Khi còn là một con bé chưa biết
gì thì tôi đã thuộc nằm lòng hai câu thơ: “Yêu thơ là kẻ đa sầu, Yêu nhạc là kẻ
bắt đầu mộng mơ”. Tuy tôi không biết ai là tác giả của hai câu thơ ấy, nhưng
người dân quê tôi độ tuổi mười tám đôi mươi ai cũng biết hai câu thơ này, rồi
truyền miệng lẫn nhau. Tôi nhớ và có thể ngâm nga hai câu thơ cũng vì lẽ đó dẫu
rằng tôi không thể hiểu hết. Lớn lên một chút và đến khi tôi bắt đầu yêu nhạc,
yêu thơ, nhất là những ca khúc, những câu thơ có liên quan đến tình yêu đôi
lứa. Phải chăng tôi bắt đầu đa sầu và mộng mơ?
Tôi thích đọc thơ tình nên tôi lục lọi, tìm kiếm ở bất kì phương tiện nào có
đăng tải chúng. Tôi bắt đầu làm quen với thơ tình của nhiều tác giả nổi tiếng
như Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Xuân Quỳnh, Xuân Diệu, thậm chí là những bài thơ
nói về thân phận người phụ nữ của Hồ Xuân Hương. Tôi tìm thấy sự đồng cảm ở thơ
của họ. Tôi luôn mượn thơ của họ để thể hiện cảm xúc. Những nhà thơ này luôn có
sự sáng tạo và táo bạo trong từng câu chữ nhưng không trần trụi, thô thiển. Họ
dừng lại đúng lúc và vừa đủ để người đọc tự cảm nhận và hình dung. Thơ họ làm
tâm hồn ta phong phú thêm, giàu thêm, và lãng mạn thêm. Tôi thích, tôi thuộc,
và tôi ngưỡng mộ.
Trong thời gian gần đây tôi ít đọc thơ, tìm hiểu thơ, tuy nhiên tôi vẫn là một
người hâm mộ thơ và sự hâm mộ trong tôi không bao giờ giảm. Trong thời buổi thị
trường hóa mọi thứ như hiện nay vẫn còn những tâm hồn tuyệt diệu, tôi sẽ tìm
được sự đồng điệu từ những tâm hồn đó. Mấy hôm gần đây tôi được thưởng thức
những bình luận, những phản hồi, những cảm nhận của các bạn đọc về tập thơ “Anh
ngủ thêm nữa đi anh. Em phải dậy lấy chồng” của Nồng Nàn Phố. Trên cương vị là
một đọc giả, chỉ nghe tiêu đề thôi là tôi cảm thấy không muốn đọc thêm phần nội
dung. Vì sao? Bởi lẽ toàn bộ nội dung đã được thể hiện ở hai câu thơ ấy rồi.
Trong các nhà thơ hiện đại, nếu
xét về mức độ táo bạo, ta có nhà thơ Xuân Diệu với bài Khoảng Cách: “Hãy sát
đôi đầu, hãy kề đôi ngực”, rồi “trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài”, rồi “cho anh
nghe đôi hàm ngọc của răng”… Hay Hồ Xuan Hương chảng hạn, lời lẽ trong thơ bà
rất bình dân nhưng không đến mức phô và thô thiển. Trong bài Vịnh Cái Quạt có
câu “Nâng niu ướm hỏi người trong trướng. Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?”.
Chỉ ngần ấy câu đã tạo nên sự đa chiều trong suy nghĩ. Chỉ có những người tương
tự như thế mới xứng đáng đại diện cho nhà sáng tạo ngôn ngữ, mới có thể giúp
giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt. Táo bạo nhưng người đọc không có cảm
giác ngượng. Táo bạo nhưng vừa đủ để kích thích tư duy của người đọc, và như
thế mới là tôn trọng độc giả.
Tôi không phải là một người làm nghề viết lách, một nhà thơ, mà chỉ là người có
sở thích đọc thơ, đọc truyện. Chính vì lẽ đó, tôi - một độc giả không muốn bị
xem thường bởi người có “chút năng khiếu” làm thơ, và cả…. nhà xuất bản nữa.
Văn học là nhân học. Văn học là để rèn giũa tâm hồn, khơi gợi tình yêu quê
hương đất nước, phát triển nhân cách, hình thành quan điểm đúng đắn với cuộc
sống. Vậy có nên chăng để xuất bản chỉ vì lợi nhuận từ những độc giả “tầm
thường”? Tôi tự thấy rất hoang mang và lo lắng về tư duy và nhân cách của thế
hệ trẻ sau này.
NGUYỄN THÚY OANH (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________________