Ba năm học sư phạm, lúc nào Phượng cũng mong thời gian
trôi nhanh đến ngày em trở thành một cô giáo, một cô giáo dạy văn. Đứng trên
bục giảng, Phượng sẽ khéo léo dẫn dắt các em vào thế giới kì diệu của văn
chương. Bằng giọng điệu dịu dàng, cuốn hút, Phượng sẽ bình phẩm bao lời hay ý
đẹp từ các trang văn, làm rung cảm tâm hồn các em, làm các em thêm yêu cuộc đời
rất giàu nhân ái này. Phượng hình dung, những lúc đứng trên bục giảng, hàng chục
cặp mắt dễ thương, tròn như sao sẽ ngước lên dõi theo từng cử chỉ, chăm chú lắng
nghe như nuốt lấy từng lời của cô... Chao, thật hạnh phúc, thi vị! Có hạnh phúc
nào hơn hạnh phúc được làm một cô giáo.
Mỗi lần
hình dung cho cái thì tương lai ấy, tâm trí Phượng như du dương âm điệu của làn
gió xanh lướt nhẹ qua đồi thông xanh vừa khép tán phía sau nhà. Xen kẽ giữa đời
thực khó nhọc của hai cha con, tâm trí em luôn hiển thị một viễn cảnh xốn xang
lãng mạn. Cảm ơn thầy hiệu trưởng, cảm ơn cô chủ nhiệm đã tư vấn nghề khi em và bạn bè làm hồ sơ thi đại học, cao
đẳng năm học lớp 12.
Nhưng có lẽ, khi Phượng trở thành một cô giáo,
niềm vui đong đầy nhất không phải là em mà lại thuộc về người cha của mình. Gọi
cho đúng nghĩa, đó là hạnh phúc khôn cùng của một người cha mà tài sản cuộc đời
không có gì khác ngoài đứa con gái côi cút này.
Bẩm
sinh, ông Long bị bại liệt một chân, phải đi lại dặt dẹo bằng nạng, rất khó
nhọc. Có tật nhưng ông lại lắm tài vặt. Hơn ba mươi tuổi ông mới lấy được vợ.
Vợ ông là một người cùng cảnh ngộ. Ngày vợ ông sinh con cũng là ngày chị bỏ
chồng, bỏ con đi mãi không về. Người vợ quặt quẹo sau khi sinh bị băng huyết. Y
sĩ sản khoa bệnh viện thờ ơ nên cấp cứu không kịp. Ông ôm lấy đứa con đỏ hỏn bên
xác người vợ, rũ rượi như tàu lá héo, khóc không thành tiếng.
Thế là ông phải nuôi con từ lúc tấm mén. Chẳng
có cực nhọc nào hơn cảnh gà trống bới đất một chân nuôi con. Cũng chẳng có niềm
vui nào hơn khi đứa con bằng hạt tấm hạt vạy lớn dần, chập chững, rồi đến tuổi
lon ton đi học.
Ông quyết
chí nuôi con ăn học. Có học mới nên người, mới có ích cho đời. Nhìn những người
có học trong làng, ông hiểu điều sâu xa đó và khuyên dạy con những điều đó. Con
gái ông không phụ lòng cha. Ngoan, học hành chăm chỉ. Em học không thật giỏi
nhưng năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Giấy khen của nhà trường
từ lớp 1 đến lớp 12 dán kín bức vách. Học xong lớp 12, em thi đậu cao đẳng sư
phạm tỉnh ngành ngữ văn. Với ông, có gì mừng hơn thế...
Phượng
vào trường sư phạm, cái ăn cái mặc đã khác. Phố xá không như quê, cái ăn đắt
đỏ, cái mặc phải tươm tất, con gái đã lớn. Lại còn bao khoản đóng góp khác. Thế
là hai cha con dắt nhau ra phố, thuê một phòng trọ. Ban ngày, ông căng tấm bạt
mỏng sửa xe đạp nơi hè phố. Thấy hoàn cảnh cha con ông, nhiều người thương. Bà
chủ lấy tiền phòng trọ bằng nửa người khác. Mấy cậu sinh viên lúc rảnh giúp ông
một tay chữa xe. Ki cóp từng đồng từng cắc, ông Long đã nuôi được con gái ăn
học ba năm sư phạm.
Chỉ mấy
tháng nữa thôi, ước mơ trở thành một cô giáo sẽ là thực rồi. Phượng hình dung,
lúc đó, em sẽ có lương nuôi mình và nuôi
cha nữa. Em sẽ chắt chiu từng đồng lương để mua tấm áo ấm cho cha khi mùa đông
về, mua thuốc men cho cha lúc trái gió trở trời, hàng ngày đi dạy về, tạt qua chợ
mua cho cha chút thức ăn tươi. Với cha con em, như thế cũng là viên mãn rồi.
Ngày
Phượng ra trường, em như con chim ra ràng, hai cha con hoan hỉ ra mặt. Theo chỉ
dẫn của tôi, ông Long mang hồ sơ xin việc lên nạp cho Phòng giáo dục huyện, lòng
hăm hở chờ đợi. Một hoặc hai tháng nữa thôi, khi chuẩn bị vào năm học mới, con
gái ông sẽ nhận được giấy báo tuyển dụng, và trở thành một cô giáo. Chao ôi, bao
nhiêu tháng năm đổ mồ hôi cực nhọc cũng đã đến ngày cây đơm hoa kết trái!
Rồi
tiếng trống khai giảng năm học mới từ các nhà trường rộn vang. Phượng vẫn không
có giấy báo như ông Long chờ đợi. Lòng ông như lửa đốt. Ông sai con dạp xe chở lên
phòng giáo dục huyện. Ông sẽ trực tiếp xin trưởng phòng chiếu cố cho hoàn cảnh
cha con ông.
Cô văn
thư nhỉnh hơn con gái ông vài ba tuổi bảo cha con ông ngồi ở hành lang chờ. Đầu
năm trưởng phòng rất bận. Đúng thế. Ông thấy khách vào khách ra không ngớt. Chờ
đến sốt ruột. Đến lúc ông thấy mình có thể vào gặp được thì trưởng phòng lại khóa
cửa đi ra. Nhìn người đàn ông chống nạng bên cô gái có vẻ mặt ngây thơ, trưởng
phòng dừng lại hỏi han. Nghe ông Long trình bày xong, trưởng phòng tỏ vẻ ái
ngại:
- Cha
con bác không gặp may rồi, năm học này không có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên
xã hội. Nếu bằng của cháu là các môn tự nhiên còn có thể giúp bác được.
Nghe
trưởng phòng nói thế, ông Long chưa hình dung hết mọi sự. Ông thật thà:
- Thưa
thầy, hoàn cảnh tôi thế này, xin thầy thương tôi, thương cháu...
- Bác ơi, trưởng phòng vỗ vai thân thiện,
việc tuyển dụng giáo viên có nguyên tắc của nó, tôi không tự ý quyết được. Bác thử
lên gặp chủ tịch huyện trình bày xem. Trường hợp của bác, chủ tịch huyện mới có
quyền xem xét.
Giải
thích xong, trưởng phòng chào và lên xe đi công chuyện. Vậy là chờ đợi một buổi
sáng, cha con ông chỉ gặp được trưởng phòng có dăm bảy phút giữa hành lang như
thế. Nhưng ông thấy trưởng phòng nói có lí và sự gợi ý của trưởng phòng cũng hé
mở cho cha con ông một hi vọng. Cảm ơn trưởng phòng.
Hôm sau, cha con ông lại dắt nhau lên trụ sở
ủy ban huyện với hi vọng sẽ gặp được chủ tịch. Ông nghĩ, gặp được chủ tịch, thế
nào chủ tịch cũng thương tình cha con ông. Những tưởng gặp chủ tịch huyện dễ
dàng, ai cũng gặp được, nhưng không phải vậy. Cô trực văn phòng rất nguyên tắc.
Ông năn nỉ thì cô ta gắt: lịch làm việc của chủ tịch kín cả tuần cả tháng rồi,
không thể gặp được. Mà chủ tịch không trực tiếp làm việc với từng người dân như
thế, không giải quyết việc đơn lẻ như thế. Bác chẳng hiểu gì cả.
Như thấy
mình hơi gay gắt với một người tàn tật, cô ta dịu giọng chỉ dẫn:
- Giờ bác
vào phòng nội vụ mà trình bày. Việc của bác đến phòng nội vụ là đúng cửa nhất.
Nguyện vọng của bác phòng nội vụ sẽ trình lên chủ tịch...
Trong bụng rất muốn được gặp chủ tịch nhưng nghe
cô văn phòng nói thế, ông Long thấy cũng có lí. Ông tìm đến phòng nội vụ, chờ
vãn khách mới xin vào để trình bày cho đến đầu đến đũa. Nghe ông trình bày
xong, trưởng phòng nội vụ cũng nói y hệt trưởng phòng giáo dục và dặn thêm:
- Bác cứ đưa cháu về, chờ năm học sau,
nếu có chỉ tiêu, tôi sẽ đề xuất chủ tịch ưu tiên trường hợp cháu trước.
Giờ thì ông Long cảm thấy không thể xin
được việc cho con trong năm học đầu mới ra trường này. Chống nạng bước ra khỏi
phòng, ông không đứng vững, khuỵu xuống. Nước mắt ứa ra vì thương con.
Phượng nhanh tay đỡ lấy cha, em cũng rân rấn nươc mắt vì thấy thương cha quá.
Hai cha con tiu nghỉu ra về. Mọi háo hức
lâu nay giờ đã tan biến nhường lại cho sự hụt hẫng. Tuy thế, lời hứa của trưởng
phòng nội vụ còn níu giữ được chút hi vọng cho cha con ông, dẫu chỉ là leo lét.
Một
năm sau, mọi việc cũng lặp lại tương tự. Cả huyện chỉ tuyển dụng có mấy chỉ
tiêu ưu tiên diện chính sách. Con gái ông không nằm trong diện ưu tiên đó.
Trưởng phòng nội vụ nói thế và chẳng giúp được cha con ông như lời hứa.
Không còn cách nào hơn, ông Long đánh
liều tìm đến nhà riêng chủ tịch huyện. Gặp được chủ tịch huyện may ra mới có hi
vọng. Nhà chủ tịch huyện, một tòa nhà bề thế, tường cao quá đầu người, hai cánh
cổng sắt nặng trịch lúc nào cũng khóa im ỉm, ghé mắt ngó vào bịt bùng các chậu
cây kiểng. Ông Long không làm sao xin vào được. Hễ ông đến trước cổng là mấy
con chó béc lại chồm lên từ phía trong. Sau đó có một người đàn ông lực lưỡng (không
biết người nhà hay người giúp việc) đến xua ông đi. Người này không cần nghe ông
nói gì vì tiếng sủa, tiếng gầm gừ của mấy con chó. Hình như người này nghĩ ông
là kẻ ăn xin, lân la trước cổng nhà chủ tịch sẽ làm mất mĩ quan phố huyện đi.
Mặc
cảm với thân phận, cộng với lòng tự trọng khi bị coi là kẻ hành khất, ông Long
không đủ kiên nhẫn xin gặp chủ tịch nữa. Giờ thì hai cha con ông chỉ biết làm
liều chờ thêm một năm. Dẫu sao thì cũng chưa “quá tam ba bận”. Biết đâu may mắn
lại mỉm cười với những người giàu đức kiên nhẫn như cha con ông.
Đến năm thứ ba, sự việc còn tệ hại
hơn. Năm học này huyện không có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên. Không hiểu sao,
sự đời cứ nghiệt ngã hoài với cha con ông ? Hình như trong chuyện này không có
logic ở hiền gặp lành thì phải ?
Tuyệt
vọng, hai cha con ôm nhau khóc cho số phận hẩm hiu. Ông cảm thấy trời cao quá,
đất dày quá, mình thì nhỏ nhoi yếu ớt, chẳng biết bấu víu vào đâu. Thương con đứt
ruột, ông đã làm hết khả năng, giờ chẳng biết làm gì hơn nữa. Giá như có sự
đánh đổi bằng cái chết để con được làm cô giáo như mơ ước của nó bao năm trời,
ông sẵn sàng chết trong nháy mắt!
Chẳng biết trách ai, ông quay sang oán
trách trường sư phạm. Sao giáo viên thừa mứa mà cứ tuyển sinh, cứ đào tạo? Để
cha con ông mất không bao nhiêu tiền bạc, nhọc nhằn, học xong lại đổ sông đổ bể
thế này. Người ta nuôi con ăn học khó nhọc một, ông khó nhọc trăm ngàn lần. Có
ai thấu hiểu điều ấy cho ông.
Thế rồi ông Long lại tìm đến tôi. Tôi chột dạ
lo lo. Biết tôi là người trong ngành, ông đã nhờ tôi tư vấn đường đi nước bước trong
ba năm ngược xuôi tất tả. Tôi rất thương, rất ái ngại hoàn cảnh cha con ông
nhưng thú thật, tôi cũng chẳng tư vấn được gì hơn ngoài việc chỉ vẽ làm hồ sơ,
nạp cho đúng nơi đúng chốn, cho kịp thời hạn. Rồi động viên cha con ông nuôi hi
vọng để chờ đợi. Có chăng thêm một chút là chỉ dẫn ông nên trực tiếp trưởng
phòng giáo dục để trình bày cho rõ hoàn cảnh, may chi...
Còn ý định của ông trước đó, xin cho
con hợp đồng trường, thương đến bao nhiêu, tôi cũng phải từ chối. Hợp đồng
trường chẳng có giá trị gì, chẳng khác gì đi làm công, ngày nào biết ngày đó.
Lại nữa, trường không có nguồn nào để trả lương cho cháu. Quỹ lương của trường phụ
thuộc hoàn toàn ngân sách huyện. May mà ông hiểu và thông cảm lại cho tôi.
Lần này tôi rất ngại vì với hoàn cảnh
ông, tôi chẳng biết tư vấn gì thêm nữa. Nhìn dáng đi thất thểu, vẻ mặt thiểu
não, tôi biết ông đang hết sức khổ sở. Sau một hồi chuyện trò, ông đặt lên bàn một gói tiền rồi nói nhỏ vừa đủ
tôi nghe:
- Tôi vừa ở ngân hàng về, thầy ạ. Tôi
gửi nhà trường số tiền đủ một năm lương tối thiểu. Nhờ thầy giấu kín và cho
cháu dạy hợp đồng một năm.
Thấy tôi đớ ra, chưa hiểu chuyện ngược
đời thế này là thế nào, ông Long rỉ tai:
- Cháu Phượng yêu con ông Đào bên xã
Hồng Diễn đã hai năm nay. Hai đứa thương nhau lắm nhưng ông Đào cứ nhất quyết
là cháu Phượng nhà tôi có xin được việc thì mới cho hai đứa cưới nhau. Mẹ cháu
không biết chọn giờ sinh nên số cháu khó nhọc thế đó, thầy ạ!
Lại còn như thế nữa. Giờ thì tôi đã
hiểu, hiểu một sự trớ trêu, chưa từng gặp.
- Nhưng sau này...
- Đến đâu biết đến đó, thầy ạ. Tôi làm sao
lo được bề lâu bề dài. Như chuyện học hành đó, tưởng mình đã khôn ngoan, ai
ngờ... Giờ không xin được nghề thì lo chồng cho nó đã, còn hơn xôi hỏng bỏng không. Thầy
làm phước giúp cháu. Tôi cảm tạ thầy...
Tôi
có cảm giác cha con ông như đã cùng đường, nhắm mắt để bèo dạt mây trôi. Ừ thì
cũng phải. Có rơi vào hoàn cảnh ông mới cảm thông được. Tình thế này, sai
nguyên tắc một chút, tôi cũng không nỡ từ chối.
Tôi hội ý văn thư, kế toán, thủ quỹ làm
thủ tục hợp đồng để ông Long cầm luôn hợp đồng về cho con mừng. Em sẽ được làm
cô giáo, như ước mơ từng nung nấu, dẫu chỉ một năm. Một năm còn hơn không có
ngày nào. Tôi nghĩ thế.
Đúng như kế hoạch của ông Long, Phượng dạy
được ba tháng thì cưới chồng. Lấy chồng nhưng em vẫn dạy hết năm theo hợp đồng.
Chẳng biết, rồi đây không dạy nữa, em có
giữ được êm ấm với nhà chồng không. Lạy trời... Tôi cố tình làm lơ, không nói
với ông Long suy nghĩ đó. Đã chẳng giúp được gì lại làm ông lo lắng thêm.
Năm
học mới lại sắp đến. Một buổi chiều, đang chuẩn bị cho lễ khai giảng, tôi bất
ngờ khi có giáo viên trẻ đến trình quyết định về trường giảng dạy. Lướt qua
quyết định, tôi khẽ giật mình khi cô giáo trẻ xinh xắn ngồi trước mặt tôi là
sinh viên mới ra trường, lại là sinh viên ngành ngữ văn. Sao lại thế? Huyện đã thông
báo năm nay vẫn không có chỉ tiêu tuyển dụng? Giáo viên văn trường tôi đã thừa từ
mấy năm nay?
Phân vân thì phân vân, còn từ chối tiếp
nhận thì cấp dưới như tôi, chẳng dại gì. Thêm định biên, dẫu là môn thừa, giáo
viên sẽ được lợi giảm tiết, có ảnh hưởng gì đâu. Biết vậy nhưng tôi cứ day dứt
mãi. Tôi giấu biệt ông Long chuyện này. Tội nghiệp cha con ông quá!...
Chuyện
kể trên là chuyện của sáu năm về trước. Giờ thì Phượng đã trở thành một nông
dân. Chẳng biết tấm bằng Cao đẳng sư phạm có giúp được gì cho em làm ruộng
không ?
Nguyễn Việt Hòa
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét