Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Ốc ăn bồ hóng, trăm lần không, ngàn lần không, tôi luôn tự nói với mình như vậy. Nhưng những con ốc sống được trên giàn bếp, không cần thức ăn vẫn béo ú giòn mềm là có thật. Lại nhớ về những người buôn ốc phải đem những tấn ốc tươi phơi nắng. Nếu phơi nắng đủ khô, cứ vô bao chở tới đâu cũng được.
Những con ốc phơi khô vẫn sống trong khi môi trường sống của nó là nước. Những con ốc cày nằm im trong những luống đất khô suốt những mùa hạn dài ba bốn tháng vẫn ú mềm, phải chăng nó cũng đã được ăn món gì đó gần với bồ hóng? Vậy rồi chỉ cần một trận mưa già, những con ốc lỏng mình đã nổi trên mặt nước. Hơn thế, những con ốc đầy trứng chỉ sau một đêm mưa tầm tã.
Ngày nọ tôi cùng nội xới đất trồng trọt trên một cái nền trại cũ khô cằn cũng gặp những con ốc lát to hơn nắm tay. Nội nói con ốc nó tu hành. Thời trẻ con, tôi không hình dung sâu xa câu nói của nội. Nội tôi nói chơi vậy thôi chớ tu hành gì loài ốc. Cũng có hình dung cảnh những tháng ngày ốc nằm lặng lẽ dưới những tảng đất khô như đá, mở miệng để thở đã khó nói gì có thể ăn được món gì. Sao nó vẫn ú mềm và sẵn sàng sinh sản.
Con ốc ăn bồ hóng hay con ốc liếm láp những thớ đất khô cằn? Tôi thường thả vào thiên nhiên những câu hỏi hững hờ như vậy. Như một ngăn kéo để dành. Chẳng có gì để gấp gáp tìm hiểu, cũng chẳng thỏa đáng để gạt bỏ những băn khoăn khỏi tâm trí. Giống như câu hỏi hơn mười năm trước của người bạn bậc thầy trong làng nghề trồng kiểng mi ni “những cành cây nào đang ngủ?”. Dưới tay anh, một gốc kiểng hơn hai mươi năm tuổi chỉ có thể nhỏ gọn trong một bàn tay.
Anh kể câu chuyện về những gốc cây lăn lóc. “Cây ngộ lắm, có những lúc cô cắt trên thân nó hàng trăm vết cắt, cắt trụi tất cả cành nhánh, bẻ vặn vẹo trăm đường, quăng nó góc sân lăn lóc như khúc củi, nó vẫn sống. Nhưng có những lúc chỉ cần cắt nhẹ những cái sẹo, bấm nhẹ một vài nhánh là cây lăn đùng ra chết. Có nhiều người mua những cây kiểng hàng chục cây vàng, mỗi ngày nâng niu uốn tỉa nhẹ nhàng như người ta nựng con nít mà cây cũng lặng lẽ hốt chục cây vàng đổ sông đổ biển. Cô biết vì sao không? Cô biết khi nào cây thức, khi nào cây ngủ?”.
Tôi không biết. Nhà khoa học chân đất Hoa Sĩ Hiền nói những hạt giống được phơi thật khô là hạt giống ngủ, có thể lưu trữ nó qua nhiều mùa, những hạt giống ngủ như nàng công chúa bị nắng thôi miên, nàng ngủ li bì như giấc chết và một ngày kia hoàng tử nước ướm nụ hôn thật sâu lắng, thật nồng nàn. Nàng giống nở bừng sự sống chỉ sau một đêm.
Cơn thôi miên của mặt trời và nụ hôn của thần nước hình như cũng đã áp lên cuộc đời của những con ốc “tu hành”? Những con ốc ẩn trong đất khô dường như cũng đã được thủy thần tặng những nụ hôn thần thánh nên chỉ sau một trận mưa già, những “tu sĩ” vô ưu bỗng chốc trở mình thành “bà bầu” tưng bừng sức sống rồi bước vào mùa sinh sản nhộn nhịp của nó.
Tôi biết sự “ăn bồ hóng” chẳng qua là cái loài nổi tiếng chậm chạp nhất hành tinh thu gọn sự sống để ngủ một giấc dài trong nghịch cảnh. Dẫu hiểu vậy tôi vẫn thích ý nghĩ những con ốc tu hành nội tôi từng nói. Ý nghĩ những con ốc tu gợi hình dung về những cội bồ đề co cụm sự sống thật gọn, thật sâu, mặc kệ cái nóng chói chang rang giòn từng thớ đá. Ở những trạng thái ngủ hạn, ngủ đông sâu lắng của sinh vật như một buổi nhập thiền đạt định của những thiền sư, sự sống vẫn tồn tại, sự ăn lúc này là những món còn tinh tế hơn cả không khí. Người xưa nghĩ ốc ăn bồ hóng cũng đúng, hay ốc tu hành cũng đúng.
Giấc ngủ đạt đạo kiểu ốc là một món quà thiên nhiên dành tặng cho những loài gần như không thể di cư. Những con rùa, những hạt giống hay những gốc cây chôn một đời một chốn, gặp những mùa nghịch cảnh chúng không thể di chuyển ra khỏi những vùng thời tiết khắc nghiệt thì chúng di cư vào những giấc mơ dài. Những con sếu cao chân dài cánh lại không có những giấc ngủ đạt đạo của loài ốc. Sếu phải thực hiện cuộc di cư đúng nghĩa đen và vượt qua nhiều vùng địa lý. Nhưng sếu lại đạt đạo ở một thể khác. Với những đôi cánh rộng, sếu có thể nương theo những cột không khí đối lưu mà nâng cơ thể mình lên cao hàng chục ngàn mét và thả buồm hàng mấy chục ngàn cây số suốt hành trình tìm mùa ấm của mình.
Loài người di cư kiểu gì? Loài người dần dà ít vận động, còn chậm hơn cả những con ốc và những phương tiện hiện đại giúp họ cao chân dài cánh hơn những con sếu khổng lồ. Tương đồng về hoàn cảnh nhưng trong những mùa nghịch cảnh của tâm hồn, của môi trường, không mấy người dám buông hết để “bước” sang một thế giới tu hành như loài ốc, hoặc buông hết để “bay” biệt tăm như sếu.
Đa số không dám chọn cái chết giả để tái sinh mà chọn cái sống vật vờ dài vô hạn. Để rồi sự sống mỏi mòn thăm thẳm đáng sợ hơn cả cái chết. Sống và sống mải miết giữa mùa nghịch cảnh bằng tất cả trách nhiệm là một sứ mệnh, cũng là nỗi bất hạnh của loài người. Cho tới khi trở thành những con người chẳng còn là con người. Người ta biến thành quỷ bởi những loạn lạc trong tâm hồn khi đáng lý có thể buông tất cả để ngủ giấc ngọt lành giữa hoang du nào đó.
Mọi thứ không khó khăn đến như vậy. Khi hoàn cảnh đã trở về số không tròn trĩnh, mỗi con người cần dành cho tâm trí mình làm một cuộc di cư. Coi như mình đã chết, đã bước sang một kiếp sống khác. Vậy thì những khen chê còn nghĩa lý gì? Người xưa ngoài chuyện phát hiện ốc ăn bồ hóng họ còn phát hiện “Vắng mợ thì chợ vẫn đông. Mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”. Chết tạm những trách nhiệm, chết tạm những sự trọng đại của một vai tuồng để tái kiếp. Sau cuộc di cư mọi địa ngục đều được bàn tay thời gian đẩy lùi về quá khứ. Ngày mới bắt đầu.
Ở những ngày thường cư dân thời đại không cần phải là những con sếu rộng cánh cứ hễ chuyển mùa là bay qua nửa vòng trái đất, cũng không cần phải di cư vào một giấc ngủ dài hơi như giấc chết. Nhiều người chọn cuộc di cư là một chầu nhậu quên hết đất trời, một quán cà phê với khung cảnh hoàn toàn khác biệt hay chỉ đơn thuần là một ngôi nhà của người quen ở ngoại ô thiếu thốn tiện nghi. Nếu như công việc buộc chúng ta mỗi ngày phải quen thuộc với chín mươi chín địa điểm thì cũng ráng dành một điểm hoàn toàn khác biệt để “di cư” vào đó mỗi độ cuối tháng, cuối tuần. Nơi đó có thể chẳng tốt đẹp bằng nơi mỗi ngày ta hùng hục vai tuồng trọng đại, nhưng nơi đó phải khác biệt. Khoảng khác biệt lôi kéo những bước đi, khoảng nhọc nhằn gầy dựng cảm giác thèm về.
Đi như nếm một chút đắng cay của ngày ngẫu hứng, để những thường nhật trở nên êm dịu ngọt lành.
Võ Diệu Thanh
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét