trong bất kì thời điểm nào, đâu đó trong chúng ta vẫn phải thừa nhận, giáo dục là “nền tảng của sự phát triển bền vững”. Thầy Tân Long được xây dựng đại diện ít rõ về vị trí nào đó trong xã hội nhưng đủ để những người làm công tác giáo dục nói chung, cán bộ quản lí nói riêng một lần nữa được dịp nhìn lại quá trình thực hiện “bước nhảy vọt của nghề trồng người”. Yếu tố dữ dội của truyện là ở chỗ đó. Vậy nên, đã rêu rao thì phải làm cho trót, tránh làm cho người trên kẻ dưới xem thường, không khéo người thầy lại “truyền cho học trò mình thói háo danh, tính cao ngạo… thay vì nên mở cho sáng lương tâm một người thầy”.
Không có khả năng biến học trò theo những đòi hỏi của người thầy, họ không chấp nhận mình tầm thường. “Thành ra họ phải làm giả”. Đó chính là “những người thầy đã gối đầu lên xác chết của lương tâm ngủ ngon lành, mơ triền miên giấc mơ thành tích”. Truyện nêu cao chuyện đời chuyện đạo. Từ đây, tiếng nói của một vị sư cứ vang và vọng mãi: “Con người không vẹn toàn. Nếu ai thấy mình vẹn toàn là đang mê ngủ”. Vị sư ấy từng được tác giả ví như một ngọn rau mùa nước, “hèn mọn và tội nghiệp”, “mong manh và dũng khí lạ thường”, “dẫu có đổ hết xà bông thơm tẩm người” vẫn không bao giờ sánh được móng chân người vợ trước đây của người chồng vốn là người đàn ông được những đứa con riêng của ông trọng vọng.
Hai người vừa tìm thấy nhau như để bù đắp cho nhau những thiếu hụt giữa “cuộc sống là một cái gì đó không thể hoàn toàn mỹ mãn”, “nếu nhận được ưu ái thì phải bị tước đi cái khác”. Chưa trọn tuần trăng mật, người đàn bà ấy thầm lặng ra đi như cái bản chất “không có cảm giác” trong con người bà. Kết truyện là một cuộc gặp gỡ lý thú để sau những ngày tinh thần bị sa sút, đôi vợ chồng trẻ nhận ra “ngọn rau mùa nước” từng cứu vớt đời ba nay bỏ ba mình đi tu còn mạnh mẽ, đáng kính hơn một “cây cổ thụ”. Bởi, “cây cổ thụ ngã không bao giờ có thể ngóc đầu lên nổi”. Sự so sánh tưởng rất khập khiểng, không, nó bật lên thói đời mà những kẻ ích kỉ, có chút địa vị thì “lúc nào cũng tưởng mình là một bóng cổ thụ cao vòi vọi”. Dung hòa giữa mạnh bạo với nét nhẹ nhàng trong trang viết, truyện ngắn “Ngọn rau mùa nước và cây cổ thụ” làm sáng ra những cái mà con người cần tránh.
Có khi, chuyện của mình chẳng tốt đẹp gì, nhưng cũng cần “kể cho nhiều người biết đặng tránh” (Tiếng thét của cặp song sinh). Với cách miêu tả rất “mộc”, hình ảnh ngôi nhà và cảnh vật, cả những mối quan hệ giữa những nhân vật trong truyện không dân giã. Thậm chí, dưới ngòi bút hư cấu của mình, Võ Diệu Thanh tạo ra tiếng thét dóng vào tâm can những ai đang từng bị lương tâm làm cắn rức bằng hình ảnh hồn ma báo oán kẻ làm đổ vỡ hạnh phúc người khác chỉ vì dục tính của mình. “Tiếng thét không phát lớn mà chỉ có nỗi đau nổ bung ra, tràn ào ào trong không trung”. Phản ứng của kẻ mất mát một phần nào đó trên cơ thể mà họ phải đền bù càng lớn gấp bội. Giọng văn dứt khoát, mạnh dạn nhưng không thô thiển của chị lên án nợ đời chưá lắm thói hư tật xấu. Nhưng điều đáng quý là loại nhân vật như hai Cụt đã biết hối lỗi, ngày qua ngày ở lại trong căn nhà cũ nát để chờ “giải quyết cho rồi nợ nần”. Mấy câu kết truyện hàm súc, gợi tư duy về luật nhân quả trong người đọc: “Luật người, luật trời còn xét công xét tội, bù qua cấn lại. Luật của hồn ma thì vô phương”. Người viết đố ai dám làm gì bậy bậy trước khi nghĩ đến điều đó?
Nếu như phần thiện còn lại trong hai Cụt (Tiếng thét của cặp song sinh) là quá ít ỏi, thì phần thiện trong ba Căn (Đứa trôi sông) cứ ẩn sau cái bản tính lạnh lùng, hay cáu gắt của gã. Giá như “có thể trả thù mà không phải tù tội”, đứa trẻ bị bỏ rơi được chị hai Thương ẵm về nuôi từ khi còn ngo ngoe trên bàn tay chắc nịch của chị sẽ có số phận ra sao? “Hai chị em họ, mỗi người một kiểu cố chấp”. Trả lời cho sự cố chấp đó là tấm lòng nhân hậu của hai Thương, dẫu cuộc sống chị lắm gian truân nhưng một mực bảo vệ đứa con nuôi tránh mọi cử chỉ kèm theo ý định trả thù của ba Căn cho đến hơi thở sau cùng; là những toan tính vừa bao dung vừa vị tha của cậu ba Căn dành dụm tiền cho đứa cháu nuôi ăn học dẫu kẻ thù kia có chung một mái nhà, ngày một lớn lên bên cạnh là nỗi ám ảnh về cái chết của cha mình, nhắc nhớ dĩ vãng về cô Mến mà gã từng nghi ngờ đứa trẻ chính là kết quả bọn Polpot gây ra từ vụ hảm hiếp cô…Âu, nó cũng là giọt máu của người gã yêu để lại, là hiện thân khát khao được làm mẹ của chị hai Thương.
Và gần đây, “Mười bảy cây số đường ma” cũng được viết bẳng cả trái tim người mẹ. Nghệ thuật xây dựng tình huống khá sắc sảo, người đọc có thể nhập nhằng những cuộc đi về tình cờ của “tôi” và của “chị” nhưng cái cớ đó không khô khan, nó đẫm nước mắt bi ai mà mấu chốt được tháo gỡ bởi lời thoại một nhân vật giải thích về cái chết của chị sau một tay nạn giao thông và ở đoạn chị chửi cột cây số “đáng lẽ nó đâu cần đứng đó”. Vai trò của cột cây số bỗng nhường chỗ cho một hung thần cướp mất mạng sống chị trong một chuyến về quê. Là ma mà còn “nói tới nói lui về cái nguyện vọng còn dang dở”. Nguyện vọng đó có khó khăn gì cho cam? Chỉ là việc mong chóng về tới nhà sợ bầy con nheo nhóc đang trông, về để được nấu cho chúng ăn một bữa đã cơn thèm bấy lâu, nhớ nó mà khi nó vừa quen rồi lại đi. Khoảng cách mẹ con hàng trăm cây số. Còn vỏn vẻn mười bảy cây số nữa thôi, chị sẽ được gặp lũ con mình để thỏa cái cơn “nhớ gì mà nó nhớ”: “thấy con người ta đi ngang là tay chân buông sụi, cầm cái gì cũng muốn bỏ hết”, nhớ cái sào phơi quần áo, nhớ lỗ mùi thò lò… mà “vừa rớm nước mắt vừa buộc tới buộc lui mấy ổ bánh mì” thật tội nghiệp.
Biết làm sao được để rút ngắn khoảng cách đó mà hoàn toàn được ở bên con vì “chị đã kiếm đủ đường rồi”. “Mà đồng tiền xứ người cũng đâu có dễ kiếm”. Lý trí và tình cảm cứ giằng co trong chị. Nhạy cảm với chuyện cơm áo gạo tiền, tác giả nhắc ta về quá khứ, thời “ông bà nghèo cũng có năm ba công đất”, “chỉ cần lo hũ gạo, ra hè mò ốc, mò cua cũng có cái quọt quẹt”. Từ “quọt quẹt” đọc lên nghe thân thuộc, đạm bạc mà mặn nồng biết bao! Liên hệ nghề nghiệp, chợt những ai làm nghề dạy học lại nghẹn ngào, “chạy xe đời mới, thèm gì mua đó, có khi thừa mứa bỏ lăn lóc, nhưng nợ ngân hàng ngập đầu” nên “muốn mua được một công đất chỉ có chiêm bao”. Dù là nghề gì, là ai đi nữa, “trẻ con nhiễu nước miếng mà mẹ cha héo ruột”, vừa xa “nỗi nhớ con đã làm người mẹ không thể lựa chọn” ngoài việc “bù đắp bằng kiểu ấu trĩ”.
Câu chuyện về người mẹ trước khi được về với các con “nét âu lo hằn rõ làm chị như ngơ ngác hơn giữa đông đảo xe cộ” kết thúc bằng tấm hình chị trên bàn thờ cũng hãy còn ngơ ngác. “Mười bảy cây số đường ma” xoay quanh một chuyến về hư hư thực thực thu hút người đọc ngay cả tên truyện. Thể loại này được một số nhà văn chú ý làm mới. Phương cách mới đó trong truyện ngắn Võ Diệu Thanh là bồi vào gốc truyện để không chỉ làm run lên trái tim người đọc đơn thuần vì một cảm giác “sợ ma”. Hồn ma về ngang cánh đồng lớn, hiện trạng nông thôn mở ra nhan nhản trong mắt người đọc. “Nhưng nó vẫn không nuôi hết những người ở cặp theo nó”. Có nhiều người bỏ xứa đi rồi “sau một ngày đuối nhừ về cái chỗ không phải là nhà mình”. “Nông dân làm ruộng ít đỉnh gặp sự cố một vài lần nợ nần chồng chất, cầm cố ruộng để trả nợ”…
Bao giờ cuộc sống hết hẳn nợ đời thì một nhà văn như Võ Diệu Thanh mới hết đề tài khai thác.
Võ Diệu Thanh cần mẫn trên trang viết của mình. Nhân vật mà chị xây dựng vàkhông ít những câu triết lý mà chị vun vén từ trải nghiệm của mình khiến người ta cứ nhớ khi mỗi ngày cuộc sống cứ diễn ra đa chiều khác gì sự đa dạng đề tài trong truyện ngắn của chị.
Sức viết của chị đang rất dồi dào, số lượng những “đứa con” lắm khi không nhớ xuể. Chị viết “Đường vui còn dài dài” dừng lại ở việc đào sâu khía cạnh hang cùng ngõ hẹp tính cách một công chức, giá như truyện ở lại trong tay chị lâu hơn sẽ tránh những lỗi ở cuối trang 27, trang 28, đầu trang 29 (tạp chí Thất Sơn số 167), và cũng cần thống nhất đại từ nhân xưng “má” - “mẹ” trong “Ngọn rau mùa nước và cây cổ thụ”, “cậu” - “gã” trong “Đứa trôi sông”… để góp phần hoàn hảo hơn cho sáng tác của chị.
NGHIÊM QUỐC THANH
_______________________
BBT ơi sao không lần nào coi được bài này hết vậy :"(
Trả lờiXóaBông Tràm đã chỉnh sửa, thành thật xin lỗi bạn đọc!
Trả lờiXóa