Hà Quảng tên thật là Đoàn
Văn Khánh quê ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, hội viên Hội
VHNT Quảng Ngãi, giáo viên Trường Trung học phổ thông số 2 Mộ Đức, hiện đang thường
trú ở xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Anh vừa trình làng tập thơ
thứ tư "Hồn quê" do Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 8 năm 2017.
Tập thơ có 61 bài với hơn
100 trang là nỗi niềm của anh
về tình đất, tình người.
Tình yêu ấy được thể hiện ngay từ việc lựa chọn nhan đề của tập thơ: "Hồn
quê". "Hồn quê" cũng là tên của một bài thơ trong số những bài
thơ hay của cả tập. Bài thơ mộc mạc chân thành nhưng mang ý nghĩa sâu nặng, nó như cánh cửa mở vào cõi tâm hồn
trĩu nặng tình yêu thương của anh đối với quê hương, đất nước và con người: "Chiều cuối năm tôi về thăm nhà cũ/ Xào xạc bên
hiên cây chuối trổ buồng/ Mấy luống rau sau nhà vươn cành lá/ Giọt nắng chiều
thong thả lại dần buông" (Hồn quê). Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác và
nhân hóa cùng với cách chọn lựa thời gian
đã gieo vào lòng người đọc bao nỗi niềm thương nhớ. Thời gian buổi chiều đã
được Hà Quảng cảm thức, trở thành nỗi ám ảnh miên man, thẳm sâu tâm hồn anh mà
hình thành nên tứ thơ: "Chiều
cuối năm sao bâng khuâng đến lạ/ Lòng miên man thao thiết nhớ vọng về/ Tuổi thơ
tôi là một mảnh hồn quê/ Nên thương nhớ dâng tràn lên khóe mắt." (Hồn quê). Cái hay của bài thơ là hình ảnh đẹp, thơ mộng, gợi cảm
khiến người đọc phải suy ngẫm về cội nguồn của mình.
Đọc kỹ tập thơ "Hồn
quê" ta càng nhận ra tình yêu quê hương của anh thật sâu sắc đã làm nên
hồn thơ rất Hà Quảng: "Em có về với đất
Quảng quê ta?/ Cánh đồng lúa mơn man đang thì con gái/ Núi Thiên Ấn muôn người
đi trẩy hội/ Trời đất giao mùa mẹ mong đợi chờ em!" (Em có về Quảng Ngãi?). Tình yêu quê hương đất nước được Hà Quảng bộc lộ bằng
niềm tự hào về những địa danh quen thuộc như Lý Sơn, Mộ Đức, Minh Long... "Đỉnh Thới Lới muôn đời vẫn vậy/ Vẫn uy
nghi sừng sững giữa biển Đông/ Vẫn ung dung như người dân đất đảo/ Giong thuyền
ra khơi giữ biển yêu thương." (Bến xưa).
Những hình ảnh
quen thuộc trong đời sống của làng quê đã đi vào tâm thức của Hà Quảng trở
thành nỗi nhớ khi xa quê. Chúng lặp đi lặp lại trở thành hình tượng nghệ thuật
biểu trưng cho quê hương khi anh nhớ về. Đọc một số bài thơ như "Em có về Quảng Ngãi?",
"Quảng Ngãi vào xuân", "Mùa xuân trên đất Quảng quê mình", "Em
có về Mộ Đức?", "Em có về Đức Nhuận?"... ta sẽ thấy rõ điều đó.
Tình yêu quê hương của Hà Quảng
trong "Hồn quê" thường gắn liền với tình yêu đôi lứa. Tình yêu ấy rất
sâu đậm, rất nhân văn. "Em có về Mộ
Đức yêu thương?/ Nơi anh sống những ngày đầy mong ước/ Tình yêu em làm sao anh
nói được/ Cánh cò bay chấp chới giấc mơ xanh." (Em có về Mộ Đức?) hay:
"Anh là người không thích phân bua/ Không
so bì thiệt hơn nhiều điều trong cuộc sống/ Nhưng anh có em như tình yêu dài
rộng/ Sông Đà Rằng xanh trong giấc mơ tình" (Tuy Hòa trong anh).
Tình yêu của Hà Quảng là tình
yêu đơn phương mang niềm tiếc nuối: "Hoa
cải vàng sương bên kia lãng đãng/ Em có chồng anh nhớ tháng ba xưa!"
(Tháng ba vàng nỗi nhớ). Nhưng anh vẫn hy vọng "Tình yêu luôn mới mẻ/ Thắp sáng cả niềm tin/ Dẫu đá cũng hao mòn/ Tình
yêu luôn tồn tại/ Tình yêu em mãi mãi/ Dâng hương hoa cuộc đời." (Giữa
đôi bờ hư thực).
Trong "Hồn quê" bên
cạnh tình yêu lứa đôi còn có tình cảm thầy trò sâu nặng. Hình ảnh đẹp về người
thầy được thể hiện trong các bài như: "Thầy giáo già", "Khúc
chậm trước khi về hưu", "Cõng chữ lên non", "Về lại trường
xưa"... "Cô giáo vùng cao lòng nao nao vui sướng/ Cõng chữ lên non
cho những học trò" (Cõng chữ lên non).
Nói tóm lại "Hồn quê"
là tập thơ hay của Hà Quảng viết tình yêu quê hương, đất nước, con người. Chúng
ta cùng đón nhận và sẻ chia nỗi niềm của anh trong tập thơ này.
Phạm Văn Hoanh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét