Một cái bếp lửa giữa căn nhà hiu quạnh,
chồng chất tiếng “tách”, “tách” vội vã của ngọn lửa rực hồng. Căn bếp nhỏ nằm
khiêm nhường, nhỏ xíu nhưng ấm cúng. Phượng Ngân khép quyển vở lại, nhắm mắt
dưỡng thần. Đây là giai đoạn gần tới thi nên bài rất nhiều, Phượng Ngân thường
phải thức rất khuya bên ngọn đèn dầu để ôn bài.
Tiếng xào xạc của những cây tre
ngoài sân va vào nhau, tiếng côn trùng rả rích những âm thanh hỗn loạn. Thế
nhưng với Phượng Ngân có lẽ đó là âm thanh mà suốt cuộc đời mình chẳng bao giờ
mà con bé như cô quên được. Bởi nó là cái hồn, là cái nơi mà tuổi thơ cô gắn
với những kỷ niệm đầy ấp hình ảnh của người bà thân yêu. Nhưng nó cũng là nơi
chứng kiến những bi thương, mất mát, bất hạnh của một đời gian truân, thiếu
tình thương cha mẹ...
Tưởng chừng như
sắp lạc vào cơn mơ, “ầm” một cái Phượng Ngân bừng tỉnh, rồi khẽ
nhăn mặt. Cô đứng dậy đi nhanh vào giường rồi trùm chăn kín mít, cố gắng không
để những âm thanh tục tĩu bên ngoài vang vào trong. Những
tiếng quát tháo, tiếng loảng xoảng dường như nó quá quen thuộc với Phượng Ngân.
Nó cũng khiến những cảm xúc trong lòng cô lặng yên mà không thể bừng sức thanh
xuân được nữa. Phượng Ngân nghe tiếng người đàn bà đó réo lên chanh chua, nghe
tiếng người đàn ông đập phá bát chén, những âm thanh xoáy sâu vào tâm tư của
cô. Phượng Ngân dù đã cố gắng nhưng những âm thanh đó vẫn như trêu ngươi với
cô. Tức mình Phượng Ngân bước xuống giường định đóng chặt cửa hơn nữa thì nghe
tiếng bà ngoại:
- Phượng Ngân hả con? Đi với bà ra ngoài
xem mẹ con với dượng con có chuyện gì. Khuya khoắt rồi còn
để cho hàng xóm ngủ nữa chứ!
Phượng Ngân cài chốt cửa lại, dìu bà ngồi
xuống ghế:
- Ngoại ở trong này nghỉ cho khoẻ, ngày nào mà họ chẳng thế. Hàng xóm nói cũng nói, mắng
cũng mắng rồi còn gì?
Bà Ba – ngoại của Phượng Ngân thở dài, rồi
đứng dậy:
- Nhưng mà cũng không thể để tụi nó làm ầm
cả xóm như vậy được, con đi với ngoại xem.
Phượng Ngân đành im lặng, dìu bà đi ra
ngoài, tránh những chỗ trơn trợt do cơn mưa chiều. Phượng Ngân ghét người phụ
nữ đó, người mà cô phải gọi là mẹ, người đã bỏ rơi cô khi mới vào đời để chạy
theo cái hạnh phúc huyền hoặc khác. Còn nhớ lúc bà ngoại bệnh, lúc đó cô chỉ
mới năm tuổi, cái tuổi mà đáng lẽ như bao đứa trẻ khác phải được chở che trong
tình yêu thương vô bờ bến của mẹ cha. Còn cô, một con bé phải đi van nài, cầu khẩn một người mẹ, một người cha dượng vô lương tâm. Họ đã cho
gì ở cô, bố thí lòng thương hay chẳng có một sự liên hệ nào. Bà ngoại cô qua
cơn bệnh sốt ấy là do lòng hảo tâm của bà con hàng xóm, ít nhất ở họ - những
con người xa lạ cô còn nhận được lòng thương hại. Chua chát quá, Phượng Ngân
thương ngoại bao nhiêu, thương sự vất vả mà ngoại nếm trải để cho cô có được
cái tuổi thơ như bao đứa trẻ khác mặc dù nó không trọn vẹn. Được cấp sách đến
trường, được bồi dưỡng lòng thương người, lòng nhân đạo người với người. Thế
mới biết với cô có bao nhiêu thứ là cái khuyết không thể nào khuyết hơn được
nữa. Phải chăng số mệnh quá trêu ngươi cô, có mẹ mà không được thừa nhận, có
cha mà không biết ở nơi nào. Trong cô đâu còn cái gọi là tình mẹ bao la, đâu
còn là cái công ơn cha như núi. Với Phượng Ngân chỉ có bà là niềm tin cho cô đi
tiếp, nên cô không muốn bà cứ phải quan tâm đến ai khác. Phượng Ngân cũng có
cái ích kỷ của riêng mình, đó là điều mà cô tự cho rằng
không ai có thể tước đi được.
Trời mùa mưa trơn trợt, Phượng Ngân vừa
dìu bà, vừa sợ bà ngã. Ra bên ngoài, những cơn gió thổi lạnh buốt làm Phượng
Ngân thấy ớn lạnh. Cô dìu bà cẩn thận hơn, đến ngần ngôi nhà sáng đèn nhưng rôm rả tiếng người, tiếng quát, tiếng mắng, tiếng choang
choang của đồ đạc bị vỡ. Tim Phượng Ngân khẽ run lên. Cô sợ
lắm, sợ nhìn những cảnh như thế này, sợ phải đối diện với cái ác mộng đi suốt
chặn đường tuổi thơ cô. Phượng Ngân muốn đưa bà về, muốn giữ
chặt bà hơn nữa, như cảm nhận được điều đó bà Ba nắm tay cô:
- Chuyện thường mà con, lát nữa đâu lại
vào đó.
- Mày giỏi lắm, còn dám cãi tao đánh cho
chết luôn bây giờ…
- Mày giỏi thì giết tao luôn đi, thứ đàn
ông vũ phu, tao có chết mày cũng không yên thân đâu.
“ Choang” tiếng vang lại một lần nữa vang
lên, tiếng hét của người phụ nữ:
- Quớ bà con, thằng chồng nó giết tôi, bà
con…
- Mày im đi, còn nói nữa
hả?...hả?...
Mỗi tiếng hả, là một tiếng vang của đồ
vật, tiếng bạt tai nghe chát chúa. Phượng Ngân tay run run,
đôi mắt ngân ngấn, bước chân cũng sụt sịt chậm chạp. Bà Ba giọng nói nghiêm
nghị vang lên:
- Thằng Dân, con Tú đâu, bây không để cho
bà con hàng xóm yên thân lấy một ngày hả?
- Nó đánh tôi đây này, bà không thấy hay
mà còn hỏi?
Tay bà Tú vừa ôm mặt, ngang bướng hét lên với
bà Ba. Phượng Ngân nhìn nét mặt son phấn lòe loẹt của “mẹ” mình, không khỏi cảm
thấy chán ghét. Lại nhìn ông ba dượng với đôi mắt xếch, mái tóc đỏ càng cảm
thấy hận hơn. Cô cắn môi, nắm chặt tay bà Ba lơ mắt nhìn như không thầy gì. Với
cô không có thứ gì liên quan đến họ mà làm cô xao động, trong lòng Phượng Ngân
quan trọng nhất chính là bà Ba, người thay cả cha lẫn mẹ dạy dỗ cô nên người.
- Thế tự dưng tao đánh mày à, con đàn bà
kia?
Ông ba dượng cũng không vừa, hét lại còn
định đánh thêm nữa, nhưng bà Ba nạt ra:
- Thôi đi, hai đứa mày định làm cho cái
xóm này rối lên mới chịu à. Người ta chửi ngoài kia kìa, con ông cháu cha ai mà
không để cho người ta ngủ chứ?
Ông Dân tạt ngang cái ly trà cho nó văng
xuống đất, nước toé lên rơi ra sàn:
- Cha thằng nào dám lại đây mà mắng, tao
chém chết hết…
- Đúng là đồ vũ phu, mày tưởng mày ngon
lắm à, thua đề cả chục chai kia, sao không lo tìm cách mà trả? Quay về cái tổ
quạ này mà mắng tao thế? Có giỏi thì lên ngân hàng hay tiệm vàng đó, đâm chết
hết rồi gom tiền về đây cho tao nhờ.
- Mày có im đi không? Muốn tao đánh chết
không hả?
Bà Ba xua tay, đưa mắt nhìn Phượng Ngân
đang cố giữ chặt tay bà:
- Tụi bây muốn làm gì thì làm, tao qua đây
nhắc vậy thôi. Con Ngân còn học bài, im giùm cho nó nhờ.
- Bà còn lo cho nó học bài, không lo ngày
mai ăn cơm với cái gì đi. Con gái như nó học nhiều tổ mệt thân, lớn lên gả
chồng giàu có là xong.
Bà Ba không nói gì, theo tay Phượng Ngân
đi ra ngoài, dần theo lối cũ về ngôi nhà tranh ấm cúng của mình. Vào nhà,
Phượng Ngân rót cho bà một ly nước nóng.
- Ngoại uống đi cho ấm, trời bây giờ lạnh
lắm.
Cầm ly nước từ tay cô, bà Ba thở dài:
- Mẹ với dượng mày không để cho thiên hạ
yên một ngày, lại còn đề đúm nữa. Có ngày…
Bà bỏ ngang câu nói, nhưng cũng gợi cho
Phượng Ngân biết những gì bà lo. Tình cảm mẹ dành cho con cao cả quá, ấy vậy mà
cô chưa bao giờ có được nó. Phượng Ngân buồn bã sà vào lòng ngoại:
- Ngoại đừng lo nữa, họ có lo gì cho mình
đâu. Con đến bây giờ cũng chỉ có ngoại là người thân nhất,
nếu như ngoại lo quá có bề gì con biết sống ra sao?
Phượng Ngân nấc lên, vòng tay ôm chặt bà
Ba. Bà xoa đầu Phượng Ngân, tội nghiệp cháu bà từ nhỏ đã thiếu thốn tình thương
của cha mẹ. Bà tội cho cái nghèo của mình, cái đời nắng mưa tảo tần cực nhọc.
Bà sợ cái tuổi già bóng xế của mình mau đến, sợ mỗi lần nhìn Phượng Ngân khóc
như bây giờ. Nhưng cái lận đận của bà thì làm sao mà tránh được, bà vuốt tóc
Phượng Ngân:
- Cháu bà lớn rồi mà còn mít ướt quá, thôi
lo đi học bài đi chứ ở đó mà khóc lóc làm gì. Ráng học cho tương lai nữa, đừng
như mẹ con…
Bà Ba ngồi dậy đi vào trong che giấu đi
giọt nước mắt thầm lặng của mình. Cũng bao lần rồi, bà khóc một mình những lúc
Phượng Ngân bệnh, rồi sốt. Những lúc đó bà sợ biết bao nhiêu, sợ cái đời bất
hạnh mang mất đứa cháu bạc mệnh của mình đi mất. Cũng có lúc bà nghĩ sao không
cho nó chết từ lúc mới lọt lòng đi, sinh ra làm gì mà mang đời cực nhọc. Bà
trách mẹ Phượng Ngân sao mà ăn ở không có đức, biết sinh con, biết mang thai mà
không biết nghĩ đến tương lai, đời sống của con mình. Có trách thì
trách, con sai thì mẹ chịu, đời bà còn bao lâu thì ráng chuộc lại lỗi lầm của
con mình, biết đâu cũng vơi được đôi phần. Thế nhưng cái bà lo lắng chính là
vết thương lòng của Phượng Ngân, sự ăn mòn chai sờn của trái tim. Bà biết trong
Phượng Ngân chỉ có mơ hồ một tình cảm lạnh nhạt dành cho bà Tú, còn với cha
mình, ôi có lần nào Phượng Ngân biết cha mình là ai đâu. Bởi oan
nghiệt cũng chính do bà Tú gây nên, nếu bà sống đàng hoàng thời con gái,
biết giữ mình thì đâu mang những dông tố ngày sau. Còn bà
bây giờ như ngọn đèn dầu sắp tắt, còn bao lâu để chuộc lỗi được cho con mình
nữa. Bà nghĩ lại càng thấy xót xa cho cái đời lận đận của
mình.
Còn lại mình Phượng Ngân, cô đưa tay lấy
quyển vở mà tâm trí ở đâu đâu. Lòng xốn xang nhìn bóng ngoại khuất dần trong
khe cửa, ôi ngoại của một tuổi thơ còn được gọi bao lâu nữa…
Hơn tháng sau, bên nhà ông Dân, bà Tú vẫn
diễn ra đều đều những tiếng cãi vã với nhau. Nhưng hàng xóm
cũng lờ đi, không ai ra can thiệp mặc dù tiếng ồn ào vang cả khu phố. Có lẽ họ
đã cảm thấy quá mệt mỏi để can dự vào những chuyện phiền
phức này. Bởi họ sợ ông Dân, một phần lại không muốn mang phiền phức cho mình.
Phượng Ngân và bà Ba dù rất khó chịu và cảm thấy có lỗi với mọi người nhưng
cũng cam chịu, không còn cách nào hơn. Phượng Ngân trằn trọc trong chăn, tiếng
ông Dân và bà Tú cãi nhau văng vẳng trong đầu như một điệp khúc quen thuộc. Cô
ghét thứ cảm giác này, chính nó là tội phạm hành hạ một thời non trẻ của cô.
Lòng chợt đau khi nghĩ đến bản thân mình, đến tương lai mà không biết nó là
bông hoa hay nước mắt. Phượng Ngân lại nhìn qua khe cửa, nơi bà ngoại vẫn
thường ngồi vá áo cho cô. Thời gian đã làm ngoại già đi, gương mặt già nua hiện
lên trong từng nụ cười, từng ánh mắt của Phượng Ngân.
Bước xuống giường, Phượng Ngân mở cửa ra
ngoài cho thoáng, cô chợt nghe râm ran tiếng lao xao và
tiếng chó sủa vang rầm một khu. Tuy Phượng Ngân không muốn
quan tâm, nhưng cũng không khỏi tò mò len lén nhìn từ rào dâm bụt ra ngoài.
Phượng Ngân thấy nhà ông Dân, bà Tú sáng choang, người ta tụ năm tụ bảy vây
quanh ngôi nhà đông nghịch. Tiếng bàn tán, tiếng xì xào tạo nên một hỗn âm khó
tả. Đang muốn ra ngoài, chợt cái Nị, con cô Tư hàng xóm chạy qua ngóng vào vừa
thấy Phượng Ngân reo lên:
- A, chị Ngân, chị mau ra mà xem này. Dì
Tú bị đâm rồi, máu nhiều lắm… Con chó con nhà em nó không chịu yên gì cả, cứ
muốn chạy ra ngoài xem, em giữ nó mệt quá luôn nè..
Cái Nị làm ra vẻ mặt đáng thương, tay
không ngừng kéo áo Ngân làm nũng. Thế mà bên tai Ngân đâu còn nghe gì nữa, một
thứ âm thanh rè rè choáng lấy người cô.
- Nị!... cháu…. cháu vừa nói….
Không biết bà Ba đã ra ngoài từ lúc nào,
bà bị cái tin đó đánh trúng cả người choáng váng, khuỵ
xuống ngất đi. Phượng Ngân hoàn hồn nhanh tay đỡ lấy thân hình gầy guộc của bà
ngoại, nước mắt như dòng suối trôi ra, miệng không ngừng kêu “ ngoại”, tiếng
kêu đau lòng bao người...
Khi bà Ba tỉnh lại, một mực đòi qua nhà
ông Dân, Phượng Ngân dù đau lòng muốn ngăn lại nhưng không có tác dụng gì. Bà
Ba tỉnh dậy ngơ ngác chỉ có một ý thức là muốn qua nhà ông Dân, bà luôn miệng
gọi tên bà Tú, rồi lẩm bẩm gì đó. Tâm trí Phượng Ngân càng thêm rối loạn và sợ hãi, cô không biết làm gì hơn. Lòng cô cũng nhói đau một
cách kỳ lạ, bởi cô cũng mất đi người mẹ đã sinh ra mình. Nhìn ngoại như vậy làm
sao Phượng Ngân đành lòng để bà đau lòng hơn nữa, nhưng không cách nào ngăn
được.
Ngôi nhà ông Dân khang trang bao nhiêu thì
bây giờ tàn tạ bấy nhiêu, nó như vừa thay một lớp áo hôi hám khác. Chân Phượng
Ngân lại run lên, nhưng bây giờ không còn là cái run chán ghét và sợ hãi, bây giờ trong cô là cái run của tình thân, của máu mủ. Phượng Ngân nhìn xác bà Tú được phủ tấm chăn trắng, nổi bật là vũng máu còn chưa đong hết. Nhan khói nghi ngút bay
lên, thoang thoảng mùi hương nhè nhẹ. Bà Ba thì nước mắt giàn giụa, nhưng bà
không lẩm bẩm nữa, chỉ ngồi bên xác bà Tú nghẹn ngào khóc, người ta đến xem
cũng bồi hồi rơi lệ. Phượng Ngân chỉ đứng xa mà nhìn, rồi ngẩn
ngơ thầm hỏi. Đó là người mẹ mà trong thâm tâm cô từng chán ghét đó ư? Đó
là người mẹ mà cô luôn hận trong lòng đó sao? Đó là người mẹ đã đành lòng bỏ
rơi cô đó sao? Cô đã từng ghét cay ghét đắng bà ấy kia mà, nhưng sao bà ấy chết
rồi mà trong tim cô cứ nhói lên một cách đáng sợ như vậy. Là đau lòng ư? Là sợi
dây thiêng liêng mà trong cô đã bừng tỉnh ư? Phượng Ngân trân mắt nhìn ngoại
nấc nghẹn ngào bên bà Tú, nước mắt cô cũng rơi, nó chỉ chậm hơn bà Ba đôi phút.
- Ngân, con đến đây với mẹ con đi!
Phượng Ngân run lên, muốn chối từ nhưng
chân cô vẫn bước đi dù chậm chạp về phía bà Tú. Cô ngồi xuống kế bên ngoại
mình, tay run run kéo tấm chăn trắng lên. Đập vào mắt cô là gương mặt trắng
toát của bà Tú, đôi mắt chưa nhắm lại hết, phải chăng bà còn oan ức chưa hài
lòng? Phượng Ngân đưa tay vuốt mặt bà Tú lần cuối, rồi rụt tay lại hoảng hốt không
hiểu mình đang làm gì. Bà Ba như hài lòng với hành động đó của cô, giọng nhẹ
nhàng:
- Bà biết con không có ý nghĩ tốt về mẹ
con, nhưng dù sao đó cũng là người sinh ra con. Ơn sinh thành rất lớn, con
không nên ghét hay hờn gì mẹ con. Lỗi là do bà hết, có giận thì con cứ giận bà,
tại bà không biết dạy con. Con có ngày hôm nay, lỗi bà là nhiều nhất.
Phượng Ngân ôm chầm lấy bà Ba:
- Ngoại ơi, ngoại đừng nói vậy. Không có
ngoại thì con đâu có ngày hôm nay. Con không thương mẹ con, nhưng ngoại nói thì
con xin nghe.
Rồi nhìn qua bà Tú, Phượng Ngân như tâm
sự:
- Mẹ, chắc mẹ nghe thấy lời ngoại phải
không? Con không trách gì mẹ, nhưng mà lòng con không thể nào chịu được khi cứ
phải nghĩ mẹ vì ai bỏ rơi con…Cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác, mà con gái mẹ có
hưởng được tình cảm của tình mẹ không? Con phải làm gì để tha thứ cho mẹ đây?
Cô đứng dậy khi thấy cán bộ công an đến
làm việc, hỏi một số vấn đề cần thiết. Phượng Ngân chợt thất ngoại cô như già
đi mấy tuổi. Cuộc đời của ngoại sao phải trải qua những gian truân như thế?
Sau đám tang bà Tú, người ta bắt được hung
thủ. Run rủi sao người đó lại chính là ông cha dượng của
cô. Vì thiếu tiền đề, ông về đòi bà Tú đưa tiền, như bà Tú không đưa xảy ra ẩu
đả, ông Dân vì nóng giận lại có rượu nên lỡ tay đâm bà Tú. Phượng Ngân cùng Bà
Ba sau việc đó cũng trở nên trầm lặng hơn, bà Ba lại buồn rồi sinh bệnh làm
Phượng Ngân lo lắng không thôi. Dì Lâm, dì ba của Phượng Ngân có ý đón bà Ba về
ở chung với mình, để chăm sóc cho tiện. Phượng Ngân cũng thấy rất hợp lý, biết đâu thay đổi không khí ngoại cô sẽ bớt buồn hơn.
Dì Lâm cũng muốn cô đi với ngoại, nhưng Phượng Ngân từ chối. Cô muốn ở lại lo nhan
khói cho bà Tú, dù sao đi nữa đó cũng là mẹ cô.
Khi tiễn chân ngoại ra thị xã, Phượng Ngân
cứ nắm lấy tay bà Ba, quyến luyến biết bao nhiêu, nhưng giờ rời xa cũng đến.
Nhìn ngoại đi mà lòng Phượng Ngân biết mấy xót xa.
Về đến nhà, Phượng Ngân thắp cho bà Tú nén
hương, nhìn làn khói trăng di chuyển trong không gian, tâm cô như thanh thản
hơn.
- Bà ngoại về quê với dì Ba rồi đó mẹ, từ
nay chỉ còn con bên mẹ. Mẹ có cảm thấy buồn không? Ngoại vì mẹ con mình mà khổ
quá rồi phải không? Con không muốn vì con mà ngoại thêm khổ nữa, con cũng phải
tự nghĩ về đời mình nữa. Còn dượng Dân thì đã vào tù rồi, án lãnh cũng không
ít, có thể vào đó dượng ấy sẽ biết được mà hối lỗi. Mẹ có giận dượng ấy không?
Dượng ấy giết chết mẹ, khiến cho ngoại đau lòng nhưng con thì không biết nên
làm sao? Con không muốn nghĩ về những chuyện đó nữa mẹ à. Tốt xấu gì thì mọi
chuyện cũng qua rồi, con phải ráng học còn nuôi ngoại nữa.
Mẹ biết không, nếu không có ngoại, không có cái ngày mẹ mất thì con chẳng bao
giờ gọi mẹ là mẹ bằng tiếng từ trái tim đâu. Bởi con giận mẹ lắm, giận mẹ sinh
con ra rồi bỏ con sống chết thì mặc. Con nhiều lúc chỉ muốn chết đi, hay trả
thù mẹ bằng mọi cách, nhưng bây giờ con hiểu rồi. Dù mẹ có bị trả thù đi nữa,
lòng con cũng sẽ rất đau… vì con và mẹ là mẹ con…
Phượng Ngân nhìn di ảnh bà Tú, cảm nhận
như bà Tú nghe và hiểu những gì mình nói.
NGUYỄN THỊ DUNG
____________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét