Đã vào Chạp. Trời đất, cây cỏ, nụ mầm đã chạm vào cửa ngõ nàng xuân. Khoảnh khắc e thẹn ấy đang cố níu giữ bàn chân vốn chậm chạp của mùa đông. Gió mùa gối lên nhau như kéo dãn mùa đông ra. Chúng sục sạo từng bờ cây, kẻ lá, tìm ngắt nốt những chiếc lá vàng mùa thu còn bỏ quên. Mặt đất, con người, cây cối và muôn loài sinh vật bị ngâm trong cái khoảng không buốt giá, chật chội, âm u…
Đêm nằm – ta nghe rõ bước chân lê thê của mùa đông qua cái rét luồn lách vào bức liếp bờ phên; qua tiếng rít của gió trên mái nhà, cành lá; qua tiếng tí tách của mưa phùn hay tiếng rơi lộp độp của sương muối trên tàu lá; rồi bất giác, giữa thinh không, tiếng con vạc đi ăn đêm về hét lên rờn rợn…
Ở làng quê nghèo – làng quê bao đời vẫn nghèo, nét mùa đông in thành đường, hằn thành nét cả trong thời gian không gian, cả trong sắc màu âm hưởng. Đường làng, ngõ xóm heo hút và vắng vẻ hơn; lấm láp bùn đất, ngai ngái mùi phân trâu bò ẩm mốc hơn. Ráng chiều như đậu xuống bờ tre làng. Rặng xoan trong vườn, cây dào trước sân, cây gạo cuối xóm thả hết lá xuống mặt đất, ủ ấm cho bộ rễ, chỉ trơ lại những cánh tay xương xẩu giữa nền trời. Rồi bụi mía, bờ lá chuối khô cũng suốt ngày khua khoắng lao xao. Có ngày, khói bếp bám chặt vào mái nhà. Khói như đặc lại, nặng hơn, tưởng không tan ra được trong cái âm âm của khí trời.
Cứ thế, con người - một sinh linh bé nhỏ cũng bị chìm đắm, tê buốt giữa cái biển xám ngoe, xám ngoét của mùa đông. Tôi lầm lũi, đơn côi trong cái căm căm não nuột của gió, trong cái lướt thướt của mưa. Tôi cố bới tìm một cái gì mơ hồ của mùa đông mà nửa đời người tôi quen xỉ vả, chán ghét, nguyền rủa…
Ừ nhỉ! Giữa vũ trụ này, vật thể nào, sinh vật nào chẳng có vòng đời, chẳng sinh hạ - lớn - rồi già nua. Thời gian là vĩnh cửu, là trường tồn nhưng nó cũng có vòng đời bị chi phối bởi vũ trụ mà con người đã quy ước đặt tên. Thời gian - được sinh hạ từ mùa xuân, trẻ trung sôi nổi trong mùa hạ, đứng tuổi trầm tư giữa mùa thu và khi bước vào mùa đông – có phải chịu già nua, ốm yếu?
Giờ thì tôi lắng được, vì sao bước đi của mùa đông chậm chạp, trễ nải. Tôi lắng được vì sao mùa đông run rẩy trong từng kẻ lá, ngọn cây. Rồi cái khí trời âm âm, khoảng không gian chật hẹp, tiếng mưa sụt sùi… Phải chăng là cơn đau, cơn mỏi mệt, sự trái tính, trái nết khi nó đã già nua?
Có gì trách cứ mùa đông? Mùa đông cũng có gì phải hổ thẹn khi sinh lực, khí huyết đã dâng hết chồi non lộc biếc cho mùa xuân; đã dồn hết ự tráng kiện cho mùa hạ và dành dụm sự tươi mát, duyên dáng còn lại cho mùa thu. Giờ thì sự cạn kiệt, héo hắt, úa tàn, khắc khổ hằn rõ từng đường nét trên gương mặt, thân thể, hơi thở mùa đông…
Hỡi ơi, chớ đi tìm dáng nét mùa đông trên những tờ lịch cuối cùng của một năm. Ta đang lọt thỏm giữa bốn bề mùa đông. Thi thoảng đã có nắng hanh. Hai bên bờ sông Vách Bắc đoạn chảy qua làng tôi, vồng cải đã rung rinh những nụ hoa vàng tươi dưới nắng. Mùa đông đang trở giấc, vặn mình, cựa quậy.
Ai cũng muốn cho mùa xuân chóng đến. Đất trời ấm áp, trong trẻo ra; mùa xuân khoác cho loài cây những bộ áo màu xanh mới; mùa xuân thức dậy bao loài hoa khoe sắc, tỏa hương; mùa xuân gọi ong, bướm, chim chóc rộn rã bay về…
Phải vậy, ai cũng muốn mùa đông chóng qua?
Nhưng…
Mấy ai biết được, mùa đông đã chịu đựng đau đớn thế nào để thầm lặng, chắt chiu, để phôi thai trong lớp vỏ sù sì những mầm, những nụ, những hương cho cây cối, muôn loài?
NGUYỄN VIỆT HÒA
–––––––––––––––––––
BÔNG
TRÀM CHUYÊN ĐỀ 21
>>
Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh bên dưới để vào mục lục <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét