Cậu Hạnh năm nay trên sáu mươi tuổi
nhưng còn khỏe lắm. Buổi sáng cậu đi bộ một vòng bờ hồ, về nhà tắm rửa, ăn sáng
và đi làm. Cậu thường nói với tôi “cậu còn đi làm chừng nào không đi được nữa mới
thôi”. Công việc của cậu tôi không rành lắm, đại loại tôi biết cậu làm chủ tịch
hội đồng thành viên một công ty xây dựng, là một công ty gia đình do thằng
Phúc, em họ tôi làm giám đốc.
Cái công ty này một tay cậu xây dựng nên, cậu làm
giám đốc từ ngày thành lập đến gần đây mới thôi. Cậu nhường quyền điều hành
công ty cho con mình, dầu gì thì thằng Phúc cũng đã có kinh nghiệm, tay nghề
khá, lại có bằng cấp hẳn hoi, vậy thì cậu rút lui từ từ là đúng quá rồi, cậu
nói với tôi như vậy. Tôi tán thành liền “cậu ơi cậu nghỉ đi là vừa, ráng chơi
vài năm nữa có chết cũng không tiếc!”. Cậu cười nói “cái thằng, làm sao tao
chết sớm được, hồi trước còn chiến tranh, bom đạn đầy mà tao không bị làm sao,
cái số cậu sống đến trăm tuổi con ơi!”. Nói xong cậu cười khà khà gồng bắp tay
còn khá săn chắc lên khoe tôi. Hình như câu nói chơi của tôi gợi lại trong lòng
cậu một kỷ niệm nào đó, tôi thấy cậu thoáng trầm ngâm, tráng cậu hơi nhíu lại.
Lúc này tôi mới thấy cậu hơi già vì mấy cái nếp nhăn, còn bình thường cậu Hạnh
trông trẻ hơn cái tuổi “lục thập hoa giáp” của mình. Lúc đó hai cậu cháu tôi
ngồi ở một quán cà phê cóc gần công ty cậu, cậu chỉ tay qua bên kia đường:
- Con thấy cây đào lông trong sân
trường không?
Đó là một cây đào già, trên thân cây
đầy những mốc trắng, chắc ai đó trồng cây đào này dễ cũng trên ba, bốn chục năm
trời. Tôi nói:
- Cây đào đó ai trồng hả cậu?
Cậu nói “cậu không biết, hồi nhỏ
trường này là trường tiểu học Đa Nghĩa, học ở đây cậu đã thấy nó rồi, chắc hồi
đó mấy việc trồng cây do ông cai trường làm. Hồi cậu học ở trường, ông cai Bính
dữ lắm, bọn học trò sợ ông cai Bính một phép, nhưng điều mà cậu muốn nói là mới
đầu tháng chạp mà cây đào đã ra hoa sớm, chắc tết này không có hoa đào quá!”.
Tôi cãi “cũng tùy cây thôi cậu, đâu phải cây đào nào cũng nở hoa cùng một lần,
con chắc có cây ra hoa trúng ngày tết đó?”. Cậu nói vậy sao, không biết cậu
nghĩ gì mà trông ưu tư dữ? Tôi chọc:
- Sao tự nhiên cậu lại buồn vậy, chắc
là nhớ người “iu” hả cậu?
Rồi tôi đọc liền một hơi: khi tớ có “ngừi iu”/chúng tớ mặc áo cặp/chúng tớ đeo nhẫn cặp/
rồi chủ nhật hàng tuần/ chúng tớ sẽ đổ xăng/ tớ chuẩn bị đồ ăn/ và đi phượt một
tăng/ bỏ hết những căng thẳng/ tim rung rinh màu nắng….Cậu Hạnh kêu lên:
- Con đọc cái gì vậy?
Tôi cười hì hì “con chọc cậu thôi, đó
là một bài thơ của một cô bé tuổi teen
con đọc được trên mạng, chắc là cô bé đó mới có người yêu. Mà cậu ơi khi yêu ai
cũng có tâm trạng như nhau thôi, con mong có bà nào đó yêu cậu, mợ chết cũng đã
lâu, cậu thì còn phong độ chán?”.
Cậu Hạnh không cười như tôi tưởng, mắt
nhìn xa xăm cậu nói:
- Cậu cám ơn con, tuổi cậu gần gấp bốn
lần cái cô bé tuổi teen con kể thì
làm sao đeo nhẫn cặp, mặt áo cặp giống cô bé đó? Bài thơ con đọc cậu thấy cũng
ngồ ngộ, đúng với cậu chỉ mấy chữ thôi!
- Những chữ nào cậu? Tôi hỏi có chút
tò mò.
- Tim rung rinh màu nắng, câu đó hay!
Khen câu thơ hay xong cậu Hạnh quay
qua hỏi tôi:
- Con còn nhớ cây đào lông trồng ở sân
nhà cũ con không?
Tôi lục lọi trong trí nhớ. Nhà cũ? Tôi
đã có tới ba ngôi nhà cũ, nghĩa là tôi phải dọn nhà tới ba lần mới ổn định đến
giờ, mấy ngôi nhà cũ đã bán không biết cậu Hạnh hỏi nhà nào? Cậu gợi ý:
- Cây đào lông trồng ở góc sân nhà, bờ
ta luy sân được chất ba hàng tỉn nước mắm để giữ đất, con nhớ chưa?
Tôi kêu lên:
- Đó là ngôi nhà ở ấp Nguyễn Siêu, má
con bán lâu lắm rồi, mà cây đào đó làm sao cậu?
Ngôi nhà đó tới giờ tôi vẫn nhớ, nó
chứa biết bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ tôi. Từ ngã ba đi theo một con đường lên
sườn đồi là đến một đoạn đường bằng, con đường tiếp tục leo lên một con dốc nhỏ
rồi chạy xuống một con dốc lài, nhà của tôi cách chân dốc chừng vài trăm mét. Tôi
sinh ra ở đó, ăn thứ khoai lang củ màu vàng tươi má tôi xin giống ở tận Laba về
trồng, uống thứ nước giếng được xây bằng loại đá ba lông, phía trên thành
giếng, anh rể tôi nắn nót viết mấy chữ “giếng nước cộng đồng”, loại chữ có
chân, vừa nghiêm túc vừa vững chắc, tôi nghe má tôi kể vậy. Tôi chỉ sống ở đó
đến bảy tuổi, má tôi bán nhà, đến giờ thỉnh thoảng khi có dịp tôi vẫn ghé qua
xóm cũ thăm lại nhà mấy người quen. Chú Hai Long là ba thằng Tuấn, bạn thời học
cấp một với tôi coi tôi như con chú, năm ngoái gặp tôi chú mừng lắm. Chú hỏi
thăm má tôi, mấy người chị và công việc của tôi giờ ra sao? Tôi kể chuyện làm
nhà báo, chú nói vậy con sướng rồi, khỏi phải làm vườn như thằng Tuấn, khổ! Tôi
nói “con thấy làm vườn cũng cực, nhưng nghe Tuấn nói cũng có đồng vô đồng ra mà
chú?”. Chú nói “tiếng là vậy nhưng khổ ở cái chỗ người làm vườn không được
thảnh thơi, lúc nào cũng như cột chặt vào đất vậy?”. Tôi hỏi dồn “là sao chú?”.
“Ví dụ như chú, từ lúc bắt đầu làm vườn tới giờ thấy trời mưa nhiều cũng lo, lo
cây bị sâu bệnh, thấy nắng quá cũng lo thiếu nước, một năm có ba ngày tết mà
cũng phải lo tưới nước cho cây, cây rau nó đâu có ăn tết như mình? Rồi tiền
nong mua phân, mua giống, giá cả lúc lên lúc xuống thất thường, đồng tiền mình
kiếm được không chịu ở yên, tìm đường chui vô mấy chuyện những đẩu những
đâu…chú nghĩ cứ như con mà sướng đời!”. Tôi chưa kịp nói điều gì, thuận miệng
chú kể chuyện ngày xưa:
- Hồi đó chú rời quê vô đây năm sáu
mấy, trong này còn ít người lắm, trời lạnh kinh! Mới vô chú đi làm thuê hàng
ngày, lúc đó kêu là làm công nhựt, còn nếu có người thuê những việc nặng như xe
đất đổ rãnh cho vườn sú, nỉa đất, đào hồ…theo kiểu bây giờ gọi là làm khoán,
lúc đó người ta kêu là làm la tách, thì có tiền nhiều hơn. Sáng sáng những
người bán dạo gánh cá, thường là cá nục hấp rao bán cho nhà vườn. Bọn chú
thường mua cá nục về kho với nước mắm chứa trong những cái tỉn bằng đất có lớp
vôi trắng bên ngoài để ăn dần. Chú kho cá nhiều nước chắt ra chấm với rau, hết
thì đổ thêm nước, thêm mắm vào kho tiếp tới chừng nào cá muốn rục ra mới ăn đến
cá. Cái hàng tĩn chắn đất sân nhà cũ của con có tới hơn nửa là của chú với mấy
ông Ba Xa, Bốn Gần đó!
Rồi chú kết một câu chắc nịch:
- Nhờ đó mà chú mua được cái vườn này!
Giờ nghe cậu Hạnh hỏi về ngôi nhà xưa,
tôi sực nhớ lại lần gặp chú Hai Long hồi năm ngoái, sau khi thăm chú tôi có ghé
qua thăm lại nhà xưa giờ là trại để đồ làm vườn của nhà ông Hớn. Ngôi nhà vách
ván xỉn màu xám đen bởi ông Hớn dùng nhớt thải quét lên chống mục, mái tôn thì
cũng ngã màu nâu dường như chỉ cần đụng nhẹ là lủng liền. Tôi thúc cậu Hạnh:
- Con nhớ rồi cậu kể tiếp đi?
- Cây đào má con trồng ở góc sân còn
không?
- Năm ngoái con thấy còn, hơn năm nay
con không vô đó nên không biết!
Cậu Hạnh nói “để cậu kể con nghe, cây
đào đó là do cậu xin tận Cầu Đất về cho má con trồng. Đó là giống đào má hồng,
trái nhiều, khi chín một bên trái hồng như má mấy cô thiếu nữ. Cậu vô tận thôn
Xuân Sơn xin về cho má con trồng nơi góc sân, chỗ để mấy thùng phuy xăng dành
tưới rau. Cây đào lớn mau lắm, mới hai năm gốc to bằng cổ chân người lớn và đã
có trái chiến, cậu thường vô thăm má con để coi cây đào và mượn nhà con cái xe
Yamaha màu xanh chạy “lấy le”, còn chiếc xe Kawasaki của cậu “ẹ” lắm!
Chắc là câu chuyện của cậu có liên
quan đến chuyện gì đây, chuyện tình chăng? Máu nhà báo nổi lên tôi hỏi dồn:
- Cậu nói đi, bộ cậu có kỷ niệm đặc
biệt nào với chuyện cây đào má hồng nhà cũ của má con hả cậu?
Mắt cậu Hạnh thoáng buồn:
- Con “bắt nọn” cũng giỏi lắm, đúng đó
là mối tình đầu của cậu.
Rồi cậu kể chuyện tình của cậu, tôi lắng nghe không
sót một chi tiết nào, những chỗ còn không rõ tôi hỏi đi hỏi lại cho thật kỹ mới
thôi. Tôi còn bật chế độ ghi âm của chiếc điện thoại để tối về nghe lại và biết
đâu một bài bút ký sẽ ra đời trong buổi sáng đầu tháng chạp với những cơn gió
lạnh, với cây đào lác đác nở mấy bông hoa màu hồng nhạt ở một góc sân trường?
“ Cậu học trường Văn Học, năm lớp mười
cậu học chung với hai cô gái là chị em sinh đôi, một người tên Mây, một tên
Mưa. Hai chị em Mây Mưa giống nhau như đúc, từ cái nước da lúc nào cũng ửng màu
hồng đến cái dáng đi, ánh mắt…chỉ khác một chút là Mưa có nút ruồi cạnh dái
tai, con Mây thì không. Hai chị em Mây Mưa người Cầu Đất lên trọ học nhà người
bà con. Năm đó cậu mười sáu tuổi, gặp Mây lần đầu cậu như bị sét đánh trúng,
cậu bần thần cả mấy tháng trời. Cậu hay nhìn lén Mây, thỉnh thoảng cậu cũng bắt
gặp một tia nhìn của Mây ném về phía cậu, đêm về cậu không ngủ được…”
Tôi cắt ngang lời cậu Hạnh:
- Sao vậy cậu, cậu thức để làm gì?
- Làm thơ tặng nàng chớ làm gì nữa?
Rồi cậu nói luôn “thế hệ cậu yêu thơ
lắm, coi thơ như một một ngôi đền thiêng nhưng ít ai dám phổ biến thơ của mình
cho người khác bởi sợ những thứ mình viết ra chỉ là cỏ dại, là hò vè chớ không
phải thi ca, còn bây giờ với thơ người ta dễ dãi quá ….Cậu làm thơ tặng Mây chỉ
để dưới một chữ H dưới hộc bàn chỗ nàng ngồi, hôm sau cậu thấy một tờ giấy học
trò gấp làm tư bên trong chỉ là một dấu hỏi to tướng. Chuyện tình đầu của cậu
bắt đầu như vậy, hè năm lớp mười cậu theo Mây xuống Xuân Sơn thăm nhà nàng và
xin được cây đào đem về cho má con trồng, đó là năm sáu sáu. Đến đầu niên khóa,
cậu không thấy Mây lên học tiếp, hỏi Mưa thì Mưa đáp chị Mây ở nhà làm vườn
giúp gia đình. Cậu mất ăn mất ngủ vì chuyện này, sau tết Mậu Thân năm sáu tám,
Mưa báo tin cho cậu biết Mây chết ở cây số bốn lúc quân giải phóng tấn công vào
thị xã và Mưa nói thật rằng cuối năm lớp mười Mây “nhảy núi” chớ không phải ở
nhà làm vườn. Cậu ngơ ngác đến mấy năm trời, lúc nào nhớ Mây cậu ra nhà con
nhìn cây đào và khắc một chữ M bên trong một trái tim dưới gốc!”
Cậu kết luận:
- Chuyện chỉ vậy!
Nhưng chuyện không chỉ vậy. Qua rằm,
cậu Hạnh điện thoại cho tôi tới nhà cậu gấp, giọng cậu bồn chồn, cậu nói rằng
cậu đang bị bệnh, cái thứ bệnh gout
nó đang hành hạ cậu vì tối qua ăn tất niên nhà bạn cậu quên kiêng cữ lỡ ăn mấy
miếng dồi trường. Tôi vừa đi lấy tin về vườn cúc nổi tiếng của ông Sinh ở Thái
Phiên, tôi ưng ý với mấy tấm hình mình chụp được thì nhận được điện thoại của
cậu. Tôi chạy liền đến nhà cậu. Cậu Hạnh chờ tôi ở cổng, cậu chống ba ton mở
cổng cho tôi vào nhà. Tôi chưa kịp nói gì cậu nắm tay tôi dắt đến một chậu cây
cảnh lớn:
- Thằng Phúc vừa chở về hồi nãy!
Đó là một cội đào già lớn dễ đến bốn
năm gang tay được bứng vô một chậu to làm cảnh. Trong làn gió cuối đông mấy đóa
hoa đào màu hồng đang khoe sắc, những nụ hoa ẩn tàng trong những búp lá xanh
hứa hẹn nở đúng vào ngày tết. Tôi khen:
- Cây đào cảnh đẹp quá, tết này nhà
cậu ăn tết to nghen!
Cậu nhăn mặt:
- Tết to cái nỗi gì, lúc nãy thằng
Phúc mới chở về nói là để biếu chủ đầu tư công trình công ty cậu đang thi công
rồi đi liền cậu không kịp hỏi điều gì. Con có thấy cái gì đây không hả?
Tôi nhìn vào chỗ cậu chỉ, gốc cây có
một hình trái tim trong đó còn lờ mờ một chữ gì đó nhìn không rõ, chắc là vết
khắc đã lâu lắm rồi. Tôi vụt nhớ đến bữa cà phê hai cậu cháu uống ở trước cửa
trường Lam Sơn, cây đào ngày xưa cậu trồng ở sân nhà cũ, không lẽ…. cậu Hạnh
khẳng định:
- Con coi, cội đào này phải ba bốn chục
năm, cành bị cắt để nuôi mấy chồi non…còn vết khắc này làm sao cậu quên cho
được?
Tôi nhìn cậu, một khuôn mặt đau khổ và
già xọm, cậu như đánh mất món đồ vô giá. Tôi không biết nói sao chỉ biết an ủi
cậu mấy câu rồi về, tôi đang vội, tết cận lắm rồi! Khi bước ra cổng tôi còn
nghe cậu than một câu “cậu buồn quá!”, tôi không dám nhìn cậu lần nữa, ngọn gió
cuối đông đang thổi ngoài đường dường như lạnh hơn lúc nãy.
Mùng một tết tôi ghé nhà cậu chúc tết.
Tôi liếc nhìn góc vườn, không thấy cây đào cảnh. Tôi biết giờ cội đào già đang
ở nhà chủ đầu tư, biết đâu giờ này người ta đang uồng trà thưởng xuân và ngắm
hoa đào? Sau khi uống ngụm nước trà, chúc tết cậu Hạnh xong tôi nói:
- Con có món quà cho cậu!
Cậu Hạnh nhìn tôi, ánh mắt vương vất
một nét buồn:
- Con bày vẻ, quà gì cho cậu?
Tôi lấy điện thoại bật chế độ xem
video rồi đưa cho cậu Hạnh. Tôi nhìn chăm chăm vào mặt cậu, khuôn mặt cậu như
dãn ra, ánh mắt cậu ánh lên một tia sáng vui mừng. Video clip đang ở chế độ zoom,
những bông hoa đào đang rung rinh trong gió, rồi chuyển qua hình trái tim bên
trong lờ mờ một chữ M, cậu Hạnh kêu lên:
- Cây đào đó hả con, cậu mừng quá, cảm
ơn con, cảm ơn con!
Cậu Hạnh cười tươi, bỗng nhiên tôi
thấy đôi môi già nua của cậu ửng một chút sắc hồng, màu của hoa đào. Không biết
hình trái tim khắc dưới cội đào Phúc mang biếu đối tác có ẩn chứa bên trong một
câu chuyện tình?
VÕ ANH CƯƠNG
__________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét