Được sự cho phép của Hội LH VHNT An Giang, Gia đình Áo Trắng (GĐAT) An Giang phối hợp CLB văn thơ – ĐH An Giang vừa có có chuyến gao lưu với khoa KHXH&NV trường ĐH Đồng Tháp. Đồng thời, các thành viên trong đoàn còn được tham quan thực tế ở căn cứ cách mạng Xẻo Quít, lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và vườn quốc gia Tràm Chim.
Từ sáng sớm thứ bảy (27/10/2012), như đã hẹn, những lời chào thân thiết sau bao lâu gặp lại làm hân hoan thêm cho một chuỵến đi nhiều hứa hẹn với những chia sẻ mới và những cảm xúc vẹn nguyên trong mỗi người. Khởi hành từ Khoa Sư phạm (ĐHAG), xe lăn bánh về hướng phà An Hòa. Cây bút trẻ Trương Chí Hùng (giảng viên khoa Sư phạm trường ĐHAG) thay mặt đoàn giới thiệu sơ lược thành phần tham dự chuyến đi. Trưởng đoàn là một nhân vật vốn rất gắn bó với các bạn trẻ yêu văn chương trong tỉnh và được các bạn tặng cho một biệt hiệu cũng phần nào nói lên nhiệt huyết của anh đối với những tiềm năng trẻ: “cánh chim đầu đàn” – nhà văn Mai Bửu Minh (Chủ tịch Hội LHVHNT AG – Trưởng GĐAT AG ), phó đoàn là đại diện phía CLB văn thơ ĐHAG, thầy Trần Tùng Chinh (chủ nhiệm CLB văn thơ – trưởng bộ môn Ngữ văn trường ĐHAG). Sau mỗi phần giới thiệu, các thành viên GĐAT AG và các bạn sinh viên thuộc CLB văn thơ ĐHAG vỗ những tràng pháo tay thật nồng nhiệt. Tiếp sau đó, Trương Chí Hùng - người có duyên quản trò, chuyên đảm trách điều khiển chương trình cho GĐAT AG bắt nhịp cho cả đoàn hát vang những ca khúc tập thể. Không khí trên xe dường như không còn oi bức mà “nóng” lên bằng sự đóng góp nhiệt thành và hào hứng của các thành viên.
* Về thăm lại khu “Căn cứ lòng dân” một buổi sáng đầy nắng:
Chuyến phà thứ hai trong quãng đường đưa cả đoàn sang Cao Lãnh, xe dừng ở cổng trường ĐH Đồng Tháp đón nhóm thầy trò lớp Ngữ văn 2010 tháp tùng đến thăm căn cứ cách mạng Xẻo Quít. Tranh thủ không gian chật lại, các bạn làm quen nhau từ chỗ ngồi chen chút, kể nhau nghe chuyện học tập và cả chuyện đam mê văn chương của những tâm hồn trẻ trung, năng động. Có bạn chỉ nghe tên và đọc sáng tác trên báo, nay được gặp mặt thì rất mừng. Nắng vừa lên cao thì đoàn cũng vừa đến được Xẻo Quít vì chỉ cách cách QL 30 hơn 5 km. Xe ô tô tham quan từ khắp nơi đỗ dồn kín cả lối vào.
Ngay phía trái cổng chính là cây cầu bê tông dẫn qua địa phận chính của khu căn cứ Tỉnh ủy Kiến Phong (nơi được chọn để lãnh đạo kháng chiến trong những năm chống Mỹ cứu nước, từ 1960 đến 1975) rộng trên 50 ha, với trên 10 đồn bót, mỗi đồn cách nhau từ 1 đến 6 km. Đặc điểm địa hình của khu căn cứ Xẻo Quít là vùng trũng thấp nên chịu ngập vào mùa nuớc nổi. Thăm các đồn vào mùa này, người tham quan đi bằng xuồng ba lá. Lướt dưới rừng tràm trong vô vàn tia nắng chiếu thành từng sợi sáng lóa, mới thấm thía lời của một thuyết trình viên thuộc khu di tích Xẻo Quít, “mỗi cây tràm là tượng trưng cho một tấm lòng của dân”. Từ trong kháng chiến đến trong thời khắc yên bình, tràm lúc đầu được trồng để gây rừng, nay tràm cứ vươn cao. Tràm với người rất cần nhau ở sự chở che để sinh tốn. Còn lòng tin của dân luôn được duy trì qua sự hỗ trợ về vật chất, phong trào kháng chiến nơi đây vững chắc hơn. Thế nên, di tích Xẻo Quít còn có tên gọi “Căn cứ lòng dân”. Được Bộ văn hóa thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 06/01/1994, khu di tích Xẻo Quít chào đón du khách đông nhất vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết… bởi đây không chỉ là một địa chỉ đỏ tác động trực quan nhằm giáo dục truyền thống Cách mạng vẻ vang của dân tộc ta cho thế hệ trẻ ngày nay, mà còn là một điểm đến tham quan đầy lí thú với vẻ trù phú của rừng tràm trên 30 năm tuổi hòa quyện hơi nước bốc lên thẳm sâu từ lòng đất.
Ven dòng rạch nhỏ (từ cổng chính thắng vào) có không biết bao nhiêu loài thủy sinh mọc chen nhau xanh mượt đến đầu nõn lá, gây ấn tượng nhất vẫn là dây bòng bong leo bám thân tràm rồi thả xuống từng dòng, ngắm không chán mắt. “Đường chiến khu xưa” còn đó, nhưng giờ đã êm ả hơn, con người có thể nghe được nhịp sống của muôn loài quanh mình.
* Đêm giao lưu “Nối vòng tay bè bạn” và những kí ức đẹp:
Dù hơn nửa ngày ngồi trên xe và dạo bước tham quan Di tích lịch sử Xẻo Quít hoang sơ mang một giá trị lịch sử – văn hóa của một căn cứ anh hùng trong chiến đấu; Lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với những đổi thay chứa một nét đẹp trang trọng và hài hòa giữa yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại của một khuôn viên khiêm tốn thuộc thành phố Cao Lãnh – Đồng Tháp; trước đêm giao lưu còn có một trận giao hữu bóng đá diễn ra… nhưng không vì thế mà niềm nôn nao sẵn sàng cho đêm giao lưu nén lại, điều đó vẫn hiển hiện rất rõ trên khuôn mặt các bạn thành viên GĐAT AG – CLB văn thơ ĐHAG.
Đến dự đêm giao lưu chủ đề “Nối vòng tay bè bạn”, ngoài sự hiện diện của GĐAT AG và CLB văn thơ ĐHAG còn có sự tham dự của TS. Nguyễn Thị Kim Tuyến – Trưởng Khoa KHXH&NV trường ĐHĐT, quý thầy cô bộ môn Ngữ văn và đại diện BCH Đoàn trường, nhà thơ Hữu Nhân – Phân hội trưởng Phân hội Văn học – Hội LH VHNT Đồng Tháp, đông đảo các bạn viết trẻ và sinh viên của 2 trường ĐHAG – ĐHĐT.
Hai bên đã biểu diễn các tiết mục ca, múa, ngâm thơ, tiểu phẩm… trong một không gian gần gũi, sôi nổi. Hơn 20 tiết mục toát lên ý nghĩa ít nhiều tác động sâu sắc đến tâm hồn văn chương và cả ý thức tích cực trong học tập của các bạn trẻ. Bên cạnh những chia sẻ quý báu về đề tài cũng như những kỉ niệm xoay quanh quá trình hình thành tác phẩm của các tác giả: nhà văn Mai Bửu Minh có nhiều tiểu thuyết, truyện vừa viết về tuổi đang yêu như “Đường chúng tôi đi”, “Chuyện tình nhà thơ lớp”…, nhà thơ Hữu Nhân có giọng thơ hóm hỉnh mà đáng yêu như chính tính cách của anh với bài “Viết cho tuổi 30”, tác giả vừa đạt giải Nhất truyện ngắn ĐB SCL năm 2011 – Trần Tùng Chinh với truyện ngắn“Bên giếng nước” và những tập truyện ngắn đã xuất bản thể hiện tâm huyết của một giáo viên với nghề và với học trò mình…, các bạn trẻ còn được giao lưu gặp gỡ với cây bút trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ đã khẳng định được phong cách thơ của mình và được công chúng yêu thơ quan tâm, giọng ngâm Huỳnh Thị Nương mượt mà với một sáng tác mới của mình, Vĩnh Thông và Lê Quang Trạng đều đang học lớp 11 nhưng hai bạn viết rất khỏe và có nhiều bài thơ được đăng trên tập san Áo Trắng, Văn nghệ quân đội, tạp chí Thất Sơn…
Buổi giao lưu khép lại giữa một đêm trăng muộn. Đâu đó, những ánh mắt đồng cảm qua trang viết càng lấp lánh những niềm tin. Bước xuống từ sân khấu nhỏ, họ nắm tay nhau như không muốn rời và không quên gởi cho nhau những lời hẹn chưa định trước.
* Tràm Chim mùa nước nổi:
Được sự hướng dẫn của nhà thơ Hữu Nhân, sáng chủ nhật (28/10/2012), đoàn di chuyển về hướng huyện Tam Nông để đến với Vườn quốc gia Tràm Chim nằm ở trung tâm Đồng Tháp Mười.
Từ xa, đã thấy những chấm đen nguẫy cánh tập trung thành cụm li ti giữa trời. Tiền thân năm 1985, Tràm Chim là đất ngập nước trồng tràm và khai thác thủy sản. Năm 1991, nơi đây là trung tâm bảo tồn quốc gia vì có nhiều loài chim quý hiếm xuất hiện trong vốn cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của thảm động thực vật phong phú nên đã được Chính phủ công nhận là Vườn quốc gia ngày 29/12/1998.
Đoàn chia làm 3 nhóm nhỏ. Anh Linh – hướng dẫn viên của Trung tâm du lịch Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, “tham quan vào buổi sáng sẽ có cơ hội thấy cò nhiều, chúng tập trung không cố định”. Xuống thuyền, đoàn vượt khoảng 13 km đường thủy rẽ từng khúc rạch nhỏ quanh co chạy vào trung tâm vườn Tràm Chim. Sen mùa nước nổi mọc thưa lưa nhưng vẫn giữ nét thanh cao trong phơi phới gió, mỗi đợt sóng ngang qua làm dâng con nước đến tận đài sen. Sen trắng và sen hồng là hai loài hoa điển hình mọc len lỏi trong vùng. Xen với sen và bông súng giữa mùa nước nổi, lúa trời và năng ống rạp thân nghiêng về một phía. Năng kim mới là thức ăn chính của Sếu đầu đỏ. Có lẽ vì thế mà mùa khô và sau Tết, Sếu lại bay trở về làm mê hoặc lòng người bằng những vũ điệu thiên nhiên riêng biệt cuả loài chim thuộc họ Hạc nổi tiếng trên thế giới đang rất cần sự chung tay bảo vệ của loài người trước nguy cơ diệt chủng. Con nước tháng chín không hăng, sự dung dị vốn có của vùng sông nước như tính chân chất của con người nơi đây. Thuyền dậy sóng đến đâu, cò giật mình tung bay nhưng rồi cũng đáp lại gần đó. Những mô đất nhô lên thấp thoáng, sau mùa nước nổi rồi sẽ lại liền nhau một dãy.
Đứng trên tháp ngắm 4 tầng đặt tại trung tâm khu, phía dưới là sự độc đáo của thiên nhiên được bố trí ngẫu nhiên cho thấy sự đa dạng sinh học của nơi cung cấp tài nguyên cho cộng đồng xung quanh. Tất cả đều ẩn dưới một thảm đủ gam màu xanh đậm nhạt khác nhau. Xanh sẫm của tràm, xanh non tơ của cỏ, xanh ngọc phía chân trời… bao bọc những cánh cò bay vẽ nên một hình ảnh Đồng Tháp Mười tươi đẹp. Ở đó, công lao cha ông thời mở cõi đất phương Nam mãi là niềm tự hào của bao thế hệ. Vườn quốc gia Tràm Chim xứng đáng được công nhận là khu Ramsar thứ 2000 của Thế giới và là 1 trong 4 khu vườn quốc gia lớn của Việt Nam đầu năm 2012.
Kết thúc hành trình về với một góc Đồng Tháp Mười, chắc hẳn trong mỗi bạn trẻ đều tự nhủ với lòng, làm một điều gì đó phù hợp và vừa sức nhất, trước mắt sẽ trải lòng mình trên trang viết về khoảng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đủ để các bạn trải nghiệm với thiên nhiên, với lịch sử và với cả những con người làm nên lịch sử…
NGHIÊM QUỐC THANH (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét