1. Chính xác hơn, đó là phần đọc hiểu một trích đoạn văn xuôi, bài “Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa”, sách bài tập Ngữ văn lớp 12. Trích đoạn gồm 11 câu, lý giải rằng nguồn gốc sâu xa của bạo lực là bệnh vô cảm của con người.
2. Thật lạ lùng, một đoạn văn rối rắm, nhợt nhạt, nhiều mâu thuẫn như vậy lại ngoạn mục lập được ba kỳ tích. Được chọn đăng trên tờ Văn Nghệ, tờ báo hạng nhất về văn chương nước Việt, rồi lọt vào mắt xanh của các nhà soạn SGK và bây giờ trở thành một phần trong đề thi văn quốc gia, quyết định số phận hàng triệu thanh niên.
Mỗi câu trong trích đoạn đều có vấn đề về ngôn ngữ, sự diễn đạt và chất chứa nhiều mâu thuẫn. Chúng tôi xin dẫn ra từng câu và đưa vài bình luận hầu quý vị.
Câu 1 “Hội chứng vô cảm hay nói một cách khác là căn bệnh trơ cảm xúc trước niềm vui và nhất là nỗi đau của người khác, vốn là một trong hai phương diện cấu trúc bản chất Con-Người của mỗi sinh thể người”. Một định nghĩa không chính xác (vì tác giả không hiểu từ hội chứng). Định nghĩa không tổng quát (vô cảm không chỉ giới hạn việc trơ cảm xúc trước niềm vui và nỗi đau của người khác mà trước những biến cố lạ lùng của cả vạn vật). Khi nói về các “phương diện cấu trúc bản chất Con – Người của mỗi sinh thể người”, định nghĩa nâng một khái niệm thông thường lên tầm cao của sự mù mờ và kỳ bí.
Câu 2 và 3 “Tính con và tính người luôn luôn hình thành, phát triển ở mỗi con người từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Cái thiện và cái ác luôn luôn song hành theo thừng bước đi, qua từng cử chỉ, hành vi của mỗi con người trong mối quan hệ với cộng đồng, với cha mẹ, anh chị em, bạn bè, bà con hàng xóm, đồng bào, đồng loại”. Về mặt luân lý và giáo dục, hai câu trên cực kỳ phản động, bởi sự chối bỏ giáo dục và sự rèn luyện của mỗi cá nhân. Hình như người viết muốn đánh đồng “cá mè một lứa”, thánh nhân, hiền nhân, quân tử và đám xã hội đen, đều cùng có “tính con” từ lúc lọt lòng mẹ đến lúc nhắm mắt xuôi tay! Cách dùng từ thô sơ đến ngô nghê như một người cuồng chữ. Hai khái niệm đối lập là cái thiện và cái ác cùng “song hành”, cùng “phát triển”, trông lãng mạn như cặp tình nhân Chí Phèo, Thị Nở tay trong tay đi về phía tương lai tươi sáng.
Câu 5 và câu 6 “Mất một đồng xu, một miếng ăn, mất một vật sở hữu, con người nhận biết ngay. Nhưng có những cái mất cái được nhiều khi lại không dễ gì cảm nhận được ngay”. Chữ “nhưng” luôn gánh trên vai các ý tưởng, mệnh đề, từ ngữ đối xứng. Đó là bài học nhập môn của người mới cầm bút. Chỉ có những kẻ tài năng trác tuyệt mới dám múa bút bất chấp luật lệ. “Mất” ở mệnh đề trước sao có thể “xứng đôi vừa lứa” với “cái mất, cái được” trong mệnh đề sau được.
Câu 7 “Nhường bước cho một cụ già cao tuổi, nhường chỗ cho bà mẹ có con nhỏ trên tàu xe chật chội, biếu một vài đồng xu cho người hành khất… có mất có được nhưng không phải ai cũng đã nhận ra cái gì mình đã thu được”. Trong ba ý nối tiếp nhau như những đợt sóng, duy nhất ý thứ hai là đủ nghĩa: nhường chỗ cho bà mẹ trên tàu xe chật chội. Hai ý còn lại đều què quặt trong cách diễn đạt. Nếu bạn đang sánh vai cùng người yêu và trước mắt là cả một buổi chiều mênh mông thì còn gì thú hơn việc nhường bước cho ai đó, chỉ có được, không có mất. Nếu dạ dày bạn đang cồn cào, tâm trí bạn đang đấu tranh với câu hỏi lớn “ăn gì trưa nay? Một tô phở gõ hay tiếp tục điệp khúc mỳ gói” thì việc biếu mấy đồng xu mới thực sự là “vấn đề của triết học và đạo đức”. Còn với những kẻ vừa trúng thầu một dự án ngàn tỷ, có bỏ ra một núi tiền làm từ thiện thì đường vào thiên đàng vẫn cứ nhỏ như lỗ kim. Câu này còn dùng hai chữ “đã” vô duyên như việc gắn hai cái lúm đồng tiền lên đôi má của lực sĩ thể hình Phạm Văn Hạng.
Câu 8 “Nói như một nhà văn lớn…”. Trong một bài nghị luận, cách viết hàm hồ như trên là một ví dụ sinh động về tính lười biếng, qua loa, vô trách nhiệm của người viết.
Nhà văn lớn lên án những kẻ “chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, kho héo dần”. Câu nói này thực sự chưa đủ tầm vượt qua lũy tre làng của lối tư duy cổ hủ. Trong đời sống, ai là kẻ hàng ngày tất tả ngược xuôi lo túi tiền rỗng? Còn ai khác những người lao động nghèo, những kẻ thất nghiệp, vô gia cư. Nhà văn lớn nên hướng cái nhìn vào tâm hồn những kẻ hằng ngày, bằng mọi cách cố nhét vào túi tham của mình những món hàng triệu đô.
Câu 9, 10 “Tôi muốn đặt vấn đề là cùng với sự báo động những hiểm họa trông thấy, cần báo động cả hiểm họa không trông thấy hay khó trông thấy. Hiện nay đã có quá nhiều dấu hiệu và sự kiện trầm trọng của hiểm họa vô cảm trong xã hội ta, nhất là trong tuổi trẻ”.
+ Câu 9 đầy ắp sự dư thừa. Từ việc nhấn mạnh vào “cái tôi đáng ghét” đến các “vấn đề” đặt ra. Ai mà không muốn đặt vấn đề như vậy về hiểm họa!
+ Câu 10, xin hỏi rằng vô cảm là hiểm họa trông thấy hay khó trông thấy. Ý tác giả là khó trông thấy, một hiện tượng khó trông thấy mà sao lại có “quá nhiều dấu hiệu và sự kiện trầm trọng”, thật chẳng biết đàng nào mà lần cả!
Câu 11: “Bạo lực đã xuất hiện dữ dằn những tháng ngày gần đây báo hiệu nguồn gốc sâu xa ở sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn, về bệnh vô cảm”. Toàn bộ câu này kết tụ tinh hoa khí chất người viết: dùng từ không chính xác, mù mờ trong diễn đạt, rối rắm trong suy luận.
+ Chữ “đã” trong câu khiến thực trạng “không đã” như người viết muốn nói. “Đã” là chuyện của quá khứ, thực tế thì nó “luôn song hành và phát triển cùng cuộc sống”.
+ Bạo lực mà xuất hiện “dữ dằn”, đúng không, các nhà ngữ pháp chân chính?
+ Bệnh vô cảm mà “xuống cấp” thì phúc thay cho xã hội này!
+ Hãy đọc lại nhiều lần câu này và tự hỏi xem ý tác giả muốn nói gì? Vô cảm là nguồn gốc của bạo lực hay ngược lại? Thưởng thức một câu văn trong giáo khoa thư mà như đánh vật với từng con chữ vậy sao?
3. Cuối cùng là câu hỏi gửi tác giả và hội đồng các nhà làm đề thi quốc gia đáng kính: Nguồn gốc sâu xa của bạo lực có phải là hội chứng vô cảm không?
Câu hỏi và bài viết này “có nguồn gốc sâu xa” từ thắc mắc của một cháu bé. Một người bạn của tôi mang đề thi văn đưa cho con gái đang học lớp 6. Cháu chăm chú đọc rồi nghiêm nghị nói rằng bạo lực và vô cảm hình như không có “bà con” gì với nhau cả!
Cháu bé hoàn toàn đúng!
Hằng ngày chúng ta nói đến bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực sân cỏ… Nguồn gốc của những bạo lực trên có thể từ một nguyên nhân sâu xa nào đó, trừ sự vô cảm!
Thời nay, quả thật hội chứng vô cảm đang hoành hoành như những cơn bão dữ. Con người vô cảm với nỗi đau, sự bất hạnh của đồng loại, họ dửng dưng trước cái đẹp của cuộc đời và thiên nhiên. Họ quay mặt đi trước “những sự bất bằng”, co mình lại, sống “yên bình” trong cái vỏ bọc mang tên mặc kệ nó! Họ, những người vô cảm này, thực sự rất sợ bạo lực.
4. Một bài nghị luận đưa vào SGK, trích dẫn vào một kỳ thi quốc gia, bài nghị luận đó cần trong sáng, sâu sắc, sống động và nhất là phải tràn đầy cảm hứng, nhiệt huyết. Các tiêu chí đó hoàn toàn xa lạ với đoạn trích trên.
Thương thay con trẻ học đường!
Thương thay con trẻ học đường!
NGUYỄN HOA LƯ
_________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét