Năm 1850, ông kết hôn với công chúa Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, được phong làm Phò mã Đô úy, sau thăng Lang trung bộ Lễ. Công chúa Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh sinh năm 1824, tự Trọng Khanh, hiệu Nguyệt Đình, là con thứ 18 của vua Minh Mạng. Bà có tư chất thông minh, tính tình hiếu đễ, khiêm tốn, không ưa xa xỉ, ham đọc sách, được người anh là Tuy Lý vương Miên Trinh, một nhà thơ nổi tiếng đã tận tình chỉ bảo, nên bà thông làu kinh truyện.
Năm 1861, giặc Pháp xâm chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường, ông vâng mệnh vua Tự Đức vào Nam xem xét tình hình, nhiệm vụ hết sức nặng nề và nguy hiểm. Thật không may, ông hy sinh vì việc nước. Vua Tự Đức (gọi ông bằng cậu) vô cùng thương tiếc, truy tặng ông hàm Quang Lộc tự khanh.
Hết lòng thương yêu chồng, bà dâng biểu xin nhà vua đưa thi hài ông về an táng tại Huế, thủ tiết thờ chồng, nuôi người con gái là Uyển La nhưng lại không may mất sớm. Năm 1876, vua Tự Đức phong bà là Quy Đức công chúa. Bà mất năm 1892, thọ 68 tuổi, táng chung một chỗ với chồng.
Hiện nay, từ đường thờ công chúa Quy Đức và phò mã Phạm Đăng Thuật ở đường Lê Ngô Cát, xã Thủy Xuân, thành phố Huế, do ông Phạm Ngọc Công - một hậu duệ của dòng họ Phạm trông coi thờ tự. Trên bàn thờ trong ngôi từ đường cũng là cung phủ ngày xưa của công chúa Quy Đức có một bức song ảnh (ảnh hai người) rất độc đáo.
Đó là hai cái bóng người tô mực đen theo lối nhìn nghiêng đối diện nhau, chính là bóng của hai ông bà từ thuở xưa. Ngày đó chưa có nhiếp ảnh, dựa vào ánh đèn, hai ông bà đã cho vẽ hình mình lên tường để lưu giữ hình ảnh vợ chồng.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khẳng định: “Tôi xem bức song ảnh này, có vẻ đã được khôi phục lại, nhưng câu chuyện về bức song ảnh là hoàn toàn chân thực, đã làm ta xúc động tận đáy lòng về tình yêu của họ ngày nào”.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét