"Một buổi sáng mùa hè trời mưa rất to, một ngày đáng nhớ nhất của
cuộc đời tôi, ngày đầu tiên tôi là thầy và cũng ngày ấy tôi gặp em...Với tôi em
luôn làm chủ một thế giới đầy mãnh lực rất tự do, rất bí hiểm và rất khó hiểu.
Chấp nhận đứng mom mem bên rìa thế giới ấy, quan sát những biến
động nội tâm phong phú của em và giữ nguyên những số liệu ấy làm phát kiến vĩ đại cho cuộc đời
ít tiếng vắng thanh và thiếu màu nhạt vị của mình.
Hãy luôn bình yên theo phong thái sống động của riêng mình như
hiện giờ em nhé!"
Tôi đã khóc khi đọc lá thư này...
«««
Mặt trời đã ghé thăm mảnh quê này một tuần dài. Những tia nắng
đầy quyền uy của đấng tối thượng đã đổ một màu xám lên cây lá, bóc từng mảng
mây trắng, trời xanh ngắt. Những ngày dài.
Trời về đêm, đen tối và oi nồng. Tiếng muỗi kéo đàn bay ra kêu
vo ve. Có lẽ trời sắp đổ mưa.Tôi gấp lại quyển vở nhỏ,vào giường ngủ để rồi lại
tiếp tục cất thêm một ngày nữa vào trang kí ức.
Ngày hôm nay không giống như ngày hôm qua và cũng không giống
những ngày sau đó nữa. Trời mưa xối xả, ướt con đường quê. Con đường mòn trơn
trượt, xe tôi đi trên con đường nhiều sỏi đá, chiếc bánh xe két chặt đầy
bùn đất, xe nặng dần... nặng dần... một tiếng rắc. Dây xích xe đứt rời ra.
Câu chuyện của tôi bắt đầu từ thủa ấy!
Trống điểm giờ đã qua hai mươi phút. Thầy giáo trẻ đưa mắt
nhìn ra cửa, trong đôi mắt ấy một cô bé mái tóc rối bời, mặt còn ướt nước, đôi ống quần
còn xắn lên mấy gấu, tay ôm cặp sách nhỏ.
Tôi ngập ngừng:
- Xin lỗi thầy... Em...
Thầy giáo trẻ cất giọng (cái giọng nói ấm như tiếng sáo quê
nhưng có một thời tôi đã ghét cái giọng nói này).
- Lần đầu tiên gặp mặt, rất
vui được gặp em nhưng xin lỗi em vì từ trước tới nay tôi sống và làm việc theo
nguyên tắc mười hai giờ, tôi không thích người đến quá sớm cũng không thích người
quá trễ giờ. Xin lỗi em, em ra ngoài đứng đợi hết tiết của tôi thì em vào lớp.
Ai xa quê lâu ngày có lẽ khi được về sẽ hồi hộp lắm, có thể ôm
cả quê vào lòng mình, mưa bây giờ cũng thế, rơi thật nhanh trong không khí để
hòa vào lòng đất. Lần đầu tiên tôi được ngắm trời mưa với tậm trạng khó tả như
lúc này. Mưa làm tôi lạnh...
Khi mới lớn người ta rất dễ phật lòng vì một chuyện tưởng chừng
rất nhỏ. Để biện minh cho tâm trạng một ngày ủ ê, tôi đã nghĩ như thế.
Kim đồng hồ vừa chạm số 12 (7 giờ đúng) người thầy đó bước vào
lớp.
- Chào tất cả các bạn, ngày
xưa có người đã hỏi tôi rằng thế nào là "vô tiền bất hậu", tôi đáp,
" không có tiền thì không có hậu", vậy theo suy nghĩ của các bạn câu
đó nghĩa là gì?
Cả lớp tôi xôn xao, thầy giáo trẻ gọi tôi đứng dậy trả lời:
- Em nghĩ tôi trả lời có đúng
không?
Tôi đáp:
- "Vô tiền bất hậu"
ý là không có trước thì sẽ không có sau?
Thầy cười ưng ý:
- Đúng rồi, cảm ơn em. Để tiếp
tục bài giảng hôm nay trước tiên thầy mời cả lớp lấy giấy ra làm bài kiểm tra.
Với cách nói dí dỏm, cách vào chuyện hóm hỉnh người thầy đó
luôn gây được sự chú ý, tụi bạn tôi quý thầy lắm. Tôi gọi người ấy với cái tên
"thầy mười hai giờ".
Ước mơ không phải cái gì sẵn có, thật may ngày ấy tôi cũng có
một ước mơ nho nhỏ như bao bạn cùng trang lứa,
tôi muốn học tập thật tốt để có thể thi đỗ Học viện Ngân hàng.
Tôi đã từng nghĩ người thầy đó giống một cỗ máy, bởi hình như
người đó không bao giờ sai dù chỉ một giây nào? Thầy cầm tập bài kiểm tra trên
tay đưa cho lớp tôi. Tôi hồi hộp chờ nhận bài, tôi không thể diễn tả tâm trạng
tôi lúc ấy, nó lấp đầy bởi cái cảm xúc như người chạy đường dài mấy cây số đến
rạp phim để xem bộ phim mình yêu thích bỗng bị cúp điện. Tôi cầm bài kiểm tra
trên tay, bài kiểm tra của tôi không giống các bạn cùng lớp bởi nó không ghi điểm
chỉ có ba chữ đỏ "chống tài tử". Thời gian hình như đã bị kéo căng
ra, trống điểm hết giờ tôi vội cầm bài kiểm tra chạy theo người thầy đó:
- Xin lỗi thầy, em có thắc mắc.
Người đó quay lại nhìn tôi:
- Em có chuyện gì?
- Tại sao bài toán này em làm
rất ngắn gọn, đáp án cũng ra giống các bạn, sao thầy không cho em điểm?
- Em biết nhà tôi cách trường
bao xa không?
- Dạ!
- Tôi chỉ cách trường có
500m, tôi rất muốn đi bộ tới trường tại sao em lại muốn tôi đi ô tô?
Nói rồi thầy giáo trẻ quay lưng bước tiếp. Tôi đứng lặng trong
sự ngạc nhiên, khó hiểu.
Cứng như thép cũng có thể tan chảy, rắn như đá cũng có thể
nghiền nát, và lòng người cũng dễ đổi thay lắm. Từ ngày ấy tôi sinh ra ghét Toán, hình như cũng quên dần
cái ước mơ nho nhỏ kia. Toán không còn là niềm đam mê với tôi mỗi sáng mai.
Ngay cả trong giờ Toán tôi cũng chẳng mấy mặn
mà.
Buổi ấy gà chưa kịp gáy, nắng đã xé toạc mặt đất, nắng mỗi ngày đều
mới, nắng chiếu rọi qua song cửa gỗ vào lớp học. Thầy giáo gõ nhẹ xuống bàn học
chỗ tôi ngồi:
- Em không muốn học giờ tôi vậy
sao?
Tôi đứng đó cúi mặt không đáp.
- Tôi không muốn em học môn
khác trong giờ của tôi, nếu em không lấy Toán ra học thì xin mời em ra ngoài sân
sám hối.
Tôi cất sách vở vào ngăn bàn rồi bước ra khỏi phòng học.
Thầy ngạc nhiên hỏi:
- Em đi đâu đấy?
- Theo ý thầy em ra ngoài
sân, nhưng em sẽ không sám hối.
Tán lá dù có rộng cũng chẳng đội nổi một trời nắng to, mặt trời
của tôi hình như đang giận giữ, tôi đã nghĩ mình không có lỗi và rồi đứng ngoài
sân trường hai tiết học. Mắt tôi tối dần lại, tôi nhìn thấy một bóng người đang
tiến lại gần mình, tai tôi nghe loáng thoáng thấy:
- Hết giờ của tôi rồi, em vào
lớp đi.
Tôi mở mắt ra thì thấy mình đang nằm trong phòng y tế của trường,
người thầy đó đang ngồi bên cạnh tôi, tôi giật mình tỉnh dậy.
- Em tỉnh rồi sao?
- Cảm ơn thầy, nhưng em nghĩ mình không có
sai?
- Ừ, tuy em nói em không sai
nhưng thân thể em lại nói rằng em sai.
Mỗi ngày trôi qua, kí ức tôi lại dày thêm một chút, nhưng hình
như những ngày vừa qua cũng khá lặng lẽ và mờ nhạt. Tôi đã cố gắng không đẩy
mình ra đội trời để sám hối. Năm học lớp mười một kết thúc, lớp mười hai người
thầy đó vẫn dạy chúng tôi, tôi được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi Lịch Sử của trường. Tôi đã trải qua
một năm đầy vất vả, một năm đầy cố gắng tôi đã đỗ đại học trường Học viện báo chí
và tuyên truyền chứ không phải Học viện nho nhỏ của tôi thủa xưa. Thời gian
trôi qua khi ngoảnh đầu lại tôi mới giật mình nhận ra tôi đã nợ người đó một lời
xin lỗi.
Đường rộng hơn nên bàn chân cũng mỏi hơn, bước ra khỏi cuộc sống
gia đình phải đi học xa tâm hồn tôi như hạt giống hoa bay đến miền đất lạ. Tôi
đã khóc khi nhớ nhà, tôi đã đứng dưới gốc phượng một mình vào chiều thu nhiều
gió, trong làn lá bay ngắm phố phường Hà Nội. Sống nơi đông người tôi càng cảm
thấy mình nhỏ bé, cô đơn. Điều kì diệu đến với tôi, từ ngày tôi xa mái trường –
mỗi buổi bình minh thức giấc tôi lại nhận được một tin nhắn "Nhiệt độ ở
quê lúc 6 giờ sáng là 25 độ C, trời nhiều nắng", "nhiệt độ ở quê lúc
6 giờ sáng là 20 độ C, trời nhiều mây không mưa", "nhiệt độ ở quê lúc
6 giờ sáng là 13 độ C trời trở lạnh". Tôi không biết chủ nhân số điện thoại
đó là ai nhưng không thể phủ nhận một điều tôi dần quen với những mẩu tin đó nó
gần gũi như chính hơi thở vậy.
Một năm kể từ khi xa mái trường
tôi có dịp về thăm lại trường cũ, tôi bước vào cổng trường trời bỗng đổ mưa
rào, tôi vội chạy lên hành lang lớp học và rồi lại bắt gặp ánh mắt ấy thủa nào!
Và cũng trong cái ngày ấy tôi mới biết chủ nhân những tin nhắn gửi cho tôi mỗi
sáng chính là người thầy đó...
Con đường em đi ngày hôm nay
có một phần lí do là anh, cuộc sống của em ngày hôm nay cũng được vẽ bởi anh -
người thầy một thủa xưa cũ, người thầy "mười hai giờ". Gửi đến anh những
lời yêu thương nhất, cám ơn anh - tình yêu của em!
VŨ THỊ HỒNG THU
_____________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét